VẤN
ĐỀ CỦA GIÁO DỤC và KHOA HỌC XÃ HỘI NHÂN VĂN : CHUYỆN KHÔNG LỚN NHƯNG ĐÁNG BĂN
KHOĂN
Tuy cố gắng đổi mới, nhưng Giáo dục VN quá nhiều bất cập. Chỉ một đề thi
Ngữ Văn chọn học sinh giỏi quốc gia PTTH 2023-2034 đã để lộ ra: Trình độ hạn chế
của những người ra đề! Từ đó lại lộ ra tình trạng dịch thuật khoa học xã hội!
Những dịch giả tên tuổi vẫn có thể dịch sai, trong trường hợp này là sai một
cách tai hại! Vì sao? Vì không có đội ngũ biên tập tỉnh táo để phát hiện cho dịch
giả (ai cũng có thể sai!). Vì thù lao quá bèo bọt, hầu
như ai dịch cũng chỉ để thoả mãn thú vui riêng và mong góp chút gì cho xã hội,
không thiết thực cho đời sống!
*
Đề thi:
“Các kiệt tác lớn là vô tận, mỗi thế hệ hiểu chúng
theo cách của mình; như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi
sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận,
điều đó không có ý nói rằng nó không có ý nghĩa khởi thuỷ, hay chủ ý của tác giả
không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thuỷ ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó,
là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện”.
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy
trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân phát hiện: Đề thi học sinh giỏi Văn năm nay là một đề khá hay. Chỉ có điều, thứ nhất,
đoạn văn dịch của câu 2 chưa được sáng sủa. Đoạn văn trong câu này: “điều đó
không có ý nói rằng nó không có nghĩa khởi thuỷ, hay chủ ý tác giả không phải
là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thuỷ ấy” nên được dịch lại cho rõ là “điều
đó không có ý nói rằng nó không có nghĩa khởi thuỷ, HOẶC RẰNG chủ ý tác giả
không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thuỷ ấy“. Nếu không, có khả năng
nhiều học sinh sẽ hiểu sai câu này. Đây là một lỗi diễn đạt rất phổ biến của
nhiều người viết và dịch. Nó giống như câu (đã viết trong một bài báo): “Tên
ăn cắp bị bắt và đánh như trong phim hành động” (Thực ra là “bị đánh”).
Trong phê bình văn học, kiểu lỗi này đã từng gây ra hiểu lầm từ phía người đọc
và làm nổ ra cuộc cãi vã vô bổ (vụ phê bình về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn
Mặc Tử). Thứ hai, đáng ra trước khi đưa ra đoạn trích, người ra đề cần viết câu
dẫn nhập: “Tranh luận về lý thuyết tiếp nhận văn học, nhà nghiên cứu
Compagnon đã viết: …“. Như thế để học sinh hiểu rõ đoạn văn trích nói
về cái gì.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại phát hiện thêm: ngay câu đầu đã không ổn.
“Các kiệt tác lớn là VÔ TẬN, mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình…”.
Ông băn khoăn: Nói thế có thể hiểu sai: Có vô tận kiệt tác lớn! Trong khi hiểu
đúng thì phải là: “Ý nghĩa các tác phẩm lớn là vô tận…”.
Bản thân tôi, khi đọc, nghĩ ngay đến một chữ có thể là trong nguyên tác
tiếng Pháp nhưng đã bị dịch sai: “Les chef-d’oeuvres sont inépuisables!”
Chữ “inépuisable” tra trên các loại “từ điển” online bị dịch thành “Không bao
giờ cạn, không bao giờ hết, vô tận”. Chữ này, nghĩa chuẩn xác trong các từ điển
Pháp là: “không thể lấy/hút/rút/khai thác… cạn kiệt”.
Hôm nay, ông Nguyễn Văn Dân đã tìm được câu nguyên tác và dịch lại. Đúng
là dịch giả đã dịch nhầm chữ “inepuisable”!
“Nhiều người nói đoạn văn trích của câu 2 trong đề thi học sinh giỏi văn
năm nay nghe trúc trắc, khó hiểu. Tôi đã tìm lại bản gốc tác phẩm “Le démon de
la théorie” (“Quỷ thần lý luận”), nguyên bản tiếng Pháp của Antoine Compagnon,
và thấy đoạn văn đó như sau:
“Les grandes œuvres sont inépuisables; chaque génération les comprend
à sa manière: cela veut dire que les lecteurs y trouvent de quoi éclairer un
aspect de leur expérience. Mais si une œuvre est inépuisable, cela ne veut pas
dire qu’elle n’ait pas de sens originel, ni que l’intention de l’auteur ne soit
pas le critère de ce sens originel. Ce qui est inépuisable, c’est sa
signification, sa pertinence hors de son contexte d’apparition.” (“Sens n’est
pas signification”).
Tôi xin dịch lại cho mọi người cùng tham khảo:
“Các tác phẩm văn học lớn không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa; mỗi thế hệ
người đọc lại hiểu chúng theo cách riêng của mình: điều này muốn nói rằng người
đọc tìm thấy ở chúng cái điều có thể soi sáng cho một phương diện trải nghiệm của
họ. Nhưng nếu như một tác phẩm có khả năng không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa, thì
điều đó cũng không có nghĩa rằng nó không có một nghĩa gốc, cũng như không có
nghĩa rằng chủ ý của tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa gốc này. Cái
không cạn kiệt chính là ý nghĩa của tác phẩm, là tính thích hợp không liên quan
đến bối cảnh xuất hiện của nó.” (“Nghĩa không phải là ý nghĩa”).
.
No comments:
Post a Comment