Philippines
khó hình thành được liên minh với Việt Nam ở Biển Đông ?
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 16/01/2024 - 14:33
Căng thẳng do tranh
chấp chủ quyền Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc không ngừng gia tăng từ
những tháng cuối năm 2023. Manila càng tỏ ra kiên quyết, Bắc Kinh càng
gây sức ép. Ngày 15/01/2024, Philippines thông báo cải tạo cơ sở hạ tầng tại 9
đảo ở quần đảo Trường Sa để quân đội có thể đồn trú lâu dài. Về đối ngoại,
Manila thắt chặt quan hệ với đồng minh, mở rộng hợp tác quân sự với các nước để
củng cố tiềm lực đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
https://s.rfi.fr/media/display/6f55f4da-9390-11eb-a510-005056a964fe/w:980/p:16x9/000_NR2IX.webp
Ảnh minh họa chụp ngày 21/04/2017: Một hòn đảo trong
quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực. AFP
- TED ALJIBE
Philippines vừa nhận được thêm sự hỗ trợ từ Đức.
Trong chuyến công du Manila tuần trước, ngoại trưởng Annalena Baerbock thông
báo sẽ cung cấp thêm cho lực lượng tuần duyên Philippines 4 drone Trinity F90+
nằm trong gói hỗ trợ 129 triệu euro của chính phủ Đức và bổ sung cho hai drone
đã cấp vào năm 2022. Philippines cũng thắt chặt hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ,
Úc… Tuy nhiên, khó khăn lớn lại đến từ ngay « sân nhà ». Ngày
30/12/2023, trước khi Indonesia hết nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên, ASEAN ra
tuyên bố kêu gọi các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông « kiềm
chế » và « tránh mọi hành động có thể khiến tình hình thêm
căng thẳng ». Trong khi đó, Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) được khởi động đàm
phán từ năm 2002 vẫn giậm chân tại chỗ.
Hà Nội và
Manila từng hợp tác về Biển Đông
Giới chuyên gia, trong đó có hai nhà nghiên cứu Pháp
Laurent Gédéon và Benoît de Tréglodé trong các buổi phỏng vấn với RFI Tiếng
Việt, từng nhắc đến khả năng Manila và Hà Nội « bắt tay » đối
phó với những yêu sách và hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng
11/2023 tại Hawai, tổng thống Marcos Jr. khẳng định Manila tiếp cận với nhiều
nước láng giềng như Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử
riêng biệt về Biển Đông, thỏa thuận cùng khai thác tài nguyên trong các vùng
biển tranh chấp. Tổng thống Philippines dự kiến công du Hà Nội để vận động theo
hướng này và thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược.
Trong quá khứ, Philippines và Việt Nam từng phối hợp
thành công trước những hành động gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông,
ví dụ khởi động đàm phán về COC năm 2002 sau khi Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn
(Mischief reef), đàm phán một thỏa thuận khai thác dầu khí với Trung Quốc ở
vùng biển tranh chấp năm 2005, hoan nghênh « chính sách xoay trục sang
châu Á » của tổng thống Obama đầu những năm 2010. Tuy nhiên, tổng
thống Duterte, thân Trung Quốc, sau khi lên nắm quyền đã cắt đứt mọi hy vọng
hợp tác chặt chẽ.
Hà Nội sẽ
không đi quá xa với Manila về Biển Đông ?
Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh chuyến công du
sắp tới của tổng thống Marcos Jr. đánh dấu một chặng quan trọng hướng đến việc
nâng cấp « quan hệ song phương lên một tầm cao mới ». Tuy
nhiên, trong một bài viết trên báo mạng South China Morning Post, chuyên gia
Richard Heydarian, Đại học Manila, cho rằng tổng thống Philippines sẽ phải giảm
bớt kỳ vọng, vì ba lý do chính.
Trước hết, Việt Nam vẫn theo chính sách « Bốn
Không », tránh tham gia mọi liên minh, rất đề phòng về tác động của phương
Tây và sẽ giữ khoảng cách với các nền dân chủ tự do đồng minh với Mỹ, như
Philippines. Về mặt quân sự, quân đội Việt Nam sử dụng vũ khí hệ Nga-Liên Xô.
Đây sẽ là một trở ngại cho hợp tác về công nghệ quốc phòng hoặc huấn luyện với
quân đội Philippines. Về thương mại, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc
biệt về xuất khẩu cũng như vốn đầu tư, do đó sẽ thận trọng và ưu tiên duy trì
hợp tác với nước láng giềng khổng lồ.
Tuy nhiên, Hà Nội và Manila có thể thắt chặt hợp tác
chiến lược ở tầm trung. Về kinh tế, tổng thống Marcos Jr. có thể đề nghị Việt
Nam cung ứng gạo, bảo đảm an ninh lương thực cho Philippines, tư vấn trong lĩnh
vực nông nghiệp và sản xuất nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Về Biển Đông,
Philippines và Việt Nam có lập trường khá tương đồng nên có thể cùng vận động
để đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển UNCLOS 1982. Trong chuyến công du sắp tới, tổng thống Marcos Jr. có thể sẽ
cố tác động để hai nước đoàn kết chiến lược, thậm chí đạt một thỏa thuận hàng
hải.
Liệu Việt Nam có chịu « nhượng »
chủ quyền ở Biển Đông để cùng Philippines đối phó với yêu sách của Trung
Quốc ? Điểm này đã được nhà nghiên cứu Pháp Laurent Gédéon đề cập khi trả
lời phỏng vấn với RFI Tiếng Việt. Ông cho rằng, « nếu mối quan hệ
giữa Hà Nội và Manila là đáng tin cậy thì điều này có thể thực hiện
được và sẽ cho phép dư luận Việt Nam hiểu rõ hơn về lợi ích của một cuộc
đàm phán như vậy ». Nhưng « việc này đòi hỏi quyết tâm chính
trị rõ ràng và cần một quá trình chuẩn bị trước kỹ lưỡng, lâu dài bởi vì dư
luận Việt Nam sẽ phải mất vài năm để quen với cách nhìn nhận khác về quần đảo
Trường Sa cùng với những thách thức liên quan đến chủ quyền Trường Sa ».
-----------------------------
Các nội dung liên
quan
Tạp chí Việt Nam
Biển
Đông : Việt Nam có chịu "nhượng" chủ quyền để cùng Philippines chống
Trung Quốc ?
PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG
Biển
Đông : Philippines lên án hành động của Trung Quốc và thúc đẩy hợp
tác hàng hải với Việt Nam
PHILIPPINES - VIỆT NAM
Biển
Đông : Philippines tìm kiếm thỏa thuận hàng hải với Việt Nam vào lúc Bắc
Kinh tăng sức ép
No comments:
Post a Comment