Tuesday, January 2, 2024

NGƯỜI DÙNG KHÔNG CÒN ĐĂNG BÀI NHỀU TRÊN MẠNG XÃ HỘI NỮA. TƯƠNG LAI CÓ THỂ CHÚNG TA SẼ KHÔNG CHIA SẺ GÌ LUÔN (Wall Street Journal)

 



Người dùng không còn đăng bài nhiều trên mạng xã hội nữa. Tương lai có thể chúng ta sẽ không chia sẻ gì luôn  

Wall Street Journal

Cù Tuấn biên dịch

30-12-203  19:43   

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0QdYNmvZxnDvyXT4Dbg47swWrVbwmKQguW6EjopDDosJXxme8SdfMEAP6FmjRmAiml

 

Tóm tắt: Người dùng cho biết quá nhiều quảng cáo, bot và thông tin sai lệch đã làm mất đi niềm vui của việc chia sẻ công khai.

 

Rất nhiều người đăng nhập vào mạng xã hội mỗi ngày. Nhưng ngày càng ít người thực sự đăng bài.

 

Isaiah Hug dành khoảng hai giờ mỗi ngày để lướt Instagram, nhưng bài đăng cuối cùng của anh trên tường của anh ấy là hơn một năm trước. Anh thỉnh thoảng đăng những câu chuyện và những câu chuyện này sẽ biến mất sau 24 giờ.

 

“Tôi không cần phải tạo thêm căng thẳng trong cuộc sống của mình và khiến mọi người tranh cãi về việc tôi bầu cho ai hay tôi nghĩ cái gì,” sĩ quan pháo binh Thủy quân lục chiến Mỹ 24 tuổi, làm việc tại Carlsbad, California, nói.

 

Hug thích trò chuyện riêng tư và trò chuyện nhóm hơn - cái mà anh gọi là “mạng riêng tư”.

Hàng tỷ người truy cập mạng xã hội hàng tháng nhưng người dùng ngày càng đăng bài ít hơn và thích trải nghiệm thụ động hơn, theo khảo sát người dùng và nghiên cứu từ các công ty phân tích dữ liệu. Trong một báo cáo tháng 10 từ công ty tình báo dữ liệu Morning Consult, 61% người Mỹ trưởng thành có tài khoản mạng xã hội được hỏi cho biết họ đã trở nên chọn lọc hơn về những gì họ đăng.

 

Lý do rất đa dạng: Mọi người nói rằng họ cảm thấy không thể kiểm soát nội dung họ xem. Họ trở nên thận trọng hơn khi chia sẻ cuộc sống của mình trên mạng. Họ cũng nói rằng niềm vui có được khi chơi mạng xã hội giờ đã lụi tàn.

 

Tâm lý "tàu ngầm" này rất phổ biến, nhất là trong các mạng xã hội của Meta.

 

Instagram và Facebook, cùng với X và TikTok, đã trở thành một trong những công ty và nền tảng mạnh nhất trên thế giới nhờ mức độ sử dụng và tương tác nhiều từ người dùng. Bất kỳ sự giảm sút tương tác nào đều là mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của họ.

 

Các công ty này đang có các phản ứng. Họ đang đầu tư vào trải nghiệm người dùng riêng tư hơn như nhắn tin và làm cho các hoạt động tương tác trở nên an toàn hơn. Và họ đang khuyến khích mọi người đăng bài cho những đối tượng thân thiết hơn—như với tính năng Bạn thân được mở rộng gần đây của Instagram.

 

1. “Hết vui rồi”

 

David Kennedy, trợ lý văn phòng 27 tuổi ở Chicago, có bốn tài khoản TikTok khác nhau: ba để đăng, một để xem.

 

Là một người mẫu đầy tham vọng, anh rất thích đăng ảnh lên Instagram. Bạn bè của anh ấy lại không thích đăng ảnh lắm. Trong vô số những ảnh Instagram từ những người có ảnh hưởng, rất hiếm khi Kennedy nhìn thấy một gương mặt quen thuộc. Anh nói rằng hầu hết bạn bè của anh ấy đều là “những người chỉ vào hóng chuyện thôi”.

 

Kennedy nói: “Đôi khi tôi cảm thấy khá cô đơn. “Nếu bạn không thấy bạn bè mình chia sẻ cái gì cả, bạn sẽ có cảm giác như đang sống trong một thế giới biệt lập”.

 

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện ở Mỹ vào mùa hè này, công ty nghiên cứu Gartner nhận thấy hơn một nửa số người được hỏi tin rằng chất lượng của mạng xã hội đã giảm sút trong 5 năm qua. Họ viện dẫn thông tin sai lệch, tính độc hại và sự gia tăng của bot là những lý do khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

 

Nhà phân tích Emily Weiss của Gartner cho biết: “Bạn càng ít tin tưởng vào các thương hiệu truyền thông xã hội thì bạn càng có ít trải nghiệm tốt”. Cô cho biết thêm, người dùng ít có khả năng chia sẻ ý kiến hoặc hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của họ vì cộng đồng mà họ đang tìm kiếm không có ở trên các mạng xã hội.

 

Một số người dùng cho biết việc lạm dụng quảng cáo và các bài đăng được đề nghị cũng đã làm mất đi niềm vui của việc chơi mạng xã hội.

 

Meta đã đáp lại các khiếu nại của người dùng, cho biết họ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện các đề xuất để giúp người sáng tạo tiếp cận được nhiều người hơn. Công ty đã thêm nút tạm dừng để tạm dừng các bài đăng được đề xuất trong 30 ngày một lần và các news feed theo trình tự thời gian tạm thời chỉ hiển thị các bài đăng từ các tài khoản mà mọi người theo dõi.

 

2. Chuyển qua nói chuyện riêng tư

 

Người dùng cũng kén chọn hơn về những gì họ đăng trực tuyến. Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông độc lập cho biết, các sự kiện gần đây, chẳng hạn như cuộc chiến Israel-Hamas, đã khiến người dùng ngần ngại trước khi chia sẻ quan điểm của mình một cách công khai, vì sợ bị trả thù và phán xét.

 

Ngay cả ở những nơi ít chia rẽ hơn, người dùng cũng cho biết họ ngày càng mệt mỏi.

Cassius Hudson, một dược sĩ 31 tuổi ở Columbus, Ohio, từng đăng những đoạn trích về cuộc đời mình lên Snapchat, Facebook và Instagram nhiều lần trong tuần. Anh ngày càng ít quan tâm đến việc đăng bài hơn khi anh thấy mọi người đều phải căn chỉnh tỉa tót để trông thật ngon lành trên mạng.

 

Hudson nói: “Tôi cảm thấy mình phải có một vẻ ngoài theo một cách nhất định, và chụp ảnh theo một kiểu nào đó, và tôi nghĩ: 'Tôi không thích điều này'. Ngày nay, ứng dụng mạng xã hội duy nhất anh sử dụng là Instagram, nơi anh và bạn bè trao đổi meme và video qua tin nhắn trực tiếp.

 

Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram, cho biết vào tháng 7 rằng người dùng ứng dụng này đang dành phần lớn thời gian của họ để chia sẻ qua tin nhắn trực tiếp. “Tất cả hoạt động chia sẻ bạn bè đang đi theo hướng đó,” Mosseri nói trong một lần xuất hiện trên podcast. “Có nhiều ảnh và video được chia sẻ trong tin nhắn trực tiếp hơn là được chia sẻ trong Stories và có nhiều lượt chia sẻ trong Stories hơn là trong Feed”.

 

Meta bắt đầu chuyển tài nguyên của mình sang mảng nhắn tin, bao gồm cả nỗ lực kích hoạt mã hóa đầu cuối theo mặc định trên tất cả các dịch vụ nhắn tin của mình. Meta đã không trả lời các yêu cầu bình luận về việc này.

 

TikTok cũng có dấu hiệu đầu tư nhiều hơn vào phần nhắn tin trên ứng dụng của mình, thúc đẩy người dùng trò chuyện với những người mà họ đã lâu không nhắn tin.

 

3. Vùng đất của những "tàu ngầm"

 

Kevin Tran, nhà phân tích truyền thông và giải trí tại Morning Consult cho biết, sự chú ý của thuật toán đối với người sáng tạo và nội dung được tuyển chọn kỹ càng của họ đã khiến một số người dùng cảm thấy không an toàn và không muốn chia sẻ ảnh và video của chính họ. Ngược lại, một số người hiện coi các ứng dụng xã hội là nguồn giải trí nhiều hơn, như YouTube hoặc Netflix.

 

Gartner ước tính rằng 50% người dùng sẽ từ bỏ hoặc hạn chế đáng kể sự tương tác của họ với mạng xã hội trong hai năm tới.

 

Theo báo cáo của Morning Consult, khi giới thiệu một bộ phim hoặc chương trình truyền hình cho bạn bè, mọi người thường thực hiện việc đó một cách trực tiếp hoặc qua tin nhắn hoặc email và giảm việc chia sẻ qua mạng xã hội. Tran cho biết, việc nêu quan điểm bằng lời nói sẽ dễ dàng hơn là ghi chúng vào một bài đăng công khai trên mạng xã hội.

 

Shantae Mann, 36 tuổi, đã từng nghĩ đến việc xóa tài khoản mạng xã hội của mình nhưng dường như không thể thực hiện được điều đó hoàn toàn. Ngày nay, nhà trị liệu học đường ở Stewartstown, PA này không thực sự cảm thấy cần phải đăng bài thường xuyên. Cô chỉ đăng bài để ghi nhớ một số sự kiện nhất định, như sinh nhật của các con hoặc một chuyến đi chơi quan trọng.

 

Cô nói: “Có những bức ảnh để bạn có thể ghi nhớ những khoảnh khắc tuyệt vời là rất tốt, nhưng đối với tôi, giờ tôi muốn sống trong từng khoảnh khắc nhiều hơn”.

 

.

HÌNH:

https://www.facebook.com/photo?fbid=7285421424829808&set=a.124320747606614

 

.

22 BÌNH LUẬN   

 

.

Cù Tuấn

Bài gốc :

https://www.wsj.com/.../social-media-nobody-posting-f6c2fd3e

WSJ.COM

We Aren’t Posting on Social Media as Much Anymore. Will We Ever?

We Aren’t Posting on Social Media as Much Anymore. Will We Ever?






No comments: