Khen
đường cờ đẹp sao không thấy quan chức nào đến chụp hình Tết?
Bình
luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.01.18
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/why-no-leaders-post-with-flags-01182024122252.html
Người
phu nữ đi xe máy trên một con đường có treo cờ nhân dịp Quốc khánh ở Hà Nội hôm
1/9/2021 (minh hoạ) - AFP
Trên lề đường, gần sát vách tường của những ngôi nhà
mặt tiền, những chiếc cọc rỗng ngắn bằng sắt hay inox cùng một kích cỡ được
đóng xiên xiên dưới đất. Đến tết, các chủ nhà hay chủ tiệm mang chiếc trụ cờ
cùng chất liệu đóng vào đó và treo quốc kỳ lên. Tất cả các trụ và lá cờ đều
cùng kích cỡ và chất liệu. Thông qua tổ dân phố, chính quyền đưa ra quy định và
yêu cầu người dân mua, có làm cam kết. Đoàn thanh niên địa phương đi khoan và
đóng các lỗ cắm trụ cờ, dân bỏ tiền mua trụ và cờ. Có nơi địa phương hỗ trợ ít
tiền, dân trả thêm một ít khoảng dưới 100.000 đ.
Vào các ngày có sự kiện chính trị như bầu cử, Đại
hội Đảng…, các ngày lễ lớn như 30/4, 1/5, 3/2 (ngày thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam), 2/9 và cả Tết Nguyên đán, người dân phải treo cờ. Trước đó mấy ngày,
tổ trưởng tổ dân phố sẽ đi một vòng nhắc nhở. Đến đúng ngày, họ lại đi một vòng
để kiểm tra và tiếp tục nhắc những gia đình chưa treo cờ lên.
Tuyến đường đẹp, cột cờ kiểu mẫu
Không treo à? Pháp luật chưa có quy định nào bắt
phạt, nhưng dám bướng với chính quyền thì có ở yên được không?
Thế là cờ đỏ đỏ chói gần như tất cả các con đường.
Các nhà trong hẻm cũng phải treo cờ, nhưng tùy địa
phương và địa hình mà có châm chước về cột cờ và vị trí treo. Không mua cột cờ
đồng phục cũng được, có thể dùng cây tre, thanh sắt, que gỗ… miễn lá cờ được
treo lên đúng ngày và để đó suốt thời gian được yêu cầu.
Từ năm 2012, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có
Hướng dẫn số 3420 về sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và chân dung chủ tịch
Hồ Chí Minh. Hướng dẫn này quy định quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội
trường của các cấp chính quyền, cơ quan Nhà nước và các đoàn thể khi có các
buổi họp long trọng. Trong các dịp lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền hay
theo thông báo của Trung ương và chính quyền địa phương thì quốc kỳ được treo
ngoài trời.
Thực tế và theo cách tôi hiểu thì quy định treo
ngoài trời tức là treo trên những cột cờ cao lớn ở những vị trí trang trọng,
hay trên nóc nhà, trên mặt tiền cao và rộng của các cơ quan nhà nước, các tòa
nhà công cộng to lớn bề thế, treo với khoảng cách dày tại một không gian tập
trung nơi diễn ra sự kiện trang trọng có quy mô quốc gia. Các nước đều có quy
định treo quốc kỳ như vậy.
Hãy nhìn xem một số không gian treo quốc kỳ tại
nhiều quốc gia, trông chúng vô cùng trang trọng. Có nơi sơn hẳn quốc kỳ vào
cánh cổng lớn của tòa nhà. Có nơi căng dọc một lá cờ khổng lồ trên suốt chiều
dài một đoạn phố, căng ngang qua suốt chiều rộng mặt đường. Có nơi dựng cổng
chào hình lá quốc kỳ đang tung bay. Có nơi sơn lên bậc thang của một tam cấp
rất rất rộng và cao. Có nơi sơn lên một khoảng rộng lớn ở quảng trường. Có nơi
sơn lên tường. Nhưng tất cả đều phải đặt tiêu chuẩn thẩm mỹ lên đầu tiên.
Thế nhưng ở ta, chẳng hiểu từ hướng dẫn chung của Bộ
Văn hóa đi xuống địa phương, dọc đường cái bản hướng dẫn bị đánh tráo thế nào
mà cuối cùng, nó biến thành quy định buộc tất cả các hộ dân ở mặt tiền đường
phải treo cờ san sát như đã nói.
Mà mặt tiền đường phố Việt Nam thì nào có sạch sẽ và
phong quang như ở nhiều thành phố bên tây. Nó khấp khểnh, nhem nhuốc, nứt nẻ,
lở lói, đen sì dầu nhớt ở những đoạn người ta chiếm làm chỗ sửa xe, trơn trượt
dầu mỡ và bốc mùi ở những đoạn người ta chiếm làm quán ăn, quán nhậu lề đường.
Chiều rộng các ngôi nhà không đều, nhà hẹp, nhà rộng. Kiến trúc và chiều cao
mỗi nhà một kiểu. Hàng cờ viền theo cái vỉa hè xô lệch đó cũng trúc trắc và
lệch lạc, còn chiếm thêm không gian.
Nhưng ở thành phố dù sao vẫn còn đỡ tệ hơn các con
đường nông thôn thiếu vệ sinh. Dưới vệ đường đầy cỏ dại, cây bụi, bùn lầy, hố
đủ kích cỡ, túi nilon, khẩu trang dùng rồi, hộp xốp, chai nước rỗng lăn lóc.
Cây ven đường to nhỏ, cao thấp lung tung khác nhau. Ở trên, hùng dũng một hàng
cờ đỏ rực. Trông nó chối không thể tả!
Thế mà báo chí trong nước cứ đăng vô số tin ảnh, bài
báo ca ngợi việc các địa phương “lan tỏa mô hình cột cờ kiểu mẫu, xây dựng
tuyến đường đẹp”. Người dân nào phát biểu cũng thật hân hoan: Cờ treo đồng loạt
đẹp quá, tô sắc tươi thắm cho địa phương. Cán bộ địa phương thì tự hào việc
treo cờ đồng loạt thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, trở
thành nét đẹp văn hóa, nếp sống văn minh, tạo diện mạo tươi sáng tại các vùng
quê, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong các ngày lễ lớn hay tết
nguyên đán.v.v
Một người bán hàng rong đi qua một ngõ nhỏ có treo
cờ ở Hà Nội nhân dịp Quốc khánh hôm 1/9/2016. AFP
Đẹp thế sao không ra check-in?
Thôi đẹp xấu tùy thẩm mỹ và quan điểm từng người
nhìn. Nhưng trộm nghĩ: Nếu các quan chức địa phương thật sự thấy những con
đường đỏ rực quốc kỳ đẹp và giàu văn hóa dân tộc đến vậy, tại sao không thấy vị
nào đưa vợ con gia đình ăn mặc thật đẹp đến chụp hình tết, làm gương cho người
dân? Tại sao rất nhiều năm nay lễ hội đón xuân trong sân Nhà văn hóa Thanh niên
(quận 1 TP HCM) vẫn muôn thuở dựng lên cả một rừng mai vàng đào hồng bằng nhựa
mà vẫn hút hàng trăm ngàn lượt khách xúng xính chụp hình Tết? Tại sao phía Bắc
thì lên đồng tam giác mạch Hà Giang, lên Tây Bắc tìm hoa mơ hoa mận, Nam Bộ thì
lên Đà Lạt, về Sa Đéc, Bến Tre chụp hình với muôn sắc hoa và lá kiểng?
Mà những tay nịnh thối nào cả gan gán lá cờ mới có
vài chục năm nay trở thành biểu tượng lòng yêu nước? Nước Việt Nam theo lịch sử
hiện đại đã tồn tại 4.000 năm, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã được khẳng
định xuyên suốt chiều dài lịch sử. Chẳng lẽ trước khi có lá cờ đỏ sao vàng thì
người Việt Nam không có lòng yêu nước, có tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc?
Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền của dân tộc. Để
thể hiện niềm vui mừng và cầu mong may mắn bình an trong năm mới, người dân
Việt Nam có rất nhiều cách trang trí. Miền Bắc cổ xưa treo tranh Đông Hồ, dựng
cây nêu, sắm cành đào, tỉa tót lọ thủy tiên, miền Nam tưng bừng mai, cúc vàng
rực, dưa hấu đỏ tươi, người Hoa dán các câu chúc rực rỡ nền đỏ chữ vàng, câu
đối tết trên cửa… Tùy thời, tùy khả năng tài chính mà mỗi dân tộc, mỗi vùng
miền, mỗi gia đình trang trí phù hợp với mình.
Nhưng cờ tổ quốc không phải là vật trang trí. Nó
hiện diện để thể hiện, khẳng định chủ quyền quốc gia, biểu hiện sự uy nghiêm và
trang trọng. Do vậy mới có quy định phải chào cờ tổ quốc trong các sự kiện
chính trị, chứ không ai chào cây mai, cây đào, chậu cúc, quả dưa. Đem quốc kỳ
ra làm vật trang trí đường phố là việc làm mất não không thể tưởng tượng.
Lại còn ép dầu ép mỡ đến nỗi bảo treo cờ là thể hiện
nếp sống văn minh. Tôi lạy. Văn minh là nếp sống tiên tiến, có văn hóa, giàu
nhân văn, tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, chứ cái hàng cờ đều
tăm tắp do bị ép làm kia bảo nó là nếp sống văn minh, cái lý lẽ giời ơi này
chui từ nơi nào ra vậy?
Lại sắp tết rồi đấy. Tết miền Trung và Nam Bộ là bắt
đầu những ngày nắng hanh, mùa thứ hai trong thời tiết đặc trưng một năm có hai
mùa: mùa nắng và mùa nắng… thấy mẹ! Nghĩ đến những con đường lầm bụi trong nắng
chói chang vỡ đầu, đã thế còn đỏ gắt cả một rừng cờ, trời ơi….
___________
Tham khảo:
https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/1195.htm
--------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu
Tự Do
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan
tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội
trong nước.
No comments:
Post a Comment