Gọi
tên gì cho cuộc chiến Việt Nam - Campuchia năm 1979?
RFA
2024.01.05
Dư âm cuộc tiến quân của Việt Nam vào thủ đô Phnom
Penh (Campuchia), lật đổ chế độ Khmer Đỏ, và đóng quân tại đó 10 năm, vẫn
còn tiếp tục vang vọng đến ngày nay. Bản chất của cuộc chiến này là gì? Gọi tên
gì cho cuộc chiến là đúng nhất? Tại sao cuộc chiến ấy đã kết thúc hơn 30 năm, nếu
tính từ lúc Việt Nam rút quân khỏi Phnom Penh năm 1989, nhưng vẫn còn ảnh hưởng
đến quan hệ Việt Nam – Campuchia ngày nay?
RFA xin giới thiệu một cuộc trao đổi với GS Vũ Tường,
Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, về những vấn đề này.
Trẻ em
Campuchia nhìn hộp sọ của các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ được trưng bày tại
"cánh đồng chết" ở Choeung Ek, gần Phnom Penh (ảnh minh họa). Reuters
.
RFA. Hà Nội thường nói cuộc
chiến lật đổ Khmer Đỏ là để giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Nhiều
nước gọi đó là "xâm lược" chứ không phải "giải cứu" hay
"nghĩa vụ quốc tế" như cách nói của Việt Nam? Theo ông, nên gọi
tên gì cho cuộc chiến này là hợp lý nhất?
Giáo sư
Vũ Tường:
Theo tôi hiểu dựa trên nghiên cứu về tư duy và chính sách của lãnh đạo Việt
Nam thời đó, lý do của cuộc chiến là để lật đổ, trừ diệt chính quyền Pol Pot
thù địch với Việt Nam và đưa một chính quyền thân Việt Nam lên nắm quyền ở
Phnom Penh.
Khi tiến hành cuộc chiến này chính quyền Hà Nội nhằm mục đích bảo vệ an
ninh cho Việt Nam vì chính quyền Pol Pot được Trung Quốc hậu thuẫn đang đe doạ
an ninh của Việt Nam.
Lý do an ninh và tự vệ này không phải hoàn toàn bất hợp pháp theo luật quốc
tế, nhưng Việt Nam cần chứng minh rằng mình đã tiến hành đầy đủ các bước theo
thông lệ quốc tế trong những trường hợp tương tự trước khi động binh.
Theo tôi nghĩ, mối lo chính của Việt Nam không phải Campuchia mà là Trung
Quốc, đặc biệt trong trường hợp cả hai cùng tấn công Việt Nam một lúc. Nhưng nếu
đánh Campuchia vì sợ Trung Quốc cũng đánh thì không phải là một lý lẽ hợp luật
pháp quốc tế, chưa nói đến việc lãnh đạo Việt Nam lúc đó xem nhẹ luật pháp và
các định chế quốc tế, cho là chúng bị Mỹ và các nước tư bản thao túng.
Một lý do nữa Đảng Cộng sản Việt Nam có viện dẫn vào thời đó nhưng ngày
nay ít nhắc lại là Việt Nam có bổn phận thi hành "nghĩa vụ quốc tế"
khi tiến hành cuộc chiến chống chính quyền Pol Pot ở Campuchia.
Lãnh đạo Việt Nam coi việc Trung Quốc bắt tay với Mỹ năm 1972 và việc
Campuchia thù nghịch với Việt Nam là hành động phản bội phong trào cộng sản quốc
tế do Liên Xô lãnh đạo trong đó Việt Nam có vai trò "người lính xung
kích" hay "tiền đồn". “Nghĩa vụ quốc tế” của Việt Nam
với tư cách đó là chiến đấu chống lại bọn phản bội quốc tế vì lợi ích của "phe
xã hội chủ nghĩa". Đây là một niềm tin có thật của ban lãnh đạo Việt
Nam thời đó như Lê Duẩn, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Phía Trung Quốc và
Campuchia thì cho rằng "nghĩa vụ quốc tế" chỉ là vỏ bọc cho
hành động phản bội và trở mặt của chính Hà Nội vì Trung Quốc và lực lượng
Khmer Đỏ đã giúp Hà Nội trong "kháng chiến chống Mỹ".
“Giải cứu nhân dân Campuchia” không phải là lý do của cuộc chiến. Thực ra
nhiều chính sách ở miền Nam của Hà Nội sau năm 1975 cũng tương tự như ở
Campuchia mặc dù không cực đoan và sắt máu bằng, như thủ tiêu giai cấp tư bản,
cải tạo tư sản, cấm đoán kinh tế tư nhân, trục xuất Hoa kiều, xua dân thành thị
đi các vùng "kinh tế mới", xoá tư hữu bằng hợp tác hoá nông nghiệp,
trả thù quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà bằng việc giam giữ hàng trăm ngàn người
trong các trại tập trung cải tạo, đàn áp các tôn giáo và bỏ tù tu sĩ, v. v...
nên chắc chắn họ không có vấn đề lớn với những chính sách của chính quyền Pol
Pot.
Nếu nói "giải cứu" thì chính người dân miền Nam Việt Nam cũng cần
giải cứu (và họ đã tự giải cứu vào thập niên 1980 bằng cách vượt biên hàng loạt,
bỏ vùng kinh tế mới, phá hoại hợp tác xã, “xé rào” trong kinh tế, buộc Đảng Cộng
sản phải “đổi mới” năm 1986. Ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó đã thẳng thắn
kêu gọi văn nghệ sĩ “tự cứu mình trước khi trời cứu”).
Trở lại chuyện Campuchia, từ "xâm lược" thể hiện trần trụi bản
chất của cuộc chiến là một cuộc tiến công quân sự và chiếm đóng của Việt Nam
vào một nước khác có chủ quyền. Vì vậy đây là từ khách quan nhất dù Việt Nam dĩ
nhiên không thích nó.
Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông (trái) gặp lãnh đạo Khmer
Đỏ Ieng Sary (phải) còn được biết đến với biệt danh "anh ba", và Pol
Pot (giữa) năm 1970. AFP
RFA. Tại sao tên gọi chính
thức của đảng cầm quyền ở Phnom Penh thời đó là “Communist Party of
Kampuchea” (Đảng Cộng sản Campuchia) nhưng truyền thông ở Việt Nam hầu như
không gọi họ bằng cái tên chính thức này mà gọi bằng “biệt danh” là
"Khmer Đỏ"?
Giáo sư
Vũ Tường:
Vì Việt Nam cũng là cộng sản và họ coi cộng sản Campuchia là phản bội lý
tưởng cộng sản, nên dĩ nhiên họ không muốn thừa nhận là Khmer Đỏ cũng là cộng sản
như họ, đã từng được họ nâng đỡ huấn luyện, và theo đuổi nhiều chính sách cơ bản
cũng giống họ nhưng cực đoan hơn.
Chúng ta nên nhớ là Pol Pot ("Brother Number One") và Khieu
Samphon ("Brother Number Three") cũng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp
như Nguyễn Ái Quốc, và cũng chịu ảnh hưởng sâu của Mao như Hồ Chí Minh và Trường
Chinh.
Đối với người cộng sản từ Lê Nin đến Hồ Chí Minh, từ Mao đến Trường Chinh
và Pol Pot, "xoá bỏ giai cấp bóc lột" là mục tiêu hàng đầu, và phương
pháp "xoá bỏ" có thể là cải tạo hay giết nếu cần.
Dù họ định nghĩa giai cấp đó có thể hơi khác nhau, nhưng họ đều không
quan tâm đến việc giai cấp đó cùng chủng tộc hay dân tộc. Trong đấu tranh giai
cấp triệt để, quyền lợi giai cấp phải đặt lên trên đoàn kết dân tộc hay tình cảm
cá nhân, nếu làm ngược lại thì không phải là cộng sản, là "hữu
khuynh", là "ăn phải bả tư sản".
"Tư sản dân tộc" hay "địa chủ yêu nước" có thể được tạm
thời nhân nhượng khi cần, nhưng họ sẽ là đối tượng phải cải tạo và xoá bỏ khi
chính quyền cộng sản đã nắm vững quyền lực.
.
RFA. Việt Nam không chỉ
xâm lược Campuchia từ 1979-1989 mà các thế kỷ trước cũng xâm lược Campuchia.
Năm 1861, khi vua Tự Đức nhường ba tỉnh Miền Đông cho Pháp thì Campuchia đã mời
Pháp đến để tự xin được nhận bảo hộ. Có phải các cuộc xâm lược trong lịch sử
gây ra tâm lý dè chừng của Campuchia với Việt Nam không? Làm sao để hai nước vượt
qua những sức nặng của quá khứ còn đè trên vai?
Giáo sư
Vũ Tường:
Các cuộc xâm lược của Việt Nam đúng là đã gây ra tâm lý ghét Việt Nam của
người Campuchia, giống như tâm lý bài Hoa của người Việt Nam đối với Trung Quốc,
hay tâm lý bài Nhật của người Hàn Quốc và Trung Quốc đối với Nhật.
Trường hợp Việt Nam có phức tạp hơn do các tỉnh Nam Bộ của Việt Nam mới
thuộc về lãnh thổ Việt Nam chưa lâu lắm (khoảng 300 năm). Trước đó, đây là vùng
biên địa hay “frontier” của vương quốc Khmer (không nhất thiết là “lãnh thổ” của
vương quốc đó theo quan điểm ngày nay), và hiện nay vẫn còn một cộng đồng người
Khmer khá đông sinh sống.
Để xây dựng một quan hệ tốt đẹp với Campuchia, Việt Nam cần thừa nhận những
chính sách bá quyền trong quá khứ (nhất là trong thời vua Minh Mạng), đối xử tốt
với người dân tộc Khmer ở Việt Nam (người Khmer Krom), và tránh can thiệp vào nội
bộ Campuchia.
Việt Nam cũng nên trợ giúp công dân Việt ở Campuchia để hồi hương--đây có
thể là một mầm mống xung đột trong tương lai.
RFA
: Xin cảm ơn GS. Vũ Tường
đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment