Vatican-Việt Nam:
Quan hệ tiến triển nhưng còn vấn đề gì?
TS Đoàn Xuân Lộc
Gửi
bài tới Diễn đàn BBC từ Birmingham, Anh Quốc
22 tháng 1 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckkvw1gq5l4o
Hôm
18/01/2024, một phái đoàn của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam, do Trưởng Ban Đối
ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung dẫn đầu, đã tới thăm Vatican.
Ông Lê Hoài Trung đã được Đức Giáo hoàng Francis, Đức Hồng y Pietro
Parolin, Quốc Vụ khanh Toà Thánh, và Đức Tổng Giám mục (TGM) Paul Gallagher,
Ngoại trưởng Toà Thánh, đón tiếp.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9543/live/96e52a00-b905-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg
Một trong nhiều đoàn giáo dân từ Việt Nam sang Thái
Lan để chào đón Đức Giáo hoàng Francis hôm 20/11/2019. Cho đến nay, chưa có
một vị giáo hoàng nào của Công giáo La Mã chính thức tới thăm CHXHCN
Việt Nam.
Chuyến đi này cùng với những thoả thuận đạt được và các thông tin bên lề
chuyến thăm chứng tỏ quan hệ Vatican-Việt Nam đang có nhiều bước tiến tốt đẹp.
Nhưng ít nhiều chúng cũng cho thấy vẫn còn có nhiều việc cần phải làm để mối
quan hệ được phát triển thiết thực, sâu rộng hơn trong những năm tới.
Những tín hiệu tích cực
Trên lý thuyết, Toà Thánh và thể chế do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm
soát khác nhau về nhiều điểm, đặc biệt là ý thức hệ. Một bên là hữu thần, luôn
đặt đời sống tinh thần, tâm linh làm trung tâm điểm cho mọi suy nghĩ, hành động
của mình. Còn bên kia là vô thần, không mấy coi trọng các yếu tố tôn giáo, tâm
linh trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.
Nhưng, trong một Lá thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam vào cuối tháng 9
năm 2023, Đức Giáo hoàng (ĐG) Francis nhấn mạnh Vatican và Hà Nội “đã có thể đồng
hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và
kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất
để phục vụ thiện ích của Dân tộc Việt Nam và Giáo hội”.
Trong hai, ba thập kỷ qua, đặc biệt dưới thời Đức Francis, Toà Thánh rất
coi trọng đối thoại với Hà Nội. Trên chuyến bay từ Mông Cổ trở về Roma vào đầu
Tháng 9 năm 2023, ngài khen ngợi sự đối thoại rất cởi mở giữa hai bên. Ngài cho
biết sự đối thoại với Việt Nam là “một trong những trải nghiệm rất đẹp mà Giáo
hội đã thực hiện trong những năm gần đây. Hai bên có thiện chí cảm thông, hiểu
biết lẫn nhau và tìm cách tiến tới”.
Đúng vậy, nhờ biết “nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những
khác biệt”, Vatican và Hà Nội đã tìm đến với nhau và cùng nhau tiến tới.
Năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Vatican và được Đức Giáo hoàng
Benedict XVI ngoại lệ và trọng thể tiếp đón.
Sau nhiều sự kiện, dấu hiệu tích cực trong quan hệ Vatican-Việt Nam trong
năm 2023 như việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được bổ nhiệm làm đại diện thường
trú của Đức Giáo hoàng tại Việt Nam- hiện quan hệ song phương đang có đà tiến
triển.
Như đã nêu trên, đầu năm 2024, ĐCS Việt Nam lại gửi một phái đoàn sang
Vatican và được cả Đức Giáo hoàng Francis và hai quan chức cao nhất về ngoại
giao của Toà Thánh đón tiếp.
Điểm mới đáng ghi nhận được Đức TGM Paul Gallagher cho biết là ngài sẽ
sang thăm Việt Nam vào tháng Tư và có thể Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro
Parolin cũng sẽ đến Hà Nội vào cuối năm nay. Từ trước đến giờ, dẫn đầu các đoàn
ngoại giao Toà Thánh đến Hà Nội thường là một Thứ trưởng Ngoại giao.
Nếu hai nhân vật hàng đầu về ngoại giao của Vatican sang Việt Nam trong
năm nay thì rất có thể hai bên sẽ thiết lập ngoại giao và Đức Francis sẽ thăm
Việt Nam không lâu sau đó.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a345/live/53a0c9a0-b907-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg
Đức Giáo hoàng Francis đón các nhà ngoại giao
ĐGH (nay là Thánh) John Paull II, ĐGH Benedict XVI và ĐGH Francis hiện tại
đều mong muốn được đặt chân tới Việt Nam - một quốc gia có người Công giáo đông
thứ năm tại châu Á và là một trong số ít nước có nhiều người Công giáo nhưng
chưa một lần được đón tiếp một vị Giáo hoàng. Người Công giáo Việt Nam cũng đã
từ lâu mong ước được đón Vị Cha chung ngay trên quê hương của mình.
Cũng trên chuyến bay từ Mông Cổ trở về, Đức Francis nói đùa rằng “nếu
ngài không tới Việt Nam được thì chắc chắn Vị Giáo hoàng John XXIV sẽ tới vì Việt
Nam là một đất nước đáng được đến và là đất nước mà tôi luôn có sự đồng cảm”
[Giáo hội Công giáo đã có ĐGH và nay là Thánh John XXIII. John XXIV là tên Đức
Francis tưởng tượng cho người kế nhiệm mình].
Có thể cũng vì biết Đức Francis khao khát được đến Việt Nam, khi sang
thăm Vatican vào tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chính thức mời
ngài tới Việt Nam. Đến Vatican hôm 18/01/2024, phái đoàn của ông Lê Hoài Trung
cũng nhắc lại lời mời ấy của ĐCS và Nhà nước Việt Nam.
Phát biểu bên lề chuyến thăm Vatican của phái đoàn Việt Nam, Đức TGM
Gallagher cũng lặp lại rằng Đức Francis muốn đi Việt Nam và người Công giáo Việt
Nam rất mong mỏi điều đó. Bộ trưởng Ngoại giao Vatican cũng lạc quan cho rằng
“chuyến thăm này sẽ diễn ra”. Tuy vậy, ngài cho biết “cần thực hiện một vài bước
tiếp theo” để chuyến thăm có thể xẩy ra.
Không nêu rõ cụ thể những bước tiếp theo cần phải làm là gì nhưng khi ca
ngợi thành quả kinh tế và sự cởi mở của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, Ngoại
trưởng Toà Thánh nói thêm Vatican đang cố gắng khuyến khích Việt Nam cải thiện
quyền tự do tôn giáo được ghi trong Hiến pháp.
So với bốn nước cộng sản còn lại trên thế giới (Cuba, Lào, Trung Quốc và
Bắc Triều Tiên), Việt Nam có tự do tôn giáo hơn nhiều.
Ngoại trừ một số nơi ở vùng cao, các sinh hoạt thuần tuý tôn giáo ở Việt
Nam giờ khá được tự do, dễ dãi. Các dòng tu, chủng viện được quyền tự do đào tạo
tu sỹ, linh mục. Nhiều giáo xứ được mở các trường, nhà giáo lý.
Công giáo và câu
hỏi về bình đẳng cùng trách nhiệm giáo dục
Nhưng có những tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo, vẫn chưa được
hoàn toàn tự do và được đối xử bình đẳng. Chẳng hạn, vẫn còn các tổ chức
tôn giáo không được tham gia vào nhiều lĩnh vực xã hội quan trọng, như giáo dục,
y tế.
Trong Thư Chung về Giáo dục năm 2007, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam viết, dù
giáo dục đã được “xã hội hoá” và “tư nhân, thậm chí người nước ngoài, có quyền
mở trường tư thục … đối với các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, cánh cửa giáo dục
vẫn còn khép chặt: tôn giáo chỉ có quyền mở trường tư thục cấp mẫu giáo.”
Riêng đối với Giáo hội Công giáo, Thư Chung ấy viết, “Dù vẫn không ngừng
nỗ lực làm tất cả những gì được phép để thể hiện sứ mệnh nhập thế, như mở lớp
tình thương, lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo hoặc khuyết tật, Giáo Hội Công
giáo, với tư cách là tổ chức tôn giáo, đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục
của xã hội Việt Nam và, vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát
viên bất đắc dĩ.”
17 năm sau Thư Chung ấy, Giáo hội “vẫn đứng bên lề”, làm “một quan sát
viên bất đắc dĩ” trong lĩnh vực giáo dục vì, ngoại trừ một Học viện Công giáo
(đến giờ vẫn chỉ được phép dạy thần học, triết học và mục vụ cho linh mục, tu sỹ,
giáo dân) được phép mở năm 2016, Giáo hội vẫn chưa được mở các trường phổ thông
hay đại học.
Trước 1975, ở Nam Việt Nam, ngoài các nhà trẻ, có đến cả ngàn trường Công
giáo đủ mọi cấp (từ tiểu học đến đại học), thuộc đủ loại (từ trường y, trường dạy
nghề đến trường dành cho người khiếm thị khiếm thính, trường miễn phí cho sinh
viên, học sinh nghèo), và tiếp nhận học sinh, sinh viên từ mọi thành phần trong
xã hội, không phân biệt tôn giáo.
Theo một thống kê, trước 1975 ở Miền Nam có đến 145 trường trung học và
1060 trường tiểu học Công giáo. Ngoài ra, còn có những đại học Công giáo, như
Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Đại học Thành Nhân và Đại
học La San ở Sài Gòn.
Dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Vatican vào năm 2009, khi đề
cập tình hình Giáo hội Việt Nam, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng
Giám Mục Sài Gòn lúc đó, cho biết, sau 1975, nhiều cơ sở về giáo dục, tế, nhân
của Giáo hội bị tịch thu (riêng Tổng giáo phận Sài Gòn đã mất gần 400 cơ sở như
vậy) và đến giờ đa số vẫn chưa được trả lại.
Mấy năm gần đây không còn những tranh chấp giữa chính quyền và giáo hội
liên quan đến đất đai hay những cơ sở vật chất đó. Trong các phát biểu công
khai của quan chức hai bên hay thông cáo, thông tin về các cuộc gặp, đối thoại
giữa hai phía cũng không thấy nhắc đến những vấn đề này.
Nhưng chắc chắn, trong các cuộc gặp, Vatican ít nhiều đề cập đến các cơ sở
của Giáo hội trước đây và mong muốn được tham gia nhiều vào lĩnh vực giáo dục,
y tế. Đây là những lĩnh vực được coi là sở trường của Giáo hội và cũng là môi
trường mà Giáo hội luôn được mời gọi dấn thân, phục vụ.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/26fb/live/f8fbfbf0-b906-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg
Trẻ em Hàn Quốc đi học- hình chỉ có tính
minh họa
Đó cũng là lý do tại sao tại các nước tự do, dân chủ, trong đó có nhiều
nước châu Á – như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines – đều có nhiều
trường Công giáo, từ tiểu học đến đại học. Nhiều trường Đại học – như Catholic
University of Korea ở Nam Hàn, Fu Jen Catholic University ở Đài Loan hay De la
Salle University ở Philippines – được xếp hạng cao tại những quốc gia này.
Thái Lan - nước làng giếng của Việt Nam được Đức John Paul II viếng thăm
năm 1984 và Đức Francis năm 2019 - là một quốc gia đa số dân theo Phật giáo.
Dù người Công giáo chỉ là thiếu số (khoảng 400,000 người hay chưa đến 0.6% dân
số), ở Thái Lan có khá nhiều trường học Công giáo từ tiểu học đến đại học, rất
uy tín. Riêng ở Tổng Giáo phận Bangkok, theo một thông tin năm 2008, có đến 300
trường Công giáo với khoảng 400,000 học sinh, sinh viên. Ở Indonesia và
Malaysia, hai quốc gia Đông Nam Á khác và đa phần Hồi giáo, cũng có nhiều trường
Công giáo.
Nếu Đức Tổng Giám mục Gallagher, Đức Hồng y Pietro Parolin và đặc biệt Đức
Giáo hoàng Francis đến Việt Nam và Toà Thánh và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại
giao trong năm nay hay năm tới, chắc chắn đó là những sự kiện quan trọng trong
quan hệ Vatican-Việt Nam.
Nhưng dù rất đáng chú ý, đáng hoan nghênh, tất cả cũng chỉ là bề nổi,
mang tính biểu tượng, thiên về ngoại giao. Tất cả những sự kiện ngoại giao đó
và quan hệ Vatican-Việt Nam nói chung chỉ có ý nghĩa, tác động thiết thực khi
Giáo hội Công giáo (và các tôn giáo nói chung) có tự do hơn và được quyền tham
gia, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực xã hội quan trọng như giáo dục, y tế ở
Việt Nam.
Trên chuyến bay trở từ Mông Cổ trở về vào tháng 9 năm ngoái, Đức Giáo
hoàng Francis cho biết thêm dù còn có những vấn đề trong quan hệ song phương,
ngài tin tưởng những vấn đề đó sẽ được giải quyết.
Với sự lạc quan, tin tưởng như vậy và cùng với nhiều diễn biến tích cực gần
đây, hy vọng quan hệ giữa Toà Thánh và Hà Nội sẽ có nhiều chuyển biến tốt đẹp,
sâu rộng, toàn diện trong thời gian tới.
----------
Bài thể hiện quan điểm riêng của TS Đoàn Xuân
Lộc, một trí thức Công giáo sống ở Anh.
TIN LIÊN QUAN
·
Vatican bổ nhiệm Tổng Giám mục
Zalewski làm đại diện thường trú của Giáo hoàng tại VN
24 tháng 12 năm 2023
·
Câu chuyện Chúa Giê Su ‘sang Phương
Đông tu tập’ được kể lại ra sao?
18 tháng 12 năm 2023
·
Giáo dân Việt Nam bay sang Mông Cổ để
chào đón Giáo hoàng Francis
4 tháng 9 năm 2023
·
Đức Giáo hoàng gửi thông điệp tới
giáo dân TQ
27 tháng 9 năm 2018
·
Những người giúp chữ Quốc ngữ 'làm
nên'
31 tháng 8 năm 2018
·
Nhắc lại cái chết của Tổng thống Ngô
Đình Diệm 02/11/1963
2 tháng 11 năm 2017
No comments:
Post a Comment