Thursday, January 18, 2024

TRUNG QUỐC HIỆN NAY CHƯA CÓ NHÀ VĂN TẦM CỠ THẾ GIỚI! (Tây Xuyên, Trung Quốc)

 



 

 

Trung Quốc hiện nay chưa có nhà văn tầm cỡ thế giới!

Tây Xuyên (Trung Quốc)

Nguyễn Hải Hoành, biên dịch

18/01/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/01/18/trung-quoc-hien-nay-chua-co-nha-van-tam-co-the-gioi/

 

 

Lời giới thiệu của người dịch: Lâu nay người Trung Quốc bàn cãi nhiều về vấn đề nền văn học lâu đời của họ chưa có tác phẩm nào được xếp vào hàng tác phẩm văn học đỉnh cao thế giới, chưa có nhà văn nào được coi là nhà văn tầm cỡ thế giới. Giải Nobel Văn 2012 trao cho Mạc Ngôn (trong hình) không làm thoả mãn cơn khát giải Nobel của họ và dường như họ đã nhanh chóng quên đi niềm vinh hạnh ấy. Tháng 12/2012, từ Stockholm trở về cho tới nay, Mạc Ngôn chưa được một lãnh đạo cấp cao nào tiếp kiến. Ngược lại ông được “đón tiếp” ngay bằng cuốn “Phê phán Mạc Ngôn” của hai giáo sư tiến sĩ văn học Lý Bân và Trình Quế Đình xuất bản tháng 4/2013, gồm bài viết của hơn 40 nhà phê bình văn học vạch ra 9 khuyết điểm lớn của Mạc Ngôn. Tiếp đó mạng xã hội có nhiều bài phê phán tác phẩm của Mạc Ngôn bôi xấu Trung Quốc, hợp với ý đồ của phương Tây… Tình hình nói trên cho thấy sự phức tạp, bế tắc, bi quan trên văn đàn Trung Quốc. Bài dưới đây của nhà thơ Tây Xuyên dưới tiêu đề “Trung Quốc hiện nay chưa có nhà văn tầm cỡ thế giới! Tất cả chỉ là những trò vui chơi bịp bợm” là một ví dụ.

 

                                                           *

 

Ngay cả khi [Trung Quốc] có vài nhà văn lần lượt giành được giải thưởng lớn văn học quốc tế và cũng có vài nhà văn đã trở thành “con cưng” của giới xuất bản nước ngoài, thì vị thế nằm bên rìa nền văn học thế giới của văn học đương đại Trung Quốc vẫn là một thực tế không thể chối cãi. Từng có một nhà văn nước ngoài nói đùa với tôi (thực ra là giễu cợt văn học đương đại Trung Quốc): “Hãy xem kìa, nhà văn Trung Quốc là những cây bút giỏi nhất toàn cầu, vì các bạn đã giành được hơn một nửa giải thưởng văn học quan trọng của thế giới!”. Khi nghe câu nói ấy, tôi chỉ có thể cười he he.

 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tổ chức một số cái gọi là liên hoan văn học quốc tế, liên hoan thơ quốc tế và trung tâm sáng tác quốc tế, thế nhưng một số nhà văn nước ngoài được mời đến lại là người sống ở Hồng Kông, Macao, và một số thực ra chủ yếu là các nhà Hán học. Cũng có những nhà văn nước ngoài thực sự giỏi, nhưng sau khi họ được mời đến rồi thì các phương tiện truyền thông, các viện, trường và cơ quan nghiên cứu khoa học của chúng ta đã không khai thác suy nghĩ của họ. Họ được thu xếp đi tham quan du lịch như để tô điểm cho các hoạt động “giao lưu quốc tế” của chúng ta.

 

Tình hình hiện nay là chúng ta có rất ít nhà văn được mời tham gia các hoạt động giao lưu văn học thực sự đỉnh cao của nước ngoài, và các đợt liên hoan văn học trong nước của chúng ta vẫn chưa thể tạo ra khả năng va chạm trí não và gặp gỡ trái tim giữa các nhà văn Trung Quốc với nhà văn nước ngoài. Từ việc mời khách, việc xây dựng chủ đề trò chuyện, cho đến việc thu xếp các hoạt động, bố trí địa điểm tổ chức sự kiện, liên hoan văn học cần hướng đến việc thúc đẩy tạo ra nhiều giao lưu, đối thoại có hiệu quả. Nhân tiện xin nói thêm, tốt hơn hết, các nhà tổ chức hoạt động văn hóa, văn học và các quan chức văn hóa của chúng ta chớ nên có những cách hành xử phản tác dụng gây hại cho các hoạt động giao lưu văn hóa và văn học quốc tế. Nên nói ít làm nhiều.

 

Những kẻ quê mùa không làm được việc giao lưu quốc tế đâu. Trong các hoạt động chính thức chớ có sử dụng những bản dịch của phần mềm dịch máy. Nhân thể nói thêm, các loại trung tâm viết văn quốc tế hoặc dự án viết văn quốc tế được thành lập gần đây phải cân nhắc xem nên dùng ngôn ngữ làm việc nào khi các nhà văn Trung Quốc và nước ngoài sinh hoạt cùng nhau. Xin bổ sung, các dự án viết quốc tế của trường đại học nước ngoài thường hay tổ chức hội thảo về các vấn đề chính trị, xã hội và các vấn đề dịch thuật, không chỉ thảo luận về văn học mà còn tổ chức các buổi đọc thơ đọc truyện.

 

Có một lớp giấy cần phải chọc thủng: Những nhà văn, nhà thơ nước ngoài không thuộc đẳng cấp cao, cho dù họ mang những cái tên John, tên James, David hay Michael, họ cũng đều biết tiền bạc và cũng biết quyền lực, và biết phải bám lấy ai khi đến Trung Quốc, và sau khi về nước nên tâng bốc ai, tạ ơn ai. Đấy là nội dung của xã hội học văn học, nó khác với việc xây dựng văn học chân chính. Trung Quốc có nhà văn và nhà thơ lớn tầm cỡ thế giới hay không, thì việc chúng ta đóng cửa nói với nhau cũng chẳng là cái quái gì, những vị John và James không rõ lai lịch kia có nói gì thì cũng không đáng quan tâm. Chỉ có sự đồng thuận giữa các khối óc lớn, tâm hồn lớn của Trung Quốc và nước ngoài mới là thứ quan trọng.

 

Vài năm gần đây có mấy vị đoạt giải Nobel văn học, gồm Llosa, Soyinka, Coetzee, Naipaul, v.v., được mời đến thăm Trung Quốc (dường như nhờ thế mà đồng bào ta biết tới giải Nobel). Có điều Coetzee được mời, nhưng không mời văn học Nam Phi. Llosa được mời, nhưng không mời văn học Tây Ban Nha. Các vị đại văn hào ấy nói về bản thân. Họ chẳng thèm nói về đồng nghiệp của mình. —— Nói về họ thì cũng được, nhưng các vị giáo sư, nhà văn, nhà thơ Trung Quốc lại chưa sẵn sàng trò chuyện thực sự sâu sắc với họ, Trung Quốc thiếu những bộ óc tầm cỡ quốc tế.

 

Các học giả Trung Quốc đã không tiếc công sức để bày tỏ sự ngưỡng mộ tới mức độ lố bịch đối với nền văn hóa lớn mạnh của phương Tây. Nhưng họ lại ít hiểu biết về văn học Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, thế giới Ả Rập, Ukraine, Gruzia (tôi chỉ nêu ra vài ví dụ). Đầu óc chúng ta quen dùng tiền bạc và quyền lực để đánh giá các nền văn hoá; trong những cái đầu ấy chưa thể hình thành một “bản đồ thế giới” thực sự nào. Về điểm này, có lẽ sự khác biệt giữa chúng ta với những đầu óc thời cuối triều đại nhà Thanh không lớn như chúng ta nghĩ.

 

Ta thường nói Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa hiện đại phương Tây, tác phẩm văn học nước ngoài bày trong các hiệu sách cũng không thể nói là ít, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự bước vào hiện trường văn học nước ngoài. Những gì được giảng dạy trong các trường đại học là văn học nước ngoài trước thời kỳ đầu thế kỷ 20, và có lẽ chúng ta cũng dành nhiều sự quan tâm đến những nhà văn cổ điển và nhà văn lớn công thành danh toại, và không coi trọng lắm những nhà văn đang ở vào thời kỳ sáng tác sôi nổi và đang tích lũy danh tiếng. Trong giao lưu văn học, trước hết phải hiểu hoàn cảnh văn học của đối phương. Trong tình hình hiện tại, các nhà tổ chức giao lưu văn hóa, nhà xuất bản của chúng ta còn hiểu biết rất ít về tình hình thực tế sáng tác văn học phong phú, văn học lập thể của người ta .

 

Khi nhà văn nước ngoài đến nước ta, họ thường được hỏi đã đọc qua tác phẩm nào của nhà văn Trung Quốc. Người ta thường cáo lỗi nói rằng họ chưa làm quen với văn học Trung Quốc hoặc miễn cưỡng nhắc đến một hai cái tên tác phẩm nào đó. Nhưng ở nước ngoài — ví dụ ở Mỹ —phần lớn các tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại ở một số thị trường là “văn học tố khổ”. Mà văn học kể khổ là một sản phẩm của ý thức Chiến tranh Lạnh, nó được chống lưng bởi lương tâm quốc tế. Sự tỉnh ngộ của người Đức đối với bọn Đức Quốc xã trong Thế chiến II và sự tái suy ngẫm của người Đông Âu đối với chế độ chuyên quyền của Stalin đã tạo thành định hướng chính trị của giới trí thức quốc tế đương đại.

 

Trong những năm gần đây, chính phủ và các cơ quan xuất bản ở ta đã thực hiện nhiều dự án “Đi ra ngoài”, phiên dịch và xuất bản một số lượng lớn tác phẩm Trung Quốc. Nhưng chỉ một mực chú ý đẩy các nhà văn nổi tiếng trong nước ra quốc tế, mà chẳng quan tâm đến việc quốc gia sở hữu ngôn ngữ mục tiêu ấy có những nhà văn nào được hoan nghênh, đã hình thành sở thích đọc sách như thế nào, độc giả quan tâm đến vấn đề gì, có những trào lưu tư tưởng nào, và logic của lịch sử văn hóa của họ ra sao… như thế thì cuốn sách mà bạn đã dày công phiên dịch và xuất bản sẽ có thể có ít người đọc. Tại quầy sách ế đặt bên ngoài một hiệu sách lớn ở Berlin, tôi thấy có bày bán bản dịch tiếng Đức của các nhà văn Trung Quốc nổi tiếng (hơn nữa còn do các nhà xuất bản Đức xuất bản); giá bán chỉ một Euro một cuốn mà chẳng thấy ai mua.

 

Giao lưu văn học là một công việc chuyên nghiệp. Sự thiếu tính chuyên nghiệp đã làm giảm đáng kể hiệu ứng giao lưu văn học nước ngoài của chúng ta, và rất khó để bước vào hiện trường văn học của đối phương. Vấn đề này không chỉ thể hiện ở việc quảng bá văn học Trung Quốc đương đại, mà trong việc quảng bá và truyền bá văn hóa cổ đại cũng thế. Ví dụ, chúng ta coi Lão Tử và Khổng Tử là báu vật của văn hoá Trung Quốc, và nghĩ rằng nên dịch những tác phẩm kinh điển này ra tiếng nước ngoài. Thế nhưng chỉ riêng trong thế giới nói tiếng Anh đã tồn tại hàng trăm bản dịch “Lão Tử” rồi, bạn có tăng thêm một bản “Lão Tử” do người Trung Quốc dịch bằng tiếng Anh sách giáo khoa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

 

Ở nước ngoài hiện nay đã có nhiều tổ chức giao lưu văn hóa Trung Quốc, chẳng hạn như Viện Khổng Tử, Trung tâm Văn hóa Trung Quốc, nhưng việc giao lưu vẫn còn có thể thực hiện chuyên nghiệp hơn. Ví dụ, ngoài việc lưu trữ sách giáo khoa Hán ngữ và sách phổ biến văn hóa ra, thư viện của Viện Khổng Tử nên được tổ chức thành nơi trưng bày văn hóa và văn học Trung Quốc quy mô nhỏ, nên mua sắm các tác phẩm văn học Trung Quốc do địa phương đó phiên dịch, xuất bản. Như vậy sẽ giúp người dân bản địa quan tâm Trung Quốc có thể dễ dàng tìm thấy nơi tìm hiểu Trung Quốc.

 

Khi các nhà văn Trung Quốc ra nước ngoài, đôi khi họ tổ chức một buổi thuyết trình tại Viện Khổng Tử, nhưng phần lớn thính giả lại là người Trung Quốc, không mời được các nhà văn bản địa có thể đối thoại, điều này chẳng khác gì tổ chức một hoạt động văn học ở Trung Quốc. Lẽ ra các tổ chức văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài có thể hiểu được hiện trạng văn học địa phương một cách kịp thời và chính xác, có thể tích cực chủ động liên hệ với giới văn hóa và giới trí thức địa phương, đồng thời với việc cung cấp về Trung Quốc những thông tin văn học mới nhất, còn có thể xây dựng một kênh trao đổi đi lại với nhau cho các nhà văn Trung Quốc và nước ngoài. Thế nhưng họ chưa làm được điều đó.

 

Tại Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Madrid, Tây Ban Nha, tôi được xem cuộc triển lãm tranh hoa và chim “mua thêm son hồng vẽ hoa mẫu đơn” của một họa sĩ hạng nhất quốc gia. Các phòng trưng bày nghệ thuật lớn ở Madrid bày đầy những tác phẩm của Greco, Velázquez, Goya, Picasso và Dali. Nếu bạn định đến Tây Ban Nha làm một cuộc trưng bày mỹ thuật thì bạn không được coi nhẹ kiến thức và gu thẩm mỹ nghệ thuật của người Tây Ban Nha. Các hoạt động trao đổi văn học và văn hóa cũng vậy. Về điểm này, lại phải chọc thủng một lớp giấy nữa: Bất kỳ ai đã đi triển lãm ở nước ngoài, tổ chức các buổi hòa nhạc, hoặc giành được những cái gọi là giải thưởng quốc tế, chúng ta đều phải hỏi: Bạn có tự bỏ tiền ra không? Địa điểm trưng bày của bạn có phải do người Trung Quốc ở nước ngoài tổ chức hay không? Giải thưởng của bạn có phải do người Trung Quốc ở nước ngoài thiết lập hay không? —— nên nhớ rằng giày da do người Ôn Châu sản xuất ở Ý còn được gọi là “Made in Italy” nữa là!

 

Trung Quốc không có cộng đồng trí thức hải ngoại. Người Israel, người Ba Lan và thậm chí cả người Mexico đều có cộng đồng trí thức của riêng họ rải rác khắp thế giới, nhưng Trung Quốc thì không có. Đã bao giờ Khu phố Tàu và Phố Tàu ở các nước từng tổ chức những buổi đọc tác phẩm văn học? Hàng năm vào dịp Tết âm lịch, người Hoa ở Khu Phố Tàu đều múa sư tử, bán thuốc y học cổ truyền Trung Quốc, diễn kịch, nghe tương thanh, tung hô tán thưởng các diễn viên và ca sĩ nổi tiếng trong Gala Lễ hội Mùa xuân của Truyền hình Trung ương Trung Quốc – những chuyện ấy họ làm rất thành thạo. Nhưng tất cả đều chỉ là trò vui chơi mà thôi! Tôi ghét cay ghét đắng những chuyến đi du lịch nước ngoài bằng tiền nhà nước của các quan chức, tôi cũng căm ghét những chuyến dùng tiền công quỹ đi nước ngoài tổ chức biểu diễn trò vui chơi của những người gọi là nghệ sĩ. Cái trò chơi, trò chơi, trò chơi ấy chơi đến chết vẫn chưa xong, chưa hết. Trang Tử cũng ghét, Mạnh Tử cũng ghét, Khuất Nguyên cũng ghét, Tuân Tử cũng ghét, Hàn Phi Tử cũng ghét.

 

------------------

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 西川:中国当代没有世界级作家!全是骗人的杂耍, 2023-03-30.






No comments: