Tâm
thư của Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhân sự kiện xá lợi tóc Phật 2.500 năm tuổi
Châm biếm của blogger Nguyễn Nhơn (không phản ánh quan
điểm của Đài Á Châu Tự Do)
2024.01.04
Đại
đức Thích Trúc Thái Minh (trái) đón nhận xá lợi tóc Đức Phật từ thượng tọa
Sayadaw U Wepulla, trụ trì tu viện Parami, Myanmar. (Chùa Ba Vàng)
Kính bạch với đại chúng
Vừa qua, lại một lần nữa chùa Ba Vàng chiếm hầu hết sự quan tâm của dư luận
trong nước và quốc tế, với sự kiện cung nghênh, chiêm ngưỡng xá lợi tóc chuyển
động của Đức Phật. Trước khi bàn sâu về xá lợi tóc chuyển động của Đức Phật, bản
chùa và bản đại đức vô cùng hoan hỉ cảm ơn quý Phật tử khắp nơi đã không mệt mỏi
trong việc truyền bá và quảng cáo miễn phí cho chùa Ba Vàng suốt nhiều năm nay.
Điều này đã trực tiếp và gián tiếp mang lại nguồn thu dồi dào trăm tỷ, ngàn tỷ
mỗi năm cho chùa Ba Vàng, thật là công đức vô lượng! Kính mong trong năm mới
quý Phật tử tiếp tục giữ vững tinh thần vốn có, bản chùa và bản đại đức cúi đầu
ghi ơn.
Quay trở lại sự kiện xá lợi tóc Đức Phật chuyển động.
Huyền
vi trong một sợi…
Dư luận trong nhiều ngày qua nói bản chùa dùng hạt cỏ Pili nhúng vào nước,
lừa phật tử rằng đó là chính là xá lợi tóc Phật.
Vậy bản đại đức nhắc lại những gì báo chí nói về cỏ Pili một chút.
Cỏ Pili còn có tên gọi là dị thảo văn hay cỏ khác râu. Chúng phân bố rộng
khắp thế giới, từ Nam Phi cho đến Bắc Úc, quần đảo Hawaii và cả Việt Nam ta.
Tên khoa học của cỏ Pili là Heteropogon contortus, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp,
trong đó heteros nghĩa là “khác biệt”, “pogon” nghĩa là râu. “contortus” nghĩa
là “xoắn”, “rối”.
Cái tên này khẳng định hình dáng sợi cỏ khi khô thì có màu nâu đen, cứng,
hơi xoăn, giống hệt sợi tóc hay sợi râu.
Khi gặp độ ẩm cao, hạt cỏ sẽ tự vặn vẹo uốn éo để đưa phần đầu nhọn xuống
đất, chờ điều kiện thích hợp để nảy mầm.
Đấy là nguyên nhân vì sao sợi cỏ nhúc nhích chuyển động được.
Tiếp đến, đại chúng còn có những câu hỏi khác như:
-Một sợi tóc thật có thể tồn tại suốt 2.500 năm hay không?
- Chùa Schwedagon và Chùa Botahtaung ở Yangon,
Myanmar đang bảo quản hai sợi tóc Phật. Lưu ý: sợi tóc chứ không phải xá lợi
tóc. Xá lợi là những gì còn lại của nhục thân sau khi đã gia trì qua lửa (tức hỏa
táng). Những sợi tóc này được đặt trong một những chiếc hộp vàng và châu báu
nhiều tầng kiên cố, thiết kế một hình tháp chùa bên trên. Hộp được giữ trong
phòng bảo vệ nghiêm ngặt. Phật tử chỉ có thể chiêm bái sợi tóc qua hộp.
Vào năm 2018, khi phòng bảo vệ hộp chứa xá lợi tóc Phật bị rỉ nước do được
xây dựng đã lâu năm nên cần phải tu sửa, dư luận Myanmar đã tranh luận về biện
pháp di chuyển hộp xá lợi đến một ngôi chùa khác cách đó 5 km. Họ đều lo sợ việc
di chuyển hộp có thể gây rung lắc, dằn xóc sẽ gây ra các nguy cơ khiến sợi tóc
bị gãy vụn. Cuối cùng, biện pháp di chuyển an toàn nhất đã được Cơ quan các vấn
đề tôn giáo khu vực Yangon lên kế hoạch kỹ lưỡng để bảo vệ. Trong đó, hộp đựng
tóc Phật được đưa đến phòng cầu nguyện khác tại chùa để trưng bày cho công
chúng trước khi di chuyển. Hộp tuyệt đối không được mở ra.
Do vậy, nếu thật sự cái sợi ngắn ngắn cong queo màu đen được đưa ra cho
Phật tử chiêm bái ở chùa Ba Vàng là xá lợi tóc Phật được cung nghênh về từ
Myanmar thì những vị cao tăng của họ có thể đồng ý để sư Thích Trúc Thái Minh lấy
riêng trân bảo ấy ra khỏi hộp bảo vệ, còn cắm vào một đĩa có chất giữ ẩm, đặt
trần trụi bên ngoài không khí, tiếp xúc trực tiếp với khói hương và hơi thở của
nghìn vạn Phật tử, hay không?
Bản đại đức phải nói rằng: Hai câu hỏi thật hay. Bản đại đức cũng không
nhịn được mà xin đại chúng cho phép bản đại đức tự khen mình một câu. Chỉ đưa
ra một sợi cong queo mà khuấy động dư luận, cõi Phật cõi người đều rúng động. Bản
đại đức ta thật giỏi.
Xá lợi tóc của Đức Phật trưng bày tại chùa Ba Vàng,
Quảng Ninh. Hình: Chùa Ba Vàng
Tính
Phật sắc sắc không không
Kính bạch quý Phật tử
Bất cứ Phật tử nào bắt đầu đến với đạo Phật đều nghe câu tính Phật sắc tức
thị không, không tức thị sắc. Bản đại đức đã vận dụng nhuần nhuyễn triết lý cao
siêu này trong sự kiện xá lợi tóc Phật. Tóc Phật mà không phải tóc Phật, mà
chính là tóc Phật. Sợi cỏ Pili mà không phải cỏ Pili, mà chính là cỏ Pili. Ngoằn
ngoèo ấy chính là bản chất sắc sắc không không cao siêu tột độ. Phật tử nào muốn
tin thì trong mắt họ sợi cỏ Pili chính là tóc Phật hiện hữu. Niềm tin ấy xuất
phát từ trong tâm Phật tử. Phật tử quỳ lạy là do Phật tử muốn chứ bản chùa
không cử tăng ni nào ra ấn vào đầu gối Phật tử cho quỵ xuống cả.
Đức Phật dạy “ngón tay chỉ mặt trăng”, nhưng Phật tử thích nhìn ngón tay
hay nhìn mặt trăng, hay nhìn người có ngón tay ấy, thì đấy là hoàn toàn phụ thuộc
nơi Phật tử. Chỉ có tự trải qua, tự chiêm nghiệm mới thấu suốt!
Chỉ qua sự kiện rất nhỏ bé này mà quý Phật tử được thấy rõ bản chất sắc sắc
không không của tính Phật, ấy là bản chùa đã đạt thành chính quả trong gieo
duyên Phật pháp, chính là công đức vô lượng.
Cho nên hai câu hỏi ở bên trên thực sự là câu hỏi tu từ, đại chúng hoàn
toàn có thể tự trả lời cho mình mà không cần đến bản đại đức giảng giải.
Bản đại đức muốn nói đến một việc sâu xa hơn nữa.
Gánh
nặng giáo hóa
Bấy nay trên dư luận, đại chúng khắp nơi cũng lên án nhiều Phật tử u mê,
chắp tay quỳ lạy một sợi cỏ.
Bản chùa hết sức đồng tình với nhận định này.
Việc chắp tay quỳ lạy một sợi cỏ khô và gán tên Phật vào đó, chính là u
mê không có gì tả nổi.
Đại chúng chắc hẳn đồng ý với bản chùa rằng, những Phật tử u mê trì độn
như thế cần được giáo hóa. Nhưng vì họ trì độn nên không thể giáo hóa bằng lý lẽ
và lý thuyết mà phải bằng thực tế trông thấy được, sờ thấy được, nghĩa là có những
cách riêng phù hợp với trí tuệ, sự xét đoán và mức độ phản tỉnh của từng người
để giáo hóa họ, giác ngộ họ cho hiệu quả nhất.
Nhưng làm cách nào để phân loại? Chẳng lẽ bản đại đức ra ngồi trước bảo
điện hỏi: đại chúng ở đây người nào thấy mình u mê trì độn thì giơ tay lên cho
mọi người rõ.
Chắc hẳn không người nào giơ tay.
Trong vô số Phật tử đến chùa Ba Vàng, có nhiều người đã tốt nghiệp đại học,
có nhiều người là thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ… Với trình độ văn hóa và chuyên môn
như vậy, mà bảo họ là u mê, thì bản thân họ có đồng ý hay không? Nếu họ đã
không đồng ý mà còn cho là bản thân đã thực sự giác ngộ, hiểu lẽ huyền vi của
cuộc sống thì không chiếc chìa khóa nào có thể mở chiếc hộp không có ổ khóa như
vậy.
Vậy thì bản chùa phải lao tâm khổ tứ để suy nghĩ ra những phương pháp đặc
biệt, hết sức đặc biệt, vô cùng đặc biệt để có thể tưới nhuần cho những tâm trí
đặc biệt.
Các Phật tử u mê cần được nghe những câu chuyện hết sức vô lý về các phép
nhiệm màu. Cần được trông thấy những hiện tượng hết sức vô lý phản khoa học và
thực tế. Để chi? Để khi họ quay trở lại cuộc sống ngoài đời thì trong tâm trí u
mê của họ mới có thể bật nảy ra những so sánh. Tại sao một cái mụn bọc trên
trán lại có thể nói ra tiếng người? Tại sao một người bị bệnh lại là do trong
muôn vàn kiếp trước người ấy đã đánh chết một con chuột hôi thối? Tại sao phật
tử chỉ nên cúng tiền và càng nhiều tiền cho chùa Ba Vàng thì mới được giải nghiệp
oan trái v.v
Những ví dụ như vậy có rất nhiều. Nếu người nào đó thật sự tin một cái mụn
bọc mọc trên trán lại có thể mở miệng nói chuyện về nhiều oan khiên nghiệp chướng
kiếp trước của thân chủ, thì họ cũng sẽ tin hiện tại đang có những cái mụn bọc
biết nói như vậy ở trên đời. Nó ở đâu?
Cho đến khi họ không tìm ra được một cái mụn bọc nào như vậy, hoặc cho đến
khi họ đã cúng hết sạch tiền của, gia sản, thời gian của mình cho chùa Ba Vàng
để “giải nghiệp”, thì họ sẽ bắt đầu nghi ngờ và quay lại tìm hiểu sự thật trong
những lời giảng pháp của các tăng ni chùa Ba Vàng.
Đó chính là thời điểm hạt giống giác ngộ thật sự thức tỉnh.
Để giác ngộ những người mê muội, nhất thiết phải chờ đến khi họ tự cảm thấy
đã đến lúc phải thức tỉnh, giống như con chim non phải tự mổ vỏ trứng để chui
ra ngoài, chứ không thể tác động bên ngoài mà đạt kết quả.
Để đạt được mục đích cao cả như vậy, bản chùa phải chịu đựng nhiều sự hiểu
lầm, cho rằng bản chùa cao tay lừa gạt tiền bạc của Phật tử và đại chúng. Oan
khuất biết bao, nhưng bản chùa và bản sư hiểu rằng tiền bạc chỉ là vật ngoài
thân, hơn nữa là nguồn gốc đem lại sự tranh giành, đau khổ, không hạnh phúc cho
đại chúng. Bản sư không muốn Phật tử và đại chúng phải chịu đựng điều đó. Phật
dạy thân tâm phải nhẹ nhàng. Nếu đại chúng cứ giữ của cải vật chất bên cạnh
mình thì làm sao thân có thể nhẹ nhàng được?
Bản sư một lòng một dạ, đến chết không sờn, tìm mọi cách mang vác gánh nặng
tiền bạc vật chất ấy giúp cho đại chúng và Phật tử. Vì ý nguyện ấy, dẫu có bị
đè chết dưới đống tiền nhơ bẩn, bản sư cũng vinh hạnh mỉm cười.
Đến đây mong rằng đại chúng đã hiểu được nỗi khổ tâm nhiều năm qua của bản
sư và tiếp tục hoan hỉ ủng hộ những sự kiện tương tự sắp tới của bản chùa. Kính
chúc đại chúng thân tâm nhẹ nhàng, vô cùng nhẹ nhàng, hết sức nhẹ nhàng, càng
ngày càng nhẹ.
Đại đức
Thích Trúc Thái Minh
(Nguyễn Nhơn thừa bút)
_________________________
Tham khảo:
https://phatgiao.org.vn/xa-loi-toc-phat-duoc-myanmar-bao-ve-nghiem-ngat-nhu-the-nao-d80224.html
https://tuoitre.vn/chua-ba-vang-noi-gi-ve-viec-ruoc-xa-loi-toc-duc-phat-2023123013592825.htm
https://www.youtube.com/watch?v=AS4HZNzJQhw
* Tác phẩm châm biếm của blogger Nguyễn Nhơn không phản ánh quan điểm của
Đài Á Châu Tự Do
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở
Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài
về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
-------------------------------
Tin,
bài liên quan
BLOG
·
Tương
lai từ năm cũ: Người tài vẫn phải rời bỏ đất nước…
Nhà
nước và nhà chùa trong mặt trận giành giật thanh thiếu niên
Phương
thuốc vi diệu chữa tất cả bệnh tật của “thần y bắt ma”
Yến
“bắt ma”- Phó trụ trì không chính thức, trợ lý kinh doanh chùa Ba Vàng
Tiền,
quyền, danh, lợi gồm đủ, ai “buôn lậu” Phật thành công bằng Thích Trúc Thái
Minh?
No comments:
Post a Comment