Tấn
công cường quốc hạt nhân Pakistan, Iran muốn phô trương sức mạnh quân sự
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 19/01/2024 - 14:09
Iran đã mượn tay Hamas gián tiếp khai
mào xung đột ở Gaza, qua trung gian Hezbollah ở Liban khuynh đảo thêm Israel,
châm thêm củi lửa cho phe Houthi ở Yemen làm tê liệt giao thương quốc tế ở khu
vực Hồng Hải, kích động lực lượng dân quân Irak đẩy liên quân do Mỹ đứng đầu ra
khỏi quốc gia ngay sát cạnh.
Một tên lửa được phóng lên trong một cuộc tập trận tại
miền nam Iran. Ảnh được cung cấp ngày 19/01/2024. via REUTERS - WANA NEWS
AGENCY
Teheran trong tuần này dường như muốn mở thêm mặt trận mới, dùng tên lửa
để gây sự với Pakistan, quốc gia Hồi Giáo duy nhất có vũ khí hạt nhân. Cộng Hòa
Hồi Giáo Iran theo đuổi những mục đích gì và có đang lao vào một « trò
chơi » nguy hiểm?
Căng thẳng giữa Iran và Pakistan chung quanh đường biên giới, kéo
dài từ hơn 20 năm qua, đã đột ngột lại bùng lên hôm Thứ Ba 16/01, khi
Teheran dùng tên lửa đạn đạo oanh kích vùng Sistan Balouchistan thuộc
Pakistan. Iran viện cớ đây là sào huyệt của quân « khủng bố » Hồi
Giáo theo hệ phái Sunni giống như Pakistan. Gây hấn với nước láng giềng sát cạnh,
Teheran biết chắc là Islamabad sẽ phản công. Hôm qua, 18/01, tên lửa
của Pakistan đã nhắm vào lãnh thổ của Iran.
Trước mắt, giao tranh giữa hai quốc gia Hồi Giáo thù nghịch với nhau
này dừng lại ở đó. Ngoại trưởng hai nước đều khẳng định « không nhắm vào
quốc gia anh em » ở bên kia biên giới, mà chỉ tấn công vào các
« tổ chức khủng bố » và thậm chí là hành xử vì « an ninh
chung » của đôi bên.
Trong hai đợt tấn công qua lại, thiệt hại nhân mạng hiện rất hạn chế : 11
người tử vong cho cả hai phía. Giới quân sự ghi nhận : Dường như cả
Teheran và Islamabad cùng muốn chứng minh căng thẳng vẫn được « khoanh
vùng » ở khu vực biên giới và những đợt oanh kích 3 ngày qua có mức độ
« chính xác cao », chứng tỏ ngành tình báo của cả Iran lẫn
Pakistan cũng « rất lợi hại » và « hiệu quả ».
Nhưng thực tế là chưa bao giờ giao tranh xảy ra giữa hai nước Hồi Giáo
này, ngoại trừ hồi năm 2017 khi quân đội Pakistan bắn hạ một chiếc drone của
Iran « bay lạc vào không phận Pakistan ».
Iran theo hệ phái Shia, là kẻ thù của Israel và Mỹ. Trái lại,
Pakistan, theo hệ phái Sunni, có một mối quan hệ khá mật thiết với Hoa Kỳ.
Xung đột lần này giữa hai quốc gia lại diễn ra trong bối cảnh chiến tranh ở
Gaza đã kéo dài từ hơn 100 ngày kể từ khi phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas
được Iran yểm trợ tấn công Israel và bắt giữ hàng trăm con tin. Nhà
nước Do Thái trong tay thủ tướng Benjamin Netanyahu thề « tiêu diệt đến
chiến binh Hamas cuối cùng », đẩy hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza vào một
thảm họa nhân đạo, theo như thẩm định của Liên Hiệp Quốc.
Pakistan không là mục tiêu duy nhất Iran nhắm tới. Một ngày trước khi tấn
công Sistan Balouchistan, cũng Iran đã viện cớ tiêu diệt « tên gián điệp
làm tay sai cho Israel » để tấn công vùng Kurdistan thuộc Irak và vào
Syria để triệt hạ « quân khủng bố thánh chiến » đe dọa an ninh của Cộng
Hòa Hồi Giáo Iran.
Theo giới phân tích quốc tế, việc Teheran huy động « tên lửa đạn đạo »
đề trừ khử mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia chỉ là một cái cớ để Iran
phô trương với Hoa Kỳ và đồng minh của Washington ở Cận Đông là Israel. Trong
chưa đầy một tuần, Iran gây hấn với cả từ Pakistan đến Irak và Syria như để nhắc
nhở quốc tế về « mức độ hiệu quả của các chương trình tên lửa đạn đạo »
của mình : Tên lửa Iran là một loại vũ khí lợi hại, có độ chính xác
cao và ít gây tử vong cho thường dân.
Theo lời nhà nghiên cứu độc lập, chuyên về tình hình Trung Đông Eva
Koulouriostis, được truyền thông Thụy Sĩ trích dẫn, Iran hiện
đang sở hữu một khối lượng tên lửa đạn đạo đủ loại (tầm ngắn, tầm
trung và tầm xa). Đó là những loại vũ khí « tự tạo » nhờ một đội ngũ
các chuyên gia rất giỏi. Vẫn theo chuyên gia này, khó để thẩm định được
là Iran đang nắm giữ bao nhiêu tên lửa, nhưng rõ ràng là Iran có hẳn
những nhà máy và kho cất giữ vũ khí riêng, trên lãnh thổ của mình. Một số nguồn
tin tình báo từ các nước Ả Rập và kể cả của phương Tây cho rằng
Teheran có khoảng 60.000 tên lửa. Nhưng theo nhà nghiên cứu độc lập
này, qua việc Iran cung cấp tên lửa cho nhiều phe, từ phong trào
Hamas của người Palestine, đến phiến quân Houthi ở Yemen và cả
Hezbollah ở Liban, kho vũ khí này của Iran ước chừng tối thiểu phải là
« 200.000 đơn vị ».
Hãng tin Pháp AFP trích lời ông Jeremy Binnie thuộc cơ quan tình báo của
Anh chú ý đến kỹ thuật chế tạo tên lửa của Iran « đã không ngừng được cải
tiến ». Vào thập niên 1980, tầm bắn của tên lửa Scud chỉ chừng 300
cây số, giờ đây tên lửa Iran có tầm bắn lên tới 1600 km và còn hơn thế nữa.
Ngoài ra, nhờ Teheran « phô trương » vũ khí kỳ này mà giới trong
ngành xác nhận được là Iran đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình
phát triển tên lửa, đã dựa vào nhiều điểm tựa vững chắc, mà đứng đầu là Liên Xô
trước kia cũng như Liên Bang Nga ngày nay.
Cuối cùng, một số chuyên gia được AFP trích dẫn không phủ nhận là
tham vọng về « tên lửa đạn đạo » của chế độ Hồi Giáo ở Teheran báo
trước tham vọng của Iran trong lĩnh vực hạt nhân.
Tuy nhiên, việc cùng lúc mở nhiều « mặt trận », dù một
cách gián tiếp qua trung gian « trục kháng chiến » như giải thích của
Teheran, có thể là dấu hiệu Iran đang khẳng định vị trí cường quốc khu vực
không thể thiếu và ảnh hưởng của Iran càng lúc càng lớn, đủ để dám « gây sự »
cả với một quốc gia có vũ khí hạt nhân như Pakistan. Thông điệp này trước hết
nhắm gửi đến Hoa Kỳ, Israel và các đồng minh của họ trong khu vực. Có một yếu tố
cho phép tạm trả lời là hiện tại chưa chắc Iran đang lao vào một cuộc chơi « nguy
hiểm », bởi vì vào năm bầu cử tổng thống, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chỉ phản ứng
chừng mực, tránh đổ thêm dầu vào lửa để phải can thiệp bằng quân sự.
------------------------------
Các nội
dung liên quan
IRAN - IRAK - OANH KÍCH
Tên
lửa Iran tấn công ‘‘căn cứ gián điệp’’ Israel ở Irak
IRAN - TRUNG ĐÔNG - ẢNH HƯỞNG
Iran
dùng cuộc chiến ở Gaza để tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông
PAKISTAN - IRAN - TẤN CÔNG
Đến
lượt Pakistan tấn công "nơi trú ẩn của khủng bố" ở Iran
No comments:
Post a Comment