Phát
hiện số lượng lớn hạt nhựa nano trong mỗi lít nước đóng chai
10/01/2024
Trung bình một lít nước đóng chai có gần
một phần tư triệu mảnh nhựa nano cực nhỏ vô hình, lần đầu tiên được phát hiện
và phân loại bằng kính hiển vi sử dụng tia laser kép.
https://gdb.voanews.com/9a038feb-76b4-4525-9160-cc64d00b137d_w1023_r1_s.jpg
Bà Naixin Qian, một nhà hóa học vật lý tại Đại học
Columbia, New York, cho biết phần lớn hạt nhựa nano dường như đến từ chính chai
nhựa.
Các nhà khoa học từ lâu đã hình dung rằng có rất nhiều mảnh nhựa siêu nhỏ
này, nhưng cho đến khi các nhà nghiên cứu tại trường đại học Columbia và
Rutgers thực hiện tính toán, họ chưa bao giờ biết có bao nhiêu và loại nào. Khi
xem xét năm mẫu của ba nhãn hiệu nước đóng chai phổ biến, các nhà nghiên cứu nhận
thấy mức độ hạt dao động từ 110.000 đến 400.000 mỗi lít, trung bình vào khoảng
240.000 theo một nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia
hôm 8/1.
Đây là những hạt có kích thước nhỏ hơn một micron. Có 25.400 micron - còn
được gọi là micromet vì nó bằng một phần triệu mét - trong một inch (tức 2,54
cm). Một sợi tóc của con người khoảng 83 micron.
Các nghiên cứu trước đây đã xem xét các hạt vi nhựa lớn hơn một chút, có
kích thước từ 5 mm có thể nhìn thấy được, chưa đến 1/4 inch, đến 1 micron.
Nghiên cứu cho thấy lượng nhựa nano nhiều hơn khoảng 10 đến 100 lần so với hạt
vi nhựa được phát hiện trong nước đóng chai.
Tác giả chính của nghiên cứu Naixin Qian, một nhà hóa học vật lý ở
Columbia, cho biết phần lớn nhựa dường như đến từ chính chai nhựa và bộ lọc
màng thẩm thấu ngược được sử dụng để loại bỏ các chất gây ô nhiễm khác. Bà sẽ
không tiết lộ ba thương hiệu vì các nhà nghiên cứu muốn có nhiều mẫu hơn trước
khi họ chọn ra một thương hiệu và muốn nghiên cứu nhiều thương hiệu hơn. Tuy
nhiên, bà nói rằng chúng rất phổ biến.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể trả lời câu hỏi lớn: Những mảnh nhựa nano
đó có gây hại cho sức khỏe không?
“Điều đó hiện đang được xem xét. Chúng tôi không biết nó có nguy hiểm hay
nguy hiểm đến mức nào”, đồng tác giả nghiên cứu Phoebe Stapleton, một nhà
nghiên cứu chất độc tại Rutgers nói. “Chúng ta biết rằng chúng đang xâm nhập
vào các mô (của động vật có vú, bao gồm cả con người)… và nghiên cứu hiện tại
đang xem xét những gì chúng đang làm trong tế bào.”
Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế nói trong một tuyên bố: “Hiện tại còn thiếu
các phương pháp (đo lường) tiêu chuẩn hóa và không có sự đồng thuận khoa học về
tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe từ các hạt nano và vi nhựa. Vì vậy, các
phương tiện truyền thông đưa tin về những hạt này trong nước uống chẳng có tác
dụng gì hơn ngoài việc khiến người tiêu dùng sợ hãi một cách không cần thiết.”
Hội đồng Hóa học Mỹ, cơ quan đại diện cho các nhà sản xuất nhựa, từ chối
bình luận ngay lập tức.
Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, thế giới “đang chìm đắm dưới
sức nặng của ô nhiễm nhựa, với hơn 430 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm”
và các hạt vi nhựa được tìm thấy trong các đại dương, thực phẩm và nước uống
trên thế giới, một số trong số đó đến từ quần áo và đầu lọc thuốc lá. Những nỗ
lực cho một hiệp ước nhựa toàn cầu vẫn tiếp tục sau khi các cuộc đàm phán bị sa
lầy vào tháng 11/2023.
Tất cả bốn đồng tác giả được phỏng vấn đều cho biết họ đang cắt giảm việc
sử dụng nước đóng chai sau khi tiến hành nghiên cứu.
Ông Wei Min, nhà hóa học vật lý ở Columbia, người đi tiên phong trong
công nghệ kính hiển vi laser kép, nói ông đã giảm một nửa lượng nước đóng chai
sử dụng. Bà Stapleton cho biết hiện bà phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nước lọc tại
nhà ở New Jersey.
Nhưng đồng tác giả nghiên cứu Beizhan Yan, một nhà hóa học môi trường ở
Columbia, người đã tăng cường sử dụng nước máy, đã chỉ ra rằng bản thân các bộ
lọc có thể gặp vấn đề khi sử dụng nhựa.
Các chuyên gia bên ngoài khen ngợi nghiên cứu này và đồng ý rằng có sự lo
ngại chung về mối nguy hiểm của các hạt nhựa mịn, nhưng còn quá sớm để nói chắc
chắn.
“Bản thân sự nguy hiểm của nhựa vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Đối với
tôi, các chất phụ gia là điều đáng lo ngại nhất,” giáo sư y khoa Đại học Duke
và giám đốc nhóm ung thư đối chiếu, Jason Somarelli, người không tham gia
nghiên cứu, nói. “Chúng tôi và những người khác đã chỉ ra rằng những loại nhựa
nano này có thể được đưa vào tế bào và chúng tôi biết rằng nhựa nano mang tất cả
các loại phụ gia hóa học có thể gây ra căng thẳng cho tế bào, tổn thương DNA và
thay đổi quá trình trao đổi chất hoặc chức năng của tế bào.”
Ông Somarelli cho biết công trình nghiên cứu chưa được công bố của ông đã
tìm thấy hơn 100 “hóa chất gây ung thư được biết đến trong những loại nhựa
này”.
Điều đáng lo ngại, theo nhà sinh vật học tiến hóa Zoie Diana của Đại học
Toronto, là “các hạt nhỏ có thể xuất hiện trong các cơ quan khác nhau và có thể
xuyên qua các màng mà chúng không được phép vượt qua, chẳng hạn như hàng rào
máu não”.
Bà Diana, người không tham gia nghiên cứu, cho biết công cụ mới mà các
nhà nghiên cứu sử dụng khiến đây trở thành một bước phát triển thú vị trong
nghiên cứu về nhựa trong môi trường và cơ thể.
Khoảng 15 năm trước, ông Min đã phát minh ra công nghệ kính hiển vi laser
kép giúp xác định các hợp chất cụ thể bằng tính chất hóa học của chúng và cách
chúng cộng hưởng khi tiếp xúc với tia laser. Ông Yan và bà Qian đã nói chuyện với
ông Min về việc sử dụng kỹ thuật đó để tìm và xác định các loại nhựa quá nhỏ đối
với các nhà nghiên cứu bằng các phương pháp đã được thiết lập.
Bà Kara Lavender Law, một nhà hải dương học tại Hiệp hội Giáo dục Biển,
nói “công trình này có thể là một tiến bộ quan trọng trong việc phát hiện nhựa
nano” nhưng bà cho biết bà muốn thấy các nhà hóa học phân tích khác nhân rộng kỹ
thuật và kết quả.
Ông Yan cho biết ông đang bắt đầu nghiên cứu các nguồn cung cấp nước khác
của thành phố ở Boston, St. Louis, Los Angeles và những nơi khác để xem có bao
nhiêu nhựa trong nước máy của họ. Các nghiên cứu trước đây tìm kiếm hạt vi nhựa
và một số thử nghiệm ban đầu cho thấy có thể có ít nhựa nano trong nước máy hơn
nước đóng chai.
Ngay cả khi chưa biết rõ về sức khỏe con người, ông Yan nói có một khuyến
nghị dành cho những người đang lo lắng: Hãy sử dụng chai có thể tái sử dụng
thay vì đồ nhựa dùng một lần.
No comments:
Post a Comment