Friday, January 26, 2024

TẢN MẠN CUỐI NĂM QUÝ MÃO (Nguyễn Vũ Bình / Blog RFA)

 



Tản mạn cuối năm Quý Mão

Nguyễn Vũ Bình  

Thứ Tư, 01/24/2024 - 11:54 — nguyenvubinh

https://www.rfavietnam.com/node/7919

 

 Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là chúng ta chia tay năm Quý Mão, một năm không có nhiều biến động lớn, nhưng lại là năm thể hiện rõ nhất trạng thái xã hội giai đoạn ruỗng nát nhất của chế độ. Có thể nói, xã hội Việt Nam đang ở trạng thái hỗn loạnrã đám và bế tắc. Rất nhiều người cảm nhận được trạng thái này, dù có nói ra hoặc im lặng.

 

     Sự hỗn loạn trước hết đến từ mong muốn kiểm soát người dân, kiểm soát nền kinh tế của chế độ toàn trị cộng sản. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, với việc khôi phục đầy đủ và hoàn toàn cấu trúc toàn trị, với đầy đủ các cơ quan, ban ngành, ban bệ ở các cấp cũng là lúc mà luật pháp, chính sách, quy định bủa vây người dân trong tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Theo quán tính của việc bôi trơn, đút lót, hối lộ giai đoạn trước có thể nền kinh tế vẫn còn vận hành trôi chảy. Nhưng công cuộc chống tham nhũng và xử lý hàng loạt vụ việc, quan chức kéo dài gần chục năm khiến cho nền kinh tế bị tắc nghẽn, đứt gãy. Điều nguy hiểm nhất, là luật pháp và chính sách thiếu thực tế, được tạo ra với mục đích đánh đố người dân, để người dân và doanh nghiệp phải phụ thuộc vào các cơ quan quản lý, các cơ quan cấp phép đã không được thay đổi (và thay đổi đồng bộ) trong khi việc bôi trơn, đút lót hối lộ gặp khó khăn vì quan chức sợ vào lò, công chức chán nản không làm hết trách nhiệm… chúng ta đã chứng kiến các vụ việc của ngành xăng dầu, của ngành y tế trong việc mua sắm, đầu tư trang thiết, của ngành kinh doanh Karaoke... sự hỗn loạn đầu tiên là từ nền kinh tế.

 

     Sự hỗn loạn đến từ một nguyên nhân quan trọng nữa, công cuộc chống tham nhũng, “đốt lò” của ông Tổng Bí thư và của đảng. Đó là việc chống tham nhũng không xem xét, đoái hoài đến nguyên nhân nảy sinh tham nhũng, đến cơ chế hiện hành. Nếu xem xét tới nguyên nhân thực sự nảy sinh tham nhũng, nguyên nhân mà động vào đâu cũng thấy tham nhũng, tham nhũng thành quốc nạn thì việc chống tham nhũng trước hết phải là việc thay đổi cơ chế đã và đang nảy sinh tham nhũng. Vì tham nhũng là phổ biến và là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng nên toàn bộ hệ thống đã vô cùng hoang mang, lo sợ. Người ta không biết khi nào thì tới lượt mình, và càng sợ hơn nữa khi cơ chế này vẫn còn nguyên và không biết công cuộc đốt lò đến bao giờ mới ngừng lại.

 

     Sự hỗn loạn còn đến từ các ứng xử không gương mẫu của những người có trách nhiệm cao nhất. Khi người đứng đầu đảng coi thường điều lệ đảng, để tái cử chức Tổng Bí thư lần thứ ba. Khi người đứng đầu có những phát biểu hoàn toàn cảm tính “cảm thấy không xứng đáng thì đừng ngồi ghế đó nữa”, “chót nhúng chàm thì từ bỏ chức vụ đi”… hay ứng xử của tòa án trong các vụ xử án tham nhũng, như khắc phục hậu quả (nộp lại tiền) thì giảm án, tham nhũng không vụ lợi thì được xem xét… đã tham nhũng mà lại không vụ lợi?!? không thể hiểu nổi.

 

     Từ sự hoang mang, lo sợ và sự hỗn loạn nói chung, tất cả đều đưa tới cảm giác rã đám (mệt mỏi, uể oải, bỏ cuộc, mỗi người một kiểu…) của toàn bộ hệ thống. Không rã đám sao được khi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và địa phương, các quan chức cao cấp lần lượt nối đuôi nhau vào tù. Không rã đám sao được, khi thứ trưởng, bộ trưởng ngành nghề mình, thủ trưởng, thủ phó đơn vị mình đều ra trước vành móng ngựa. Không rã đám sao được, khi bí thư tỉnh mình, chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc sở tỉnh mình đều vướng vòng lao lý… và trong năm Quý Mão này, tất cả đều đã chứng kiến Chủ tịch nước mất chức vì tham nhũng, hai phó thủ tướng bay ghế cũng vì tham nhũng… một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa cho sự rã đám, họ không thấy chút cơ sở nào cho sự thay đổi tình trạng hiện nay, đó là một sự bế toắc toàn diện.

 

     Sự bế tắc bao trùm xã hội do nó xuất phát từ đường lối của đảng, con đường mà nhà nước cộng sản đang đưa người dân đi. Tất cả các khuyết tật của chủ nghĩa xã hội, với cấu trúc toàn trị của nhà nước đã thất bại trong lịch sử, dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu. Việc sử dụng kinh tế thị trường, nhưng lại định hướng xã hội chủ nghĩa, thực chất vẫn là kiểm soát con người và nền kinh tế thị trường bằng cấu trúc toàn trị là nguyên nhân cho tất cả những đổ vỡ và ruỗng nát hiện nay ở Việt Nam. Vấn đề là, đảng cộng sản đã không nhìn vào nguyên nhân cốt lõi này, thậm chí còn bắt bỏ tù những người chỉ ra nguyên nhân này. Khi nguyên nhân cốt lõi không được nhìn nhận, không được mổ xẻ và không được giải quyết thì tất cả các giải pháp đều là tạm thời, đều là vá víu và cuối cùng là vô hiệu. Nguyên nhân của sự bế tắc này có lẽ những kẻ ngu nhất trong hệ thống cầm quyền cũng đã nhận ra, nhưng vẫn không được đề cập và giải quyết. Vậy là tất cả đều sẽ đi theo quy luật, cùng tắc biến, sự sụp đổ của các chế độ toàn trị cộng sản là hoàn toàn không tránh được./.

 

Hà Nội, ngày 24/01/2024

N.V.B

 

.

nguyenvubinh's blog






No comments: