Hậu bầu cử ở Đài Loan
tác động đến Việt Nam ra sao?
Bình
luận của Hà Lệ Chi
2024.01.18
Tân
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (trái) và bà Tiêu Mỹ Cầm tại một cuộc tập
trung bên ngoài đại bản doanh của Đảng DPP ở Đài Bắc hôm 13/1/2024. AFP
Bầu cử Đài Loan đã kết thúc ngày 13/1/2024. Kết quả
cũng tương tự như dự báo trước đó. Lại Thanh Đức - Phó Tổng thống đương nhiệm
và là người của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đã trở thành Tổng thống Đài Loan
nhiệm kỳ từ 2024-2028. Ông Lại đã giành được 5,5 triệu phiếu bầu, chiếm khoảng
40,05%. Trong khi đó Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng (KMT) đạt 4,6 triệu phiếu
bầu, chiếm 33,49% và Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) giành được
3,6 triệu phiếu, chiếm 26,46% (1).
Bầu cử tổng thống Đài Loan lần này thu hút sự chú ý
toàn cầu bởi hòn đảo này được xem là chiến trường ủy nhiệm giữa Washington và
Bắc Kinh. Sau khi đắc cử, ông Lại Thanh Đức tuyên bố: “Người dân Đài Loan
đã đem lại chiến thắng cho khối dân chủ toàn cầu trong cuộc bầu cử tổng thống
đầu tiên trong năm nay” (2).
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một tổng thống Đài
Loan đắc cử không giành được số phiếu quá bán. Thêm vào đó, trong cuộc bầu cử
Quốc hội hôm 13/1, KMT đã giành được 52 trong số 113 ghế, DPP giành được 51 ghế
và mất 11 ghế, trong khi TPP giành được tám ghế (3). Thất bại của DPP trong
cuộc bầu cử quốc hội dường như phản ánh tâm lý bất bình của công chúng trước
giá nhà đất tăng cao và ác cảm của công chúng về một đảng cầm quyền trong thời
gian dài.
Do không có đảng nào có thể chiếm đa số, vốn cần ít
nhất 57 ghế, nhiều người dự đoán rằng KMT và TPP sẽ đàm phán một thỏa thuận để
ngăn chặn DPP giữ quyền chủ tịch.
Như vậy, DPP cần sự thoả hiệp với các đảng phái khác
để thành lập chính phủ, điều này sẽ khiến ông Lại không là tổng thống mạnh như
bà Thái Anh Văn, với việc KMT nắm nhiều ghế ở quốc hội như vậy thì khả năng
những quyết sách quan trọng thì DPP và ông Lại phải cần tới sự thoả hiệp với
KMT, do đó, chính sách của ông khó có thể cứng rắn như bà Thái được.
Dự báo
chính sách đối ngoại của Lại Thanh Đức
Ông Lại đã tuyên bố là sẽ tiếp nối các
chính sách xuyên eo biển, đối ngoại và quốc phòng của bà Thái (4). Tức là ông ta sẽ tập trung vào việc duy trì hiện
trạng ở eo biển Đài Loan trong khi tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo và
theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác. Nhưng
Trung Quốc thì không tin tưởng ông Lại nên rất khó có khả năng các tương tác
chính thức giữa hai bờ.
Việc ông Lại chọn Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) làm
người tranh cử cũng có thể được coi là một nỗ lực nhằm trấn an Hoa Kỳ rằng ông
sẽ xử lý các mối quan hệ xuyên eo biển một cách có trách nhiệm. Tiêu từng là
đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ từ năm 2020-2023, mang lại cho bà ta kinh
nghiệm làm việc với cả chính quyền Trump và Biden.
Kể từ khi tham gia tranh cử cùng ông Lại, bà Tiêu đã
nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý cẩn thận các mối quan hệ xuyên eo biển, nói
rằng “chúng ta phải quản lý mọi việc một cách rất thận trọng và thận
trọng…Chúng ta cần có một môi trường nơi chúng ta có những người bạn sẽ sát
cánh cùng chúng ta.” (5). Ẩn ý trong tuyên
bố này là sự thừa nhận rằng nếu Đài Loan bị coi là khiêu khích Trung Quốc thì
Mỹ sẽ ít ủng hộ Đài Loan hơn. Bà cũng tán thành việc duy trì nguyên
trạng, “phần lớn xã hội của chúng ta đồng ý rằng vào thời điểm hiện tại,
đây là cách tiếp cận thực tế nhất đối với hiện trạng của Đài Loan” (6).
Ông Lại coi việc cải thiện khả năng phòng thủ của
Đài Loan là cách hiệu quả nhất để đảm bảo hòa bình trên eo biển Đài Loan. Ông
đã từng phát biểu, “Chúng tôi không mong muốn chiến tranh và chúng tôi sẽ
không tự mình gây ra chiến tranh. Nhưng bằng cách không sợ chiến tranh và chuẩn
bị trong thời bình, điều này sẽ ngăn chặn được chiến tranh và chúng ta có thể
có được hòa bình.” (7) Bà Tiêu bình luận
thêm: “Chúng tôi đã nhắc lại rằng chúng tôi sẵn sàng đối thoại. Nhưng
chúng tôi cũng tin rằng đối thoại có ý nghĩa nhất khi được tiến hành trên nền
tảng sức mạnh. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đầu tư nhiều vào việc xây dựng
sức mạnh của chính mình”. (8)
Trong hơn bảy năm qua, chính quyền của bà Thái đã
tăng ngân sách quốc phòng của Đài Loan từ 2% lên 2,5% GDP, kéo dài thời gian
nghĩa vụ quân sự từ bốn tháng lên một năm, ưu tiên mua sắm tên lửa, đồng thời
thúc đẩy phát triển các năng lực bản địa như tàu ngầm, máy bay không người lái
và mìn.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) quan sát
cuộc tập trận Hán Quang hôm 25/5/2017 (minh hoạ). AFP
Đáng chú ý, tăng cường khả năng phòng thủ của Đài
Loan là trụ cột đầu tiên trong “kế hoạch hòa bình bốn trụ cột” của Tổng
thống mới.
Ông Lại coi Hoa Kỳ là đối tác quốc tế quan trọng
nhất của Đài Loan và mối quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan là chìa khóa
để đảm bảo an ninh của Đài Loan.
Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ phản ứng với chiến
thắng của Lại với áp lực quân sự, kinh tế và chính trị ngày càng tăng. Điều này
khiến sự hỗ trợ của Hoa Kỳ càng trở nên quan trọng và Lại cần đảm bảo rằng
không có khoảng cách giữa Washington và Đài Bắc và rằng ông không bị coi là
khiêu khích Trung Quốc. Sự nhấn mạnh của ông vào việc duy trì hiện trạng xuyên
eo biển, chọn Tiêu Mỹ Cầm làm người đồng tranh cử và cam kết tăng cường phòng
thủ của Đài Loan đều được coi là một phần trong nỗ lực báo hiệu cho Washington
rằng ông là người đáng tin cậy để quản lý tốt hiện trạng trên eo biển Đài Loan.
Mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản cũng rất quan
trọng đối với Đài Loan, phần lớn là do mức độ hỗ trợ mà Nhật Bản dành cho Mỹ
trong cuộc xung đột về Đài Loan có thể mang tính quyết định trong việc xác định
liệu Mỹ có thể bảo vệ thành công Đài Loan hay không. Trong những năm gần đây,
mối quan hệ của Đài Loan với Nhật Bản đã được củng cố và ông Lại đã nhận xét
rằng “Đài Loan và Nhật Bản giống như một gia đình” (9).
Một ưu tiên khác của ông Lại là giảm sự phụ thuộc
kinh tế vào Trung Quốc, điều mà ông sẽ theo đuổi bằng cách đàm phán các hiệp
định thương mại với Hoa Kỳ và các đối tác khác, đồng thời hợp tác với Hoa Kỳ về
chuỗi cung ứng an toàn. Như Tiêu đã lưu ý gần đây, “chúng ta phải lưu ý
không bỏ tất cả trứng vào một giỏ, như chính phủ trước đây đã làm, bằng cách
ủng hộ việc hội nhập sâu hơn nhiều với nền kinh tế Trung Quốc. Chúng ta cần
phải cân bằng. Chúng ta cần phải đa dạng hóa.” (10)
Tác động
với Việt Nam
Con đường phía trước đối với Tổng thống đắc cử Đài
Loan rất chông gai bởi ông chỉ giành được dưới 50% số phiếu bầu và đảng cầm
quyền không chiếm được đa số ghế trong cơ quan lập pháp. Hơn nữa, so với Tổng
thống mãn nhiệm Thái Anh Văn, Tổng thống đắc cử cũng gần gũi hơn với Washington
và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với nền độc lập của Đài Loan. Điều này có
thể làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng quân sự với Bắc Kinh khi Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tìm kiếm biện pháp củng cố đoàn kết nội bộ trong
bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Nếu quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc trở nên căng
thẳng, Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là trên Biển Đông.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho kịch bản Donald Trump, người từng ám
chỉ sẽ không bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc, sẽ trở lại Nhà Trắng trong cuộc
bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Nằm ở cửa ngõ hàng hải quan trọng nối Biển Đông với
Thái Bình Dương, Đài Loan là nơi có ngành công nghiệp bán dẫn cường quốc sản
xuất các vi mạch quý giá - huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu, cung cấp năng
lượng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh, ô tô đến tên lửa.
Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Đài Loan và Trung
Quốc có thể dẫn đến một cơn ác mộng khác đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang
gặp khó khăn trong bối cảnh các cuộc chiến khu vực đang xảy ra tại Ukraine và
Trung Đông. Đài Loan là nơi có TSMC “”xưởng đúc chất bán dẫn lớn nhất thế giới
- và Eo biển Đài Loan đóng vai trò là tuyến đường hàng hải quan trọng đối với
thương mại toàn cầu, nơi một nửa số tàu chuyên chở container của thế giới đi
qua. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian
tới.
______________
Tham khảo:
1. https://focustaiwan.tw/politics/202401135001
2. https://focustaiwan.tw/politics/202401130013
3. https://focustaiwan.tw/politics/202401130014
4. https://focustaiwan.tw/cross-strait/202401140001
7. https://japannews.yomiuri.co.jp/world/asia-pacific/20231007-141486/
9. https://japannews.yomiuri.co.jp/world/asia-pacific/20231007-141486/
-------------------------------------------------------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
*
Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ
quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.
hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
------------------
Tin,
bài liên quan
BLOG
Việt Nam và Malaysia cần ủng hộ sáng kiến
COC của Philippines
Biển Đông: Cuộc chiến chống tin giả của Bắc
Kinh
Biển Đông: ASEAN không thể làm ngơ
COC cho Biển Đông – con đường chưa thấy
đích đến
Bắc Kinh cố chiếm Bãi Cỏ Mây từ
Philippines, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng
No comments:
Post a Comment