Iran
tìm điểm tựa chống "bế quan tỏa cảng" Mỹ
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 05/01/2024 - 14:06
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240105-iran-tim-diem-tua-chong-be-quan-toa-cang-my
Trước khi tổ chức khủng bố Daech, ngày
04/01/2024, đứng ra nhận trách nhiệm về hai vụ tấn công tự sát gần mộ của tướng
Qassem Soleimani, chính quyền Iran đã cáo buộc Hoa Kỳ và Israel là thủ phạm.
Cáo buộc ngay lập tức này cho thấy đối đầu giữa Teheran và Washington ngày càng
căng thẳng, đặc biệt là từ khi xảy ra chiến tranh Israel-Hamas, lần lượt được mỗi
bên ủng hộ. Iran tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng trong vùng và thoát khỏi những
biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trước cuộc gặp với tổng
thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, Nga, ngày 07/12/2023. via REUTERS -
SPUTNIK
« Thành công quan trọng » gần
đây nhất, theo nhận định của chính quyền Teheran, là Iran chính thức trở thành
thành viên nhóm BRICS+ từ ngày 01/01/2024 cùng với các nước Ả Rập Xê
Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập, Ethiopia. Được thành lập
năm 2009 với bốn thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc để
làm đối trọng với phương Tây, BRIC kết nạp thêm Nam Phi năm 2010, trở
thành BRICS và hiện là BRICS+ sau khi có thêm năm thành viên mới.
Cả năm nước này đều nằm ở châu Phi và Trung Đông, dường như thể
theo « ý đồ » của Nga trong việc tìm thêm đồng minh
và tăng cường quan hệ với « các nước phương Nam ». Ngoài
ra, ba trong năm thành viên mới là những nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế
giới, gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và
Iran. Nhóm BRICS+ hiện chiếm gần một nửa dân số toàn cầu và 27% GDP thế giới
(so với 44% của nhóm G7).
Gia
nhập BRICS để thoát « kìm kẹp » của Mỹ
Gia nhập BRICS được chính quyền Teheran khẳng định với người dân là cơ hội
làm giảm khủng hoảng kinh tế từ năm 2018 do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bác
bỏ sự thống trị của đô la Mỹ và là tiềm năng kinh tế vô cùng lớn. Nhiều nhà
phân tích, được trang Iran International trích dẫn ngày 02/01, cho rằng
gia nhập BRICS còn phục vụ chính sách đối nội của Iran nhằm trấn an những lo ngại
trong dân. Cho nên, BRICS được quảng bá là một cơ chế thách thức Hoa Kỳ và
kích thích thương mại.
Lĩnh vực đầu tiên được Teheran kỳ vọng có lợi khi gia nhập BRICS là năng
lượng vì Iran là nhà sản xuất dầu khí lớn. Iran có thể sẽ tăng được khối lượng
xuất khẩu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và giảm bớt các biện pháp trừng
phạt của Mỹ nhờ sử dụng nội tệ của mỗi nước trong việc mua bán năng lượng.
Trong lúc chờ nhóm BRICS tìm ra được đồng tiền chung, các nước thành
viên, đặc biệt là Nga (bị loại khỏi hệ thống SWIFT) và Iran (bị Mỹ trừng phạt),
có thể thanh toán bằng nội tệ của mỗi nước trong trao đổi thương mại song
phương. Theo trang Investing ngày 28/12/2023, Iran và Nga đã ký nhiều thỏa thuận
tăng cường hợp tác thương mại và tài chính song phương, trong đó có việc cung cấp
một khoản tín dụng quan trọng và sử dụng nội tệ mỗi nước để trao đổi thương mại.
Ví dụ ngân hàng Sberbank của Nga đã cung cấp một tín dụng trị giá
6,5 tỉ rúp cho Bank Melli, một trong những ngân hàng chính của Iran. Biện pháp
này tạo thuận lợi cho Iran nhập khẩu hàng hóa Nga. Về phía Iran, sau khi một số
biện pháp trừng phạt được nới lỏng, Bank Sepah, một ngân hàng lớn của Iran, đã
phát hành thư tín dụng trị giá 17 tỉ euro tại Nga. Ngoài ra, quan chức
ngân hàng hai nước còn đề xuất cải thiện các giao dịch tài chính song phương
trong thời gian Nga điều hành nhóm BRICS.
Do không được truy cập vào hệ thống thông tin quốc tế SWIFT, Nga và Iran
sử dụng hai chương trình riêng : SPFS (System for Transfer of
Financial Messages) do Nga quản lý và ACU (Asian Clearing Union) do Iran quản
lý. Nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Maldives, Sri Lanka,
Pakistan, Miến Điện tham gia hệ thống SPFS của Nga. Nhật báo Pháp Les Echos nhận
định chính các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cũng như sự khẳng định của
nhóm BRICS càng làm gia tăng sự phản đối đối với đô la Mỹ. Xu hướng dùng nội tệ
mỗi nước ngày càng phát triển trong các thỏa thuận thương mại song phương,
trong các hệ thống thanh toán liên ngân hàng và chi trả, theo sáng kiến của Nga
và Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn nghi ngờ về khả năng Iran giảm
bớt được tác động của các biện pháp trừng phạt Mỹ nhờ gia nhập BRICS, trong bối
cảnh hai nước chủ chốt là Nga và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt và
với những thách thức kinh tế nghiêm trọng trong nước bất đồng với
phương Tây. Ngoài ra, căn cứ vào khối lượng trao đổi thương mại với
Hoa Kỳ, một số nước thành viên BRICS có lẽ sẽ ngại chịu rủi ro về kinh
tế khi tăng cường quan hệ với Iran.
Khẳng
định vị trí ở Hồng Hải và trong vùng
Song song với những nỗ lực cải thiện kinh tế, Iran không ngừng khẳng định
sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ở trong vùng. Ngày 01/01/2024, hãng thông tấn
Iran Tasnim cho biết tầu khu trục Alborz của Iran đã vượt eo biển Bab el-Mandeb
để vào Hồng Hải ngay sau khi quân đội Mỹ bắn chìm ba tầu của lực lượng nổi dậy
Houthi ở Yemen. Từ tháng 12/2023, Houthi đã tấn công khoảng 20 tầu vận tải đi
qua vùng biển, được ông John Stawpert, một trong các giám đốc của Phòng Vận tải
Quốc tế (International Chamber of Shipping, ICS), đánh giá trên đài RFI ngày
03/01 là « huyết mạch » đối với thương mại toàn cầu :
« Tuyến đường giữa Hồng Hải và kênh đạo Suez
chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu. Điều mà Houthi đang làm là gây rối loạn
an toàn của trục trung chuyển này. Chúng tôi kêu gọi đạt được một nỗ lực ngoại
giao để chấm dứt ngay lập tức những vụ tấn công này. Các nước có ảnh hưởng
trong vùng, đặc biệt là những nước có thể nói chuyện được với Houthi, cần phải
gây sức ép để ngừng các vụ tấn công mang tính phân biệt trên. Không thể chấp nhận
được là những bên vô tội lại bị nhắm như vậy ở ngoài khơi ».
Nhiều nhà phân tích, được trang The Guardian trích dẫn ngày 02/01, khẳng
định hoạt động gây hấn của Houthi ở Hồng Hải là nhằm gia tăng sự ủng hộ đối với
lực lượng này. Houthi cũng cho rằng các vụ tấn công ở Hồng Hải có thể biến họ
thành một tác nhân tầm cỡ quốc tế lớn hơn, cũng như tại Yemen trong bối cảnh khủng
hoảng từ nhiều năm nay.
Iran bác mọi cáo buộc rằng Houthi hành động theo lệnh của Teheran
nhưng từng cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Theo trang Politico ngày
02/01, quyết định đưa tầu chiến đến Hồng Hải đẩy quân đội Iran vào cuộc khủng
hoảng ngày càng biến động. Ngoài ra, Iran và Ả Rập Xê Út, hai nước bảo trợ cho
hai lực lượng đối lập tại Yemen, đang tìm cách bình thường hóa quan hệ và đúc kết
một thỏa thuận hòa bình, theo đó Houthi có thể sẽ được quyền kiểm soát ở miền bắc
Yemen. Do đó, Riyad lo lắng mọi sự đáp trả của Hoa Kỳ, có thể sẽ làm phức tạp
thêm quá trình rút quân khỏi Yemen của Ả Rập Xê Út.
Để tránh nguy cơ leo thang căng thẳng được Washington cho rằng sẽ chỉ
giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở trong vùng, chính quyền của tổng thống Biden
đã quyết định rút hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford khỏi đông Địa Trung Hải.
Được đưa đến khu vực ngay sau vụ thảm sát do Hamas tiến hành ngày 07/10/2023, tầu
sân bay Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ Israel và ngăn Iran, lực lượng hẫu thuẫn Hamas, mở
rộng cuộc khủng hoảng ra khu vực.
Vậy quyết định rút tầu sân bay USS Gerald Ford có ý nghĩa như thế
nào ? Trả lời đài RFI, giáo sư Karim Bitar, chuyên về quan hệ quốc tế tại
Đại học Saint Joseph ở Beyrouth (Liban), phân tích :
« Đúng là có sự thay đổi trong chính sách Mỹ.
Hiện giờ, sau gần hai tháng ủng hộ Israel không mệt mỏi, vô điều điện, và vào
đúng năm bầu cử, Hoa Kỳ hiểu ra là có rất nhiều ý kiến phản đối, không chỉ từ
các đồng minh Ả Rập, mà cả thế hệ trẻ Mỹ, kể cả những người ủng hộ đảng Dân Chủ
của ông Joe Biden. Họ thấy rằng Hoa Kỳ đã đi quá xa khi để Israel tự quyết và
giờ đã đến lúc phải tỏ ra kiềm chế và nhất là không được viện vào sự hiện diện
của « chiếc ô » Mỹ ở Địa Trung Hải để mở rộng cuộc xung đột và tấn
công Liban, cũng như nhiều đối tác khác của Iran ở trong vùng ».
----------------------------
Các nội dung liên
quan
YEMEN - HOUTHI - HỒNG HẢI
Mỹ
cáo buộc Iran can dự vào một số vụ tấn công mới vào tàu dân sự ở Hồng Hải và
ngoài khơi Ấn Độ
TRUNG ĐÔNG - XUNG ĐỘT
Iran
điều tàu khu trục Alborz tới Hồng Hải
XUNG ĐỘT ISRAEL - HAMAS
Xung
đột Israel – Hamas: Iran cổ vũ, Nga quy trách nhiệm cho phương Tây
No comments:
Post a Comment