Chiến
tranh Ukraina 2024: Năm ''thiên thời, địa lợi'' với Putin?
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 02/01/2024 - 15:27
Cuộc can thiệp quân sự của Nga tại
Ukraina sắp bước sang năm thứ ba. Quân đội Nga không giành chiến thắng sau một
cuộc can thiệp ngắn, nhưng cũng không thảm bại như hy vọng của những người ủng
hộ cuộc kháng chiến của Ukraina. Trong năm 2024 này, giới quan sát chỉ ra nhiều
yếu tố cho phép tổng thống lạc quan về khả năng duy trì được thế thượng phong,
tuy không có khả năng giành được thắng lợi quyết định.
Tổng thống Nga Putin tại điện Kremlin vào thời điểm
phát động chiến tranh chống Ukraina, Matxcơva, Nga, tháng 2/2022. © via REUTERS
- SPUTNIK
Tuần báo Pháp L’Express cuối năm có chương trình giới thiệu về chủ đề này
với tiêu đề ‘‘Vladimir Putin : 2024 phải chăng là năm của mọi thắng lợi
với chủ nhân điện Kremlin ?’’. L’Express tổng hợp bốn lý do chính khiến
ông Putin có thể lạc quan.
Đè
bẹp đối lập trong nước
Thứ nhất là về mặt đối nội. Tháng 12 vừa qua, người cầm quyền tại
Nga từ 23 năm nay thông báo sẽ ra tái ứng cử tổng thống vào tháng 3/2024. Việc
ông Putin thay đổi Hiến pháp Nga cho phép chủ nhân điện Kremlin cầm quyền đến
năm 2036, và nếu điều này xảy ra thì thời gian trị vì của Putin sẽ vượt quá nhà
độc tài Stalin. Putin không lo thất cử tại một đất nước mà xã hội dân sự hoàn
toàn bị bị miệng. Tất cả các nhà đối lập chủ chốt đều đã phải chạy ra nước
ngoài, hoặc trong tù, như Alexei Navalny, đối thủ số một của Putin.
Hậu
thuẫn phương Tây giảm, chiến tranh Cận Đông, và viễn cảnh Trump trở lại
Về mặt quốc tế, có ba yếu tố có lợi cho tổng thống Nga. Thứ nhất là cuộc
phản công của Ukraina bị dậm chân tại chỗ, hậu thuẫn quân sự của phương Tây cho
Kiev bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm mạnh, với ngăn căn của phe đối lập tại Mỹ, và
tại châu Âu, cho dù đàm phán Ukraina gia nhập Liên Âu đã được mở, nhưng lập trường
của quốc gia thành viên Liên Âu Hungary có thể khiến hậu thuẫn cho Ukraina bị
suy yếu.
Cuộc chiến tại Cận Đông giữa Israel và tổ chức Hamas, bùng lên từ ngày
07/10 năm ngoái, hứa hẹn sẽ kéo dài trong năm nay. Cuộc chiến tranh tàn khốc,
và chưa có lối ra này, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, có thể làm suy
giảm mạnh mẽ sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev, cũng như làm sụt giảm thiện
cảm với phương Tây tại nhóm các quốc gia phương Nam. Cuộc chiến Israel – Hamas
với các đồng minh của tổ chức Hồi giáo Palestine đặc biệt làm gia tăng sự đối đầu
trong chính giới Hoa Kỳ, giữa một bên muốn dồn sự ủng hộ cho Israel và bên kia
muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraina. Theo nhiều nhà quan sát, viễn cảnh cựu tổng
thống Donald Trump – người được coi là có lập trường mềm mỏng với Nga - chiến
thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới là điều mà lãnh đạo Nga Putin nóng lòng
trông đợi.
Chế độ Putin siết chặt quyền kiểm soát nước Nga, hậu thuẫn quân sự phương
Tây cho Ukraina sụt mạnh, chiến tranh Cận Đông kéo dài và lan rộng, Donald
Trump trở lại nắm quyền. Tất cả những yếu tố trên được L’Express ví với điều tạm
gọi là ‘‘các điều kiện thiên thời địa lợi’’ đồng loạt hội tụ cho phép tổng thống
Nga lạc quan.
Kinh
tế thời chiến Nga
Nhật báo Pháp Le Figaro cuối năm cũng có bài phân tích nhan đề ‘‘Điều khiến Vladimir Putin lạc quan về năm 2024’’, bên cạnh
các yếu tố nói trên, có thêm ghi nhận là nền kinh tế chiến tranh của Nga hiện
nay đang vận hành hết tốc lực là một yếu tố khác giúp cho ông Putin có khả năng
duy trì được thế thượng phong tại Ukraina trong năm 2024 này. Nền kinh tế thời
chiến của Nga đã tỏ ra có khả năng kháng cự mạnh trước các trừng phạt quốc tế,
và cho thấy các kết quả tốt hơn dự kiến, đặc biệt do giá cả dầu mỏ gia tăng,
cho dù về mặt cấu trúc, kinh tế Nga đang thời vào tình trạng ‘‘mất cân bằng sâu
sắc’’.
Le Figaro cũng tóm lược về thái độ lạc quan thể hiện khá rõ của tổng thống
Nga. Ngược hẳn lại với trước mùa hè vừa qua, khi quân đội Ukraina bắt đầu chiến
dịch phản công với tương lai chưa rõ ràng, tổng thống Nga sẽ giờ đây dường như
đã tự tin hơn, các đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân được đưa ra ít hơn nhiều.
Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovava, điều hành trang mạng Politik.ru, ông
Putin tự tin là ‘‘ở thế thượng phong so với đối thủ, thượng phong về mặt quân sự
đối diện với Ukraina, và thượng phong về mặt đạo lý, lịch sử và chính trị khi đối
diện phương Tây’’.
Ác
mộng tổng động viên và ''binh biến Wagner'' lùi xa
Mùa thu năm 2022, ông Putin đã buộc phải tiến hành đợt động viên binh sĩ
quy mô lớn sau thất bại trong cuộc phản công đầu tiên của Ukraina. Đợt động
viên đã khiến hàng trăm nghìn người Nga chạy ra nước ngoài để tránh bị đưa sang
chiến trường Ukraina. Ngay trước cuộc phản công thứ hai của quân đội Ukraina,
điện Kremlin phải đối mặt với ‘‘cuộc binh biến’’ chưa từng có, của lãnh đạo
công ty lính đánh thuê Wagner, Evgeni Prigojine, vốn một thời là tay chân thân
tín của tổng thống Nga. Giờ đây, Evgeni Prigojine đã bị loại trừ. Điện Kremlin
không phải tiến hành thêm đợt động viên lần thứ hai. Theo Matxcơva, quân số Nga
tại các chiến trường Ukraina hiện tại lên đến hơn 600.000, tức gấp đôi so với số
lượng hơn 300.000 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai năm chiến
tranh, theo một số nguồn tin phương Tây.
Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovava, lãnh đạo Nga tin tưởng năm 2023
là ‘‘một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh chống Ukraina’’, cả Kiev cũng như
phương Tây đều không có khả năng thay đổi cục diện trên chiến trường ‘‘bằng các
phương tiện quân sự’’. Cuối tháng 12/2023, trong một cuộc họp báo (ngày 14/12),
lãnh đạo Nga đã có thái độ ‘‘bình thản đáng kinh ngạc’’, khác hẳn với thông thường.
Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovava, tổng thống Nga tìm kiếm ‘‘một giải
pháp chính trị’’ với Mỹ trong việc tìm giải pháp cho xung đột.
''Chiến
tranh dài hơi, cường độ thấp'' hướng đến lật đổ chính quyền dân cử Ukraina
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, thế thượng phong của nước Nga Putin
trên chiến trường Ukraina chỉ là tương đối. Trên L’Express, nhà báo, nhà địa
chính trị Frédéric Encel nhấn mạnh đến triển vọng thắng lợi hạn chế của tổng thống
Nga: ‘‘Nhìn chung, nếu thế trận dừng ở đây Putin coi là đã giành được chiến
thắng. Tuy nhiên, nếu là chiến thắng, thì đó là một chiến thắng mang tính chiến
thuật, chứ không phải chiến lược. Thắng lợi về chiến thuật là bởi ông ta đã chiếm
được 20% lãnh thổ Ukraina. Tuy nhiên, cần thấy rằng mục tiêu chiến lược của
Putin không dừng ở đây. Mục đích của ông ta là thay Zelensky, thế vào đó là một
lãnh đạo bù nhìn, và như vậy Matxcơva sẽ kiểm soát toàn bộ Ukraina. Tuy nhiên từ
đây đến đó còn xa. Đây là một cuộc chiến dài hơi, và với cường độ thấp’’.
Không lật đổ được chính quyền của tổng thống Zelensky, ông Putin không thể
biến thắng lợi chiến thuật thành thắng lợi chiến luợc. Đàm phán để tìm giải
pháp thỏa hiệp giữa điện Kremlin và chính quyền dân cử Kiev là điều bất khả, bởi
theo theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, đối với Putin, dường như điều kiện
tiên quyết cho mọi thương lượng trực tiếp là Zelensky phải ra đi.
Le Figaro cũng trong bài phân tích nói trên chỉ ra hàng loạt yếu tố khác
thách thức tham vọng của tổng thống Nga. Nền kinh tế Nga bị các trừng phạt
phương Tây cắt đứt với hàng loạt công nghệ mũi nhọn và nhiều mảng của hệ thống
tài chính toàn cầu. Các ‘‘đối tác’’ phương Nam của Nga, như Ấn Độ, Nam Phi,
Brazil… ‘‘còn xa mới chọn bên đứng về phía Nga (và Trung Quốc) chống lại phương
Tây’’. Năm 2024 cũng sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của tổng thống Nga trong
các hoạt động quốc tế khi điện Kremlin phải đối mặt với vấn đề đau đầu liên
quan đến các di chuyển ra nước ngoài của người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế
truy nã về tội ác chiến tranh.
Ẩn
số Trung Quốc và lời hứa ''5 năm chiến tranh'' của Putin với Tập Cận Bình
Một ẩn số tương đối ít được nói tới trong viễn cảnh tương lai của Nga
trong cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina là vai trò của Trung Quốc. Những ngày
cuối năm 2023, truyền thông quốc tế loan tải thông tin về một cam kết của tổng
thống Nga Putin trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc hồi tháng 3/2023,
trong đó ông Putin cam kết sẽ duy trì cuộc chiến tranh tại Ukraina trong 5 năm,
và bảo đảm sẽ giành thắng lợi cuối cùng (bài ''Duy trì 5 năm chiến tranh tại Ukraina : Putin hứa với Tập Cận
Bình'', Nikkei Asia, ngày 28/12/2023). Tiến hành ‘‘một cuộc chiến tranh
dài hơi với cường độ thấp’’, để hướng đến mục tiêu lật đổ chính quyền dân cử
Ukraina, chứ không phải các đàm phán thỏa hiệp, dường như là mục tiêu thực sự của
điện Kremlin. Bắc Kinh sẽ ứng xử ra sao với mục tiêu chiến lược nói trên của tổng
thống Nga là câu hỏi còn để ngỏ.
No comments:
Post a Comment