Wednesday, January 10, 2024

TRUNG QUỐC, NGA và IRAN : NHỮNG MỐI LIÊN HỆ NGÀY CÀNG KHIẾN PHƯƠNG TÂY LO NGẠI (Thùy Dương / RFI)

 



Trung Quốc, Nga và Iran : Những mối liên hệ ngày càng khiến phương Tây lo ngại

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 09/01/2024 - 12:10

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240109-trung-qu%E1%BB%91c-nga-v%C3%A0-iran-nh%E1%BB%AFn...B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-lo-ng%E1%BA%A1i

 

Trung Quốc đang tăng cường mối quan hệ thiếu minh bạch, thậm chí là mờ ám với Nga và Iran. Ba nước này có chung nỗi căm ghét phương Tây ngày càng gia tăng với cuộc chiến của Israel chống Hamas, trong khi cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga vẫn tiếp diễn và những mối đe dọa không ngưng nghỉ của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm nổ ra một cuộc chiến tranh nóng. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/dbc3fc2a-6d9f-11ee-8367-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23291188363871.webp  

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp song phương bên lề Diễn đàn Vành Đai và Con Đường (BRI), tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/10/2023. AP - Sergei Guneyev

 

Dù không nói công khai, nhưng cả Bắc Kinh và Matxcơva đều hy vọng cuộc xung đột đẫm máu ở Gaza làm dấy lên nỗi phẫn nộ của thế giới ngày càng tăng đối với Israel, sẽ gây leo thang căng thẳng trên khắp Trung Đông. Nếu điều đó xảy ra, Iran sử dụng các đối tác được Teheran ủy quyền trong khu vực, kích động Israel mở rộng chiến dịch sang Liban và các quốc gia khác trong khu vực vốn đã trở thành một thùng thuốc súng thực thụ. Và hậu quả là một cuộc chiến tranh khu vực, kèm theo đó Mỹ giảm viện trợ quân sự cho Ukraina và Đài Loan. Chắc chắn là tính từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, tình hình địa chính trị toàn cầu chưa bao giờ khó nắm bắt và nguy hiểm đến thế : Rất ít nhà khoa học chính trị dám mạo hiểm dự đoán diễn biến các sự kiện trong những tuần tới. 

 

Trên đây là những nhận định của chuyên gia Pierre-Antoine Donnet trong bài viết « Trung Quốc, Nga và Iran : Mối quan hệ ngày càng khiến phương Tây lo ngại » trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 16/12/2023. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết. 

 

Cho đến nay, chế độ Trung Quốc vẫn hết sức thận trọng, tránh để lộ các quân bài. Vốn dĩ gắn chặt với Matxcơva từ nhiều năm nay, Bắc Kinh cho đến giờ vẫn chưa từng công khai vượt qua lằn ranh đỏ về cung cấp vũ khí giúp cho quân đội Nga đánh bại Ukraina. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoàn toàn nhận thức được rằng nếu mạo hiểm vượt lằn ranh đỏ đó thì ngay lập tức Trung Quốc sẽ hứng các lệnh trừng phạt ồ ạt từ Hoa Kỳ và nhiều đồng minh của Washington, nhất là hiện giờ là thời điểm tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. 

 

Về phần mình, với sự hài lòng không che giấu, tổng thống Nga Vladimir Putin đang quan sát phương Tây cắt giảm viện trợ cho Ukraina. Cuộc phản công của quân đội Ukraina đã không mang lại kết quả như tổng thống Volodymyr Zelensky kỳ vọng, trong khi mùa đông ập đến nhanh chóng và quân đội Nga có nguồn dự trữ nhân lực vượt xa Ukraina. 

 

Nhìn sang Iran, chế độ Hồi giáo Teheran từ hơn một năm nay đang mắc kẹt trong một phong trào phản kháng chưa từng có của phụ nữ và giới trẻ. Theo nhà nghiên cứu Pierre-Antoine Donnet, chính điều này thúc đẩy Iran cường điệu mọi chuyện ở Trung Đông và kín đáo hy vọng về một cuộc xung đột chung mà Teheran sẽ được hưởng lợi. Nhưng chế độ Teheran cũng nhận thức được mối đe dọa quân sự từ Hoa Kỳ, quốc gia đã triển khai một đội quân lớn trong khu vực và đã cảnh báo Teheran về hậu quả của việc cố tình gây bất ổn trong khu vực. Chính vì lẽ đó mà Iran cho đến nay vẫn kiềm chế không tuyên bố chống Israel và đồng minh Mỹ của Tel Aviv. 

 

 

Hành xử nguy hiểm và gây bất ổn 

 

Lập trường trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như « đóng băng », nhưng những tuần qua đã phát triển theo hướng chế độ tỏ ra cứng rắn hơn hẳn. Do đó, sau đề nghị giảm căng thẳng Trung - Mỹ mà Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tại thượng đỉnh San Francisco hôm 15/11/2023 là sự gia tăng căng thẳng trở lại giữa Trung Quốc và Philippines và nhiều hành động cảnh báo nhắm vào Nhật Bản. 

 

Hạm đội Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu các tàu Philippines ở Biển Đông, ngay sát bờ lãnh thổ Philippines. Bắc Kinh và Manila cáo buộc nhau leo ​​thang nguy hiểm. Thái độ hiếu chiến của Trung Quốc không phải là vô cớ, mà chắc chắn là do thấy Philippines xích lại gần Hoa Kỳ : Manila đã mở ra khả năng để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự, kể cả ở các khu vực gần Đài Loan. 

 

Ray Powell, giám đốc nhóm SeaLight của Đại học Stanford, chuyên phân tích các sự cố hàng hải, được Foreign Policy dẫn lại, nhận định mục tiêu của Bắc Kinh là ngăn cản mọi quốc gia ven Biển Đông noi gương Philippines, rằng Trung Quốc muốn cho thấy họ thực hiện những điều mà Trung Quốc xem là chủ quyền ở Biển Đông và qua đó chứng tỏ Bắc Kinh có quyền quyết định các hoạt động diễn ra ở đó. 

 

Sự thay đổi nói trên diễn ra sau giai đoạn dài « trăng mật » giữa Manila và Bắc Kinh dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte. Việc Ferdinand « Bongbong » Marcos Jr. lên nắm quyền ngày 30/06/2022 đã đánh dấu sự thay đổi 180 độ của Philippines. Rời xa Trung Quốc, Manila giờ đây xoay sang Washington với việc kích hoạt lại hiệp ước hỗ trợ quân sự có từ những năm 1950. 

 

Hôm 11/12/2023, Manila thông báo đã triệu tập và nêu lên khả năng trục xuất đại sứ Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Teresita Daza nói với các phóng viên rằng việc tuyên bố đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) là nhân vật không được hoan nghênh là « điều cần được xem xét nghiêm túc ». Bắc Kinh đáp lại rằng các hoạt động mà hải cảnh Trung Quốc nhắm vào các tàu Philippines là « chuyên nghiệp », « có chừng mực », đồng thời họ « đã có những khiếu nại nghiêm túc » gửi tới Manila về những cuộc đụng độ này. 

 

Theo các video mà tuần duyên Philippines công bố, các tàu Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào các tàu Philippines trong hai đợt tiếp tế khác nhau gần bãi cạn Scarborough và gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas). Một tàu Philippines và một tàu hải cảnh Trung Quốc cũng va chạm hôm 10/12 gần Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Những cuộc đối đầu này là những vụ căng thẳng nhất giữa các tàu Philippines và Trung Quốc tính từ nhiều năm trở lại đây. 

 

 

Cái giá phải trả 

 

Manila và Bắc Kinh có lịch sử tranh chấp hàng hải lâu dài ở Biển Đông, một khu vực chiến lược rộng gần 4 triệu km2, nơi hàng tỷ đô la hàng hóa và nhiều chất đốt được chuyên chở qua mỗi năm. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khẳng định : « Không một nước nào, ngoại trừ Philippines, có quyền hợp pháp hoặc cơ sở pháp lý để hoạt động ở bất kỳ nơi nào ở Biển Tây Philippines » (tức là Biển Đông, theo cách gọi của Philippines). Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 01/12/2023 kêu gọi Trung Quốc « từ bỏ cách hành xử nguy hiểm và gây bất ổn » trên biển, đồng thời tái khẳng định Mỹ sẵn sàng bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công quân sự. 

 

Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, nói với hãng tin Pháp AFP : « Tôi lo ngại rằng chuyện này sẽ còn diễn ra thường xuyên hơn và dai dẳng. Chúng tôi phải tận dụng cơ hội này để củng cố các liên minh và đối tác của mình và chuẩn bị đối phó với điều tồi tệ nhất, bởi vì rõ ràng là [Trung Quốc] sẽ tiếp tục không cho chúng tôi tiếp cận các quyền và tài nguyên của chúng tôi với tư cách là một quốc gia. » 

 

Đối với Tống Trung Bình (Song Zhongping), nhà phân tích và cũng là cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, thì Manila « dám bạo dạn khiêu khích Trung Quốc » là nhờ có sự hỗ trợ của Mỹ, « làm nghiêm trọng thêm căng thẳng ». Ông Tống cảnh báo « nếu Philippines tiếp tục đường lối này và cho rằng có thể khiêu khích Trung Quốc nhờ có sự hỗ trợ của các nước ngoài khu vực (…) thì một cuộc xung đột hoặc tình huống khác có thể nổ ra tại Đá Nhân Tiều (cách Trung Quốc gọi Bãi Cỏ Mây) hoặc đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough) ». 

 

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả vùng biển và đảo gần bờ biển của các nước láng giềng. Đơn giản là Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye hồi tháng 07/2016 bác bỏ yêu sách « không có cơ sở pháp lý » của Bắc Kinh. Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số rạn san hô và đảo nhỏ ở vùng biển này, một số trong đó có thể có trữ lượng dầu lửa dồi dào. 

 

Theo chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, đằng sau những sự cố hàng hải nói trên, thông điệp rõ ràng từ Bắc Kinh rất có thể là Philippines sẽ phải trả giá cho việc xích lại gần với Washington. Chính quyền Trung Quốc đồng thời đang thử thách ý chí của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đồng minh mới. Đây rõ ràng cũng là một lời cảnh báo nhắm đến tất cả các quốc gia khác trong khu vực : việc ngả về phía Mỹ chắc chắn sẽ phải trả giá và Bắc Kinh sẽ quyết định bắt các nước này phải trả giá. 

 

 

Sự từ chối thẳng thắn và rõ ràng 

 

Liên quan đến quan hệ Nga - Trung, chuyên gia Pierre-Antoine Donnet lưu ý là hiện giờ giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ ràng là họ không gây áp lực đối với Nga để buộc Matxcơva chấm dứt cuộc chiến chống Ukraina. Trong chuyến thăm ngày 07/12 của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tới Bắc Kinh, ông Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong), vụ trưởng vụ Châu Âu của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã tỏ thái độ thẳng thắn hiếm có. Trong khi Liên Âu một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực đối với lên Matxcơv thì ông Vương tuyên bố ngắn gọn trước vài nhà báo : « Nga là một quốc gia có chủ quyền và độc lập và [Vladimir Putin] đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của chính mình và an ninh quốc gia ». 

 

Theo ngôn ngữ ngoại giao, những phát biểu nói trên là một sự từ chối rõ ràng và thẳng thắn, cho thấy sự hỗ trợ chính trị mà Trung Quốc dành cho tổng thống Nga Vladimir Putin. Bắc Kinh chưa bao giờ rõ ràng như vậy trước công chúng. Cho đến nay, ngành ngoại giao Trung Quốc vẫn duy trì sự mơ hồ nhất định cho dù chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần thể hiện họ có quan điểm rất gần gũi về tình hình quốc tế. 

 

Sự từ chối nói trên của Bắc Kinh không ngăn cản chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng bà « rất hài lòng » về việc đã đồng ý với chủ tịch Tập rằng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Liên Âu nên « có sự cân bằng ». Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi « cùng nhau đáp lại những thách thức toàn cầu và cùng nhau thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng trên thế giới », những ngôn từ mà ông Tập thường dùng. 

 

Về phần mình, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ nhận thức được về « những hậu quả nghiêm trọng » của sự leo thang ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông. Ông Charles Michel nói trong cuộc họp báo sau khi gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh : « Chúng tôi lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Tôi muốn tin rằng Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng của bất kỳ sự leo thang nào trong khu vực này. » 

 

.

Chuẩn bị đối phó với mọi tình huống 

 

Ví dụ mới nhất về hoạt động quân sự chung của Trung Quốc và Nga tại Đông Á là vào hôm 14/12/2023 : Hai máy bay quân sự Trung Quốc và 4 máy bay quân sự Nga đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không KADIZ của Hàn Quốc ở vùng Biển Nhật Bản, trong khoảng thời gian từ 11 giờ 53 (giờ địa phương) đến 12 giờ 10, nhưng không xâm phạm vào không phận Hàn Quốc, theo tham mưu trưởng liên quân ở Seoul. Đáp lại, Hàn Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu để « chuẩn bị cho mọi tình huống ». 

 

Một số cuộc tập trận không quân chung Nga - Trung trong khu vực đã diễn ra trong những năm gần đây. Nhưng cuộc tập trận gần đây nhất là lời cảnh báo cho cả Hàn Quốc và Nhật Bản ngay sát cạnh và cho thấy sự gần gũi về mặt quân sự giữa Trung Quốc và Nga. 

 

Các phát biểu của Trung Quốc liên quan đến Nhật cũng đã có nhiều thay đổi. Đáp lại, trong những năm qua Tokyo đã tăng cường các mối liên hệ quân sự với Hoa Kỳ và đến năm 2022 đã đưa ra quyết định về một chương trình tái vũ trang quy mô lớn nhằm tăng ngân sách quân sự từ 1% lên thành 2% GDP trong vòng 5 năm, một mức chưa từng có kể từ năm 1945. Trả lời phỏng vấn hãng tin Nhật Kyodo, tướng Hà Lôi (He Lei) của Trung Quốc giải thích rằng mặc dù Bắc Kinh không muốn để xảy ra chiến tranh với Nhật Bản do tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku (còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm ở biển Hoa Đông và được cả hai nước tuyên bố chủ quyền, nhưng Bắc Kinh « không sợ » một cuộc xung đột vũ trang. 

 

Quan chức quân sự Trung Quốc, cựu chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), nói thêm rằng có khả năng Trung Quốc sẽ nhắm mục tiêu vào các đảo này trong trường hợp Bắc Kinh quyết định sử dụng vũ lực để « thống nhất » Đài Loan với Trung Quốc đại lục, theo báo Nhật Japan Times. Đây là lần đầu tiên các tuyên bố cho thấy quyết tâm rõ ràng của Trung Quốc nhằm giành lại quyền kiểm soát các hòn đảo mà Nhật Bản quản lý từ năm 2012. 

 

Lời cảnh báo của viên tướng Trung Quốc không dừng lại ở đó. Theo ông Hà Lôi, Bắc Kinh có ý định « bảo vệ vững chắc lãnh thổ quốc gia, chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình » trong trường hợp Nhật Bản tiếp tục « các hành động khiêu khích ». Tokyo có lẽ không nên đánh giá thấp « ý chí và quyết tâm mạnh mẽ » của quân đội Trung Quốc. 

 

.

Không rơi vào Chiến Tranh Lạnh 

 

Trong số ra ngày 09/12/2023, tạp chí địa chính trị Le Grand Continent (Đại châu lục) nhận xét rằng Chiến Tranh Lạnh đã thay đổi sâu sắc bản chất kể từ những năm 1960, khi có cuộc đọ sức giữa Washington với Matxcơva : « Có một sự khác biệt lớn giữa thế lưỡng cực trong Chiến Tranh Lạnh và cuộc đối đầu theo hai chiều với Trung Quốc và Nga mà Hoa Kỳ và các đồng minh hiện đang tham gia ». Dù các hình thức trong cuộc đối đầu này tương tự nhau (gián điệp, trả thù ngoại giao, tuyên truyền, bắt giữ các nhà báo và doanh nhân, tranh giành tài nguyên ở nước thứ ba, đàn áp các nhà bất đồng chính kiến), nhưng « sự khác biệt quan trọng nhất nằm ở chỗ cuộc đối đầu không phải là giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản như trong Chiến Tranh Lạnh ». 

 

Theo tạp chí địa chính trị Le Grand Continent, sự khác biệt là ở chỗ « nền dân chủ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng » vào thời điểm Trung Quốc và Nga « nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong chính xã hội các nước này. Điểm khác biệt thứ hai là trong Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ đang ở đỉnh cao của cường quốc toàn cầu. Nhưng hiện nay, Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng, ảnh hưởng của họ đã suy giảm và Trung Quốc đang phần nào tranh giành thế bá quyền của Mỹ. Điểm khác biệt thứ ba là thế lưỡng cực đã được thay thế bằng một thế giới bao gồm nhiều chủ thể là các nhà nước, với quyền lực và khả năng khác nhau, nhưng trong đó không bên nào có thể áp đặt hoàn toàn ý muốn của mình đối với các bên khác. » 

 

Hơn nữa, sẽ là sai lầm nếu xem thường Nga. Cho dù đất nước của Vladimir Putin có năng lực kém hơn Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, nhưng « các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến ở Ukraina đã cho thấy là chính phủ nhiều nước đã không lên án cuộc chiến này vì Nga đang bán cho họ năng lượng, kim loại, nông sản và vũ khí, mà Nga là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới »

 

Liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc, tạp chí Đại châu lục nhận định hai cường quốc lớn nhất thế giới « có sự tương xứng đến mức không thể có người thắng […] mà chỉ có kẻ thua. Do đó, dấu hiệu đầu tiên của sự tan băng thực sự sẽ đến khi cả hai nước nhận ra rằng không bên nào có thể thống trị được bên kia ». 

 

.

Khả năng tấn công mạng của Trung Quốc được nâng cao 

 

Một minh họa khác về việc Bắc Kinh vẫn chưa từ bỏ sự hung hãn, theo Washington Post, là quân đội Trung Quốc đang tham gia vào một chương trình lớn nhằm tăng cường khả năng tấn công mạng với mục tiêu làm tê liệt các cơ sở hạ tầng then chốt của Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời các quan chức an ninh Mỹ nói thêm rằng các mục tiêu của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) bao gồm các nguồn năng lượng, nước, thông tin liên lạc và giao thông vận tải. 

 

Để đạt được mục tiêu này, các tin tặc Trung Quốc trực thuộc quân đội đã xâm nhập thành công vào hệ thống máy tính của hàng chục thực thể quan trọng ở Hoa Kỳ trong năm 2023. Những cuộc xâm nhập này là một phần của một dự án lớn nhằm mục đích gây sự hoảng hốt và hỗn loạn trong vùng Thái Bình Dương nếu xảy ra xung đột vũ trang giữa hai siêu cường thế giới liên quan đến vấn đề Đài Loan. 

 

Về mặt địa lý, vẫn theo Washington Post, các mục tiêu mà Trung Quốc ưu tiên nhắm đến là ở Hawaii, nơi đặt hạm đội quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, các cảng của Mỹ ở bờ tây và ít nhất hai đường ống cung cấp dầu lửa và khí đốt : « Rõ ràng là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm tê liệt các cơ sở hạ tầng quan trọng là một cách để nước này tự khẳng định họ có thể làm rối loạn hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột nhằm, hoặc là ngăn cản Hoa Kỳ « có thể triển khai sức mạnh » ở châu Á, hoặc là gây rối loạn trong nội bộ xã hội » Mỹ để Washington bị ảnh hưởng trong việc đưa ra quyết định trong trường hợp nổ ra khủng hoảng. Theo Brandon Wales, tổng giám đốc cục an ninh mạng và an ninh cơ sở hạ tầng (CISA), được báo Mỹ Washington Post trích dẫn : « Đây là sự thay đổi lớn trong các hoạt động mạng của Trung Quốc so với cách nay 7-10 năm, khi đó chủ yếu là hoạt động gián điệp chính trị hoặc kinh tế ». 

 

Dù hầu hết các nhà phân tích phương Tây cho rằng một cuộc chiến tranh nóng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan trong tương lai gần khó có thể xảy ra, nhưng một cuộc thăm dò được thực hiện ở Mỹ cho thấy ngày càng có nhiều người lo lắng về chủ đề này và cho rằng việc tăng cường viện trợ cho Đài Loan là cần thiết. Theo cuộc thăm dò thường niên do Viện Ronald Reagan thực hiện, 51% người Mỹ được hỏi tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, so với tỉ lệ 43% vào năm ngoái và 21% trong cuộc thăm dò đầu tiên kiểu này được thực hiện hồi năm 2018. 73% số người được hỏi lo ngại về khả năng Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. 68%, gồm cả hai phe chính trị bảo thủ và dân chủ đều xem Đài Loan là đồng minh của Hoa Kỳ. 60% tin rằng Mỹ cần tăng cường sự hiện diện ở khu vực Đài Loan như một biện pháp răn đe Bắc Kinh. Cuộc cuộc khảo sát được thực hiện với 2.506 công dân Mỹ trưởng thành và kết quả được công bố ngày 30/11/2023. 

 

Nhà nghiên cứu Pierre-Antoine Donnet kết luận là ngoài bộ ba Trung Quốc - Nga - Iran, cũng cần bổ sung thêm Bắc Triều Tiên. « Nhà nước bất hảo » không che giấu việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga trong chiến tranh Ukraina, việc mà Trung Quốc không thể không biết nhưng cũng không tìm cách ngăn cản.

 

-------------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Trục tên lửa Nga-Triều hay thế đối đầu giữa khối Nga-Trung và phương Tây

 

Tạp chí Đặc biệt

"Tam giác Nga - Trung - Triều" : Ẩn số lớn của năm 2024

 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Iran tìm điểm tựa chống "bế quan tỏa cảng" Mỹ






No comments: