Gạo
xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới tăng
Thanh Phương - RFI
Đăng
ngày: 08/01/2024 - 09:15
Theo Hiệp
hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu
gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất. Cụ thể, giá gạo tấm
5% của Việt Nam đã lên tới 653 đôla/tấn, cao hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan
( 560 đôla/tấn ).
Một
kho gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Mê Kông, miền nam Việt Nam. Ảnh chụp ngày
06/07/2017 REUTERS - Nguyen Huy Kham
Theo Báo
Điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương uớc 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu
khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ đôla, tăng 17% về lượng và tăng 35%
về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch 4 tỷ đôla chỉ trong 10 tháng năm
2023 được coi là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế
giới. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong cả năm 2023, Việt Nam
đã xuất khẩu được 8,2 triệu tấn gạo.
Nguyên
nhân chủ yếu khiến giá gạo Việt Nam tăng cao, theo các chuyên gia, thứ nhất là
do nhu cầu của thị trường thế giới hiện rất lớn mà nguồn cung lại đang giảm đi
và thứ hai là chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cao.
Biến đổi
khí hậu khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia phải tìm
mua lượng gạo lớn để tăng nguồn dự trữ lương thực. Những nước như Indonesia,
Trung Quốc, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ hay Chilê đều tăng nhập khẩu gạo.
Trong khi
đó, một số nước vì lo ngại cho an ninh lương thực quốc gia nên đã cấm xuất khẩu
gạo. Chẳng hạn như Ấn Độ vào tháng 7 năm nay đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo không
phải là gạo basmati. Gạo không phải là basmati là gạo rẻ tiền, vốn chiếm đến một
phần ba tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, hiện là quốc gia xuất khẩu gạo
lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã dự kiến gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10,
nhưng đến nay vẫn chưa bỏ lệnh này, cho nên thế giới vẫn thiếu hụt nguồn cung từ
nước này.
Trong khi
đó, với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa,
chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo.
Như
vậy gạo của Việt Nam hiện đang có những lợi thế gì, trả lời RFI Việt ngữ, giáo
sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ, cho biết
“ Việt
Nam có kỹ thuật trồng lúa của đồng bằng sông Cửu Long, chọn giống lúa ngắn
ngày, tức là ngắn hơn 100 ngày. Trong quá trình gần 40 năm nay, chất lượng của
gạo Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều, đặc biệt là vào năm 2019, hai loại gạo
ngắn ngày của Việt Nam được quốc tế vinh danh tại hội nghị về gạo ở Philippines
là hai loại gạo ngon nhất thế giới, vừa dẻo, ngon cơm, đồng thời có mùi thơm gần
giống như gạo thơm của Thái Lan. Giống lúa Việt Nam chọn ra là giống lúa ngắn
ngày, đó là lợi thế thứ nhất.
Thứ
hai, vùng được chọn là vùng an ninh lương thực là vùng dọc theo biên giới Cam Bốt,
khi sông Cửu Long vừa vào tới Việt Nam. Chúng ta sử dụng nước sông ở khu vực
này đưa sang sông Tiền, nối với một con kênh gọi là "kênh trung ương"
đưa nước sang tới tận Long An. Dọc theo con kênh này có rất nhiều kênh sườn để
đưa nước xuống phía dưới vùng cao sản này.
Phía
bên tay trái là sông Hậu thì chúng ta lấy nước từ Tân Châu qua kênh Vĩnh Tế ra
gần tới Hà Tiên. Dọc theo con kênh này người ta cũng đã đào rất nhiều con kênh
sườn. Vùng là khoảng 1 triệu 500 hectare đất rất là tốt, với nước ngọt luôn có
sẵn. Nước mặn ở biển lên thì chưa tới chỗ đó.”
Cũng theo
giáo sư Võ Tòng Xuân, một thế mạnh nữa đó là dọc theo vùng ven biển, mặc dù có
nước mặn, nhưng trong mùa mưa, chúng ta có thể sản xuất một vụ lúa cao sản cũng
với chất lượng rất cao. Đồng thời nước mặn không ảnh hưởng trong mùa mưa. Sau
khi nông dân thu hoạch lúa thì hết mưa và nước mặn tràn vào, thì họ thả tôm giống
để nuôi tôm, làm tăng thêm lợi tức. Còn vùng ở giữa từ Đồng Tháp qua đến Tiền
Giang, Vĩnh Long là vùng trước đây trồng 3 vụ lúa nhưng không có chất lượng
cao, nên bây giờ nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả ( xoài, sầu riêng, mít,
sa pô chê… ).
Theo đánh
giá của giáo sư Võ Tòng Xuân, có thể nói là toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu
Long đã thích nghi được biến đổi khí hậu, nhất là trong những năm vừa qua.
Trong những năm tới, với cách quy hoạch, bố trí như thế này, các vụ lúa vẫn có
thể hưởng được thiên nhiên của sông Cửu Long, cũng như thời tiết mùa mưa của
vùng đồng bằng này, và như vậy Việt Nam luôn có dư lượng gạo để xuất khẩu.
Theo cách
phân loại của Thái Lan thì có hai loại: gạo thơm thì chỉ trồng được một vụ/năm,
còn gạo trắng, tức là gạo từ lúa cao sản, thì có thể trồng 2 vụ/năm. Gạo thơm,
ngon cơm của Việt Nam được xếp vào loại gạo trắng Thái Lan, được bán với giá gần
900 đôla/tấn, trong khi đó gạo trắng của Thái Lan chỉ được bán với giá trên 500
đôla. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, đây là cơ hội để gạo Việt Nam vượt qua gạo
Thái Lan, và luôn có đủ để cung cấp cho các nước xung quanh, cho một phần Trung
Đông và một phần châu Phi.
Với lợi thế
như hiện nay, làm sao để đẩy mạnh quảng bá trên thị trường quốc tế để gạo Việt
Nam duy trì uy tín một cách lâu dài? Giáo sư Võ Tòng Xuân đề xuất:
“Theo
thông tin tôi nắm được, các siêu thị Á Châu, nhất là siêu thị của người Việt
Nam mình ở châu Âu, đã nhập gạo thơm của Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta
phải làm kỹ hơn nữa để giữ vững uy tín của gạo Việt Nam.
Thứ nhất
là phải đặc biệt làm việc với tất cả bà con nông dân để thực hiện quy trình sản
xuất “sạch”. Tôi không dám nói là sản xuất gạo hữu cơ, bởi vì gạo hữu cơ thì
năng suất không cao. Nhưng khi ta làm theo quy trình “sạch” thì cũng gần như là
hữu cơ, nhưng có châm thêm một ít phân hóa học để giúp cây lúa phát triển nhanh
hơn và có năng suất cao hơn.
Với
cách làm này, chúng ta sẽ thay đổi phương pháp bón phân hóa học, trước hết là
giảm phân hóa học ít nhất là 50%, rồi phải bón phân lót để giảm thiếu khí nhà
kính, vì nếu chúng ta bón phân lót thì khí đạm không bị ôxy hóa, làm cho chất đạm
hoàn toàn còn ở trong đất để cung cấp cho cây lúa. Trong khi đó bà con nông dân
chúng ta bón thêm phân hữu cơ và vi sinh, để thêm các chất vi lượng và các chất
khác cho cây lúa, đồng thời cung cấp các loại vi sinh cho cây lúa hấp thụ lên
trên thân cây. Từ đó cây lúa không bị bệnh và nông dân giảm bớt sử dụng thuốc bảo
vệ thực vật trên đồng ruộng của mình.
Theo hướng
này thì các doanh nghiệp chế biến gạo để xuất khẩu luôn có một nguyên liệu rất
tốt, vừa sạch, vừa có chất lượng ngon cơm.
Tôi hy
vọng là với cách làm này, chúng ta có thể giữ được uy tín của gạo Việt Nam. Đồng
thời tôi rất mong là tới đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất năng nổ, đi
các nơi để giới thiệu gạo ngon của mình với giá tương đối thấp hơn, nhưng đồng
thời luôn có đủ để cung cấp cho các khách hàng. Như thế này thì gạo Việt Nam có
thể vươn xa và đạt kết quả tốt, trong khi đó bà con nông dân hưởng được một lợi
thế là luôn luôn có đầu ra để tiêu thụ sản phẩm của họ.”
Thật ra
thì về lâu dài, Việt Nam sẽ không tiếp tục xuất khẩu gạo với khối lượng như hiện
nay. Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030,
được chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, dự trù giảm khối lượng xuất khẩu đến
năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn/năm và như vậy là kim ngạch xuất khẩu gạo
sẽ giảm xuống còn khoảng 2,60 tỷ đôla so với 3,45 tỷ đôla năm 2022. Mục tiêu
chính là nhằm "thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, bảo đảm an
ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu".
No comments:
Post a Comment