Chọn
thủ tướng trẻ nhất, tổng thống Pháp Macron hy vọng đẩy lùi phe cực hữu
Thanh
Phương - RFI
Đăng
ngày: 10/01/2024 - 13:55
Khi
bổ nhiệm một thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Cộng hòa Pháp, tổng thống
Emmanuel Macron muốn củng cố phe đa số trong nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh
sắp diễn ra bầu cử Nghị Viện Châu Âu và cũng có thể là nhằm chuẩn bị cho giai
đoạn hậu 2027, tức là sau khi ông rời điện Elysée.
Tổng
thống Emmanuel Macron (P) và Gabriel Attal, khi còn là bộ trưởng Giáo Dục,trong
một chuyến thăm trường trung học Gambetta, Arras, Pháp, ngày
13/10/2023. AP - Ludovic Marin
Có
thể nói chưa bao giờ trên chính trường nước Pháp lại có một nhân vật thăng tiến
nhanh như tân thủ tướng Gabriel Attal: vào chính phủ năm 2018 với chức vụ khiêm
tốn Quốc vụ khanh đặc trách giới trẻ, ngay từ năm 2020 ông đã lần lượt làm phát
ngôn viên chính phủ, bộ trưởng Ngân Sách, bộ trưởng Giáo Dục, trước khi được
chọn để lãnh đạo chính phủ khi chỉ mới 34 tuổi.
Trả
lời hãng tin AFP hôm qua, nhà chính trị học Bruno Cautrès nhận định tổng thống
Macron chọn làm thủ tướng một nhân vật vừa trẻ, vừa có tham vọng mà lại là một
chính khách được biết đến nhiều hơn những nhân vật đã được nhắc đến để thay thế
bà Elisabeth Borne.
Đúng
là ông Attal hiện nằm trong danh sách các nhân vật chính trị được dân Pháp mến
mộ nhất. Cho nên dư luận Pháp nói chung đón nhận tích cực việc ông được bổ
nhiệm làm thủ tướng. Theo kết quả thăm dò mà viện Harris Interactive thực hiện
cho kênh truyền hình LCI, 56% dân Pháp tín nhiệm tân thủ tướng Attal, bằng với
tỷ lệ của những người tiền nhiệm Edouard Philippe và Jean Castex khi họ mới lên
lãnh đạo chính phủ.
Nói
cách khác, tổng thống Macron đã bổ nhiệm làm thủ tướng một nhân vật đúng với
tinh thần của năm 2017 (năm mà ông ra tranh cử lần đầu), một người dám phá bỏ
những khuôn mẫu sẵn có, dám vượt qua những điều cấm kỵ. Không chỉ năng động,
táo bạo, tân thủ tướng Attal còn là một chính khách có tài ăn nói, có sức thu
hút, khác hẳn những người tiền nhiệm ít được dân Pháp biết đến nhưng đã được
chọn chỉ vì đó là những nhà kỹ trị, nắm rành guồng máy nhà nước.
AFP
trích lời một chuyên gia về truyền thông chính trị, ông Gaspard Gantzer, nguyên
là cố vấn của cựu tổng thống François Hollande, nhấn mạnh “đây là lần đầu tiên
mà tổng thống thật sự chọn một người thân cận đến như thế”, vì ông Attal là
biểu tượng của sự trung thành tuyệt đối.
Tuy
xuất thân từ cánh tả, tân thủ tướng Pháp lại được xem là một nhân vật thể hiện
quyền lực và sự cứng rắn, hai giá trị chủ chốt đối với cánh hữu cũng như đối
với tổng thống Macron, trong bối cảnh xã hội Pháp chưa hết bàng hoàng sau những
vụ bạo loạn dữ dội trong năm qua.
Do
hiện không có đa số tuyệt đối ở Quốc Hội, cho nên, theo một nhà phân tích được
hãng tin AFP trích dẫn, phe tổng thống cần một người có khả năng đàm phán khéo
léo như Attal để thu phục các lực lượng chính trị khác khi cần thông qua những
cải tổ quan trọng. Vấn đề là do còn quá trẻ, mới bước vào chính trường không
lâu, tân thủ tướng Attal không có nhiều mối quen biết cũng như kinh nghiệm
trong việc này.
Bổ
nhiệm ông Attal làm thủ tướng, tổng thống Macron còn hy vọng trong bầu cử Nghị
Viện Châu Âu tháng 6 tới, liên đảng cầm quyền có đủ cơ may để đánh bại được
đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, dưới sự lãnh đạo của một nhân vật cũng rất trẻ,
đó là Jordan Bardella, năm nay mới 28 tuổi. Hiện giờ theo kết quả các cuộc thăm
dò, đảng Tập Hợp Dân Tộc đang dẫn đầu với 30% ý định bỏ phiếu, trong khi phe
của tổng thống Macron chỉ được 20%.
Nói
chung là với “con chủ bài” Attal, nguyên thủ quốc gia Pháp hy vọng sẽ ngăn chận
được thế đang lên của đảng cực hữu, hiện đang mạnh hơn bao giờ hết, đến mức
không thể loại trừ khả năng bà Marine Le Pen sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử tổng
thống Pháp 2027.
Nhìn
xa hơn, câu hỏi đang được đặt ra là: tổng thống Macron phải chăng cũng muốn
chuẩn bị ông Attal cho kỳ bầu cử 2027? Nếu đúng như thế thì trong cương vị lãnh
đạo chính phủ, ít ra là về tuổi tác, ông Attal sẽ làm lu mờ những nhân vật khác
cũng được xem là có khả năng kế nhiệm ông Macron, như bộ trưởng Nội Vụ Gérald
Darmanin, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire, hay cựu thủ tướng Gérard Philippe.
Đến năm 2027, ông Attal sẽ chỉ mới 37 tuổi, còn trẻ hơn cả Macron khi ông đắc
cử tổng thống lần đầu tiên vào năm 39 tuổi.
Nhưng
từ đây đến 2027 vẫn còn xa và ở Pháp, thủ tướng là một chiếc ghế đầy những rủi
ro, vì là đây người “đứng mũi chịu sào” cho tổng thống. Tương lai chính trị của
ông Gabriel Attal tùy thuộc vào thành bại của ông trong cương vị này.
--------------------------
Các
nội dung liên quan
PHÁP
- BỔ NHIỆM TÂN THỦ TƯỚNG
Tổng
thống Pháp bổ nhiệm tân thủ tướng
PHÁP
- NỘI CÁC
Pháp
: Rộ nhiều tin đồn về cải tổ nội các
PHÁP
- CẢI TỔ NỘI CÁC
Tân
thủ tướng Pháp Gabriel Attal ráo riết thành lập chính phủ
No comments:
Post a Comment