Sunday, January 7, 2024

HỆ THỐNG PHÒNG KHÔNG "TIA SẮT" CỦA ISRAEL HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO? (The Economist)

 



Hệ thống phòng không “Tia Sắt” của Israel hoạt động như thế nào?

The Economist

Phan Nguyên, biên dịch

07/01/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/01/07/he-thong-phong-khong-tia-sat-cua-israel-hoat-dong-nhu-the-nao/

 

Cứ mười tên lửa bay tới, hệ thống phòng không di động của Israel, gọi là Vòm Sắt (Iron Dome) , thường bắn hạ được chín. Israel tuyên bố đã duy trì tỷ lệ đó ngay cả khi Hamas bắn những loạt tên lửa lớn hơn từ Gaza sau cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo này vào Israel hôm 7/10. Tuy nhiên, Iron Dome cũng có những hạn chế. Về cơ bản, việc bổ sung kho tên lửa dự trữ phục vụ đánh chặn, ngay cả với sự hỗ trợ sản xuất của Mỹ, cũng rất tốn kém. Chi phí được báo cáo cho mỗi tên lửa đánh chặn, có tên Tamir, dao động từ 40.000 USD đến hơn gấp đôi. Do đó, Israel có kế hoạch triển khai hệ thống phòng không bằng laser. Đây sẽ là quốc gia đầu tiên thiết lập một hệ thống như vậy, gọi là Iron Beam (Tia Sắt). Vậy hệ thống này thực sự hoạt động như thế nào?

 

Bộ Quốc phòng Israel đã quyết định xây dựng Iron Beam vào năm ngoái sau khi nước này phá hủy thành công tên lửa, súng cối, máy bay không người lái và đạn chống tăng trong các cuộc thử nghiệm. Như thủ tướng khi đó là Naftali Bennett đã nói, Israel sẽ dựng lên một “bức tường laser”. Các hoạt động dự kiến ​​​​sẽ bắt đầu vào năm 2025. Giờ đây, với việc chiến tranh đang hoành hành, tiến trình đang được rút ngắn. Uzi Rubin, cựu lãnh đạo Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel thuộc Bộ Quốc phòng, cho biết lợi thế lớn nhất là nguồn “đạn” không giới hạn của Iron Beam. Ông lưu ý rằng các tia laser được “tạo ra ngay lập tức”, mỗi tia có giá chỉ vài đô la dầu diesel dùng chạy máy phát điện.

 

Iron Beam là một tuyệt tác công nghệ. Súng laser di động sử dụng cấu hình gương phức tạp để chuyển hướng các photon từ điốt phát sáng thành một chùm tia duy nhất. Để ngăn gương bị tan chảy, chúng được thiết kế với hệ thống làm mát và phản xạ đặc biệt. Sau quãng đường 10 km, tia laser Iron Beam được cho là có đường kính bằng một đồng xu và có độ chính xác đáng kinh ngạc, bất chấp tác động làm biến dạng của gió và nhiệt độ không khí.

 

Tuy nhiên, dù tia laser 100kW của Iron Beam có đáng sợ đến đâu, Tiến sĩ Rubin vẫn cảnh báo rằng những kỳ vọng về “hiệu suất dạng Chiến tranh giữa các vì sao” là không thực tế. Các chuyên gia cho rằng tầm bắn của Iron Beam tốt nhất chỉ bằng hơn 1/3 so với tên lửa đánh chặn Tamir, loại tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 70 km. Nhà phát triển hệ thống thuộc sở hữu nhà nước của Israel, Rafael, đã nói về phạm vi “vài dặm”. Một hạn chế là thời tiết có thể ảnh hưởng đến hệ thống—độ ẩm và các hạt, như khói, hấp thụ năng lượng laser.

 

Một nhược điểm khác là “thời gian dừng”. Phải mất vài giây tiếp xúc để tia laser Iron Beam bơm đủ năng lượng vào tên lửa đang bay để làm nó bị vỡ ra hoặc phát nổ. Do đó, Iron Beam không thể chống đỡ được các đòn tấn công hạng nặng, vì vậy hệ thống này sẽ được sử dụng song song với Iron Dome, giúp bắn các loạt tia đánh chặn một cách nhanh chóng. Iron Beam cũng sẽ thu thập dữ liệu nhắm mục tiêu từ mạng lưới radar và máy tính tốc độ cao của Iron Dome. Và tia laser của hệ thống mới có thể phù hợp nhất để chống lại các máy bay không người lái tấn công có tốc độ bay chậm hơn, vốn không xoay và phải dựa vào các cánh quạt, cánh tà và hệ thống dẫn đường tương đối mỏng manh, khiến chúng có thể bị bắn hạ bằng các tia laser ngắn hơn.

 

Một điều đáng lo ngại là Hamas và các nhóm chiến binh khác có thể tìm cách bọc tên lửa bằng vật liệu chịu nhiệt. Và chi phí lắp đặt các đơn vị Iron Beam là đáng kể (mặc dù không được tiết lộ). Yakov Amidror, một thiếu tướng đã nghỉ hưu và là cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, nói rằng vẫn còn phải xem liệu Iron Beam có bắn hạ được nhiều tên lửa không để biện minh cho việc có nên đầu tư vào hệ thống này hay không.

 

Các hệ thống phòng không bằng laser khác đang được triển khai. Lockheed Martin, vào tháng 12 năm 2022, đã ký một thỏa thuận với Rafael để cùng phát triển một biến thể của Iron Beam cho lực lượng Mỹ và có thể là cả các đồng minh. Theo Nicholas Morley, một nhà khoa học cấp cao tại phòng thí nghiệm, nhóm “năng lượng định hướng” của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ ở Albuquerque, New Mexico, đang phát triển loại laser 300kW để đánh bại những “những loạt tên lửa áp đảo” khi xảy ra xung đột.

 

Vòm Sắt của Israel hoạt động như thế nào?

 





No comments: