LHQ
được yêu cầu điều tra các chính sách “diệt chủng văn hoá Tây Tạng” của Trung Quốc
Minh Phương - RFI
Đăng ngày: 23/01/2024 - 12:48
Các nhà hoạt động đã kêu gọi Hội đồng
Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra các chính sách nhân quyền của Bắc
Kinh, tập trung vào “nạn diệt chủng văn hoá Tây Tạng”, trong khuôn khổ cơ chế
rà soát định kỳ phổ quát (UPR) hôm nay 23/1/2024 tại Genève. Trước đó,Bắc
Kinh đã nhiều lần bị cáo buộc tìm cách "xóa bỏ" bản sắc
văn hóa và tôn giáo của người Tây Tạng.
Các nghệ sĩ người Tây Tạng lưu vong tại Dharamshala,
Ấn Độ , nhân kỷ niệm 63 năm thành lập nghị viện lưu vong của người Tây Tạng,
ngày 02/09/2023. AP - Ashwini Bhatia
Theo các chuyên gia và các nhà hoạt động Tây Tạng, hơn một triệu trẻ em
Tây Tạng từ 3 đến 18 tuổi, tương đương 80% trẻ em trong độ tuổi đi học, đã bị
tách khỏi gia đình và được đưa vào hệ thống các trường nội trú.
Bắc Kinh biện minh rằng hệ thống trường nội trú này rất cần thiết, vì ở
những vùng sâu vùng xa, vùng cao và dân cư thưa thớt, trẻ em thường phải di
chuyển quãng đường dài để đến trường.
Nhưng một hội đồng chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc nghi ngờ hệ thống
này hoạt động như một chương trình bắt buộc quy mô lớn nhằm “đồng hoá văn hóa
Tây Tạng với văn hóa của người Hán”, trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Trả lời hãng tin AFP, bà Lhadon Tethong, giám đốc Viện Hành động
Tây Tạng, cho biết sau khi rời khỏi các trường này, trẻ em hầu như không thể
giao tiếp bằng tiếng Tây Tạng và bắt đầu chỉ trích các truyền thống Tây Tạng.
Bà khẳng định đây là một ví dụ điển hình cho nạn “diệt chủng văn hoá”.
Cơ chế Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) diễn ra bốn đến năm năm một lần,
trong đó các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đánh giá tình hình nhân quyền của
các quốc gia khác. Các chính sách nhân quyền của Trung Quốc sẽ tiếp tục được
đưa ra bàn thảo trong khuôn khổ đợt đánh giá lần này. Phạm vi các vấn đề được
đánh giá có thể sẽ rất rộng, từ luật an ninh quốc gia hà khắc mà Bắc Kinh áp đặt
lên Hồng Kông vào năm 2020 nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến, cho đến nỗ lực xóa bỏ bản sắc văn hóa và tôn giáo ở Tây Tạng
và các hành động đàn áp ở Tân Cương.
Cũng về nhân quyền ở Trung Quốc, bốn chuyên gia của Liên Hiệp Quốc hôm
qua đã kêu gọi hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông Lê
Trí Anh (Jimmy Lai) và yêu cầu trả tự do cho ông ngay lập tức. Ông Lê Trí Anh,
76 tuổi, chủ báo Daily Apple, đã bị cáo buộc “cấu kết với các lực lượng thù
địch nước ngoài”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bắt giữ, giam cầm và
tố tụng hình sự đối với ông Lê Trí Anh trong những năm gần đây “dường như có
liên quan trực tiếp đến việc ông chỉ trích chính phủ Trung Quốc và ủng hộ nền
dân chủ ở Hồng Kông”.
-----------------------------
Các nội dung liên
quan
TRUNG QUỐC - TÂY TẠNG
Trung
Quốc : « Đảng Cộng Sản phải lãnh đạo xã hội Tây Tạng »
TRUNG QUỐC - TÂY TẠNG
Trung
Quốc bị tố cáo thu thập mẫu DNA để “kiểm soát” dân Tây Tạng
TRUNG QUỐC - TÂY TẠNG
Trung
Quốc bị cáo buộc tiêu diệt văn hóa Tây Tạng
No comments:
Post a Comment