Sự
thiếu kiên nhẫn với bị cáo kêu oan của HĐXX
Rất nhiều vụ án liên quan tới các tội phạm chức vụ mới được đưa ra xét xử
trong thời gian vừa qua, HĐXX rất ưu ái đối với những bị cáo được xem là thành
khẩn khai báo, ăn năn hối cải, họ dành cho các bị cáo rất nhiều thời gian để
trình bày về hoàn cảnh, về sức khoẻ, về sự ăn năn… Còn phía ngược lại, bị cáo
nào có ý định kêu oan thì y như rằng bị hành cho ra bã, lời khai bị hạn chế và
liên tục bị nhắc nhở, bị cắt lời. Rất khó cho bất kỳ ai có cơ hội được minh oan
tại toà án khi mà lời khai không được làm rõ, nhân chứng không được đối chất,
tài liệu không được chứng minh một cách khoa học.
Chúng ta cần nhớ rằng, ngoài chức năng “buộc tội”, đại diện Viện Kiểm sát
giữ quyền công tố tại toà còn có chức năng “gỡ tội” cho bị cáo nhưng nhiệm vụ
này hầu như không bao giờ được dùng tới. Kiểm sát viên chỉ chăm chăm buộc tội
và các vị trong HĐXX cũng tư duy theo hướng đó, điều này diễn ra nhiều, liên tục
khiến các bị cáo có ý định kêu oan dần tắt ngấm hy vọng và đưa ra lựa chọn an
toàn là nhận tội để được hưởng khoan hồng, nếu cưỡng lại, mức án kịch khung đã
định sẵn. Tham gia nhiều phiên toà như vậy, có vị luật sư đồng nghiệp của tôi
đã ngán ngẫm mà thốt lên một cách chua chát rằng: “Nếu cứ xét xử theo kiểu này,
sao người ta không dùng bản kết luận điều tra và cáo trạng để ngồi soạn án
luôn, mất công xét xử nữa làm gì cho tốn kém…”. Câu nói này có phần cực đoan
nhưng nó phản ánh tương đối rõ thực trạng xét xử hiện tại. Thực tế, nếu chỉ bảo
vệ cho những bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì cần gì phải thuê những luật sư
như chúng tôi chứ?!
Các phiên toà xét xử công khai là những cơ hội cuối cùng, tối quan trọng
để các bị cáo có cơ hội được chứng minh họ vô tội. Số người kêu oan cũng rất ít
nên chúng ta cần tôn trọng và dành cho họ những cơ hội chứng minh nhiều hơn
thay vì sự “hắt hủi” như hiện tại.
Đấy cũng là cơ hội để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
có thêm cơ hội tránh được một bản án oan, sai khi mà vụ án sau này có thể được
lật lại bằng một quyết định tố tụng của cấp cao hơn. Vậy tại sao HĐXX và những
người khác vẫn cố gắng, quyết tâm xét xử và ra bản án bằng mọi giá khi mà nhiều
vấn đề vẫn chưa được làm rõ? Phải chăng là do áp lực hay vì một lý do nào khác
quan trọng hơn thế nữa?
Kiên nhẫn, khoan dung với người khác cũng chính là tạo cơ hội để khoan
dung, tha thứ cho mình trong tương lai vì nhiều điều mà ta cho là đúng hiện tại
có thể trở nên ngô nghê ở một quãng thời gian nào đó. Chúng ta không làm điều
đó nghĩa là đã tự tay tước cơ hội sửa sai cho mình ở hiện tại và đôi khi trở
thành tội nhân của tương lai, điều này là rất có thể thành hiện thực.
.
No comments:
Post a Comment