Hãy trả tự do cho tù nhân chính trị ở Việt Nam!
January 18, 2024
https://www.hrw.org/vi/video-photos/interactive/2024/01/18/310927
Ở
Việt Nam, hiện có hơn 160 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các
quyền cơ bản của mình. Các blogger và nhà hoạt động nhân quyền hàng ngày phải
đối mặt với nạn sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an. Trong một
chế độ độc đảng công an trị không chấp nhận bất đồng chính kiến, các nhà hoạt
động bị tạm giam trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với luật sư hay gia
đình.
Các
nhà tài trợ và đối tác quốc tế cần gây sức ép để chấm dứt tình trạng đàn áp một
cách có hệ thống nhằm vào những người lên tiếng phê phán ôn hòa. Hãy sát cánh
cùng chúng tôi kêu gọi phóng thích ngay lập tức tất cả những người đang bị
giam, giữ vì thực thi các quyền con người của mình một cách ôn hòa.
*
Trần
Huỳnh Duy Thức
Trần
Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, đang thụ án 16 năm tù vì đã kêu gọi dân chủ và
một hệ thống chính trị đa đảng ở Việt Nam. Trước khi bị bắt, ông là một doanh
nhân, là người sáng lập và tổng giám đốc công ty công nghệ thông tin EIS/OCI,
cung cấp dịch vụ điện thoại và các dịch vụ khác qua mạng Internet. Ông góp phần
quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển công nghệ tin học và viễn
thông kỹ thuật số ở Việt Nam.
Cuối
năm 2005, Trần Huỳnh Duy Thức thành lập Nhóm Nghiên cứu Chấn để
nghiên cứu các vấn đề kinh tế xã hội và chính trị ở Việt Nam. Ông cũng tạo ra 3
trang blog (Tran Dong Tran , Psonkhanh, và Change We
Need) và đăng trên đó các bài nhận xét, phân tích của mình về các vấn đề chính
trị xã hội đương thời.
Trần
Huỳnh Duy Thức bị công an bắt hồi tháng Năm năm 2009. Ban đầu, họ kết tội ông
trốn thuế sử dụng điện thoại, nhưng sau đó truy tố ông theo điều 79 bộ luật
hình sự về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Tháng Giêng năm
2010, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ông và các nhà hoạt động nhân quyền Lê Công Định, Lê Thăng
Long và Nguyễn Tiến Trung ra xét xử vì có liên quan đến “tổ chức phản
động có tên là Đảng Dân chủ Việt Nam”. Tại phiên tòa, Trần Huỳnh Duy Thức đưa
ra lời khiếu nại, cho rằng mình đã bị các cơ quan tư pháp ép nhận tội, nhưng
tòa phớt lờ việc này. Những người quan sát tin rằng mức án quá nặng dành cho
ông là để trả thù việc ông khiếu nại bị ép cung.
Tháng
Năm năm 2016, Trần Huỳnh Duy Thức bị chuyển từ trại giam Xuyên Mộc ở tỉnh Bà
Rịa – Vũng Tàu tới trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An. Được biết ông đã tuyệt thực
trong tù để kêu gọi quyền tự quyết cho người dân Việt Nam và để phản đối cách
chính phủ xử lý vụ khủng hoảng cá chết.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-87.jpg
Trần Huỳnh
Duy Thức bị kết án 16 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trương
Văn Dũng
Trương
Văn Dũng (sinh năm 1954) hiện đang thụ án tù sáu năm vì đã phê phán chính
quyền.
Trương
Văn Dũng bắt đầu trở thành nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai từ thập niên
2000, khi ông vận động nhằm phản đối quyết định trưng thu chính căn nhà của
mình. Đầu thập niên 2010, ông tham gia cùng với các nhà hoạt động khác và bắt
đầu vận động cho các quyền con người cơ bản, như quyền tự do biểu đạt, lập hội
và nhóm họp. Từ giữa năm 2011 đến năm 2018, ông cũng tham dự nhiều cuộc biểu
tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường. Ông tham gia một cuộc
biểu tình phản đối bộ luật nhiều vấn đề về an ninh
mạng năm 2018 và công khai tẩy chay các cuộc “bầu cử” cấp quốc gia,
một quy trình do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát và hoàn toàn không có tự do
cũng như công bằng.
Ông
cũng công khai lên tiếng ủng hộ nhiều tù nhân và nghi can chính trị đang bị
giam giữ, như Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Tư,
Trịnh Bá Phương, Lê Đình Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí
Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Đỗ Nam Trung và các thành viên của Hội Anh em Dân chủ.
Tháng
Mười hai năm 2013, Trương Văn Dũng và một số nhà hoạt động khác thành lập một
nhóm nhân đạo, Hội Bầu bí Tương Thân, để hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các
tù nhân chính trị, những người khiến kiện đất đai và gia đình họ.
Trương
Văn Dũng từng trải qua nhiều năm bị chính quyền sách nhiễu và đe dọa, kể cả bị
công an thẩm vấn, bị câu lưu tại gia, bị cấm xuất cảnh, bị an ninh
mặc thường phục nhiều lần hành hung thân thể. Tháng Ba năm 2014, sau khi bị những
người mặc thường phục tấn công và gây thương tích, ông nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do: “Tôi không khuất
phục, và họ càng hành xử như thế này thì tinh thần tôi càng ngày càng tăng lên
thôi, không bao giờ giảm sút tí nào… Tôi thấy rất vinh dự về bản thân, không
làm điều gì hổ thẹn với lương tâm.”
Sau
khi bị bắt giữ từ tháng Năm năm 2022, ông Trương Văn Dũng bị cắt liên lạc hơn
chín tháng. Mãi tới tháng Ba năm nay ông mới được gặp luật sư bào chữa lần đầu
tiên. Gia đình ông vẫn chưa được thăm gặp ông. Các tòa án Việt Nam, do đảng cầm
quyền – Đảng Cộng sản Việt Nam, kiểm soát, không phải là tòa án độc lập và các
phiên xét xử không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Công
an bắt giữ Trương Văn Dũng ở Hà Nội vào tháng Năm năm 2022 với cáo buộc “tuyên
truyền chống nhà nước.” Vào ngày 28 tháng Ba năm 2023, một tòa án xử ông sáu
năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-20.webp
Trương Văn
Dũng bị kết án 6 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Hoàng
Thị Minh Hồng
Hoàng
Thị Minh Hồng (sinh năm 1972) là một nhà hoạt động môi trường đang thụ án ba
năm tù giam theo một bản án có động cơ chính trị về tội trốn thuế.
Hoàng
Thị Minh Hồng thành lập CHANGE VN vào năm 2013 để “khuyến khích, thúc đẩy bảo
vệ môi trường thông qua giáo dục, truyền thông sáng tạo nhằm khuyến khích thay
đổi hành vi và truyền cảm hứng cho các cộng đồng hành động.” Tổ chức này tập
trung vào ba lĩnh vực chính: bảo vệ động vật hoang dã, nâng cao nhận thức về
thay đổi khí hậu; và vận động giảm thiểu ô nhiễm. CHANGE VN đã khởi xướng hơn
200 dự án và phong trào liên quan tới môi trường.
Năm
2018, Hoàng Thị Minh Hồng là một trong 12 nhà hoạt động quốc tế được nhận học
bổng từ Chương trình Học giả Quỹ Obama lần thứ nhất ở Đại học Columbia. Tháng
Mười hai năm 2018, Tổng thống Mỹ Barack Obama đăng một dòng tweet trên Twitter
rằng “Các nhà lãnh đạo như Hoàng Hồng, người đã vận động phong trào do những
người trẻ tuổi đứng đầu để kiến thiết một thế giới xanh sạch hơn sau khi trở
thành người Việt Nam đầu tiên [vào năm 1997] đặt chân tới Nam Cực.”
Vào
tháng 10 năm 2022, Hoàng Thị Minh Hồng đã đột ngột đóng cửa tổ chức phi chính
phủ có nhiều ảnh hưởng CHANGE VN do bà sáng lập một thập niên trước đó, mà
không đưa ra giải thích.
Vào
tháng Năm năm 2023, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt Hoàng Thị Minh Hồng với
các cáo buộc về trốn thuế theo điều 200 của bộ luật hình sự.
Vào
tháng Chín năm 2023, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xử và kết án bà ba
năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-21.webp
Hoàng Thị
Minh Hồng bị kết án 3 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Lân Thắng
Nguyễn
Lân Thắng (sinh năm 1975) đang thụ án sáu năm tù giam vì phê phán chính phủ.
Ông
Nguyễn Lân Thắng tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông bắt đầu hoạt
động từ đầu thập niên 2000 qua việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung
Quốc. Ông là thành viên sáng lập của Đội bóng No-U FC giờ đã ngưng hoạt động,
có các thành viên cùng chung mục đích là lên tiếng phản đối việc Trung Quốc
tuyên bố chủ quyền trên các vùng lãnh hải đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ông cũng tham gia nhóm từ thiện No-U để hỗ trợ người nghèo ở các vùng hẻo lánh
và nạn nhân của các đợt thiên tai.
Nguyễn
Lân Thắng phản ứng lại với động thái trấn áp thẳng tay nhằm vào các cuộc biểu
tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bằng cách “mở rộng phạm
vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như bênh vực dân oan, chống cướp bóc đất
đai, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người, phổ biến pháp luật…”
Ông
đi tới những nơi bị cưỡng chế trưng thu đất đai để ghi lại hình ảnh chính quyền
sử dụng vũ lực quá mức cần thiết. Ông cũng tham dự nhiều cuộc biểu tình ủng hộ
môi trường. Ông tới các phiên tòa xử các nhà hoạt động thân hữu và thăm gia
đình họ để bày tỏ tình đoàn kết. Ông lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị
trong đó có Trần Đức Thạch, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Lê Văn Dũng và nhiều
người khác.
Nguyễn
Lân Thắng cũng là một người viết blog cho ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do. Từ
giữa tháng Tư năm 2013 đến tháng Bảy năm 2022, một ngày trước khi ông bị bắt,
ông đã viết hơn 130 bài blog đề cập đến nhiều vấn đề chính trị-xã hội ở Việt
Nam. Ông công khai ủng hộ việc hoạt động ôn hòa, ghi rõ rằng ông mong muốn đấu
tranh “vì một thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai: hiểu biết, tôn trọng, không cuồng
tín, không bạo lực…”
Ông
có lần từng viết rằng mình “chỉ quan tâm thực sự đến những gì làm người dân
bình thường thoát lừa, giải ảo, dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình, dám
đòi hỏi nhà nước phải thực thi bổn phận của nó… chỉ cần vậy thôi thì đường đến
tự do dân chủ sẽ không còn xa…”
Trong
nhiều năm, nhà cầm quyền Việt Nam nhiều lần sách nhiễu, đe dọa và đàn áp Nguyễn
Lân Thắng. Ông từng bị câu lưu tùy tiện, thẩm vấn, quản chế tại gia và cấm xuất
cảnh. Đã vài lần, ông bị an ninh mặc thường phục hành hung. Tháng Tư năm 2014,
ông bị công an ở sân bay Nội Bài, Hà Nội cấm xuất cảnh đi Mỹ để tham dự một sự
kiện về tự do báo chí quốc tế. Ông công bố một bức thư ngỏ tỏ lòng tiếc nuối
không được tham dự sự kiện nói trên và ta thán về tình trạng thiếu tôn trọng
các quyền con người cơ bản ở Việt Nam.
Công
an bắt giữ Nguyễn Lân Thắng vào ngày mồng 5 tháng 7 năm 2022 ở Hà Nội, và cáo
buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, vật phẩm,
tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117
(1) của bộ luật hình sự. Vào ngày 12 tháng Tư năm 2023, một tòa án đã kết án
ông sáu năm tù giam và hai năm quản chế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-22.webp
Nguyễn Lân
Thắng bị kết án 6 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trần
Văn Bang
Trần
Văn Bang (sinh năm 1961) đang thụ án tám năm tù giam vì phê phán chính phủ.
Ông
Trần Văn Bang (còn được gọi là Trần Bang), từng phục vụ trong quân đội thời đầu
thập niên 1980, và sau khi xuất ngũ vào giữa thập niên này thì trở thành một kỹ
sư thủy lợi. Trong 10 năm qua, ông đã tham gia một số cuộc biểu tình chống
Trung Quốc. Tháng Mười một năm 2015, trong một cuộc biểu tình phản đối Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, ông Trần Văn Bang đã bị nhân viên
an ninh hành hung và gây thương tích. Ông cũng tham gia một số cuộc biểu tình
ủng hộ môi trường và nhân quyền, và công khai phản đối luật an ninh mạng có nội
dung đàn áp được ban hành năm 2018.
Ông
Trần Văn Bang công khai bày tỏ sự ủng hộ nhiều tù nhân và những người bị giam
giữ vì lý do chính trị, trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị
Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí
Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hóa, Phạm Chí Thành, và Nguyễn Năng Tĩnh.
Ông
Trần Văn Bang tuyệt thực một ngày vào tháng Mười hai năm 2020 để ủng hộ blogger
nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù giam vì đã vận động
cho dân chủ. Ông cũng giúp quyên tiền để hỗ trợ các nhà hoạt động thân hữu gặp
khó khăn, ví dụ như trường hợp của Đinh Văn Hải và Vũ Tiến Chi khi hai ông này
bị nhân viên an ninh hành hung hồi tháng Sáu năm 2018 vì đã đến thăm cựu tù
nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh ở Lâm Đồng.
Trong
những năm gần đây, nhân viên an ninh thường xuyên quản thúc ông Trần Văn Bang
tại gia để ông không thể tham gia những sự kiện liên quan đến nhân quyền hay
những dịp nhạy cảm về chính trị.
Vài
tháng trước khi ông Trần Văn Bang bị bắt, sức khỏe của ông suy giảm, vì vậy ông
đã chấm dứt mọi hoạt động để tập trung vào điều trị. Tuy nhiên, công an vẫn
tiếp tục triệu tập và thẩm vấn ông. Dự đoán được việc mình có thể bị bắt, ông
trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do vào giữa tháng Hai năm 2022, và cho biết
công an hỏi ông về các vấn đề “liên quan đến tuyên truyền, chống phá nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Tuy nhiên, theo ông, công an “thích chộp
ai thì chộp để lấy thành tích, chứ những cái kia chỉ là cái cớ thôi.”
Công
an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Trần Văn Bang vào ngày mồng 1 tháng Ba năm
2022, và cáo buộc ông vì phê phán chính quyền theo điều 117 của bộ luật hình
sự. Vào ngày 12 tháng Năm năm 2023, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kết
án ông tám năm tù giam và ba năm quản chế.
Trần Văn
Bang bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-23.webp
*
Đặng
Đăng Phước
Đặng
Đăng Phước (sinh năm 1963) bị xử có tội và bị kết án 8 năm tù giam vì đã chỉ
trích chính quyền.
Đặng
Đăng Phước đã phục vụ trong quân đội Việt Nam và đóng quân tại Lào trong hơn 4
năm. Sau khi xuất ngũ, ông trở thành một giảng viên âm nhạc tại Trường Cao đẳng
Sư phạm Đắk Lắk. Đặng Đăng Phước thường xuyên bình luận về các vấn đề xã hội,
chính trị và môi trường, và ủng hộ những người nghèo và yếu thế, như những
người dân oan khiếu kiện đất đai và các nhóm thiểu số người Thượng. Ông viết
rằng: “Tôi bênh vực lẽ phải/ Người thân cô, thế cô/ Chẳng màng hơn với thiệt/
Lợi danh chuyện hư vô!…” Vì lẽ đó, ông tuyên bố rằng mình “lên tiếng để nhằm
hạn chế những bất công xã hội.”
Trong
thập niên vừa qua, Đặng Đăng Phước đã đấu tranh chống tham nhũng và lạm quyền ở
cấp cơ sở. Ông đã vận động để các quyền dân sự và chính trị được bảo vệ tốt
hơn, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp
và tự do tôn giáo. Ông công khai phản đối bộ luật an ninh mạng năm 2018 mang
nặng tính đàn áp.
Đặng
Đăng Phước đã ký một số kiến nghị ủng hộ dân chủ, trong đó có bản Kiến nghị 72
công bố vào tháng Giêng năm 2013, kêu gọi sửa đổi hiến pháp để cho phép bầu cử
đa đảng. Ông cũng ký tên vào Lời Tuyên bố của các Công dân Tự do, công bố vào
tháng Hai năm 2013, đề nghị hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992 có
nội dung trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam vị trí độc tôn về quyền lực. Bản tuyên
bố kêu gọi xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng, phân quyền và phi chính trị
hóa các lực lượng vũ trang.
Ông
cũng lên tiếng để nâng cao nhận thức về các dự án kinh tế chụp giật, có tác
động tiêu cực đến môi trường. Tháng Năm năm 2016, ông ký bản tuyên bố phản đối
Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc hại và gây ra một thảm
họa ô nhiễm biển quy mô lớn dọc vùng biển miền trung Việt Nam. Những người ký
tên vào bản tuyên bố kêu gọi phải điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về vụ việc,
đền bù cho những người dân bị mất nguồn kiếm sống do thảm họa, và quy trách
nhiệm. Tháng Bảy năm 2022, không lâu trước khi bị bắt, ông lên tiếng bày tỏ
quan ngại về tình trạng khai thác quặng titan mà ông gọi là “liều lĩnh” ở tỉnh
Thừa Thiên – Huế.
Đặng
Đăng Phước thể hiện tình đoàn kết với các nhà bất đồng chính kiến khác qua việc
lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bỏ
tù, trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Trịnh
Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng, Đinh Văn Hải, Nguyễn
Tường Thuy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành, Đinh Thị Thu Thủy
và Bùi Văn Thuận.
Ngày
mồng 8 tháng Chín năm 2022, ông viết một bài đăng Facebook để ủng hộ nhà hoạt
động nhân quyền Bùi Tuấn Lâm (còn được gọi là “Thánh Rắc Hành”) bị công an Đà
Nẵng bắt ngày mồng 7 tháng Chín. Chưa đầy hai tiếng sau, công an Đắk Lắk đến
bắt Đặng Đăng Phước và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều
117 của bộ luật hình sự.
Vào
ngày mồng 6 tháng Sáu năm 2023, một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk kết án Đặng Đăng
Phước 8 năm tù giam và 4 năm quản chế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-24-768x1024.webp
Đặng Đăng
Phước bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Bùi
Tuấn Lâm
Bùi
Tuấn Lâm, sinh năm 1984, hiện đang thụ án 5 năm 6 tháng tù giam vì phê bình
chính quyền.
Bùi
Tuấn Lâm (còn được biết đến dưới tên Peter Lâm Bùi hay Thánh Rắc Hành) đã công
khai vận động cho dân chủ ở Việt Nam trong suốt thập niên vừa qua. Ông từng
phát biểu rằng “lý tưởng và tâm huyết” của mình là “vận động thúc đẩy tự do dân
chủ nhân quyền” và bày tỏ mong muốn “quyền con người được phổ quát trên quê
hương.”
Bùi
Tuấn Lâm tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và ủng hộ môi trường
trong nhiều năm. Ông cũng từng tham gia Câu lạc bộ Bóng đá No-U FC giờ không
còn hoạt động nữa, một đội bóng có các thành viên chọn mục tiêu chung là lên
tiếng phản đối Trung Quốc đòi giành chủ quyền các vùng lãnh hải đã được Việt
Nam tuyên bố chủ quyền.
Ông
tham gia một nhóm nhân đạo No-U để hỗ trợ người nghèo ở các vùng sâu vùng xa và
nạn nhân thiên tai ở Việt Nam. Tháng Tư năm 2020, công an Đà Nẵng sách nhiễu và
đe dọa ông vì đã cứu trợ thực phẩm cho người dân địa phương trong dịch
Covid-19. Bùi Tuấn Lâm thường xuyên lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động thân
hữu, các tù nhân chính trị và gia đình họ.
Tháng
Hai năm 2014, Bùi Tuấn Lâm tới Geneva để tham gia một phong trào xã hội dân sự
vì nhân quyền trong thời gian Kiểm định Phổ quát của Việt Nam tại Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc. Trước nguy cơ bị chính quyền Việt Nam trả thù, ông đã
chuẩn bị sẵn một đoạn video trước khi về Việt Nam, yêu cầu những người ủng hộ
công bố đoạn video đó nếu ông bị bắt giữ và kêu gọi họ tiếp tục vận động cho tự
do dân chủ. Khi ông về tới Việt Nam, công an câu lưu ông tại sân bay, thẩm vấn
ông nhiều tiếng đồng hồ và tịch thu hộ chiếu. Từ đó ông chưa hề được phép xuất
cảnh khỏi Việt Nam.
Tháng
Tư năm 2014, khi Bùi Tuấn Lâm đang trên đường về sau khi tới thăm nhà cựu tù
nhân chính trị Huỳnh Ngọc Tuấn, một số người đàn ông mặc thường phục đã tấn
công và đánh đập ông tàn bạo.
Công
an thường xuyên sách nhiễu và đe dọa Bùi Tuấn Lâm vì tinh thần hoạt động của
ông. Khi ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh để làm nghề thiết kế quảng cáo, công
an gây sức ép với chủ nhà đòi lại nhà ông thuê và buộc người tuyển dụng đuổi
việc ông. Bùi Tuấn Lâm buộc phải trở về quê nhà, thành phố Đà Nẵng, ở đó ông mở
một quán mì ven đường để kiếm sống.
Bùi
Tuấn Lâm trở nên nổi tiếng vào tháng Mười một năm 2021 khi làm một đoạn video
chế ghi hình bản thân ông rắc hành vào tô mì, nhại lại động tác của đầu bếp nổi
tiếng Thánh Rắc Muối, người được biết đến với hình ảnh rắc muối lên miếng bít
tết dát vàng giá 2000 đô la và bón tận miệng cho bộ trưởng công an Việt Nam, Tô
Lâm. Công an triệu tập và thẩm vấn Bùi Tuấn Lâm nhiều lần, và gây sức ép, khiến
ông phải tạm đóng cửa quán mì trong vài ngày.
Công
an bắt Bùi Tuấn Lâm vào tháng 9 năm 2022 và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống
nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Công an giam giữ không cho ông liên
lạc với người thân trong hơn bảy tháng, đồng thời viện kiểm sát tuyên bố rằng
ông không muốn có luật sư bào chữa. Khi vợ ông, bà Lê Thanh Lâm, khiếu nại việc
này và thay đổi được tình thế, nhà cầm quyền trả thù bằng cách từ chối không
cho bà tham dự phiên xử chồng mình vào ngày 25 tháng Năm tại Đà Nẵng. Bà vẫn
xuất hiện bên ngoài tòa án, ngay tại đó bà bị công an khống chế, trấn áp và lôi
đi dọc phố khiến bà bị thương ở chân. Bà nói rằng đã bị công an câu lưu suốt
mấy tiếng đồng hồ, “lục soát mọi ngóc ngách trên thân thể tôi” và “bị đối xử
không còn là một con người nữa.” Họ thả bà vào buổi tối hôm đó, rất lâu sau khi
phiên tòa đã kết thúc. Xung đột còn tiếp tục ngay tại phiên tòa. Quan tòa ra
lệnh cho một luật sư bào chữa, ông Ngô Anh Tuấn, phải rời phòng xử trước khi
ông có thể hoàn tất phần biện hộ của mình.
Tòa
án ở Đà Nẵng đã kết án Bùi Tuấn Lâm 5 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-25-1024x523.webp
Bùi Tuấn
Lâm bị kết án 5.5 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Huỳnh
Trương Ca
Huỳnh
Trương Ca (sinh năm 1971) bị kết án năm năm sáu tháng tù giam vì đăng tải tài
liệu chống Đảng và chính phủ lên Facebook và YouTube.
Huỳnh
Trương Ca là một nhà hoạt động ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ông thúc đẩy
nhân quyền bằng nhiều hình thức trong đó có phát hình trực tiếp trên Facebook
hoặc nói chuyện trong các diễn đàn trên mạng. Trong một buổi phát hình trực
tiếp vào tháng Tám năm 2018, ông lên án chính quyền Việt Nam vi phạm nghiêm
trọng các quyền con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt ý kiến.
Tháng
Sáu năm 2018, ông tham gia một cuộc biểu tình đông người phản đối luật an ninh
mạng và dự luật đặc khu kinh tế. Tháng Tám năm 2018, công an huyện Hồng Ngự tổ
chức một buổi đấu tố công cộng tại nơi cư trú của Huỳnh Trương Ca trong khi ông
không có mặt ở nhà.
Tháng
Chín năm 2018, công an bắt giữ Huỳnh Trương Ca trong khi ông đang trên đường
tới Thành phố Hồ Chí Minh và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc
tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117 bộ luật hình sự). Theo báo công an, ông bị bắt vì
“sử dụng mạng xã hội YouTube, Facebook cá nhân đăng tải nội dung bịa đặt, xuyên
tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình
hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đối tượng Ca là thành viên nhen
nhóm của tổ chức phản động có danh xưng “Hiến Pháp”. Thời gian qua đối tượng
thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các bài viết, clip,
livestream có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước; nói xấu chính
quyền, lãnh đạo và lực lượng công an địa phương.”
Khi
ông đang bị công an tạm giam chờ xét xử, công an địa phương sách nhiễu vợ ông,
trong đó có việc triệu tập bà để thẩm vấn xem có có nhận tiền giúp đỡ từ các
nhà hoạt động thân hữu khác không.
Tháng
Mười hai năm 2018, tòa án tỉnh Đồng Tháp kết án ông năm năm sáu tháng tù giam
cộng thêm ba năm quản chế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-26-1024x615.webp
Huỳnh
Trương Ca bị kết án 5 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lê
Chí Thành
Lê
Chí Thành, sinh năm 1983, đang thi hành hai bản án tù liên tiếp, một bản án với
mức hai năm tù giam về tội chống người thi hành công vụ và một bản án ba năm vì
đã tố cáo tham nhũng qua những lần phát video trực tiếp trên Facebook và đăng
tải các video clip trên YouTube.
Lê
Chí Thành là một đại úy công an ở trại giam Z30D nhiều tai tiếng ở tỉnh Bình
Thuận. Vào đầu thập niên 2020, ông bắt đầu phát trực tiếp trên Facebook và đăng
tải video lên YouTube để tố cáo cấp trên của mình, Đại tá Lê Bá Thụy, vì đã có
sai phạm trong quản lý tài chính và các hình thức tham nhũng khác. Ông kêu gọi
điều tra kỹ lưỡng, vô tư và minh bạch về các tố cáo của mình. Lê Bá Thụy là
giám đốc trại giam Z30D, đồng thời cũng là bí thư đảng ủy của trại giam.
Tháng
Bảy năm 2020, Bộ Công an kỷ luật Lê Chí Thành và đuổi ông ra khỏi ngành. Lê Chí
Thành nộp đơn khiếu nại quyết định đó nhưng không đi đến đâu. Ông cũng bắt đầu
quyết tâm phơi bày tham nhũng trong ngành cảnh sát giao thông.
Tháng
Mười một năm 2020, Lê Chí Thành nói trong
một buổi phát hình trực tiếp trên Facebook cá nhân:
“Mình
đã chuẩn bị cho mình một con đường rất là khó khăn, có thể có bất cứ điều gì
xảy ra đối với mình, nhưng mình ko e ngại điều gì cả bởi vì mỗi một con người
cũng chỉ sinh ra có 1 lần và đằng nào cũng chết 1 lần thôi, chết sớm hoặc chết
muộn… mình vẫn cảm thấy vui vẻ… mình chỉ nghĩ rằng mình phải tiến về phía
trước, còn phía trước như thế nào thì mặc kệ… mình đã chấp nhận con đường này,
con đường mình đi có thể rất là chông gai và có thể để lại hậu quả rất là to
lớn. Cái mình lo lắng nhất ko phải đối với bản thân mình, mà đối với gia đình
người thân nhà mình thôi. Trước kia mẹ mình và mọi người ko có đồng tình nhiều,
nhưng bây giờ mọi người đã bắt đầu đồng tình để cho mình làm được toại nguyện
lòng mình. Mình muốn không còn tiêu cực nữa thì mình phải đấu tranh… Mẹ mình
phải khóc rất nhiều vì mình, nhưng ko vì thế mà mình từ bỏ suy nghĩ của mình và
con đường mình đi.”
Tháng
Ba năm 2021, cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh phạt Lê Chí Thành và kéo
thu xe của ông vì cho rằng ông đã vi phạm luật giao thông. Ông phản đối lại
bằng cách phát hình trực tiếp vụ đôi co, và yêu cầu họ cung cấp thông tin về cơ
sở pháp lý cho hành động cưỡng chế đó. Giữa cuộc họp sau đó ba ngày để nhận xe
về, Lê Chí Thành lại phát hình trực tiếp vụ đôi co giữa mình và cảnh sát. Tháng
Tư năm 2021, công an bắt Lê Chí Thành và cáo buộc ông tội chống người thi hành
công vụ theo điều 300 của bộ luật hình sự.
Tháng
Mười năm 2021, trong một cuộc gặp giữa Lê Chí Thành và luật sư bào chữa Đặng
Đình Mạnh, trước mặt hai viên chức chính quyền khác, trong đó có công an Lê Đức
Nghĩa và cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân Lê Thị Hạnh, ông Lê Chí Thành nói với
luật sư rằng ông bị công an tra tấn trong khi giam giữ. Ông nói rằng “ông bị
treo hai tay, hai chân trong suốt bảy ngày. Mọi sinh hoạt ăn, uống, đại tiện
đều thực hiện tại chỗ.” Ông nói thêm rằng “hiện hai bàn tay ông chỉ sử dụng
được ba ngón/bàn tay, hai ngón còn lại tê liệt không cảm giác. Hai chân cũng có
triệu chứng như vậy. Tay chân bị ghẻ lở.”
Tháng
Giêng năm 2022, một tòa án thành phố Thủ Đức kết luận ông có tội và xử ông hai
năm tù giam. Mẹ ông kể với phóng viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng trong phiên xử, Lê Chí Thành
phát biểu rằng ông bị tra tấn, nhưng tòa án phớt lờ đi. Một tấm ảnh được báo chí đăng tải cho thấy Lê Chí Thành
yếu đến nỗi hai người công an phải dìu ông đi vào phòng xử án.
Tháng
Hai năm 2022, Lê Chí Thành bị truy tố thêm tội “lợi dụng các quyền tự do dân
chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”
theo điều 331 của bộ luật hình sự.
Tháng
Sáu năm 2022, một tòa án tỉnh Bình Thuận kết luận ông có tội và xử ông thêm ba
năm tù theo điều 331.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-27.webp
Lê Chí
Thành bị kết án 5 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trương
Hữu Lộc
Trương
Hữu Lộc, sinh năm 1963 bị kết án tám năm tù vì phân phát thức ăn và nước uống
cho người biểu tình.
Trương
Hữu Lộc từng phát hình trực tiếp trên Facebook để bày tỏ nỗi bức xúc về các vấn
đề chính trị nóng bỏng, như bầu cử quốc hội, Trung Quốc, và trưng thu đất đai.
Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho các tù nhân chính trị như Bùi Thị Minh Hằng.
Tháng Sáu năm 2018, ông phát hình trực tiếp kêu gọi người dân xuống đường phản
đối dự luật đặc khu kinh tế.
Khi các cuộc
biểu tình nổ ra vào ngày mồng 10 tháng Sáu năm 2018, ông cung cấp thức
ăn cho người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đài truyền hình nhà nước,
ông “mua khoảng 600 ổ bánh mì, hơn 600 chai nước và 100 cái bánh chưng, rồi gọi
hai xe taxi chở thức ăn từ quận Tân Bình đến quận 1 để phát thức ăn và ủng hộ
hành vi gây rối.”
Công
an bắt Trương Hữu Lộc ngay ngày hôm sau, rồi cáo buộc ông tội gây rối an ninh
trật tự theo điều 118 bộ luật hình sự. Theo bản cáo trạng được báo chí nhà nước
đưa tin, ông đã “nhiều lần thực hiện phát video trực tiếp… xuyên tạc, bịa đặt
đường lối của Đảng và Nhà nước… phỉ báng, nói xấu lãnh đạo… kích động, lôi kéo
người dân tham gia biểu tình… Trong số này có những bài thu hút hàng trăm ngàn
lượt xem…(N)gày 10/6, Lộc thuê 2 xe taxi chở hàng trăm chiếc bánh mì cùng nhiều
thùng nước suối đến khu vực Nhà thờ Đức Bà (quận 1) để phát cho người biểu
tình, đồng thời hòa vào đám đông hô khẩu hiệu.”
Tòa
án Thành phố Hồ Chí Minh đưa ông ra xử vào tháng Sáu năm 2019 rồi kết luận có
tội và kết án ông tám năm tù giam cộng thêm ba năm quản chế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-28-165x300.webp
Trương Hữu
Lộc bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trần
Thị Xuân
Trần
Thị Xuân, sinh năm 1976, là một nhà hoạt động môi trường đang thụ án chín năm
tù vì liên quan tới một nhóm dân chủ.
Trần
Thị Xuân là một nhà hoạt động Công giáo ở tỉnh Hà Tĩnh, miền trung Việt Nam, đã
tham gia nhiều hoạt động nhân đạo như thu gom rác tái chế, góp tiền cá nhân cho
người nghèo và già yếu ở địa phương. Bà cũng đóng góp tiền cho các nạn nhân
thiên tai, lũ lụt.
Bà
bắt đầu công khai vận động để ủng hộ quyền lợi của ngư dân bị ảnh hưởng tới
sinh kế sau khi Tập đoàn Thép Formosa Hà Tĩnh xả chất thải độc xuống biển hồi
tháng Tư năm 2016, gây ra thảm họa sinh thái ở vùng biển miền trung Việt Nam,
trong đó có tỉnh Hà Tĩnh quê nhà bà. Bà tham gia các cuộc biểu tình phản đối
Formosa và kêu gọi đền bù cho các nạn nhân.
Báo
chí nhà nước tuyên bố rằng từ tháng Năm năm 2016, Trần Thị Xuân tham gia một
nhóm tên là Hội Anh em Dân chủ, do nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài cùng
các nhà hoạt động bạn hữu thành lập từ tháng Tư năm 2013. Với các mục tiêu được
ghi rõ là “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công
ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công
bằng và văn minh tại Việt Nam,” Hội Anh em Dân chủ cung cấp một mạng lưới cho
các nhà hoạt động trong và ngoài nước Việt Nam, những người muốn vận động cho
dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Báo công an cáo buộc Trần Thị Xuân đã dùng mạng xã hội
“chia sẻ các bài viết, hình ảnh của các tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan có
nội dung chống Đảng, chống Nhà nước, kêu gọi, kích động biểu tình, tổ chức hoạt
động tình nguyện trong giới trẻ.”
Tháng
Mười năm 2017, công an tỉnh Hà Tĩnh bắt và cáo buộc Trần Thị Xuân tội “hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự. Bốn
ngày sau khi bà bị bắt, hàng
trăm người dân Hà Tĩnh xuống đường đòi phóng thích bà. Tháng Mười
một, đài truyền hình Hà Tĩnh phát hình bà nhận tội, xin lỗi
và khuyên những người trẻ tuổi đừng nghe theo các nhóm phản động.
Tháng
Tư năm 2018, tại phiên xử gói gọn trong một ngày mà gia đình bà không nhận được
thông báo, tòa án tỉnh Hà Tĩnh kết tội và xử án bà chín năm tù giam cộng thêm
năm năm quản chế.
Tháng
Năm năm 2018, Giáo xứ Văn Hạnh thuộc giáo phận Vinh đã đăng thư khiếu nại và
đơn kháng án cho Trần Thị Xuân, nêu rõ quan ngại về việc Trần Thị Xuân không
được có luật sư bào chữa, và vì lý do đó, họ kêu gọi chính quyền mở lại phiên
xử vụ án của bà.
Theo
bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, nếu một bị cáo bị truy tố về một tội hình sự
có khung hình phạt lên tới án tử hình, mà không có luật sư bào chữa, thì chính
quyền phải chỉ định người bào chữa. Chính quyền cáo buộc Trần Thị Xuân theo
điều 79, khoản 1, có khung hình phạt tới mức án tử hình. Việc bà không được có
cũng không được cử luật sư bào chữa là sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền
của bà và làm sai thủ tục tố tụng hình sự của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-29.webp
Trần Thị
Xuân bị kết án 9 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Đinh
Văn Hải
Đinh
Văn Hải, sinh năm 1974, là một nhà vận động dân chủ và hoạt động vì môi trường
đang thụ án năm năm tù giam vì công khai phê phán Đảng Cộng sản và nhà nước
Việt Nam.
Đinh
Văn Hải là một nhà hoạt động ở tỉnh Lâm Đồng. Sau đợt ốm lúc lên 5 tuổi, ông bị
tàn tật. Đến đầu thập niên 2010, ông bắt đầu sử dụng Facebook để phê phán bất
công xã hội và lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và nạn nhân bị trưng thu
đất đai.
Ông
đã tham gia vào các cuộc tuần hành phản đối thảm họa môi trường do Công ty Thép
Formosa Hà Tĩnh xả chất thải độc xuống vùng biển miền trung Việt Nam vào năm
2016. Năm 2018, ông cùng với hàng ngàn người phản đối dự thảo bộ luật đặc khu
kinh tế và bộ luật an ninh mạng có nhiều vấn đề.
Ông
viết rằng, “Giang sơn này, Tổ quốc này, 54 dân tộc anh em này, hơn 90 triệu dân
Việt Nam này, không phải vật thuộc quyền sở hữu của tổ chức Đảng Cộng sản Việt
Nam. Do đó Đảng Cộng sản Việt Nam không có tư cách và không thể nhân danh nhân
dân, nhân danh nhà nước Việt Nam đại diện cho toàn dân để mặc cả, để thương
lượng với bất kỳ cá nhân tổ chức hay đối tác kinh tế, chính trị nào về quyền
lợi và sinh mạng của toàn dân.”
Ông
từng nhiều lần bị chính quyền địa phương sách nhiễu, đe dọa, thậm chí hành hung
thân thể. Theo công an, “chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã
nhiều lần phối hợp với gia đình, tổ chức các buổi nói chuyện, phân tích, chỉ rõ
hành vi sai trái để khuyên răn Hải cải tà quy chính.”
Tháng
Sáu năm 2018, Đinh Văn Hải và nhà hoạt động thân hữu Vũ Tiến Chi, người hiện
đang thụ án 10 năm tù vì phê phán nhà nước, tới thăm cựu tù nhân chính trị Đỗ
Thị Minh Hạnh khi bà đang bị côn đồ địa phương tấn công khủng bố ở tỉnh Lâm
Đồng. Khi rời nhà Đỗ Thị Minh Hạnh, hai nhà hoạt động bị hai người đàn ông mặc
thường phục tấn công bằng gậy gỗ. Đinh Văn Hải phải nhập viện với hai xương sườn bị gẫy
và bị thương ở bàn tay phải và vai trái.
Tháng
Năm năm 2021, ông tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội. Theo công an, “chính quyền địa phương đưa thùng phiếu tới nhà để
Hải thực hiện quyền công dân, bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân các cấp, đối tượng chống đối ra mặt, không chịu bỏ phiếu bầu mà chụp
ảnh đưa lên mạng xã hội xuyên tạc sự thật.”
Công
an bắt ông vào tháng Mười năm 2021 với cáo buộc về tội “làm, tàng trữ, phát tán
hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự.
Tháng
Tư năm 2022, một tòa án tỉnh Lâm Đồng kết luận ông có tội và xử ông năm năm tù
giam cộng thêm ba năm quản chế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-30.webp
Đinh Văn
Hải bị kết án 5 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lê Mạnh Hà
Lê
Mạnh Hà, sinh năm 1970, là một nhà báo công dân đang thụ án tám năm tù giam vì
phê phán Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.
Lê
Mạnh Hà đã hoạt động với tư cách một người khiếu kiện về đất đai từ đầu những
năm 2000. Ông vận động phản đối di dời cư dân để lấy đất cho một dự án thủy
điện lớn ở tỉnh Tuyên Quang. Tháng Năm năm 2018, ông khởi xướng một kênh
YouTube tên là Tiếng Dân TV Lê Hà để tạo cơ hội cho những người khiếu
kiện về đất đai và cư dân địa phương lên tiếng phản đối những điều bất công họ
phải chịu qua các đoạn video ghi hình. Khẩu hiệu hành động của ông là “Cùng nhau thượng tôn
Hiến pháp tiến tới quyền công dân được bảo đảm.”
Lê
Mạnh Hà đã phỏng vấn nhiều người khiếu kiện đất đai khắp tỉnh Tuyên Quang. Ông
tuyên bố công khai rằng mục tiêu của mình là nâng cao sự tôn trọng Hiến pháp
Việt Nam và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền khiếu nại
và tố cáo. Ông cũng phát biểu rằng mình muốn tăng cường dân trí và xây dựng một
xã hội dân chủ thực sự.
Một
tuần trước khi chính quyền bắt ông, Lê Mạnh Hà viết trên trang Facebook cá nhân của ông rằng: “Ở Việt
Nam tham nhũng chiến thắng người dân vì tham nhũng được trang bị vũ khí hiện
đại. Người dân không được trang bị vũ khí nào ngoài chiếc điện thoại để chống
lại tham nhũng.”
Lê
Mạnh Hà cũng thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với các nhà báo công dân
khác, trong đó có Lê Trọng Hùng, Lê Văn Dũng và Phạm Đoan Trang.
Công
an tỉnh Tuyên Quang bắt Lê Mạnh Hà vào tháng Giêng năm 2022 và cáo buộc ông tội
“làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm
chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật
hình sự. Tờ báo của tỉnh Tuyên Quang tuyên bố rằng Lê Mạnh Hà đã “biên soạn, đăng tải, chia
sẻ trên các trang mạng xã hội YouTube, Facebook… nhiều bài viết, video clip có
nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Nhân dân, xúc phạm lãnh
tụ Hồ Chí Minh, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phao tin bịa đặt gây hoang
mang trong Nhân dân.”
Tháng
Mười năm 2022, một tòa án tỉnh Tuyên Quang đưa Lê Mạnh Hà ra xét xử. Theo báo Tuyên Quang, trong phiên xử, Lê Mạnh Hà nói rằng “các
bài viết của Hà đều do xem, đọc từ Facebook hoặc các trang mạng xã hội, thấy có
nội dung phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam như tệ tham nhũng, chạy chức, chạy
quyền, vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, những bất cập trong quản lý, khai thác
tài nguyên, khoáng sản của đất nước, vấn đề đền bù đất cho dân tái định cư
không được thỏa đáng, một bộ phận người dân thiếu niềm tin với các đại biểu
Quốc hội do mình bầu ra, vấn đề giáo dục, y tế, nhận thức của giới trẻ hiện nay
về tự do, dân chủ… phù hợp với suy nghĩ, quan điểm của mình, nên Hà đã copy về
và đăng lên Facebook cá nhân hoặc chia sẻ.”
Tòa
án nhận định rằng các hành vi sao chép, đăng tải và chia sẻ các thông tin nói
trên “rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia, đi ngược lại với
chính sách của Đảng,” và kết luận rằng ông có tội rồi xử án tám năm tù giam
cộng với năm năm quản chế.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-31-1068x1370.webp
Lê Mạnh Hà
bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trần
Quốc Khánh
Trần
Quốc Khánh, sinh năm 1960, đang thụ án sáu năm rưỡi tù giam vì phê phán chính
quyền.
Trần
Quốc Khánh bắt đầu sử dụng Facebook để thảo luận các vấn đề chính trị và xã hội
từ giữa thập niên 2000. Ông chia sẻ các tin tức bị coi là nhạy cảm ở Việt Nam
như phiên xử những người dân làng trong vụ tranh chấp đất đai đầy bạo lực ở xã
Đồng Tâm. Năm 2021, ông tới thăm gia đình của tù nhân chính trị Vũ Quang Thuận để bày tỏ sự ủng hộ.
Tháng
Chín năm 2019, Trần Quốc Khánh nộp đơn lên Bộ Nội vụ xin thành lập một tổ chức
gọi là Hội Dân chủ Việt Nam với mục tiêu “tập hợp, đoàn kết những cá nhân, tổ chức của
Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động phấn đấu cho mục đích Công dân Việt
Nam được hưởng các quyền con người, quyền nghĩa vụ trách nhiệm với vận mệnh Đất
nước, Dân tộc.” Bộ Nội vụ đã bác đơn của ông. Tháng Mười năm 2019, ông viết trên Facebook, “hãy thực hiện cuộc bầu cử Tự do
dân chủ cho 94 triệu dân vn. Chuẩn bị nguồn của một đảng phái để cài cắm là sai
nguyên tắc, là cướp quyền của đa số còn lại. Kẻ ăn cắp quyền lực thì sao gọi là
tài?”
Trần
Quốc Khánh giành được sự chú ý của công chúng khi ông tuyên bố sẽ tranh cử với
tư cách ứng viên độc lập trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Năm năm 2021. Ông
tiến hành vài cuộc tranh luận công khai qua ứng dụng phát hình trực tiếp trên
Facebook vào tháng Hai và tháng Ba năm 2021 với Lê Trọng Hùng, một ứng viên độc
lập tự ứng cử khác. Hai người cũng trao đổi quan điểm về một số chủ đề chính
trị nhạy cảm, trong đó có Hiến pháp Việt Nam và nhu cầu có một hệ thống chính
trị đa đảng.
Tháng
Hai năm 2021, công an tỉnh Ninh Bình triệu tập Trần Quốc Khánh tới trụ sở và chất vấn ông
về các buổi phát hình trực tiếp trên Facebook. Họ cũng chất vấn ông về lá đơn
xin thành lập Hội Dân chủ Việt Nam, và việc ông tự ứng cử để tranh ghế đại biểu
Quốc Hội.
Ngày
mồng 1 tháng Ba năm 2021, ông nộp đơn kiện Bộ Nội vụ vì tùy tiện bác đơn xin thành lập
tổ chức dân chủ của mình. Chín ngày sau đó, công an bắt ông và cáo buộc ông tội
“làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm
chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật
hình sự.
Theo báo chí nhà nước, từ giữa tháng Chín năm 2019 đến tháng
Giêng năm 2021, “Trần Quốc Khánh đã sử dụng tài khoản facebook ‘Trần Quốc
Khánh’ và trang fanpage ‘Tiếng Nói Công Dân’, để phát trực tiếp 22 video có nội
dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong
nhân dân. Xuyên tạc, bịa đặt, quy chụp chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản
Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; phủ nhận,
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi đa nguyên, đa đảng,
tam quyền phân lập, chống Nhà nước.”
Tháng
Mười năm 2021, một tòa án tỉnh Ninh Bình kết luận có tội và xử Trần Quốc Khánh
sáu năm sáu tháng tù giam, cộng thêm hai năm quản chế.
Theo
tài liệu của tòa án, trong phiên xử, Trần Quốc Khánh không thừa nhận rằng “hành
vi của mình nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và cho
rằng hành vi của ông “là công khai, dân chủ nhằm góp phần xây dựng và phát
triển đất nước.”
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-32.webp
Trần Quốc
Khánh bị kết án 6 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Đặng
Đình Bách
Đặng
Đình Bách, sinh năm 1978, là một nhà hoạt động môi trường đang thụ án năm năm
tù giam theo một bản án có động cơ chính trị về tội trốn thuế.
Đặng
Đình Bách là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển
bền vững (LPSD) – một trung tâm bất vụ lợi và độc lập, hoạt động nhằm thúc đẩy
phát triển bền vững ở Việt Nam. Trung tâm đã tham gia vào nhiều liên hiệp về
môi trường như Mạng lưới Pháp lý sông Mê Kông (Mekong Legal Network), Liên minh
Giải cứu sông Mê Kông (Save the Mekong Coalition), Mạng lưới Môi trường Việt
Nam (Vietnam Environmental Network), và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam
(Vietnam Sustainable Energy Alliance). Trung tâm đã khởi xướng các chương trình
như Ngày Chủ nhật Xanh, giáo dục ý thức hạn chế sử dụng đồ nhựa và tích cực
trồng cây xanh.
Tháng
Mười một năm 2020, Đặng Đình Bách cùng với 29 nhà hoạt động xã hội dân sự khác
thành lập mạng lưới Các Tổ chức Phi chính phủ Việt Nam – Hiệp định Thương mại
Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (VNGO-EVFTA) để thúc đẩy sự tham gia của các
nhóm dân sự xã hội độc lập vào “Nhóm Tư vấn Nội địa”, một cơ chế đã được EU và Việt Nam
đồng ý thành lập để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập giám
sát việc thực thi Hiệp định EVFTA. Đặng Đình Bách được bầu vào ban điều hành mạng lưới.
Ngoài
các hoạt động ủng hộ môi trường, Đặng Đình Bách còn lên tiếng về các vấn đề bị
coi là nhạy cảm chính trị ở Việt Nam, trong đó có việc bày tỏ lòng cảm thông
với các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc năm 1989, ủng hộ
người biểu tình Hồng Kông năm 2019 và nêu quan ngại về vụ án nhiều nghi vấn của
tử tù Hồ Duy Hải.
Công
an bắt giữ Đặng Đình Bách vào tháng Bảy năm 2021 và cáo buộc ông tội trốn thuế.
Chính quyền Việt Nam kết tội Đặng Đình Bách nhận tài trợ nước ngoài cho trung
tâm LPSD mà không nộp thuế.
Tháng
Giêng năm 2022, nhà cầm quyền Việt Nam đưa Đặng Đình Bách ra xử, và một tòa án
kết luận ông có tội và áp bản án năm năm tù giam. Đặng Đình Bách kháng cáo vào
tháng Tám năm đó nhưng bị bác bỏ. Trong phiên xử phúc thẩm, chính quyền tuyên
bố rằng Đặng Đình Bách không “ăn năn hối lỗi“.
Vào
tháng Tám năm 2022, Liên minh Châu Âu đã phản đối việc bắt giam Đặng Đình Bách.
Theo
lời vợ Đặng Đình Bách, ông đã tuyệt thực ít nhất ba lần (vào
tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười một năm 2022) để phản đối việc chính quyền
tùy tiện bắt giam mình.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-33.webp
Đặng Đình
Bách bị kết án 5 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trần
Anh Kim
Trần
Anh Kim, sinh năm 1949, nguyên trung tá, Chỉ huy phó chính trị – Ban Quân sự
thị xã Thái Bình, đang thụ án tù 13 năm tù vì các hoạt động dân chủ.
Năm
2006, Trần Anh Kim bắt đầu được biết đến như một người cầm bút bất đồng chính
kiến và thành viên của Khối 8406, một phong trào dân chủ thành lập vào ngày
mồng 8 tháng Tư năm 2006 với bản “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006”
có nội dung kêu gọi cải cách dân chủ ở Việt Nam. Ban đầu, bản Tuyên ngôn có chữ
ký của 118 nhà bất đồng chính kiến, sau đó có thêm hàng ngàn người ký tên. Ông
cũng làm trong ban biên tập của tờ Tổ quốc – một tạp chí dân chủ do các nhà
hoạt động trong và ngoài nước thành lập và điều hành. Năm 2009, ông được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett dành
cho những người cầm bút bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Trần
Anh Kim bị công an bắt hồi tháng Bảy năm 2009 vì liên can tới Đảng Dân chủ Việt
Nam bị cấm đoán. Ông bị cáo buộc về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự. Ông bị xử vào tháng Mười hai năm 2009 và
bị kết án năm năm sáu tháng tù giam.
Tháng
Giêng năm 2015 ông được thả sau khi hoàn thành án tù. Sau khi ra tù, ông nói với Ban Việt ngữ Đài BBC rằng mình sẽ tiếp tục
đấu tranh cho dân chủ và tự do. Công an theo dõi ông gắt gao. Một thời gian
ngắn sau khi ông ra tù, một nhóm bạn hoạt động tới thăm ông ở tỉnh Thái Bình.
Sau khi rời nhà ông, nhóm này bị nhiều người mặc thường phục tấn công.
Tháng
Chín năm 2015, Trần Anh Kim bị bắt vì bị tình nghi đã thành lập một nhóm có tên
gọi “Lực lượng Quốc dân Dựng cờ Dân chủ.” Công an cáo buộc ông đã có “hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự. Theo báo chí
nhà nước, ông có ý định “kêu gọi xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hình thành đa nguyên đa đảng.” Tháng Mười hai
năm 2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình xử và kết án ông 13 năm tù. Bản án
nặng nề lần này có thể có nguyên nhân do ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ
sau khi đã chấp hành xong bản án trước.
Tháng
Tám năm 2017, Trần Anh Kim bị chuyển từ trại Ba Sao ở tỉnh Hà Nam về trại giam
Số 5 ở tỉnh Thanh Hóa.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-88.jpg
Trần
Anh Kim bị kết án 13 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lê
Thanh Tùng
Lê
Thanh Tùng, tên khác là Lê Ái Quốc, sinh năm 1968, đang thụ án 12 năm tù vì kêu
gọi dân chủ ở Việt Nam.
Lê
Thanh Tùng gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1986, đã đóng quân ở Tây
Nguyên và Campuchia. Năm 1991, ông xuất ngũ và bắt đầu làm công nhân tự do. Năm
2006, ông bắt đầu ủng hộ tự do dân chủ ở Việt Nam và một năm sau đó đã tham gia
Khối 8406, một phong trào dân chủ thành lập vào ngày mồng 8 tháng Tư năm 2006
với bản “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006” có nội dung kêu gọi cải
cách dân chủ ở Việt Nam. Ban đầu, bản Tuyên ngôn có chữ ký của 118 nhà bất đồng
chính kiến, sau đó có thêm hàng ngàn người ký tên. Lê Thanh Tùng viết blog và
đưa tin như một nhà báo công dân về các vụ tranh chấp đất đai và đình công. Ông
giúp những người bị thu hồi đất đai chuẩn bị hồ sơ khiếu nại và các giấy tờ
liên quan để nộp cho chính quyền. Ông cũng viết nhiều bài báo kêu gọi chính
quyền Việt Nam tiếp nhận một hệ thống chính trị đa đảng và dân chủ.
Do
các hoạt động của mình, Lê Thanh Tùng đã phải đối mặt với một chiến dịch sách
nhiễu của chính quyền, kể cả bị ép buộc phải ra tự kiểm điểm trước đông người
về các hành vi của mình. Tháng Mười hai năm 2011, công an bắt và cáo buộc ông theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam về
hành vi “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Tháng
Tám năm 2012, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án ông năm năm tù. Tháng
Mười một năm 2012, Tòa án Tối cao giảm mức án đó xuống còn bốn năm tù.
Lê
Thanh Tùng được thả vào tháng Sáu năm 2015, vài tháng trước khi kết thúc bản
án. Nhưng ông không được tự do lâu. Ông bị công an bắt lại vào tháng Mười hai
năm 2015 vì bị tình nghi tham gia thành lập một nhóm có tên là “Lực lượng Quốc
dân Dựng cờ Dân chủ.” Lần này ông bị cáo buộc vì “hoạt động nhằm lật đổ chính
quyền nhân dân” theo điều 79. Tháng Mười hai năm 2016, Tòa án Nhân dân tỉnh
Thái Bình xử ông 12 năm tù giam.
Tháng
Bảy năm 2017, Lê Thanh Tùng bị chuyển từ trại Ba Sao ở tỉnh Hà Nam về trại giam
Số 5 ở tỉnh Thanh Hóa.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-89.jpg
Lê Thanh
Tùng bị kết án 12 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Vũ
Quang Thuận
Vũ
Quang Thuận, sinh năm 1966, bị kết án tám năm tù giam tội “tuyên truyền chống
nhà nước” vì đã đăng video clip phê phán chính phủ Việt Nam.
Vũ
Quang Thuận, còn được biết đến với tên gọi Võ Phù Đổng, bắt đầu hoạt động dân
chủ từ năm 2007 khi ông và bạn hoạt động Lê Thăng Long thành lập Phong trào
Chấn hưng nước Việt, nhằm vận động cho một hệ thống chính trị dân chủ đa đảng.
Theo Lê Thăng Long, “chủ trương của phong trào là hợp tác, cải tiến, bất bạo
động, đối thoại, lắng nghe, vì quyền lợi chung lâu dài của dân tộc.” Lê Thăng
Long bị bắt hồi tháng Sáu năm 2009 và bị cáo buộc tội lật đổ chính quyền. Ông
bị kết án tù ba năm. Còn Vũ Quang Thuận chạy trốn sang Malaysia và nộp đơn xin
tị nạn. Trong khi chờ đơn xin tị nạn được xem xét, ông đã tuyển mộ thành viên
cho phong trào và vận động cho quyền lợi của những người lao động Việt Nam đang
làm việc ở Malaysia. Ông kể với một phóng viên Đài Á châu Tự do rằng mình đã
đọc hơn 1.000 bản hợp đồng lao động trong đó quy định [người lao động Việt Nam]
không được phép “tham gia đảng, tham gia hội, không được tham gia biểu tình,
không được yêu – kết hôn với người nước ngoài.” Theo tờ báo của công an Việt
Nam, An ninh Thế giới, vào tháng Hai năm 2010, Vũ Quang Thuận đã giúp tổ chức
ba cuộc biểu tình bên ngoài Đại Sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur và văn phòng
Thủ tướng Malaysia để kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị và tôn
trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do lập hội.
Tháng
Tư năm 2010, Vũ Quang Thuận định tự thiêu trước Tòa tháp Đôi Petronas ở Kuala
Lumpur để phản đối việc Malaysia trục xuất hai thành viên Phong trào Chấn hưng
nước Việt. Ông bị cảnh sát Malaysia bắt và trục xuất về Việt Nam vào tháng Hai
năm 2011. Vũ Quang Thuận nói rằng mình đã được cấp giấy chứng nhận tị nạn nhưng
đã bị cảnh sát Malaysia tịch thu. Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất ở Thành phố
Hồ Chí Minh, ông bị bắt và bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo
điều 88 bộ luật hình sự. Đến năm 2015, ông được thả, và sau đó lập tức hoạt
động trở lại, sử dụng Facebook và Youtube để vận động cho một hệ thống chính
trị dân chủ, đa đảng.
Vào
tháng Ba năm 2017, công an bắt Vũ Quang Thuận vì đăng tải tài liệu “tuyên
truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và cáo buộc ông theo
điều 88 của bộ luật hình sự. Vào tháng Giêng năm 2018, Tòa án Nhân dân thành
phố Hà Nội kết án ông tám năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-34.webp
Vũ Quang
Thuận bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Hoàng
Đức Bình
Hoàng
Đức Bình, sinh năm 1983, bị kết án 14 năm tù giam vì đã vận động vì quyền lợi
của công nhân và ngư dân.
Hoàng
Đức Bình là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập được
thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động. Tháng Mười hai năm
2015, công an câu lưu anh vì phân phát tờ rơi kêu gọi chính quyền cho phép
thành lập các công đoàn độc lập. Tờ rơi trích dẫn lời hứa của cựu Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng về việc người lao động Việt Nam sẽ có thể thành lập và tham gia
các công đoàn độc lập theo nội dung dự thảo của thỏa thuận kinh tế Hiệp ước Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương. Hoàng Đức Bình kể với báo Người Việt rằng mình bị
đánh đập trong khi bị câu lưu. Các nhà hoạt động bạn bè đến đồn công an để đòi
thả anh cũng bị hành hung.
Hoàng
Đức Bình đã liên tục và công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị bị
giam, giữ. Anh cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa và góp phần
tổ chức các nhóm vận động đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân vì cuộc sống bị
ảnh hưởng do đợt xả chất thải độc năm 2016.
Báo
Nghệ An, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An,
luận tội Hoàng Đức Bình “thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân
những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa
nguyên, đa đảng. Lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó chủ
tịch ‘Phong trào Lao động Việt,’ Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập ‘Hiệp
hội ngư dân miền Trung’ với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng,
lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức; tìm chọn ‘hạt nhân’
kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự.”
Ngày
15 tháng Năm năm 2017, Hoàng Đức Bình đang đi trên xe của Linh mục Nguyễn Đình
Thục, cũng là một nhà bảo vệ nhân quyền, thì bị cảnh sát giao thông chặn xe.
Linh mục Nguyễn Đình Thục viết trong một bản tường trình được đăng tải trên
trang web của Mạng lưới Truyền hình Sài Gòn SBTN rằng một nhóm người mặc thường
phục cùng với cảnh sát mặc sắc phục “Đột nhiên xuất hiện, giật cửa xe và ập vào
thô bạo kéo một người đang ngồi trong xe ô tô của tôi là anh Hoàng Đức Bình ra
khỏi xe và đem đi mất,” mà không có lệnh bắt người. Tối hôm đó, đài truyền hình
Nghệ An đưa tin về vụ bắt giữ Hoàng Đức Bình. Trong tờ biên bản bắt giữ được
chiếu trên truyền hình, anh Bình viết rằng “Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An
đã đánh đập và bắt tôi trái luật.”
Anh
bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà
nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 và tội
“chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình sự. Vào tháng Hai
năm 2018, Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) đưa Hoàng Đức Bình ra
xét xử và kết án anh 14 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-35.webp
Hoàng Đức
Bình bị kết án 14 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trương
Minh Đức
Trương
Minh Đức, sinh năm 1960, bị kết án 12 năm tù giam vì có liên hệ với một nhóm
ủng hộ dân chủ.
Trương
Minh Đức là một nhà báo từng viết và đăng bài trên nhiều tờ báo chính thống ở
Việt Nam, như báo Tiền Phong, Thanh Niên, Pháp Luật và Kiên Giang (tờ báo của
quê ông). Các bài viết của ông phanh phui tham nhũng và các việc khuất tất khác
của chính quyền địa phương liên quan tới quyền sở hữu đất đai. Ông kêu gọi mọi
người hãy giúp đỡ những người gặp khó khăn. Năm 2006, ông tham gia khối dân chủ
8406 và Đảng Vì dân, “nhằm mục đích góp phần đấu tranh thúc đẩy tiến trình dân
chủ hóa xã hội, và xây dựng một nước Việt Nam Mới thật sự có hòa bình, tự do,
ấm no và tiến bộ.”
Trương
Minh Đức bị bắt vào tháng Năm năm 2007 và bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền
tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 258 của bộ luật hình sự.
Ông bị kết án năm năm tù. Sau khi hoàn thành bản án tù vào tháng Năm năm 2012,
Trương Minh Đức lại tiếp tục viết về các vấn đề nhân quyền. Ông vận động cho tù
nhân lương tâm, những người vẫn đang bị ngược đãi trong ngục tù chỉ vì không
chịu nhận tội. Ông tham gia Liên đoàn Lao động Việt Tự do từ năm 2014 đến năm
2016 và Phong trào Lao động Việt từ năm 2016 để đấu tranh cho quyền lợi của
người lao động. Ông là thành viên Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, và Hội
Anh em Dân chủ, được thành lập từ năm 2013 để “bảo vệ các quyền con người đã
được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây
dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Ông cũng
đấu tranh chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây
ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Vì
các hoạt động ủng hộ nhân quyền của mình, Trương Minh Đức đã phải chịu rất
nhiều vụ sách nhiễu, đe dọa, quản thúc, thẩm vấn, và hành hung. Tháng Chín năm
2014, khi Trương Minh Đức đi cùng với ba nhà hoạt động khác tới Bộ Công an ở Hà
Nội để yêu cầu giải thích lệnh cấm xuất cảnh đối với nhà vận động cho quyền lợi
của người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh, một nhóm người mặc thường phục đã tấn công
và đánh ông đến ngất xỉu. Tháng Mười một năm 2014, ông bị một nhóm tám người
đánh rất tàn bạo, trong đó có một người ông nhận diện được là công an tên là
Hòa, người đã thẩm vấn và đánh mình hai tháng trước đó ở đồn công an phường Mỹ
Phước, huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Tháng Mười một năm 2015, công an tỉnh
Đồng Nai câu lưu và hành hung Trương Minh Đức cùng nhà hoạt động vì quyền lợi
của người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh chỉ vì họ giúp đỡ công nhân ở Công ty
Yupoong thực hành các quyền của mình.
Tháng
Bảy năm 2017, công an bắt giữ Trương Minh Đức và cáo buộc ông tội hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Trương
Minh Đức được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2013, và
giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam năm 2010.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-36.webp
Trương
Minh Đức bị kết án 12 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Trung Tôn
Nguyễn
Trung Tôn, sinh năm 1972, bị kết án 12 năm tù giam vì có liên hệ với một nhóm
ủng hộ dân chủ.
Nguyễn
Trung Tôn là mục sư Tin lành độc lập và một blogger chuyên viết về tình trạng
thiếu tự do tôn giáo và các vấn đề nhân quyền khác ở Việt Nam. Ông viết về tình
trạng trưng thu đất đai ở địa phương và nạn tham nhũng đã đẩy nhiều nông dân
vào hoàn cảnh không có đất. Ông phê bình việc lãng phí tiền thuế và ngân sách
vào các lễ hội thay vì sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học hay
hỗ trợ cho dân nghèo. Ông ủng hộ những người hoạt động vì quyền tự do tôn giáo,
như nhà lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo độc lập Lê Quang Liêm hay mục sư Tin lành
Mennonite Dương Kim Khải. Nguyễn Trung Tôn cũng viết về tình trạng công an sách
nhiễu và tấn công bản thân ông cũng như gia đình ông.
Nguyễn
Trung Tôn đã phải chịu rất nhiều đợt sách nhiễu, đe dọa, quản thúc, thẩm vấn,
và hành hung. Tháng Năm năm 2003, nhiều người mặc thường phục tấn công vào nhà
riêng, nơi ông sử dụng làm nhà thờ tại gia. Tháng Sáu năm 2006, ông bị công an
triệu tập sau khi dự một buổi lễ tại nhà thờ, và bị hành hung trong khi thẩm
vấn. Tháng Tám năm 2009, trong một buổi cầu nguyện tại nhà riêng, nhiều người
mặc thường phục có đại diện chính quyền địa phương đi cùng đã tấn công và đánh
đập những người trong gia đình Nguyễn Trung Tôn và bạn bè hoạt động vì tự do
tôn giáo. Tháng Sáu năm 2010, cậu con trai vị thành niên của ông, tên là Nguyễn
Trung Trọng Nghĩa bị năm người lạ mặt đánh trên đường đi học sau khi cha cậu đã
phanh phui các hành vi lạm dụng quyền lực của công an.
Nguyễn
Trung Tôn bị bắt vào tháng Giêng năm 2011 về tội tuyên truyền chống nhà nước và
bị kết án hai năm tù. Sau khi thi hành xong án tù vào tháng Giêng năm 2013,
Nguyễn Trung Tôn lập tức nối lại các hoạt động vận động cho nhân quyền và dân
chủ. Ông viết hồi ký về thời gian ở trong tù, sau đó đã được đăng trên trang
Dân Làm Báo. Ông vận động đòi thả các tù nhân chính trị. Ông là thành viên của
Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ, được thành lập từ năm
2013 nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công
ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ,
công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Ông đấu tranh chống Formosa, một công ty
thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn dọc
bờ biển miền trung Việt Nam.
Tháng
Hai năm 2017, Nguyễn Trung Tôn và một người bạn nữa đón xe khách ở xã Quảng
Thịnh, tỉnh Thanh Hóa để về thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Khi tới nơi, một
nhóm khoảng 7, 8 người mặc thường phục lôi họ vào một chiếc xe bảy chỗ, lấy hết
đồ đạc và lột quần áo của họ, và dùng áo khoác trùm đầu họ rồi đánh liên tục
bằng ống sắt. Sau đó những kẻ thủ ác bỏ Nguyễn Trung Tôn và người bạn cùng đi
xuống một cánh rừng vắng ở tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Trung Tôn bị thương nặng và
phải trải qua phẫu thuật tại một bệnh viện địa phương.
Tháng
Bảy năm 2017, công an bắt giữ Nguyễn Trung Tôn và cáo buộc ông tội hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Nguyễn
Trung Tôn được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2013.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-37.webp
Nguyễn
Trung Tôn bị kết án 12 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Phạm Văn
Trội
Phạm
Văn Trội, sinh năm 1972, bị kết án 7 năm tù giam vì có liên hệ với một nhóm ủng
hộ dân chủ.
Phạm
Văn Trội là một blogger đã dùng nhiều bút danh để viết về nhân quyền, dân chủ,
quyền sở hữu đất đai, quyền tự do tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam
và Trung Quốc. Ông là một thành viên tích cực của Ủy ban Nhân quyền Việt Nam,
một trong vài tổ chức nhân quyền duy nhất từng hoạt động ở Việt Nam thời đó,
cho đến khi tất cả các lãnh đạo của tổ chức này bị bắt. Ông cũng viết cho Tổ
Quốc, một tập san bất đồng chính kiến. Kể từ năm 2006, ông phải chịu rất nhiều
vụ sách nhiễu, quản thúc, hành hung và thẩm vấn.
Công
an bắt Phạm Văn Trội vào tháng Chín năm 2008 và cáo buộc ông tội tuyên truyền
chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự. Tháng Năm năm 2009, Đoàn Công tác
về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc kết luận rằng Phạm Văn Trội đã bị tạm
giữ oan. Bất chấp kết luận đó, tới tháng Mười năm 2009 ông vẫn bị xử và kết án
bốn năm tù giam. Theo nội dung cáo trạng được đăng trên báo chí nhà nước, Phạm
Văn Trội “đã viết bài ‘Đơn tố cáo về chính sách an ninh của Nhà nước và Đảng
Cộng sản Việt Nam’ vào tháng 11-2006 với nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo Nhà
nước đàn áp dân chủ. Ngoài ra, Trội còn trả lời phỏng vấn qua điện thoại vu
khống bị công an, quần chúng nhân dân đàn áp đánh đập.”
Sau
khi hoàn thành bản án tù vào tháng Chín năm 2012, Phạm Văn Trội lập tức nối lại
việc vận động cho nhân quyền và dân chủ. Tháng Tư năm 2013, ông giúp thành lập
Hội Anh em Dân chủ nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam
và các Công ước quốc tế thừa nhận” và để “vận động xây dựng một xã hội dân chủ
tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Ông vận động đòi thả các tù nhân
và can phạm chính trị trong đó có Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Đài. Ông đấu tranh
chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra thảm họa
môi trường quy mô lớn dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Phạm
Văn Trội bị theo dõi gắt gao. Các nhà hoạt động và cựu tù nhân chính trị tới
thăm ông bị sách nhiễu, câu lưu và đánh đập. Tháng Mười hai năm 2016, nhiều
người mặc thường phục tới ném đá vào nhà ông và làm vỡ kính cửa sổ.
Công
an bắt Phạm Văn Trội vào tháng Bảy năm 2017 và cáo buộc ông tội hoạt động nhằm
lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 của bộ luật hình sự.
Phạm
Văn Trội được trao giải thưởng tự do ngôn luận Hellman/Hammett năm 2010.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-37.png
Phạm Văn
Trội bị kết án 7 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lê
Đình Lượng
Lê
Đình Lượng, sinh năm 1965, bị kết án 20 năm tù giam vì đã vận động cho nhân
quyền và dân chủ.
Lê
Đình Lượng là một nhà hoạt động người Công giáo từng tham gia nhiều hoạt động
bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là không chấp nhận được về chính trị. Ông ký đơn
kiến nghị phản đối khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ông tham gia các cuộc biểu
tình đông người phản đối Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh, công ty Đài Loan đã thải
chất thải độc xuống biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt và thảm họa môi
trường dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016.
Ông
công khai tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử cấp quốc gia vào tháng Năm năm 2016.
Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với các tù nhân chính trị như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn
Viết Dũng và Hồ Đức Hòa. Để thể hiện tình đoàn kết, Lê Đình Lượng thường tới
thăm các cựu tù nhân chính trị sau khi họ được ra tù, cũng như tới thăm gia
đình những người đang bị cầm tù vì vận động dân chủ và nhân quyền.
Lê
Đình Lượng vận động để hủy bỏ các điều luật được sử dụng để dập tắt tiếng nói
bất đồng chính kiến như điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định hình
phạt tới bảy năm tù cho các hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích nhà nước.” Theo lời cháu họ ông, Lê Quốc Quân, ông còn vận động bảo vệ
quyền lợi của những người nông dân trước các khoản lạm thu phí học đường và phí
sản lượng nông nghiệp do chính quyền địa phương áp đặt.
Tháng
Tám năm 2015, Lê Đình Lượng và một số nhà hoạt động khác tới thăm nhà hoạt động
chính trị, Trần Minh Nhật, ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Công an thả Trần Minh
Nhật sau khi anh hoàn tất bản án bốn năm tù vì bị cho là tham gia đảng chính
trị hải ngoại Việt Tân. Khi những người tới thăm rời khỏi khu vực nhà anh, họ
bị những người đàn ông mặc thường phục tấn công dã man.
Ngày
24 tháng Bảy năm 2017, Lê Đình Lượng cùng một người bạn hoạt động, Thái Văn
Hòa, tới thăm gia đình cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai, người bị bắt lần
thứ hai vào tháng Giêng năm 2017. Thái Văn Hòa kể rằng khi họ đi về, một nhóm
người mặc thường phục đánh đập và lôi hai người lên hai chiếc xe khác nhau.
Trong ngày hôm đó, công an công bố rằng họ bắt Lê Đình Lượng và cáo buộc ông
tội “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ
luật hình sự. Các báo công an và quân đội lên án Lê Đình Lượng là “kẻ phản động
nguy hiểm” và là đảng viên đảng Việt Tân bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Tháng
Tám năm 2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đưa Lê Đình Lượng ra xét xử và kết
án ông 20 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-38.webp
Lê Đình
Lượng bị kết án 20 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Văn Túc
Nguyễn
Văn Túc, sinh năm 1964, đang thụ án 13 năm tù vì vận động cho dân chủ và nhân
quyền.
Nguyễn
Văn Túc bắt đầu vận động chống tham nhũng và trưng thu đất đai từ đầu thập niên
2000 ở quê mình, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau đó ông tham
gia Khối 8406, một nhóm vận động cho hệ thống chính trị đa đảng, dân chủ và cho
nhân quyền ở Việt Nam, được thành lập vào ngày mồng 8 tháng Tư năm 2006. Ông
đăng các bài viết tố cáo chính quyền các cấp tham nhũng và vi phạm nhân quyền.
Ông
viết, “Tôi một dân oan vốn ít được học cái chữ, nhưng tấm lòng thương đồng
loại, đau trên nỗi đau của dân tộc buộc tôi phải dũng cảm lên tiếng đấu tranh
chống lại những bất công của xã hội. Dù có phải hi sinh để đồng loại sống hạnh
phúc, đất nước có tự do dân chủ, xã hội tốt đẹp hơn tôi cũng xin làm, không hề
ân hận hối tiếc điều gì.”
Tháng
Chín năm 2008, công an bắt Nguyễn Văn Túc sau khi ông và các nhà hoạt động khác
treo biểu ngữ trên một cây cầu vượt ở thành phố Hải Phòng với nội dung: “Phường
Tiền Phong kiên quyết đấu tranh tiêu diệt bọn tham nhũng. Yêu cầu Chính phủ
kiên quyết bảo vệ giang sơn tổ quốc. Yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận
đa nguyên, đa đảng.” Nhà cầm quyền cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước
theo điều 88 bộ luật hình sự năm 1999. Tháng Mười năm 2009, Tòa án Nhân dân
tỉnh Hải Phòng đưa ông Nguyễn Văn Túc và năm nhà hoạt động khác ra xử. Ông bị
kết luận có tội và phải chịu bản án bốn năm tù.
Sau
khi ra tù vào tháng Chín năm 2012, Nguyễn Văn Túc lập tức nối lại việc vận động
cho nhân quyền và dân chủ. Ông tham gia Hội Anh em Dân chủ, do nhà vận động
nhân quyền Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động bạn bè của ông thành lập từ
tháng Tư năm 2013 nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam
và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ
tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Hội Anh em Dân chủ đã trở thành
một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước.
Nguyễn
Văn Túc bị bắt lần thứ hai vào tháng Chín năm 2017, và bị cáo buộc tội “hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự 1999.
Nhật báo Nhân dân cáo buộc ông tham gia một “tổ chức phản động, hoạt động trái
pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật
đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.”
Tháng
Tư năm 2018, trong một phiên xử chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, Tòa án
Nhân dân tỉnh Thái Bình đã kết luận ông có tội và áp ông mức án 13 năm tù giam.
Vợ
ông, bà Bùi Thị Rề, đã thông báo công khai về tình trạng sức khỏe tồi tệ của
chồng mình, với nhiều bệnh tật như tim mạch, viêm giác mạc.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-39.webp
Nguyễn Văn
Túc bị kết án 13 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Trung Trực
Nguyễn
Trung Trực, sinh năm 1974, bị kết án 12 năm tù giam vì vận động cho nhân quyền
và dân chủ.
Nguyễn
Trung Trực đã có quá trình tham gia các hoạt động ủng hộ dân chủ lâu dài. Ông
từng là thuyền nhân trong trại tị nạn ở Hồng Kông hơn bảy năm vào thập niên
1990, sau đó bị trục xuất về Việt Nam vào năm 1997. Năm 2003, ông đi làm ở
Malaysia, nơi ông tham gia Phong trào Chấn hưng nước Việt do các nhà hoạt động
nhân quyền Vũ Quang Thuận và Lê Thăng Long thành lập. Phong trào này vận động
cho một nước Việt Nam có hệ thống chính trị dân chủ, đa đảng. Theo Lê Thăng
Long, mục tiêu của phong trào là thúc đẩy “hợp tác, cải tiến, bất bạo động, đối
thoại, lắng nghe, vì quyền lợi chung lâu dài của dân tộc.
Báo
công an hồi tháng Chín năm 2017 đưa tin rằng Nguyễn Trung Trực từng “rất tích
cực viết các tài liệu phản động có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc về Việt
Nam; trả lời phỏng vấn và tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp tại
Malaysia.” Chính quyền Malaysia trục xuất ông về Việt Nam hồi tháng Chín năm
2012.
Tháng
Tám năm 2015, Nguyễn Trung Trực gia nhập Hội Anh em Dân chủ, do nhà vận động
nhân quyền Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động bạn bè của ông thành lập từ
tháng Tư năm 2013. Với mục tiêu được ghi rõ là “bảo vệ các quyền con người đã
được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây
dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam,” Hội Anh
em Dân chủ cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước,
những người muốn vận động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Nguyễn
Trung Trực làm người đại diện của hội ở miền trung Việt Nam. Ông tham gia các
cuộc biểu tình chống Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc
xuống biển gây ra thảm họa môi trường lan rộng dọc bờ biển miền trung Việt Nam
vào tháng Tư năm 2016.
Tháng
Bảy năm 2016, Nguyễn Trung Trực cùng bảy người nữa tới Cửa Lò, tỉnh Nghệ An để
dự đám cưới một người bạn hoạt động. Một nhóm vài chục người mặc thường phục đã
tấn công và đánh đập họ dã man, tước đoạt điện thoại, ví và giấy tờ của họ.
Những kẻ thủ ác đã bỏ họ ở một khu rừng vắng. Nguyễn Trung Trực cho biết ông bị
thâm tím ở lưng, chảy máu ở miệng, mũi và tai, và sau đó phải đi khâu chỗ rách
ở tai.
Nguyễn
Trung Trực bị bắt từ tháng Tám năm 2017 và bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật
đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999. Vào tháng
Chín năm 2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình xử ông 12 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-40.webp
Nguyễn
Trung Trực bị kết án 12 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Ngọc Ánh
Nguyễn
Ngọc Ánh, sinh năm 1980, bị kết án sáu năm tù giam vào hồi tháng Sáu năm 2019
vì các bài viết đăng trên Facebook.
Nguyễn
Ngọc Ánh là một doanh nhân sở hữu đầm nuôi tôm ở thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến
Tre. Ông đã tham gia biểu tình bảo vệ môi trường phản đối Formosa, một công ty
thép Đài Loan đã thải độc xuống biển và gây ra nạn sinh vật biển bị chết hàng
loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam vào tháng Tư năm 2016. Việc ông công khai
tẩy chay cuộc bầu cử cấp quốc gia không tự do và công bằng hồi tháng Năm năm
2016 cũng khiến chính quyền giận dữ. Ông liên tiếp lên tiếng ủng hộ các tù nhân
chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Hồ Văn Hải và những người
khác.
Nguyễn
Ngọc Ánh viết: “Dù bạn là công nhân, làm tự do hay làm nông dân như tôi dám lên
tiếng trước sự bạo ngược cường quyền, tàn phá môi trường sống, sức khoẻ nòi
giống Việt. Bạn không chịu nhục nhã, luồn cúi thì bạn có thể bị đau, có thể bị
chết nhưng điều đó khẳng định bạn là Người Việt được sống thật với lương tâm
của chính mình, điều đó đã đáng tự hào.”
Công
an tỉnh Bến Tre bắt giữ Nguyễn Ngọc Ánh vào tháng Tám năm 2018 và cáo buộc ông
tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm
nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ
luật hình sự năm 2015.
Báo
chí nhà nước đưa tin ông “đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để công khai
viết bài, chia sẻ nhiều bài viết, video clip, nhận live stream phát trực tiếp
của nhiều đối tượng phản động trong và ngoài nước, có nội dung tuyên truyền nói
xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là kêu gọi, kích động, xúi giục người dân
biểu tình, phá hoại trong tháng 6-2018 vừa qua và lễ 2-9 sắp tới.”
Trong
một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Việt Nam Thời báo, vợ Nguyễn Ngọc Ánh, bà
Nguyễn Thị Châu, nói rằng công an đã lừa đứa con trai 4 tuổi của họ để lấy mật
mã mở điện thoại di động của ông. Cha của Nguyễn Ngọc Ánh qua đời hồi tháng Ba
năm 2019 nhưng công an từ chối không cho ông dự đám tang.
Vào
tháng Sáu năm 2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre đưa ông ra tòa và xử ông sáu
năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-41.webp
Nguyễn
Ngọc Ánh bị kết án 6 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lưu
Văn Vịnh
Lưu
Văn Vịnh, sinh năm 1967, bị kết án 15 năm tù giam vì có liên hệ với một nhóm
ủng hộ dân chủ.
Lưu
Văn Vịnh thường tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi
trường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông gặp các nhà hoạt động khác để thảo luận về
nhân quyền. Tháng Tư năm 2015, công an câu lưu ông hơn 12 tiếng sau khi ông tới
thăm các con của một gia đình dân oan khiếu kiện đất đai đã bị bắt trước đó vì
ném a xít vào công an trong một vụ cưỡng chế ở tỉnh Long An.
Tháng
Bảy năm 2016, Lưu Văn Vịnh tuyên bố thành lập Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự
quyết, một nhóm chính trị độc lập. Lời tuyên bố nêu rõ rằng các đảng phái chính
trị và các nhóm xã hội dân sự trong và ngoài nước cần liên kết lại để tạo đối
trọng với các quan điểm của Đảng Cộng sản.
Công
an bắt Lưu Văn Vịnh vào tháng Mười một năm 2016 và cáo buộc ông theo điều 79
của bộ luật hình sự năm 1999. Đoàn Minh Tuân, một thành viên của liên minh đã
chạy trốn và xin tị nạn ở Thái Lan, kể với phóng viên đài phát thanh Vietnam
Sydney Radio rằng anh đến thăm Lưu Văn Vịnh buổi sáng hôm đó và chứng kiến vụ
bắt giữ. Các nhân viên an ninh mặc thường phục xông vào nhà và bắt giữ họ mà
không đưa ra một tờ lệnh bắt giữ nào. Trong quá trình bắt giữ, công anh đánh
đập cả hai người rồi đưa họ đến một trụ sở công an mà họ không xác định được là
ở đâu, để lấy cung.
Chiều
hôm đó, các nhân viên an ninh đưa Lưu Văn Vịnh về nhà ông và đọc lệnh bắt giữ.
Đoàn Minh Tuân cho biết anh bị câu lưu ba ngày rồi được thả và bị theo dõi gắt
gao. Trong vòng bốn tháng sau đó, công an triệu tập Đoàn Minh Tuân lên lấy cung
nhiều lần, ép buộc anh nhận tội và cung cấp tin tức về Lưu Văn Vịnh. Đoàn Minh
Tuân trốn sang Campuchia rồi sang Thái Lan vào tháng Tư năm 2017.
Tháng
Năm năm 2018, Nhóm Công tác Về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc công bố ý
kiến rằng vụ bắt giữ Lưu Văn Vịnh là tùy tiện. Văn bản nêu rõ “xét mọi yếu tố
liên quan đến vụ việc này, nhất là nguy cơ tổn hại sức khỏe của ông Vịnh, cách
giải quyết thích hợp là phóng thích ông Vịnh ngay lập tức và trao cho ông quyền
được bảo đảm đền bù và các hình thức bồi thường khác, phù hợp với luật pháp
quốc tế.”
Vào
tháng Mười năm 2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ông ra tòa và xử
ông 15 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-42.webp
Lưu Văn
Vịnh bị kết án 15 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Phạm
Văn Điệp
Phạm
Văn Điệp, sinh năm 1965, là một blogger ủng hộ nhân quyền và dân chủ. Ông bị
kết án 9 năm tù giam vì đăng tải ý kiến trên Facebook.
Phạm
Văn Điệp là một nhà vận động nhân quyền và phê phán chính quyền Việt Nam từ
nhiều năm nay. Ông liên tục sử dụng blog, rồi sau này là Facebook, để viết về
tình trạng vi phạm nhân quyền. Quê gốc ở Thanh Hóa, ông đã sang Nga du học từ
tháng Mười hai năm 1992 và cư trú ở đó tới tháng Sáu năm 2016. Ông bắt đầu viết
và đăng tải trên mạng các ý kiến phê phán chính quyền từ năm 2002.
Mùa
hè năm 2011, trong một chuyến về thăm nhà ở Việt Nam, ông tham gia hai cuộc
biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội. Năm 2012, ông viết một bức thư ngỏ
gửi Đảng Cộng sản Việt Nam, phê phán Điều 4 Hiến pháp Việt Nam có nội dung
tuyên bố rằng đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Ông cũng
kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ điều luật 258 cũ (nay là điều 331) của bộ
luật hình sự, và trả tự do ngay lập tức cho những người đang bị giam giữ theo
điều luật này. Ông từng gặp nhiều rắc rối trong các lần nhập cảnh và xuất cảnh
từ Việt Nam, và đã nộp đơn lên tòa án khiếu kiện về việc cản trở quyền đi lại –
nhưng chưa lần nào thắng kiện.
Phạm
Văn Điệp cố vào Việt Nam hai lần hồi tháng Sáu năm 2016, và bị từ chối nhập
cảnh, rồi sau đó thử cố nhập cảnh lại từ Lào, ở đó ông bị tịch thu hộ chiếu.
Sau đó ông biểu tình phản đối Đảng Cộng sản Việt Nam tại tượng đài chiến thắng
ở thành phố Viêng Chăn, rồi bị bắt và cáo buộc tội “sử dụng lãnh thổ nước Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân Lào chống lại nước láng giềng.” Một tòa án ở Lào đưa ông
ra xử vào tháng Hai năm 2018, kết luận ông có tội và tuyên án ông 21 tháng tù.
Phạm
Văn Điệp ra tù vào tháng Ba năm 2018 và bị công an Lào đưa tới cửa khẩu Cầu
Treo. Lúc đó, không rõ vì lý do gì, các nhà chức trách phía Việt Nam cho phép
ông nhập cảnh. Tháng Sáu năm 2018, ông tham gia biểu tình ở Hà Nội phản đối dự
thảo luật đặc khu kinh tế. Công an câu lưu ông suốt mấy tiếng đồng hồ, và theo
lời ông kể, trong thời gian đó, họ đánh ông ba lần vào đầu. Ông nộp đơn kiện
công an về hành vi sử dụng bạo lực quá mức, rồi bị một tòa án bãi đơn, sau đó
ông khiếu nại tiếp với chính quyền để phản đối quyết định đó.
Phạm
Văn Điệp mở một tài khoản Facebook vào tháng Mười năm 2018. Ông đăng và chia sẻ
các tin tức về những vấn đề chính trị xã hội như tịch thu đất đai, công an bạo
hành, tham nhũng và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ông phê phán luật an ninh
mạng và kêu gọi chính quyền bỏ hệ thống Đảng cử dân bầu để chuyển đổi hướng tới
một hệ thống bầu cử tự do. Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ ông vào tháng Sáu năm
2019 và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin,
tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,”
theo điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam. Tháng 11 năm 2019, Tòa án Nhân dân
tỉnh Thanh Hóa đưa Phạm Văn Điệp ra xét xử và kết án ông 9 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-43.webp
Phạm Văn
Điệp bị kết án 9 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Năng Tĩnh
Nguyễn
Năng Tĩnh, sinh năm 1976, là một nhà hoạt động ủng hộ nhân quyền và dân chủ.
Ông bị kết án 11 năm tù giam vì đăng tải ý kiến trên Facebook.
Nguyễn
Năng Tĩnh từng là giảng viên âm nhạc ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh
Nghệ An. Trên Facebook, ông từng lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị trong
đó có Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hóa, Hồ Đức Hòa, Nguyễn
Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm, đã mãn hạn tù hồi tháng Năm năm 2019) và các nhà
hoạt động Nguyễn Văn Đài và Đặng Xuân Diệu giờ đây đang phải sống lưu vong.
Ông
cũng đăng hình ảnh một cuộc biểu tình phản đối dự thảo luật mới về đặc khu kinh
tế, và biểu tình phản đối Thép Formosa Hà Tĩnh, công ty Đài Loan đã thải độc
xuống biển gây ra tình trạng khủng hoảng môi trường dọc bờ biển miền Trung Việt
nam hồi tháng Tư năm 2016. Các đoạn video trên trang Youtube cho thấy hình ảnh
ông dạy trẻ em một bài hát về nhân quyền do cựu tù nhân chính trị Võ Minh Trí
(bút danh Việt Khang) sáng tác. Ông hỗ trợ Quỹ Phát triển Con người Vinh, một
tổ chức từ thiện Công giáo, và gây quỹ giúp người nghèo.
Trước
đây, ông Nguyễn Năng Tĩnh từng là nạn nhân bị côn đồ bạo hành – trong các vụ
hành hung hồi tháng Năm năm 2014 và tháng Mười một năm 2015 – nhiều khả năng do
công an mặc thường phục tiến hành. Trong vụ tấn công thứ nhất, công an mặc sắc
phục cũng có mặt mà không làm gì để can thiệp.
Công
an tỉnh Nghệ An bắt Nguyễn Năng Tĩnh vào tháng Năm năm 2019, và cáo buộc ông
tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm
nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” theo điều 117 của bộ
luật hình sự Việt Nam. Báo chí nhà nước đưa tin rằng các cáo buộc có liên quan
tới những bài ông đăng trên Facebook, với nhiều bài phê phán chính phủ và Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Vào
tháng Mười một năm 2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đưa Nguyễn Năng Tĩnh ra
xét xử và kết án ông 11 năm tù gia
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-44.webp
Nguyễn
Năng Tĩnh bị kết án 11 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Quốc Đức Vượng
Nguyễn
Quốc Đức Vượng, sinh năm 1991, đang thụ án 8 năm tù giam tội tuyên truyền chống
nhà nước.
Nguyễn
Quốc Đức Vượng sử dụng Facebook để bày tỏ quan điểm ủng hộ dân chủ ở Việt Nam
và phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam tham nhũng và độc quyền. Trong một lần phát
hình livestream trực tiếp, anh nói, “Tôi không chắc là bộ máy nhà nước này tham
nhũng hết sạch, nhưng tôi khẳng định chắc chắn 100% những người tham nhũng đều
là đảng viên Đảng Cộng sản, vì ở Việt Nam là độc đảng, không có đối lập để cạnh
tranh.”
Trong
các bài đăng hay phát hình trực tiếp khác, anh đã chia sẻ tin tức về biểu tình
ở Hồng Kông và lên tiếng ủng hộ thay đổi chính quyền ở Venezuela. Anh cũng chia
sẻ các câu chuyện về vấn nạn tịch thu đất đai ở Việt Nam và nêu các trường hợp
tù nhân chính trị, trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Viết Dũng và Phan
Kim Khánh.
Theo
một tờ báo chính thống của đảng cộng sản, vào tháng Sáu năm 2018, anh đã tham
gia một cuộc biểu tình lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối luật an ninh
mạng mới được thông qua và dự thảo luật đặc khu kinh tế. Được biết, công an đã
phạt anh 750.000 VND (tương đương 32 đô la Mỹ).
Ngày
23 tháng 9 năm 2019, công an tỉnh Lâm Đồng bắt Nguyễn Quốc Đức Vượng và cáo
buộc anh tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu,
vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” theo điều 117
của bộ luật hình sự nước này.
Sau
vụ bắt giữ anh vào tháng Chín, báo chí nhà nước Việt Nam dẫn lời phía công an,
đưa tin rằng “[H]ơn hai năm qua, Nguyễn Quốc Đức Vượng đã sử dụng mạng xã hội
để làm, tán phát tài liệu, tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi nhọ, nói xấu chế độ,
xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam.” Công an nói rằng họ đã cảnh cáo anh Vượng khng được đăng các tài
liệu phê phán nhà nước lên mạng, nhưng anh không chấm dứt.
Vào
tháng 7 năm 2020, một tòa án ở tỉnh Lâm Đồng kết án anh 8 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-45-768x768.webp
Nguyễn Quốc
Đức Vượng bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Huỳnh Thục
Vy
Huỳnh
Thục Vy, sinh năm 1985, đang thụ án 2 năm 9 tháng tù vì xịt sơn trắng lên lá
quốc kỳ Việt Nam.
Huỳnh
Thục Vy là người viết blog chính trị có các bài viết được chia sẻ rộng rãi trên
mạng internet. Cha cô, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, đã bị đi tù 10 năm từ năm 1992 đến
năm 2002 vì tìm cách gửi một cuốn tiểu thuyết và một số truyện ngắn phê phán
chính sách nhà nước Việt Nam tới các độc giả hải ngoại. Do thân thế của người
cha là tù nhân chính trị, Huỳnh Thục Vy và gia đình đã phải đối mặt với sự sách
nhiễu, đe dọa và phân biệt đối xử vì lý do chính trị của nhà cầm quyền từ thời
thơ ấu.
Cô
bắt đầu đăng tải các bài viết trên mạng từ cuối năm 2008. Các bài viết của cô
đề cập tới nhiều vấn đề chính trị xã hội và kêu gọi một hệ thống chính trị đa
đảng, tự do và tôn trọng nhân quyền. Cô cũng động viên những người trẻ tuổi
tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị. Cô thường xuyên viết để ủng hộ
những nhà hoạt động đang bị giam giữ vì hoạt động ôn hòa. Năm 2015, một tuyển
tập các bài viết của cô, với tiêu đề Nhận định Sự thật – Tự do & Nhân quyền
được xuất bản ở nước ngoài.
Năm
2012, Huỳnh Thục Vy được nhận giải thưởng Hellman Hammett, dành cho các nhà văn
bị đàn áp, cùng với cha mình là ông Huỳnh Ngọc Tuấn. Tháng 12 năm 2012, công an
ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, ngăn cấm Huỳnh Trọng Hiếu, em
trai Huỳnh Thục Vy đi Mỹ để nhận giải Hellman/Hammett thay cho cha và chị mình,
và tịch thu hộ chiếu của anh. Chính quyền nói rằng họ làm theo yêu cầu của công
an tỉnh Quảng Nam, nơi gia đình họ Huỳnh đang sinh sống khi đó.
Tháng
Mười một năm 2013, Huỳnh Thục Vy và các nhà hoạt động bạn hữu khởi xướng một
nhóm lấy tên là Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Mục tiêu của nhóm là “nâng cao
nhận thức của từng cá nhân trong xã hội về phẩm giá con người và những quyền
con người cơ bản của chính mình cũng như của người khác, từ đó góp phần thúc
đẩy một xã hội tôn trọng nhân quyền.”
Huỳnh
Thục Vy tham gia các cuộc biểu tình phản đối dự luật về đặc khu kinh tế và luật
an ninh mạng với nhiều vấn đề. Cô vận động phản đối những tác động tiêu cực đến
quyền lợi và điều kiện sinh sống của người dân do công ty Formosa, một công ty
thép của Đài Loan đã xả chất thải độc hại xuống biển dọc bờ biển miền Trung
Việt Nam vào tháng Tư năm 2016, gây ra một thảm họa môi trường lan rộng. Cô
liên tục vận động nhằm chấm dứt nạn công an sử dụng vũ lực quá mức, bạo hành và
tra tấn trong khi giam giữ. Cô lên tiếng đòi chính quyền chấm dứt sách nhiễu và
theo dõi, và ngay lập tức phóng thích các tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy
Thức, Trần Thị Nga, Lê Đình Lượng và nhiều người khác. Cô cũng nỗ lực nghiên
cứu tình trạng của những nhà hoạt động người Thượng không được nhiều người biết
đến, và nâng cao nhận thức về tình trạng chính quyền đè nén quyền tự do tôn
giáo và tín ngưỡng ở Tây Nguyên.
Huỳnh
Thục Vy và gia đình đã phải chịu nhiều năm sách nhiễu và xâm phạm dưới bàn tay
của nhà cầm quyền vì các hoạt động chính trị của họ. Ví dụ như, vào tháng Mười
hai năm 2013, một nhóm người lạ mặt hành hung cha cô, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, khi
ông đang trên đường đi vận động thành lập Hội Cựu tù nhân Lương tâm. Tháng Hai
năm 2014, côn đồ lạ mặt ném đá vào nhà họ ở thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tháng Bảy năm 2015, công an ở sân bay Tân Sơn Nhất cấm Huỳnh Thục Vy rời Việt
Nam đi Băng Cốc để dự một khóa tập huấn do Phóng viên Không Biên giới tổ chức.
Lần đó công an cũng tịch thu hộ chiếu của cô, và nói rằng họ làm theo lệnh của
công an tỉnh Quảng Nam.
Tháng
11 năm 2018, một tòa án xử Huỳnh Thục Vy 2 năm 9 tháng tù giam vì hành vi “xúc
phạm quốc kỳ” theo điều 276 của bộ luật hình sự 1999. Khi ra tòa, vì đang mang
thai nên cô không phải thi hành án tù ngay. Huỳnh Thục Vy bắt đầu thi hành án
tù vào tháng Mười Hai năm 2021.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-46-696x928.webp
Huỳnh Thục
Vy bị kết án 2 năm 9 tháng tù giam. Nguồn: HRW
*
Phạm
Chí Dũng
Phạm
Chí Dũng, sinh năm 1966, đang thụ án 15 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà
nước.
Phạm
Chí Dũng là một nhà báo độc lập viết về các vấn đề chính trị và xã hội từ nhiều
năm qua. Ông vận động cho dân chủ, tự do báo chí, đa nguyên chính trị, pháp
quyền và phát triển xã hội dân sự. Ông là thành viên sáng lập và chủ tịch của
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Ông
tham gia một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, tham dự
nhiều cuộc thảo luận về nhân quyền, ủng hộ các nhà hoạt động và tù nhân chính
trị. Ông thường xuyên bị công an sách nhiễu, đe dọa, câu lưu, quản chế tại gia,
và bị cấm xuất cảnh. Tháng Bảy năm 2012, công an bắt giữ và cáo buộc ông tội
hoạt động lật đổ theo điều 79 và tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của
bộ luật hình sự năm 1999. Sau khi tạm giam ông bảy tháng, họ hủy bỏ các cáo
buộc và trả tự do cho ông vào tháng Hai năm 2013.
Tháng
Mười một năm 2019, ông đăng một bài bình luận trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và ký
một bức thư ngỏ của các nhóm phi chính phủ kêu gọi EU tạm dừng phê chuẩn Hiệp
định Thương mại Tự do EU – Việt Nam cho đến khi Việt Nam cải thiện được hồ sơ
yếu kém về nhân quyền. Chưa đến một tuần sau, vào ngày 21 tháng Mười một, công
an bắt ông ở Thành phố Hồ Chí Minh và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán
hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Vào
tháng Giêng năm 2021, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh kết án ông 15 năm tù
giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-90.jpg
Phạm Chí
Dũng bị kết án 15 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Tường Thụy
Nguyễn
Tường Thụy, sinh năm 1952, đang thụ án 11 năm tù giam tội tuyên truyền chống
nhà nước.
Nguyễn
Tường Thụy đã phục vụ trong quân đội 22 năm. Ông bắt đầu tham gia các cuộc biểu
tình phản đối Trung Quốc từ đầu thập niên 2000, và công khai lên tiếng ủng hộ
các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Cù Huy Hà Vũ và Lê Quốc Quân, những
người bị đi tù vì phê phán chính quyền.
Tháng
Mười hai năm 2013, ông và các nhà hoạt động khác thành lập một nhóm nhân đạo,
Hội Bầu bí Tương thân, để hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các tù nhân chính
trị, những người khiếu kiện đất đai và gia đình họ. Tháng Tư năm 2014, ông tới
Hoa Kỳ tham dự cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về tình trạng thiếu tự do
báo chí ở Việt Nam. Tháng Bảy năm 2014, ông góp phần thành lập Hội Nhà báo Độc
lập ở Việt Nam. Đến thời điểm bị bắt vào tháng Năm, ông đang là phó chủ tịch
hội. Trước đó, công an từng sách nhiễu, đe dọa, hành hung và câu lưu, cũng như
quản chế tại gia và cấm ông xuất cảnh.
Công
an bắt Nguyễn Tường Thụy tại Hà Nội vào ngày 23 tháng Năm và cáo buộc ông tội
“làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm
chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật
hình sự nước này. Theo lời kể của gia đình và biên bản các đồ vật bị công an
thu giữ, Nguyễn Tường Thụy đập chiếc điện thoại di động của mình vào bàn chứ
không chịu cung cấp mã khóa cho công an.
Vào
tháng Giêng năm 2021, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh kết án ông 11 năm tù
giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-91.jpg
Nguyễn
Tường Thụy bị kết án 11 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lê
Hữu Minh Tuấn
Lê
Hữu Minh Tuấn, sinh năm 1989, đang thụ án 11 năm tù giam vì tội tuyên truyền
chống nhà nước.
Lê
Hữu Minh Tuấn đã tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng và đang học Đại học Luật Hà Nội.
Anh tham gia Hội Nhà báo Độc lập ở Việt Nam từ tháng Tám năm 2014. Với bút danh
Lê Tuấn, anh viết về nhiều chủ đề trong đó có các bài nghiên cứu về sự phát
triển của xã hội dân sự ở Nga, về Joshua Wong và các cuộc biểu tình dân chủ ở
Hồng Kông, và về chính trị Việt Nam. Anh tuyên bố rằng mình muốn “vận động cho
một xã hội tốt đẹp hơn bằng tiếng nói phản biện của mình trên mọi mặt trận của
đời sống.”
Công
an bắt giữ Lê Hữu Minh Tuấn ở tỉnh Quảng Nam vào ngày 12 tháng Sáu và cáo buộc
anh tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật
phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của
bộ luật hình sự nước này.
Vào
tháng Giêng năm 2021, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh kết án anh 11 năm tù
giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-92.jpg
Lê Hữu
Minh Tuấn bị kết án 11 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trần
Đức Thạch
Trần
Đức Thạch, sinh năm 1952, đang thụ án 12 năm tù giam vì có liên hệ với 1 nhóm
ủng hộ dân chủ.
Trần
Đức Thạch đã viết một cuốn tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, bài báo và bản tin
lên án tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền. Là một cựu chiến binh Quân
đội Nhân dân Việt Nam, ông cũng từng là thành viên của Hội Nhà văn tỉnh Nghệ
An. Cuốn tiểu thuyết năm 1988 của ông, Đôi bạn tù, tả về tính chất tùy tiện của
hệ thống tư pháp Việt Nam và điều kiện vô nhân đạo trong các nhà tù Việt Nam.
Các bài thơ xuất bản với tiêu đề Điều chưa thấy nói về cuộc sống không có tự do
và công bằng. Hồi ký ngắn của ông Hố chôn người ám ảnh kể lại câu chuyện những
người lính miền Bắc giết hàng loạt người dân thường ở ấp Tân Lập tỉnh Đồng Nai
trong tháng Tư năm 1975 mà ông chứng kiến.
Nhà
cầm quyền liên tiếp sách nhiễu ông từ năm 1975. Năm 1978, để phản đối tình
trạng bị ngược đãi, ông đã tự thiêu và bị bỏng nặng. Năm 2008, ông tham gia các
cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và bị bắt vào tháng Chín năm đó. Ông bị cáo
buộc đã viết “nhiều bài có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, nói xấu Đảng và
Nhà nước đăng tải trên tờ bán nguyệt san ‘Tổ quốc,’” một ấn bản chui của các
nhà bất đồng chính kiến. Tháng Mười năm 2009, một tòa án tuyên bố ông có tội
tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự. Ông bị kết án ba
năm tù.
Sau
khi hoàn tất án tù vào năm 2011, Trần Đức Thạch tiếp tục phê phán đảng cộng sản
và nhà nước Việt Nam. Ông tham gia Hội Anh em Dân chủ thành lập vào tháng Tư
năm 2013. Vào ngày 23 tháng Tư năm 2020, công an bắt ông ở tỉnh Nghệ An và cáo
buộc ông tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 của bộ
luật hình sự. Trần Đức Thạch là thành viên thứ 10 của Hội Anh em Dân chủ bị bắt
trong vài năm gần gây.
Vào
tháng 12 năm 2020, một tòa án ở tỉnh Nghệ An kết án ông 12 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-47-419x420.webp
Trần Đức
Thạch bị kết án 12 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Đinh
Thị Thu Thủy
Đinh
Thị Thu Thủy, sinh năm 1982, đang thụ án 7 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà
nước.
Đinh
Thị Thu Thủy dùng Facebook để lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị. Tháng Sáu
năm 2018, cô tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế và luật an
ninh mạng. Một nhà hoạt động viết trên Facebook rằng cô “thường xuyên lên tiếng
nhiều vấn đề bất công của xã hội, cô cũng lên tiếng cho vấn đề chủ quyền quốc
gia đang bị trung cộng xâm hại.”
Công
an bắt giữ Đinh Thị Thu Thủy vào ngày 18 tháng Tư tại tỉnh Hậu Giang và cáo
buộc cô “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật
phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của
bộ luật hình sự nước này.
Theo
báo chí nhà nước Việt Nam, “từ năm 2018 đến nay Đinh Thị Thu Thủy mở nhiều tài
khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên
truyền, xuyên tạc… bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng
chống đối; tung tin thất thiệt, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân nhằm
chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.”
Vào
tháng Giêng năm 2021, một tòa án ở tỉnh Hậu Giang kết án cô 7 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-93.jpg
Đinh Thị Thu
Thủy bị kết án 7 năm tù giam. Nguồn: HRW
.
Phạm
Chí Thành
Phạm
Chí Thành, sinh năm 1952, đang thụ án 5 năm 6 tháng tù giam vì tội tuyên truyền
chống nhà nước.
Phạm
Chí Thành là một nhà báo, nhà văn và blogger. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của
ông, Hậu Chí Phèo, xuất bản năm 1991, lên án cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào
những năm 1950 và miêu tả những người lãnh đạo cộng sản địa phương như những
nhân vật tham nhũng, vô đạo đức, dốt nát và độc ác. Năm 2007, ông bị mất chức
thư ký tòa soạn báo Tiếng nói Việt Nam vì các bài viết chống Trung Quốc.
Năm
2014, ông tự xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai, Cò hồn xã nghĩa, mô tả chủ
nghĩa xã hội và chế độ chính trị ở Việt Nam dưới góc độ rất tiêu cực. Năm 2019,
với bút danh Phạm Thành – Bà Đầm Xòe, ông xuất bản một tuyển tập phê phán Tổng
Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng quá thân Trung Quốc.
Ngày
21 tháng Năm công an Hà Nội khám nhà Phạm Chí Thành suốt mấy tiếng đồng hồ và
bắt giữ ông. Ông bị cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền
thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này.
Vào
tháng 7 năm 2021, một tòa án ở Hà Nội kết án ông 5 năm 6 tháng tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-48.webp
Phạm Chí
Thành bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam. Nguồn: HRW
*
Cấn
Thị Thêu
Cấn
Thị Thêu, sinh năm 1962, đang thụ án 8 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà
nước.
Từ
giữa thập niên 2000, bà Cấn Thị Thêu đã nổi lên trong vai trò một nhà hoạt động
vì quyền lợi đất đai, phản đối việc chính quyền trưng thu đất đai. Tháng Tư năm
2014, công an bắt bà vì đã quay phim một vụ cưỡng chế đất, và sau đó xử bà 15
tháng tù vì tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình
sự. Chồng bà cũng bị bắt cùng ngày hôm đó và phải chịu 14 tháng tù cũng với cáo
buộc tương tự.
Sau
khi mãn hạn tù, bà Cấn Thị Thêu lập tức nối lại các hoạt động vận động nhân
quyền của mình. Bà tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường, và công khai lên
tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền và tù nhân chính trị khác. Tháng Sáu
năm 2016, công an lại bắt giữ bà vì tham gia biểu tình phản đối trưng thu đất,
và ba tháng sau đó, bà bị kết án 20 tháng tù.
Sau
khi được thả vào tháng Hai năm 2018, bà Cấn Thị Thêu lập tức tái khởi động các
hoạt động nhân quyền. Bà đã có một bài diễn thuyết nồng nhiệt trước những người
ủng hộ sau khi trở về nhà, tuyên bố rằng mình chỉ “ra khỏi nhà tù nhỏ, trở về
nhà tù lớn.” Bà lên án các vi phạm của chính quyền đồng thời tuyên bố tiếp tục
tranh đấu cho nhân quyền và phát biểu rằng chính phủ các nước khác và các tổ
chức nhân quyền quốc tế cần lên tiếng ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền ở
Việt Nam.
Công
an tỉnh Hòa Bình và công an Hà Nội đã bắt giữ bà Cấn Thị Thêu và hai con trai
bà Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương trong các vụ bắt giữ riêng biệt vào ngày 24
tháng Sáu năm 2020. Ba người bị báo buộc tội danh tuyên truyền chống nhà nước
theo điều 117 của bộ luật hình sự.
Trước
khi bị bắt giữ, ba mẹ con có vai trò quan trọng trong việc tiếp sức cho tiếng
nói của cộng đồng người dân xã Đồng Tâm, nơi vụ tập kích của công an trong
tháng Giêng năm 2020 đã gây ra cái chết cho lão nông 84 tuổi Lê Đình Kình và ba
người công an. Bà Cấn Thị Thêu và các con trai là các đồng tác giả của “Báo cáo
Đồng Tâm,” tài liệu đã làm rõ về vụ xung đột đất đai đầy bạo lực.
Vào
tháng Năm năm 2021, một tòa án ở tỉnh Hòa Bình đã kết án Cấn Thị Thêu và con
trai bà Trịnh Bá Tư mỗi người 8 năm tù giam. Khi bị hỏi tên trong phiên tòa, cả
hai đều nói “tên tôi là Nạn nhân Cộng sản.”
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-49-1024x1008.webp
Cấn Thị Thêu
bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trịnh
Bá Tư
Trịnh
Bá Tư, sinh năm 1989, đang thụ án 8 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà
nước.
Trịnh
Bá Tư trở thành một nhà hoạt động sau khi chứng kiến chính bố mẹ mình, các nhà
vận động cho quyền đất đai Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Khiêm, bị trả đũa. Tháng
Sáu năm 2015, khi anh và các nhà hoạt động khác đi đón cha mình Trịnh Bá Khiêm
được ra tù ở tỉnh Nghệ An, họ bị một nhóm người – nhiều khả năng là công an mặc
thường phục – tấn công và Trịnh Bá Tư bị một số vết thương nặng. Trịnh Bá Tư đã
tham gia một số cuộc biểu tình và vận động về nhân quyền, quyền lợi đất đai,
bảo vệ môi trường cùng nhiều vấn đề khác.
Công
an tỉnh Hòa Bình và công an Hà Nội đã bắt giữ Trịnh Bá Tư, mẹ của anh là Cấn
Thị Thêu, và anh trai của anh là Trịnh Bá Phương, trong các vụ bắt giữ riêng
biệt vào ngày 24 tháng Sáu năm 2020. Ba người bị cáo buộc tội danh tuyên truyền
chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam.
Trước
khi bị bắt giữ, ba mẹ con có vai trò quan trọng trong việc tiếp sức cho tiếng
nói của cộng đồng người dân xã Đồng Tâm, nơi vụ tập kích của công an trong
tháng Giêng năm 2020 đã gây ra cái chết cho lão nông 84 tuổi Lê Đình Kình và ba
người công an. Bà Cấn Thị Thêu và các con trai là các đồng tác giả của “Báo cáo
Đồng Tâm,” tài liệu đã làm rõ về vụ xung đột đất đai đầy bạo lực.
Trịnh
Bá Tư có vẻ đã lường trước được việc bị bắt giữ. Vào ngày anh bị bắt, đoạn
video ghi sẵn từ trước được đăng tải trên Facebook, trong đó anh bày tỏ quan
ngại về việc có thể bị công an tra tấn và giết, và yêu cầu những người ủng hộ
và người thân trong gia đình phơi bày thi thể công khai nếu anh bị chết, để
vạch trần các tội ác nhằm vào anh.
Được
biết hồi tháng Tám năm 2020, Trịnh Bá Tư đã tuyệt thực 20 ngày để phản đối việc
“ngược đãi mình và các tù nhân khác.”
Vào
tháng Năm năm 2021, một tòa án ở tỉnh Hòa Bình đã kết án Trịnh Bá Tư và mẹ anh
là bà Cấn Thị Thêu mỗi người 8 năm tù giam. Khi bị hỏi tên trong phiên tòa, cả
hai đều nói “tên tôi là Nạn nhân Cộng sản.”
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-50-768x733.webp
Trịnh Bá Tư
bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Trịnh
Bá Phương
Trịnh
Bá Phương, sinh năm 1985, bị kết án 10 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống
nhà nước.
Trịnh
Bá Phương xuất thân trong một gia đình có nhiều nhà hoạt động vì quyền lợi đất
đai. Trong suốt thập niên vừa qua, anh cùng mẹ, bà Cấn Thị Thêu, và bố, ông
Trịnh Bá Khiêm, và em trai Trịnh Bá Tư tham gia nhiều cuộc biểu tình và vận
động ủng hộ nhân quyền, quyền lợi đất đai và bảo vệ môi trường. Nhà cầm quyền
bắt bố anh vào tháng Tư năm 2014 trong một đợt trưng thu đất đai ở Dương Nội về
tội “chống người thi hành công vụ,” theo điều 257 của bộ luật hình sự, và giam
giữ ông 14 tháng. Mẹ anh đã thi hành xong hai bản án – 15 tháng vào năm 2014 và
20 tháng vào năm 2016.
Công
an bắt Trịnh Bá Phương vào tháng Sáu năm 2020 vì đã “soạn thảo, đăng tải, phát
tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần
chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước,” vi phạm điều 117 của bộ luật hình
sự.
Cùng
ngày Trịnh Bá Phương bị bắt ở Hà Nội, công an tỉnh Hòa Bình cũng bắt mẹ và em
trai anh với cáo buộc tương tự. Trước khi bị bắt, ba mẹ con họ là nhân tố quan
trọng trong việc lan tỏa tiếng nói của người dân xã Đồng Tâm, thành phố Hà Nội,
nơi một cuộc tập kích của công an vào tháng Giêng năm 2020 đã dẫn tới cái chết
của một lão nông 84 tuổi, ông Lê Đình Kình, và ba người công an. Trịnh Bá
Phương là một trong số các tác giả của “Báo cáo Đồng Tâm,” làm sáng tỏ vụ xung
đột bạo lực vì đất đai.
Trịnh
Bá Phương dường như đã lường trước được rằng mình sẽ bị bắt. Ngay trong ngày
anh bị bắt, đoạn băng video ghi từ trước đã được đăng tải trên Facebook, trong
đó anh bày tỏ quan ngại về khả năng bị công an tra tấn và bị giết. Anh yêu cầu
nếu mình bị giết thì những người ủng hộ và gia đình hãy công khai phô bày thân
thể anh để bộc lộ những dấu vết tội ác.
Vào
tháng 12 năm 2021, một tòa án ở Hà Nội kết án Trịnh Bá Phương 10 năm tù.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-51-768x576.webp
Trịnh Bá
Phương bị kết án 10 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Thị Tâm
Nguyễn
Thị Tâm, sinh năm 1972, bị kết án 6 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà
nước.
Nguyễn
Thị Tâm đã biểu tình phản đối trưng thu đất đai ở xã Dương Nội, hiện trực thuộc
Hà Nội, từ giữa thập niên 2000. Tháng Sáu năm 2008, bà đã tham gia một cuộc
biểu tình đông người bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân dân, lúc đó còn là tỉnh Hà
Tây. Tháng Mười một năm 2008, một tòa án đưa bà Nguyễn Thị Tâm và những người
dân làng khác ra xét xử về tội “chống người thi hành công vụ,” kết luận bà có
tội và xử bà mức án 12 tháng tù treo.
Tháng
Hai năm 2020, báo công an chụp mũ Nguyễn Thị Tâm là kẻ “phản động chống đối” đã
“thu thập và phát tán” thông tin về vụ xung đột thảm khốc ở xã Đồng Tâm.
Công
an bắt Nguyễn Thị Tâm vào tháng Sáu năm 2020 vì đã “soạn thảo, đăng tải, phát
tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần
chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước,” vi phạm điều 117 của bộ luật hình
sự.
Tháng
12 năm 2021, một tòa án ở Hà Nội kết án Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-52-768x531.webp
Nguyễn Thị
Tâm bị kết án 6 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Phạm
Đoan Trang
Phạm
Đoan Trang, sinh năm 1978, bị kết án 9 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà
nước.
Phạm
Đoan Trang là một blogger trực ngôn, viết về nhiều chủ đề như quyền của người
đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, nữ quyền, các vấn đề môi
trường, tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nạn công an bạo hành,
nạn đàn áp các nhà hoạt động và nhiều lĩnh liên quan tới pháp luật và nhân
quyền. Bà vận động cho cải cách bầu cử và giáo dục nhân quyền. Các bài báo và
bài viết blog của bà thường tập trung vào vai trò của báo chí truyền thông
trong đời sống xã hội và chính trị. Bà thường xuyên động viên người dân sử dụng
mạng xã hội một cách có trách nhiệm để khuếch trương phong trào xã hội dân sự
bất bạo động đang phát triển.
Phạm
Đoan Trang kiên trì vận động cho một hệ thống tư pháp công bằng và tôn trọng
quyền của người dân. Bà là biên tập viên của tờ báo mạng Luật Khoa Tạp Chí, nơi
xuất bản nhiều bài viết và bài dịch liên quan tới luật sư và nhân quyền, về
cuộc đấu tranh chống nạn ép cung nhận tội, việc chính quyền sử dụng vũ lực, nạn
bạo hành gia đình, cải cách pháp luật ở Trung Quốc, các vụ án tử hình nổi tiếng
ở Việt Nam, bảo vệ nguyên tắc vô tội cho đến khi có phán quyết của tòa án, và
nhiều vấn đề khác nữa.
Phạm
Đoan Trang cũng viết về các vấn đề quốc tế như phong trào dân chủ ở Hồng Kông –
bà đã sắp xếp các sự kiện và vấn đề chính của chủ đề này theo tuyến thời gian
cho những độc giả Việt Nam không đọc được ngoại ngữ, hay tình trạng khủng hoảng
nhân quyền ở Crimea. Về cả hai chủ đề này, bà cũng đã dịch các bài báo tiếng
Anh về các vấn đề nói trên ra tiếng Việt, được nhiều người khác đăng tải ở Việt
Nam.
Các
việc Phạm Đoan Trang làm hướng tới mục đích thu hút sự chú ý của quốc tế về
tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Blog của bà có đăng bản dịch ra tiếng
Anh của các bài bà viết bằng tiếng Việt, trong đó có các lời kêu gọi phóng
thích tù nhân chính trị. Bà cũng là đồng biên tập của trang mạng Vietnam Right
Now bằng tiếng Anh, nhằm mục đích cung cấp “thông tin khách quan, chính xác và
kịp thời về tình hình chính trị xã hội hiện nay ở Việt Nam.”
Tháng
Hai năm 2019, Phạm Đoan Trang tham gia sáng lập Nhà Xuất bản Tự do, nơi phát
hành một loạt sách phi hư cấu của các tác giả Việt Nam về các chủ đề như khoa
học chính trị, chính sách công và các vấn đề xã hội khác, như Chính trị của nhà
nước công an trị, Phản kháng phi bạo lực, Chính trị bình dân, Những mảnh đời
sau song sắt và Cẩm nang nuôi tù. Chính quyền coi những ấn phẩm này là nhạy cảm
và đã ngăn cấm việc phát hành trên thực tế.
Phạm
Đoan Trang đã tham gia nhiều vụ tuần hành ôn hòa phản đối các chính sách của
chính quyền. Bà tham gia biểu tình bên ngoài đồn công an và tại các sân bay khi
các nhà hoạt động thân hữu bị câu lưu, tham gia các cuộc biểu tình chống Trung
Quốc, và góp phần đi đầu trong các cuộc tuần hành bảo vệ môi trường. Bà thể
hiện tình đoàn kết với các nhà hoạt động bè bạn bằng cách cố gắng tham dự các
phiên xử họ do chính quyền dàn dựng, và bất chấp các rủi ro nghiêm trọng với
bản thân mình, bà tới thăm hỏi gia đình các nhà bất đồng chính kiến đang bị
giam giữ để giúp đỡ và động viên họ.
Lực
lượng an ninh của chính quyền Việt Nam thường xuyên trấn áp, sách nhiễu và hành
hung bà. Từ tháng Tư năm 2015, sau khi bị chấn thương vì an ninh dùng vũ lực
giải tán một cuộc biểu tình vì môi trường ở Hà Nội, bà đi lại khó khăn với một
bên chân bị tập tễnh trông thấy.
Tháng
Năm năm 2016, công an câu lưu và cản trở bà không được đi gặp Tổng thống Hoa Kỳ
Barrack Obama, người đã mời bà tham dự buổi gặp mặt các nhà hoạt động trong
chuyến thăm Hà Nội của ông. Tháng Mười một năm 2017, bà bị câu lưu sau khi gặp
gỡ một phái đoàn Liên Âu đang chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền song
phương thường niên giữa EU và Việt Nam.
Công
an bắt bà Phạm Đoan Trang vào ngày mồng 6 tháng Mười năm 2020 ở Thành phố Hồ
Chí Minh. Bà bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam” theo điều 88 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Tháng
12 năm 2021, một tòa án ở Hà Nội kết án bà 9 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-53.webp
Phạm Đoan
Trang bị kết án 9 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Đỗ
Nam Trung
Đỗ
Nam Trung, sinh năm 1981, đang thụ án 10 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà
nước.
Đỗ
Nam Trung đã từng ngồi tù 14 tháng sau khi công khai vận động cho nhân quyền và
dân chủ hồi đầu thập niên 2010. Tháng Năm năm 2014, công an bắt Đỗ Nam Trung và
các bạn của ông ở tỉnh Đồng Nai khi họ đang chụp ảnh và quay phim các cuộc biểu
tình chống Trung Quốc. Nhà cầm quyền cáo buộc họ theo điều luật hình sự lúc đó
còn là điều số 258. Cụ thể họ bị cáo buộc về các hành vi “lợi dụng các quyền tự
do dân chủ như: tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền
sử dụng dịch vụ Internet… để thu thập hình ảnh, tình hình khiếu kiện, tụ tập
đông người viết bài vu khống, đăng tin sai sự thật qua hình thức đăng lên
facebook của cá nhân… làm tổn hại đến uy tín, làm suy giảm đến lòng tin của
nhân dân đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam.”
Sau
khi hoàn thành bản án 14 tháng tù giam, Đỗ Nam Trung nói với Đài Á châu Tự do
rằng ngục tù chỉ làm ông mạnh mẽ và tự tin hơn.
Từ
năm 2015 đến 2021, Đỗ Nam Trung đã tham gia các cuộc biểu tình bảo vệ môi
trường và chống Trung Quốc, và phản đối tham nhũng trong chính quyền. Không chỉ
tham dự các cuộc biểu tình phê phán chính quyền, Đỗ Nam Trung còn tham gia các
nhóm nhân đạo để hỗ trợ các nạn nhân bị thiên tai và công khai ủng hộ các nhà
hoạt động khác, trong đó có Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Hữu Vinh, Cấn Thị
Thêu, Phạm Đoan Trang, và Nguyễn Thúy Hạnh.
Trong
bản cáo trạng ra ngày 26 tháng Mười, công an viết “Đỗ Nam Trung không khai nhận
hành vi phạm tội của bản thân, không viết, không ký vào bất kỳ tài liệu nào.”
Công
an bắt Đỗ Nam Trung ngày mồng 6 tháng Bảy năm 2021, và cáo buộc ông tội tuyên
truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Tháng 12 năm 2021, một
tòa án ở tỉnh Nam Định kết án Đỗ Nam Trung 10 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-54.webp
Đỗ Nam Trung
bị kết án 10 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lê
Trọng Hùng
Lê
Trọng Hùng, sinh năm 1979, bị kết án 5 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống
nhà nước.
Lê
Trọng Hùng (còn gọi là Hùng Gàn từng là giáo viên trung học cơ sở công lập. Năm
2015, sau khi kiến nghị yêu cầu thực hiện các cải cách vì lợi ích của học sinh
tại một trường học ở Hà Nội mà không có kết quả gì, ông xin nghỉ dạy. Năm 2017,
ông bắt đầu đăng tin trên Facebook và YouTube như một nhà báo công dân, bình
luận về các vấn đề xã hội và tư vấn cho người dân khiếu nại chính quyền.
Ông
đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, và biểu tình bảo vệ môi
trường. Ông sử dụng mạng xã hội để chia sẻ các tin tức về biểu tình ở Myanmar
và nỗ lực đấu tranh của các nhà hoạt động Việt Nam như Trịnh Bá Phương, Trịnh
Bá Tư và Phạm Đoan Trang. Ông cũng đề cao giáo dục và kiến thức về Hiến pháp
Việt Nam, và mang những cuốn hiến pháp đi tặng cho mọi người.
Tháng
Hai năm 2021, ông Lê Trọng Hùng tuyên bố dự định ra tranh cử với tư cách ứng cử
viên độc lập trong kỳ bầu cử Quốc Hội. Ông công bố chính sách dự kiến của mình,
cam kết rằng nếu đắc cử sẽ tăng cường giáo dục về các quyền công dân quy định
trong hiến pháp và vận động ra luật cho phép người dân biểu tình ôn hòa, tự do
lập hội, và đề cao vai trò giám sát chính phủ của người dân. Chương trình về
chính sách của ông cũng bao gồm việc vận động sửa đổi hiến pháp và hủy bỏ các
điều khoản như đảm bảo vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam (điều 4), chỉ
cho phép một công đoàn duy nhất (điều 10), và khẳng định quyền sở hữu nhà nước
đối với đất đai, nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên (điều 53), trong số các
nội dung khác.
Ngày
23 tháng Hai năm 2021, Lê Trọng Hùng thách thức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản
Nguyễn Phú Trọng ra tranh luận trên truyền hình vì ông Nguyễn Phú Trọng cũng
tranh cử đại biểu Quốc Hội trong cùng một khu vực nơi ông Lê Trọng Hùng cư trú.
Một tuần sau đó, công an bắt đầu liên tục triệu tập Lê Trọng Hùng để thẩm vấn,
và theo dõi ông gắt gao.
Công
an bắt giữ ông Lê Trọng Hùng ngày 27 tháng Ba năm 2021, và cáo buộc ông tội
tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam. Sau khi
ông bị bắt, trên trang mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết buộc tội ông
Lê Trọng Hùng “dùng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, hoặc livestream xuyên
tạc, nói xấu chính quyền.” Bài viết mắng mỏ ông đã “bình luận một cách méo mó
các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.” Bài viết của đảng
còn kể lể rằng ông Lê Trọng Hùng “liên tục có những hành vi, phát ngôn phỉ báng
chính quyền, chống phá Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.” Bài báo
bác bỏ những lời bình “phản động” cho rằng ông Lê Trọng Hùng bị bắt vì ra tranh
cử như một ứng cử viên độc lập, và tuyên bố rằng nhà cầm quyền bắt ông ta vì đã
vi phạm pháp luật một thời gian dài.
Vào
tháng Mười hai năm 2021, một tòa án ở Hà Nội kết án ông 5 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-55.webp
Lê Trọng Hùng
bị kết án 5 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Lê
Văn Dũng
Lê
Văn Dũng, sinh năm 1970, bị kết án 5 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước.
Lê
Văn Dũng, còn gọi là Lê Dũng Vova, là một kỹ sư xây dựng từng tham gia nhiều
cuộc biểu tình kể từ năm 2011, trong đó có các cuộc đưa ra lời kêu gọi hành
động vì môi trường và phản đối Trung Quốc. Sau khi chứng kiến chính quyền đàn
áp những người biểu tình ôn hòa, ông bắt đầu tham gia các hoạt động dân chủ và
vận động nhân quyền.
Ông
đã tới những địa bàn có cưỡng chế trưng thu đất đai để ghi lại các hành vi bạo
lực của nhà cầm quyền địa phương nhằm vào người nông dân, như ở huyện Vụ Bản,
tỉnh Nam Định hồi tháng Năm năm 2012. Ông tham gia cùng các nhà hoạt động khác
điều tra độc lập hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung
Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016 do công ty Thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty
thuộc Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan, gây ra sau khi xả chất thải độc xuống
biển. Lê Văn Dũng cũng tham gia các chương trình vận động hỗ trợ nạn nhân thiên
tai ở Việt Nam.
Năm
2017, Lê Văn Dũng và các nhà hoạt động thân hữu lập ra một kênh YouTube gọi là
CHTV (Chấn Hưng Tivi). Họ sử dụng kênh này, cùng với chức năng phát trực tiếp
trên Facebook, để bình luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội. Họ cũng phỏng
vấn và đưa ra các lời khuyên cho những người nông dân có nguy cơ bị tịch thu
đất và những người dân bị chính quyền đàn áp hay đối xử bất công, như người mẹ
của tử tù Hồ Duy Hải. Các thành viên của CHTV cũng cung cấp thông tin về pháp
luật và các quyền cơ bản cho người xem, và phân phát miễn phí các cuốn Hiến
pháp Việt Nam.
Tháng
Hai năm 2021, Lê Văn Dũng muốn thử tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập
trong kỳ bầu cử quốc hội tháng Năm năm 2021, nhưng chính quyền địa phương tìm
cách làm ông bị loại vì không đủ tiêu chuẩn. Ngày 25 tháng Năm năm 2021, tức là
hai ngày sau bầu cử, công an tới nhà Lê Văn Dũng ở Hà Nội để bắt ông, nhưng ông
đã đi trốn. Ngày 28 tháng Năm, công an ban hành lệnh truy nã ông. Đáp lại, ông
viết trên trang Facebook của mình rằng “Nếu có bị bỏ tù vì nói đúng lương tâm
thì tôi vẫn nói như thế. Dù biết rằng để nói thật thì sẽ thiệt thòi cho không
chỉ riêng mình mà cả gia đình vợ con mình cũng phải chịu những thiệt thòi từ kỳ
thị, sự khác biệt về nhận thức.”
Công
an bắt ông vào ngày 30 tháng Sáu năm 2021 tại nhà của một người họ hàng ở Hà
Nội, và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước. Tháng Ba năm 2022, một
tòa án ở Hà Nội kết án ông 5 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-56-768x768.webp
Lê Văn Dũng
bị kết án 5 năm tù. Nguồn: HRW
*
Nguyễn
Văn Đức Độ
Nguyễn
Văn Đức Độ, sinh năm 1975, đang thụ án 11 năm tù vì có liên quan tới 1 nhóm ủng
hộ dân chủ.
Nguyễn
Văn Đức Độ là một thợ cơ khí, ông tham gia các sự kiện liên quan tới nhân quyền
và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường. Ông cũng góp sức với các nhà hoạt động
vì quyền lợi người lao động, vận động cho lợi ích của công nhân.
Công
an đã bắt giữ Nguyễn Văn Đức Độ vào tháng Mười một năm 2016 vì cho rằng ông đã
tham gia Liên minh Dân tộc Việt Nam, một nhóm chính trị độc lập. Công an cáo
buộc ông tội danh “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
theo điều 79 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Một
người không nêu tên trong gia đình Nguyễn Văn Đức Độ kể với phóng viên Nhật báo
Cali Today rằng lúc bị bắt, ông “có yêu cầu là cho biết lý do bắt hoặc để cho
người dân chứng kiến họ đọc lệnh bắt nhưng họ không chấp nhận. Họ khống chế Độ
xong rồi họ đánh đập. Họ đánh Độ đến nỗi máu mắt, máu mũi và máu lỗ tai gì nó
cũng ra hết.”
Tháng
Mười năm 2018, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kết án Nguyễn Văn Đức Độ
11 năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-94.jpg
Nguyễn Văn
Đức Độ bị kết án 11 năm tù giam. Nguồn: HRW
*
Bùi Văn
Thuận
Bùi
Văn Thuận, sinh năm 1981, đang thụ án 8 năm tù giam vì tội chỉ trích Đảng Cộng
sản và Nhà nước Việt Nam.
Bùi
Văn Thuận là người dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình. Ông bắt đầu quan tâm tới
chính trị từ khi còn là sinh viên Sư phạm ở Hà Nội từ cuối thập niên 2000. Sau
khi tốt nghiệp, ông đã giảng dạy ở một số trường dân lập tại Hà Nội.
Trong
thời gian làm thầy giáo, Bùi Văn Thuận đã tham gia một số cuộc biểu tình, trong
đó có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và phản đối thảm họa môi trường do
Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh xả thải xuống biển hồi năm 2016. Bùi Văn Thuận lên
tiếng ủng hộ các nhà hoạt động thân hữu và các tù nhân chính trị như Nguyễn
Trung Tôn, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu. Ông công khai tẩy chay các cuộc bầu cử
toàn quốc năm 2016 và 2021.
Trên
trang Facebook cá nhân, Bùi Văn Thuận thường chỉ trích chính phủ Việt Nam về
nhiều vấn đề chính trị, trong đó có việc dùng bộ máy chính quyền gây sức ép để
buộc người dân đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia. Ông cũng thường
phê phán cách thức chính quyền ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ngày
16 tháng Tám năm 2021, Bùi Văn Thuận phê phán việc chính quyền kêu gọi người
dân đóng góp tài chính để giúp chống dịch. Ông viết rằng “Đảng Cộng sản Việt
Nam cùng các tổ chức, hội đoàn cánh tay nối dài của nó, là một tổ chức, một ổ
ký sinh trùng khổng lồ. Chúng ăn bám, ký sinh vào mồ hôi, công sức nhân dân và
không có bất cứ một tác dụng gì, ngoài tác dụng ngược, kéo lùi sự phát triển
cũng như tiến tới văn minh của quốc gia này.”
Trong
cáo trạng, chính quyền cho rằng bài viết này vi phạm luật hình sự vì “suy luận
vô căn cứ, xúc phạm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng
các tổ chức gây hoang mang trong nhân dân.”
Công
an bắt Bùi Văn Thuận ngày 31 tháng Tám năm 2021. Ông bị cáo buộc theo khoản 1
điều 117 luật hình sự về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông
tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam.”
Tháng
Mười một 2022, một tòa án ở tỉnh Thanh Hóa xử Bùi Văn Thuận có tội và kết án
ông tám năm tù giam.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-57.webp
Bùi Văn Thuận bị kết án 8 năm tù giam. Nguồn: HRW
.
No comments:
Post a Comment