Chủ
nghĩa tư bản đang cáo chung?
2-1-2024
https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/tho-nguyen-chu-nghia-tu-ban-ang-cao.html
Một câu chuyện thường nghe khi người Việt ở Đức gặp nhau:
- Khỏe không? Hồi này làm gì?
- Tàm tạm, vẫn lắc chảo, còn ông?
- Bộ đội, « Quân đoàn 4 » ấy mà !
Đó là đối thoại giữa một bạn phụ bếp và một bạn thất nghiệp ăn tiền xã hội.
Từ 2005, hệ thống trợ cấp xã hội của Đức được gọi nôm na là « Hartz 4 », đặt
theo tên của ông Peter Hartz, chuyên gia về lao động - xã hội dưới thời thủ tướng
Schröder. Số 4 là phương án thứ tư của Peter Hartz. Khiếu hài hước của người Việt
đã gắn cái danh hiệu đầy tự hào « Bộ đội quân đoàn 4 » cho những người ăn trợ cấp
xã hội.
Ông lắc chảo tuy không biên chế trong « Quân đoàn 4 » nhưng vẫn khai
lương thấp để không phải đóng thuế và vẫn được ở nhà xã hội. Dù hưởng trợ cấp
kiểu gì, các bạn vẫn tụ họp nhân các ngày lễ lạc cách mạng, có bạn còn mặc quân
phục, cùng hát vang bài ca « Năm anh em trên một chiếc xe tăng ». Xong các bạn
vui vẻ nói đùa là: Chúng ta đang có nhiệm vụ tiêu diệt chủ nghĩa tư bản từ
trong sào huyệt của chúng!
Đó không phải là chuyện tiếu lâm. Chỉ có điều so với các sắc dân khác thì
tỉ lệ người Việt trong « Quân đoàn 4 » tương đối thấp. Còn hàng chục triệu người
khác đang đục khoét quỹ trợ cấp xã hội của các nước tư bản phát triển. « Ăn cây
nào rào cây nấy », đôi lúc tôi lo rằng chế độ này sẽ sụp đổ vì bị bòn rút.
Nhưng chế độ tư bản không sụp đổ vì những trò phá hoại vô ý thức đó. Tuy
là người luôn phê phán chủ nghĩa tư bản (CNTB) tôi phải công nhận sức sống của
nó và cố tìm câu trả lời cho hiện tượng này.
Trong suốt hai thế kỷ qua, những bộ óc thông minh không chỉ kêu gọi đấu
tranh chống lại chủ nghĩa tư bản - Họ đã thiết lập ra cả một hệ thống nhà nước
để tiêu diệt nó. Người ta tìm cách diệt đến tận gốc sở hữu cá nhân, vốn bị coi
là nền tảng sinh ra giai cấp tư sản. Sau khi giết chết hàng chục triệu người
thì từ Stalin, Mao đến Polpot v.v… đều thất bại.
Tất cả những ai muốn xóa bỏ hoặc chiến thắng chủ nghĩa tư bản đều không
biết rằng: Không ai tạo ra chủ nghĩa tư bản! Nó tự nảy sinh rồi tự nó phát triển.
Không ai thành lập một « đảng tư bản », kêu gọi người nghèo vùng lên phá bỏ chế
độ phong kiến để xây dựng nhà nước tư bản. Không có vị vua, quốc hội hay cuộc
trưng cầu dân ý nào quyết định áp dụng chủ nghĩa tư bản, đưa nó vào hiến pháp.
Thậm chí chẳng hề có lý luận nào về « quá độ » từ nền sản xuất tự cung tự cấp
sang kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa.
Hôm rồi anh Tôn Thất Thông, người khởi xướng « Diễn Đàn khai phóng » tặng
tôi cuốn « Adam Smith Trong 60 Phút » do anh dịch từ bản tiếng Đức. Tôi đọc mải
mê. Smith là nhà nghiên cứu về CNTB thứ hai mà tôi được tiếp cận. Tác phẩm « Tư
Bản » của Karl Marx tôi phải học từ hồi còn là sinh viên đại học Bách khoa Hà
Nôi. Tất cả các nhà lý luận về tư bản chủ nghĩa, kể cả Marx và Smith đều viết về
nó sau khi nó ra đời. Họ chỉ phân tích về những gì xảy ra trong CNTB.
Adam Smith (1723-1790)
coi lòng tham, sự khát vọng sở hữu của con người là động lực cho phát triển xã
hội. Con người bản chất là một kẻ ích kỷ. Nhưng đó chính là nguồn gốc của mọi sự
tiến bộ. Lòng ích kỷ khiến con người tìm đến phồn vinh cho mình và điều đó cải
tạo điều kiện sống cho xã hội. Khi xã hội phát triển đến mức cho phép mọi thành
viên của nó được phép tư hữu và tự do sử dụng vốn liếng của họ để tạo nên sự phồn
vinh cá nhân, thì tự khắc nền sản xuất hàng hóa ra đời. Khi hàng hóa dồi dào đến
mức phải lưu thông nhanh thì nó phá tan các hàng rào thuế quan giữa các quốc
gia. Thế là chủ nghĩa tư bản tự do ra đời một cách rất tự
nhiên. Không ai phải kêu gọi ai, phải lập đảng để xây dựng nó.
Karl Marx cũng nhìn nhận khá chính xác rằng: Sư phát triển của khoa học
và kết quả của những đổi mới kỹ thuật đã tạo ra một động lực mới, phá vỡ các
phương thức sản xuất trước đó.
Là một sản phẩm tự nhiên nên CNTB cũng có lúc phát triển rồi cũng khủng
hoảng, có lúc bị sâu bệnh, lúc được mùa rồi mất mùa. Nó đã trải qua thời kỳ
hoang dã, đã trải qua « CNTB cùi chỏ » kiểu Mỹ rồi sống sót qua hai cuộc đại
chiến, vượt qua cuộc « Cách mạng 1968 » của thanh niên sinh viên để trở thành «
CNTB phúc lợi » ở Châu Âu.
Sau khi cuộc đấu « Ai Thắng Ai » được giải quyết, chủ nghĩa xã hội (CNXH)
ở Đông Âu sụp đổ, toàn cầu hóa xuất hiện. Toàn cầu hóa ở đây
thực chất là toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa chứ không phải toàn cầu hóa xã hội
chủ nghĩa hay toàn cầu hóa giải phóng dân tộc. Đó cũng là kết quả tất yếu của
sự phát triển khoa học kỹ thuật - đặc biệt là sự phát minh ra máy tính và
Internet.
CNTB vì vậy là một quá trình tự nhiên, nên nó sẽ
không bị tiêu diệt bởi ý chí của một nhóm trí thức hoặc lý luận gia nào. Cũng rất
tự nhiên, nó sẽ tự tiêu diệt bởi chính sự phát triển bên trong của nó.
Ngược lại những người chống CNTB luôn đề cao các lý tưởng tốt đẹp: Giải
phóng nhân loại, xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ bóc lột, làm theo năng lực, hưởng theo
như cầu v.v…Họ chủ trương dùng bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản để thực
hiện các lý tưởng này. Trước khi xây dựng được xã hội này họ đã đặt ra lý luận
cho kinh tế học, cho nền văn hóa và cho cả khuôn mẫu của con người mới. Đáng tiếc
là thế giới không phát triển theo những bản vẽ mà con người huyễn tưởng ra. Kết
quả là hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, những người đó đang học tập và áp dụng
các nguyên tắc kinh tế của CNTB mà họ từng bác bỏ. Họ tìm cách hội nhập vào nó.
Vì chỉ học tập cách sinh lời mà không chấp nhận
nguyên tắc tự do của CNTB nên mô hình mới: CNTB độc tài của Trung Quốc ra đời.
Đây là một thách thức mới vì nó có hiệu quả. Nhà nước độc tài có thể can
thiệp vào mọi quá trình công nghiệp hóa một cách nhanh chóng. Người ta có thể
ra các quyết định mà không phải xin phép quốc hội, không sợ các tổ chức xã hội
dân sự, các phong trào môi trường hoặc bất chấp quyền sống của người dân. Chỉ
trong vòng 40 năm thay thế nền sản xuất xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế tư bản,
Trung Quốc đã có những bước tiến về kỹ thuật, vật chất mà phương tây cần 200
năm. Điều này hấp dẫn đối với Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều
nước khác. Do đó việc Tập Cận Bình muốn đưa Trung Quốc lên lãnh đạo thế giới
theo một con đường khác với Phương tây là điều đang xảy ra.
Ngoài ra còn phải kể đến những thử thách khác mà môi trường là một ví dụ.
Toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa đã trở thành toàn cầu hóa tàn phá môi trường.
Trong khi một người Đức với mức xả khí thải CO² gần 10 tấn/năm sống trong những
thành phố tuyệt đẹp có rừng xanh bao phủ xung quanh thì hàng triệu người châu
Phi hoặc Bangla Desh hầu như không tạo ra khí thải đang bị các nạn hạn hán hoặc
lũ lụt cướp đi cuộc sống. Ngõ cụt sinh thái sẽ dẫn đến làn sóng tỵ nạn. Đã có kẻ
tiên tri rằng Bắc Mỹ và Châu Âu sẽ bị làn sóng tị nạn tràn ngập.
Như đã nói ở trên: Những tiến trình này không thể
xóa bỏ CNTB tự do. Tư bản độc tài có thể đạt được các thành tựu kinh tế, nhưng
không bao giờ có thể đạt được các thành tựu xã hội, văn hóa và con người của thể
chế tự do. Chế độ độc tài chỉ tồn tại với những con người không được biết đến tự
do.
Nhưng rồi CNTB tự do lúc nào đó sẽ đạt tới giới hạn của mình rồi sụp đổ từ
bên trong. Tôi e rằng điều đó đang diễn ra khá sống động. Những gì Trump đã,
đang và sẽ làm ở nước Mỹ, lại còn được hàng trăm triệu người tung hô, quả là
cơn ác mộng. Không chỉ thế, bóng ma của nền « Dân chủ không có tự do » đang ẩn
khuất khắp châu Âu.
Tự do cạnh tranh đã đem lại những sản phẩm tốt như thương hiệu « Made in
Germany ». Vụ gian dối về khí thải xe hơi của các hãng VW, Mercedes đã làm hoen
rỉ niềm tin này.
Đức hỏng may ra vẫn còn Nhật! Bụng bảo dạ. Vụ gian dối về độ an toàn của
hãng xe Daihatsu mới bị phanh phui tuần này khẳng định với tôi quá trình hoen rỉ.
THỌ NGUYỄN 30.12.2023
Publié par Thụy My RFI à 17:37
No comments:
Post a Comment