Đối với nhiều người Trung
Quốc, nền kinh tế không khác gì đang suy thoái
18/01/2024
https://www.voatiengviet.com/a/7444840.html
Đêm trước kỳ thi công
chức của Trung Quốc, Melody Zhang bồn chồn đi đi lại lại trong hành lang ký túc
xá, ôn các câu trả lời. Chỉ đến khi về đến phòng, cô mới nhận ra mình đã khóc
suốt.
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-b211-08dc060f20b7_cx0_cy8_cw0_w650_r1_s.jpg
Bất động sản giảm giá đáng kể ở Trung Quốc thời gian
gần đây, nhu cầu thuê hoặc mua cũng lao dốc. (Photo by Jade GAO / AFP)
Zhang hy vọng bắt đầu sự nghiệp trong ngành tuyên
truyền của nhà nước sau hơn 100 lần nộp đơn xin việc không thành trong ngành
truyền thông. Với mức kỷ lục là 2,6 triệu người cạnh tranh nhau để giành được
39.600 suất công việc của chính phủ trong bối cảnh có khủng hoảng thất nghiệp ở
giới thanh niên, cô đã không kiếm được một suất.
“Chúng tôi sinh ra nhầm thời”, cô gái 24 tuổi tốt
nghiệp Đại học Nhân dân hàng đầu Trung Quốc nói.
"Chẳng còn ai quan tâm đến ước mơ và tham vọng
của mình nữa trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Suốt ngày lúc nào cũng phải cố
tìm việc làm thật là một cực hình", vẫn lời cô.
Một cuộc khủng hoảng niềm tin vào nền kinh tế đang
làm người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và các doanh nghiệp không muốn tuyển dụng
và đầu tư, điều này có thể trở thành một vòng xoáy tự tạo thêm đà làm xói mòn
tiềm năng kinh tế lâu dài của Trung Quốc.
Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, cao hơn
hầu hết các nền kinh tế lớn. Nhưng đối với những sinh viên ra trường bị thất
nghiệp, những người sở hữu bất động sản cảm thấy nghèo hơn vì căn hộ của họ mất
giá trị và những người lao động kiếm được ít tiền hơn năm trước, nền kinh tế
lớn thứ hai thế giới dường như đang thụt lùi.
Zhu Tian, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc
tế Trung Quốc-Châu Âu ở Thượng Hải, nói rằng định nghĩa trong sách giáo khoa về
suy thoái kinh tế - 2 quý suy giảm kinh tế liên tiếp - không nên áp dụng cho
một quốc gia đang phát triển với mức đầu tư là khoảng 40% sản lượng hàng năm,
gấp đôi mức đầu tư của Hoa Kỳ.
“Chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái”, ông Zhu
nói. “Nếu bạn nói chuyện với 10 người, 7 người sẽ nói rằng chúng ta đã có một
năm tồi tệ”.
Ông nói tiếp: “Tôi không nghĩ chính phủ có đủ khả
năng để chống đỡ cho điều đó. Sự thể như vậy không thể tiếp diễn mãi mãi”. Ông
đề nghị phải có thêm các biện pháp kích thích để phá vỡ “vòng luẩn quẩn” của sự
thiếu niềm tin sẽ ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi tham gia thị trường việc
làm ở Trung Quốc nói riêng.
MẤT ĐI KHÁT VỌNG
Hơn 1/4 trong số khoảng 100 triệu người Trung Quốc
trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp vào tháng 6/2023, là thời điểm cuối cùng có dữ
liệu trước khi các quan chức dừng công bố chuỗi dữ liệu này. Trung Quốc lại
tiếp tục công bố dữ liệu vào ngày 17/1, nhưng không bao gồm sinh viên đại học,
họ thông báo tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 14,9% trong tháng 12/2023. Các
cuộc khảo sát cho thấy, Thế hệ Z (sinh ra trong khoảng 1996-2010) của Trung
Quốc là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi.
Những người tìm được việc làm nhận mức lương ít hơn
mong đợi do các doanh nghiệp cắt giảm chi phí để đáp lại mức nhu cầu thấp ở
trong nước. Hãng đầu mối tuyển dụng Zhaopin ghi nhận rằng mức lương trung bình
mà các nhà tuyển dụng đưa ra ở 38 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã giảm
1,3% so trong quý 4/2023 với cùng kỳ năm trước.
Đối với một nền kinh tế đã tăng trưởng gấp khoảng 60
lần, quy theo đồng đô la, kể từ những năm 1980, đây là một sự thay đổi mang
tính lịch sử về tâm trạng. Thành công đó đạt được phần lớn thông qua các khoản
đầu tư khổng lồ vào sản xuất và cơ sở hạ tầng; nhưng từ khoảng một thập kỷ
trước, mô hình đó bắt đầu tạo ra nhiều nợ hơn mức tăng trưởng, với tổng số tiền
vay nợ hiện đã đạt đến mức mà Trung Quốc phải chật vật trả nợ.
Trong khi đó, Trung Quốc đào tạo sinh viên để làm
những công việc đòi hỏi kỹ năng cao trong lĩnh vực dịch vụ thay vì làm việc ở
nhà máy hoặc xây dựng. Tiêu dùng hộ gia đình giảm sút và các biện pháp quản lý
chặt chẽ đối với các ngành tài chính, công nghệ và giáo dục đã làm giảm đi cơ
hội của các sinh viên đó.
Janice Zhang, 34 tuổi, đã làm việc trong ngành công
nghệ cho đến cuối năm 2022 thì nghỉ việc để giải quyết một việc khẩn cấp của
gia đình. Chị tự tin rằng mình có thể dễ dàng tìm được công việc mới nhờ kinh
nghiệm và được đào tạo ở Mỹ.
Nhưng Zhang chỉ tìm được một vị trí tiếp thị trên
mạng xã hội, yêu cầu phải làm việc theo ca kéo dài 15 tiếng, nên chị đã nghỉ
việc sau một thời gian ngắn.
Chị nói tình hình kinh tế khiến chị cảm thấy mình
giống như “hạt cát trên bãi biển”, không thể làm chủ được số phận.
"Ở Trung Quốc, từ 'khát vọng' đã thúc đẩy mọi
người, bởi vì họ tin rằng mai kia sẽ là thời điểm tốt nhất. Thế mà điều tôi
đang cố gắng chinh phục trong đời bây giờ chỉ là vỗ về, an ủi cho nỗi thất vọng
mà ngày mai sẽ mang lại".
KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN
Vincent Li, chủ một quán cà phê cao cấp ở Thượng
Hải, đã nhận hai cú đấm quyết liệt liên tiếp mà theo ông, đã đánh bật ông ra
khỏi tầng lớp trung lưu.
Khi người Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, họ thích cà
phê rẻ hơn. Và hai căn hộ mà ông mua với giá 4 triệu nhân dân tệ (558.612 USD)
vào năm 2017 trên đảo du lịch Hải Nam đã không có ai đoái hoài tới chuyện thuê
hoặc mua trong 3 năm nay.
“Thị trường bất động sản đã bão hòa”, ông Li nói.
Tại Trung Quốc, 96% trong số khoảng 300 triệu hộ gia
đình thành thị sở hữu ít nhất 1 căn hộ vào năm 2019, theo dữ liệu mới nhất của
ngân hàng trung ương. 1/3 số đó sở hữu 2 căn, 1/10 sở hữu 3 căn trở lên.
Khoảng 70% tiền tiết kiệm của hộ gia đình được đầu
tư vào bất động sản.
Các đại lý bất động sản cho biết ở một số thành phố,
các căn hộ đã mất 2/3 giá trị kể từ khi thị trường bất động sản bắt đầu suy
thoái vào năm 2021, khiến chủ sở hữu cảm thấy kém giàu đi và phải cắt giảm chi
tiêu.
Lĩnh vực bất động sản, chiếm khoảng 1/4 hoạt động
kinh tế vào thời kỳ đỉnh cao, hiện được coi là mối nguy chính đối với nỗ lực
thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc.
Bà Yuen Yuen Ang, Chủ tịch chương trình Kinh tế
Chính trị Alfred Chandler tại Đại học Johns Hopkins, nói: “Rủi ro lớn ở đây là
hậu quả từ việc suy giảm các nguồn tăng trưởng cũ có thể trở nên quá lớn không
ngăn chặn được và chúng kiềm chế các nguồn tăng trưởng mới. Nếu điều đó xảy ra,
Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi”.
Không chỉ các chính sách trong nước ảnh hưởng đến
cuộc sống ở Trung Quốc. Căng thẳng ngoại giao với phương Tây về vấn đề Đài
Loan, Ukraine và Biển Đông đã góp phần khiến nước này lần đầu tiên bị thâm hụt
đầu tư nước ngoài.
Các cơ quan thương mại đã đưa ra cảnh báo về các
cuộc khám xét những công ty tư vấn và thẩm định cũng như các lệnh cấm xuất
cảnh, cùng nhiều vấn đề khác.
Các hạn chế về công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung
Quốc đã ngăn cản công ty tư vấn của David Fincher ở Thượng Hải kinh doanh các
mặt hàng bán dẫn hàng đầu, chặn mất một nguồn thu nhập quan trọng.
Ông đang cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài vì lo
ngại căng thẳng ngoại giao gia tăng hoặc những thay đổi về quy định mới từ Bắc
Kinh có thể khiến hoạt động kinh doanh của ông không thể trụ vững.
Fincher nói: “Có cảm giác như một con tôm hùm ở
trong nồi. Nước trở nên nóng hơn và ta cứ ngồi đó".
“Tôi lo lắng nhiều về Bắc Kinh cũng như mọi người
khác”, vẫn lời ông.
No comments:
Post a Comment