Saturday, January 27, 2024

CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP CHUNG CHÂU ÂU : CỘI NGUỒN KHỦNG HOẢNG NÔNG NGHIỆP PHÁP (Anh Vũ / RFI)

 



Chính Sách Nông Nghiệp Chung Châu Âu: Cội nguồn khủng hoảng nông nghiệp Pháp

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 26/01/2024 - 14:44Sửa đổi ngày: 26/01/2024 - 14:46

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240126-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-ph%C3%A1p-chuy%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-chung-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Khủng hoảng trong giới nông nghiệp Pháp đang lên đến cao trào. Những ngày qua, nông dân khắp nơi đã xuống đường, phong tỏa các trục lộ một số thành phố để bày tỏ phẫn nộ về nỗi khổ của họ trước những những khó khăn chồng chất, làm ra cái ăn cho xã hội mà bản thân không đủ sống. Cuộc đấu tranh của nông dân Pháp không còn là vấn đề nội bộ, mà phản ánh những bất cập của chính sách nông nghiệp chung Liên Hiệp Châu Âu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1ba8aaec-b9fa-11ee-8513-005056a97e36/w:980/p:16x9/000_34GH9DV.webp

Nông dân Pháp chiếm đóng xa lộ A62 gần thành phố Agen, miền tây nam Pháp ngày 23/01/2024. AFP - CHRISTOPHE ARCHAMBAULT

 

Làm việc nhiều hơn, nhưng thu nhập giảm, bị áp lực bởi hàng loạt  tiêu chí, cạnh tranh không lành mạnh, tiếp cận nguồn nước khó khăn... Đó là phần nào tình cảnh của nông dân ở Pháp cũng như ở nhiều nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu và cũng là những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp từ nhiều tháng nay ở các nước từ Hà Lan, Bỉ, Đức, đến Rumani, Tây Ban Nha và Pháp.

 

Dù hoàn cảnh và nỗi khổ của nông dân Châu Âu mỗi nước một khác, nhưng giới quan sát nhận thấy trong các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này có điểm chung là Chính Sách Nông Nghiệp Chung (PAC) và những tiêu chí bảo vệ môi trường của Châu Âu.

 

Ngay từ đầu, phát triển nông nghiệp luôn là vấn đề được Liên Âu rất coi trọng. Chính Sách Nông Nghiệp Chung là một trong những sách lược quan trọng và lâu đời nhất của Liên Âu, đã được triển khai từ năm 1962 để bảo đảm an ninh lương thực cho cả khối. Cho đến nay, chi phí cho chính sách này vẫn chiếm 1/3 ngân sách của toàn Liên Âu. Chẳng hạn như trong năm 2023, ngân sách dành cho PAC là 53,7 tỷ euro. Các nhà nông Pháp được hưởng 9 tỷ euro mỗi năm từ ngân sách này (chiếm 22% thu nhập của các nhà nông Pháp), theo số liệu của Ủy Ban Châu Âu.

 

Năm 2021, một PAC mới được soạn thảo và đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Điểm mới là chính sách gắn sự hỗ trợ thu nhập cho nhà nông với trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái bằng cách áp đặt những chuẩn mực nông nghiệp khắt khe hơn.

 

Trên nguyên tắc, Chính Sách Nông Nghiệp Chung mới nhằm đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững, công bằng hơn, xanh hơn và hướng tới năng suất cao hơn. Nhưng thực tế, những mục tiêu đó đều không có được. Người nông dân các nước bị áp đặt phải làm nông nghiệp theo một mô hình mới, trong khi họ luôn bị các áp lực về thị trường, bị các tập đoàn chế biến nông phẩm không chế về giá cả, bị tác động từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị. Hệ quả là thu nhập của họ ngày càng thấp.

 

Ông Hervé Guyomard, giám đốc nghiên cứu tại INRAE (Viện nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường) cho rằng PAC mới về cơ bản không có nhiều thay đổi, nhất là trong vấn đề phân bổ trợ cấp cho các nhà nông, vấn đề thường gây nhiều tranh cãi trong Liên Hiệp.

 

Thực chất thì nông dân các nước không đặt vấn đề hay yêu sách về chính sách phân bổ trợ cấp nông nghiệp, mà họ quan tâm chủ yếu đến vấn đề tôn trọng các chuẩn mực mới về môi trường.

 

Theo nhiều chuyên gia, để đạt được mục tiêu của Chính Sách Nông Nghiệp Chung về bảo vệ môi trường, cần phải soạn thảo thêm rất nhiều tài liệu, chi tiết hóa các tác động của những biện pháp trong mỗi phạm vi, loại hình khai thác nông nghiệp khác nhau và áp dụng cho từng quốc gia thành viên khác nhau.

 

Liên Âu bị chỉ trích gay gắt về mảng nông nghiệp trong Thỏa thuận xanh (Green deal), vẫn được gọi là « chiến lược từ trang trại đến bàn ăn », và chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học.

 

Cả hai chiến lược này đều đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, với quy định về giảm sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu diệt cỏ cũng như tăng quy mô dành cho làm nông nghiệp sạch.

 

Đối với nông dân, chính sách này không chỉ làm thay đổi mô hình làm nông nghiệp, mà còn là những ràng buộc, áp lực gây khó khăn cho công việc và làm cho cuộc sống của họ ngày càng khó khăn.

 

Ủy Ban Châu Âu đã nhận thấy những bất cập của Chính Sách Nông Nghiệp Chung, nên từ cuối năm ngoái đã mở các cuộc đối thoại giữa giới nông gia với các định chế của Liên Âu.

 

Những phẫn nộ chính đáng của nông dân các nước, đặc biệt ở Pháp bùng lên vào lúc cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang đến gần (dự kiến vào tháng 6 tới). Dù đang nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay, chính phủ Pháp không thể vượt khỏi khuôn khổ chính sách chung của Liên Âu.

 





No comments: