Saturday, January 13, 2024

NHÂN QUYỀN VIỆT NAM : 'MỘT NĂM U ÁM' (BBC News Tiếng Việt)

 



Nhân quyền Việt Nam: ‘Một năm u ám’

BBC News Tiếng Việt

13 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c03yyr6npp3o

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/fbe4/live/8abac080-b132-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

Sáu nhà hoạt động và blogger đang bị giam giữ vì thực thi các quyền cơ bản của mình. Từ trái qua: Hoàng Thị Minh Hồng, Bùi Tuấn Lâm, Nguyễn Lân Thắng. Hàng dưới: Đặng Đăng Phước, Trần Văn Bang, Trương Văn Dũng.

 

Việt Nam vẫn chưa cải thiện được vị trí trong các bảng xếp hạng về nhân quyền của quốc tế.

 

Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) 2024 công bố tại Bangkok hôm 12/1 tóm tắt tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 bằng từ ‘u ám’.

 

Trước đó, hôm 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo.

 

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã cố gắng mô tả mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như một giải pháp thay thế cho tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước. Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ của Việt Nam nên ngừng cho phép các tiêu chuẩn kép trắng trợn làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội phải thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình.”

 

Về quyền tự do biểu đạt: Việt Nam hiện đang giam giữ 160 người chỉ vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, báo cáo của HRW cho hay.

 

Trong 10 tháng đầu năm 2023, tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất 28 nhà hoạt động và tuyên họ các án tù dài hạn. Những người này gồm Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước.

 

Cảnh sát đã giam giữ ít nhất 19 người trước khi xét xử với các cáo buộc có động cơ chính trị, trong đó có các cựu tù chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.

 

Năm 2023 là năm Việt Nam được ghi nhận đã mở rộng đối tượng đàn áp sang các nhà hoạt động xã hội dân sự.

 

Tháng 5/2023, Việt Nam bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ‘không có thật’ về trốn thuế. Tháng 9/2023, bà Hồng – người từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi là một lãnh đạo môi trường nhiệt huyết – bị tuyên án ba năm tù.

 

Về quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin: Chính phủ Việt Nam cấm báo chí độc lập và đặt ra các quy định kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan xuất bản.

 

HRW tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự đàn áp của Việt Nam đối với quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực với các nhà cung cấp mạng xã hội như Meta (Facebook và Instagram), Google, TikTok… để buộc họ gỡ bỏ nội dung chỉ trích chính phủ hoặc các lãnh đạo ĐCSVN.

 

Trong ba tháng đầu năm 2023, Meta đã ‘khóa và gỡ hơn 1.000 bài đăng có ‘nội dung xấu’, đạt 93% yêu cầu của chính phủ; “Google gỡ gần 1.700 video trên YouTube”. TikTok gỡ hơn 300 link và 47 tài khoản và kênh các nội dung xấu, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Một bài báo trên Washington Post hồi tháng 6/2023 cho hay hai nhân viên của Meta tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam ‘bóp nghẹt’ tự do báo chí. Theo đó, Meta “có một danh sách nội bộ các quan chức chính phủ Việt Nam không được để bị chỉ trích trên Facebook” và danh sách này “là thông tin nội bộ của công ty và chưa từng được công bố công khai”.

 

Về tự do tôn giáo: Chính quyền Việt Nam theo dõi, gây khó dễ và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Thành viên của các nhóm này bị sỉ nhục nơi công cộng, bị ép từ bỏ đạo, bị bắt giữ tùy tiện, bị tra khảo và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng.

 

Tính đến tháng 9/2021, chính phủ Việt Nam cho hay đã chính thức không thừa nhận 140 nhóm tôn giáo với khoảng một triệu tín đồ.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/1 đã yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và thay vì thế cần ‘đánh giá vấn đề một cách khách quan’.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, nói: “Việt Nam lấy là tiếc và đề nghị Mỹ ngưng việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi dặc biệt liên quan đến tự do tôn giáo”, và nói thêm rằng việc này cần được “đánh giá một cách khách quan dựa trên các thông tin chính xác và toàn diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

 

“Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề quan tâm chung trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để góp phần phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển.”

 

-----------------------

TIN LIÊN QUAN

 

  •  

Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam: Nhân quyền yếu thế trước các cơ hội kinh tế?

10 tháng 6 năm 2023

  •  

Đại án Việt Á: Vì sao quan chức được làm mờ mặt trên báo chí nhưng người dân thì không?

9 tháng 1 năm 2024

  •  

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài và làn gió dân chủ - nhân quyền ở Đức

23 tháng 12 năm 2023

  •  

Việt Nam: Vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng xảy ra trong môi trường tư pháp và báo chí như thế nào?

18 tháng 11 năm 2023

  •  

Báo cáo viên LHQ: ‘Chính phủ VN cần tuân thủ luật và không dùng nó như công cụ để nhắm vào một số người’

16 tháng 11 năm 2023

  •  

Các tổ chức quốc tế kêu gọi bảo vệ nhà báo VN trước kỳ kiểm điểm nhân quyền

3 tháng 11 năm 2023

 

 




No comments: