Tại sao Đài Loan có thể tránh được số phận như của
Ukraine?
Gideon Rachman - Financial
Times
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịc
Vẫn còn những trở ngại khổng lồ đối với cuộc xâm lược của Trung Quốc vào
hòn đảo.
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo
hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Moscow vào tháng 3
năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này,
chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và
chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Lời tuyên bố đó đã được cả thế giới chú ý. Câu nói
của Tập được xem như một sự ủng hộ rõ ràng cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga –
đồng thời gợi ý rằng Trung Quốc cũng sẽ sớm có hành động của riêng mình để
“thúc đẩy thay đổi.” Điều đó có hàm ý quan trọng với Đài Loan, vốn từ lâu đã
phải đối mặt với mối đe dọa xâm lược từ Trung Quốc.
Lời đe dọa xâm lược đã một lần nữa trở thành tâm
điểm chú ý toàn cầu sau cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan cuối tuần qua. Trước
thềm cuộc bỏ phiếu, Đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo cử tri Đài Loan phải đưa
ra “lựa chọn đúng đắn” giữa hòa bình và chiến tranh. Nhưng Đài Loan có lẽ đã
“lựa chọn sai lầm,” theo quan điểm của Bắc Kinh, khi bỏ phiếu cho Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân Tiến (DPP), người mà Bắc Kinh coi là
một kẻ ly khai nguy hiểm.
Có một số điểm tương đồng rõ ràng giữa tình thế nguy
hiểm của Đài Loan và Ukraine trước năm 2022.
Điểm thứ nhất là cả Putin và Tập đều lần lượt coi
Ukraine và Đài Loan là lãnh thổ thuộc về đất nước họ một cách chính đáng. Lời
chấp nhận mang tính hình thức của Putin đối với một Ukraine độc lập đơn giản là
không chân thành. Và việc “thống nhất” Đài Loan với đại lục là chính sách có từ
lâu của Trung Quốc.
Điểm thứ hai là cả Putin và Tập đều cho rằng Ukraine
và Đài Loan thiếu quyền tự chủ thực sự, và đang bị sử dụng như công cụ của một
nước Mỹ bá quyền và hung hăng. Vì vậy, việc giành lại Ukraine/Đài Loan sẽ phục
vụ một mục đích kép. Nó sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của Nga/Trung Quốc. Đồng
thời, các cuộc xâm lược thành công sẽ giáng đòn đau vào sức mạnh toàn cầu của
Mỹ trên hai chiến trường quan trọng: châu Âu và châu Á, theo đó tạo ra những
thay đổi “chưa từng thấy trong 100 năm.”
Cơ hội trở thành nhân vật lịch sử thế giới chắc chắn
là điều hấp dẫn đối với một nhà lãnh đạo cứng rắn. Putin và Tập đều phù hợp với
khuôn mẫu lãnh đạo này. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều đã thay đổi hiến
pháp của đất nước mình để kéo dài thời gian nắm quyền, có thể là trọn đời. Hai
người cũng khuyến khích sự sùng bái cá nhân và gieo rắc nỗi sợ hãi cho những
người xung quanh họ.
Putin thường hăm dọa những người thân cận nhất của
mình ngay trước ống kính, và đã bỏ tù, giết hại, hoặc đẩy những đối thủ nguy
hiểm nhất của mình vào cảnh lưu vong. Về phần mình, Tập đã liên tiếp tiến hành
các cuộc thanh trừng nhắm vào giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Càng nắm
giữ quyền lực lâu, hai nhà lãnh đạo càng có xu hướng quan tâm đến vị trí của
mình trong lịch sử.
Mối bận tâm với lịch sử đã khiến cả hai nhà lãnh đạo
tập trung vào Thế chiến II. Putin đã thần tượng hóa chiến thắng của Nga trong
“cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại” chống lại Đức Quốc Xã. Tương tự, Tập đã khẳng
định vai trò quan trọng của Trung Quốc và Đảng Cộng sản trong việc đánh bại chủ
nghĩa phát xít.
Dù nhấn mạnh rằng lịch sử đang nghiêng về phía họ,
cả Putin và Tập đều thể hiện sự lo lắng rằng các sự kiện có thể đang chống lại
họ. Quyết định phát động cuộc xâm lược toàn diện Ukraine của nhà lãnh đạo Nga
vào năm 2022 có lẽ phần nào bắt nguồn từ lo ngại rằng Ukraine đang dần thoát
khỏi tầm kiểm soát của Nga. Nếu không hành động nhanh chóng, Putin có nguy cơ
trở thành Sa hoàng “đánh mất Ukraine.”
Rõ ràng, điều nguy hiểm là Tập cuối cùng sẽ đi đến
kết luận tương tự về Đài Loan. Sau tám năm dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn
của DPP, Trung Quốc hy vọng cuộc bầu cử năm nay sẽ chứng kiến sự chuyển hướng,
quay trở lại với Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh. Ngược lại, chiến thắng của Lại
Thanh Đức đã chứng minh DPP hiện là đảng cầm quyền tự nhiên của Đài Loan.
Kết quả này sẽ có những tác động lâu dài, ảm đạm đối
với các kỳ vọng của Trung Quốc. Việc gia tăng số lượng người xem mình là người
Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc cũng là một xu hướng đáng lo ngại đối
với Bắc Kinh. Một lần nữa, có những điểm tương đồng rõ ràng với Ukraine, nơi
việc nhấn mạnh văn hóa Ukraine đã xúc phạm và làm cho những người theo chủ
nghĩa dân tộc Nga lo lắng.
Nhưng liệu điều đó có nghĩa là cuối cùng Tập sẽ
quyết định theo gương Putin, và sử dụng vũ lực để đạt được tham vọng cá nhân và
quốc gia của mình?
Cái giá thảm khốc mà Nga phải trả cho cuộc xâm lược
bất thành của họ chắc chắn sẽ khiến Tập phải suy nghĩ lại. Các quan chức Trung
Quốc đôi khi lập luận rằng lực lượng của họ lớn hơn và đáng gờm hơn lực lượng
của Nga. Nhưng thực ra, Putin có một đội quân với kinh nghiệm chiến trường dày
dặn – những người đã chinh chiến thành công ở Syria, Gruzia, và Chechnya. Còn
lực lượng Trung Quốc đã không tham chiến kể từ năm 1979 – và giới lãnh đạo cao
nhất của quân đội nước này đã liên tục bị thanh trừng vì nghi ngờ tham nhũng.
Ngoài ra còn có một sự khác biệt quan trọng trong
lập trường của Mỹ. Chính phủ Mỹ ủng hộ nền độc lập của Ukraine, nhưng Tổng
thống Joe Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không tham chiến để bảo vệ nước này. Trong
trường hợp Đài Loan, cơ sở này lại bị đảo ngược. Mỹ không công nhận nền độc lập
của Đài Loan, và vẫn lặp lại lập trường đó sau cuộc bầu cử cuối tuần qua. Nhưng
Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ chiến đấu để bảo vệ Đài Loan.
Tiếp đến là yếu tố địa lý. Nga có thể xâm lược
Ukraine qua biên giới trên bộ và bị sa lầy. Nhưng Trung Quốc sẽ phải cố gắng
xâm lược bằng cách đổ bộ qua đường biển, vốn là điều khó khăn hơn nhiều.
Tuy nhiên, phía Mỹ tin rằng Tập Cận Bình đã ra lệnh
cho lực lượng của mình sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027. Nhiệm vụ của
Đài Loan và Mỹ là đảm bảo – khi ngày đó đến – Tập sẽ quyết định rằng việc xâm
lược vẫn quá rủi ro. Nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy
“những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ” mà ông hằng mơ ước.
No comments:
Post a Comment