Monday, January 22, 2024

CHIẾN TRANH ISRAEL-PALESTINE ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN VĂN NGHỆ SĨ THẾ GIỚI ? (Trần Đán)

 



CHIẾN TRANH ISRAEL-PALESTINE ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN VĂN NGHỆ SĨ THẾ GIỚI ?    

Trần Đán 

21/01/2024 15:21

https://www.diendan.org/the-gioi/chien-tranh-israel-palestine-anh-huong-the-nao-den-van-nghe-si-the-gioi

 

Sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel ngày 7/10/23, giết hại 1.200 người và bắt đi 240 người, đa số là thường dân, Israel lập tức trả đũa bằng cách dội bom khủng bố vào Gaza, cho đến nay gây hơn 24.000 thương vong mà đa số là thường dân.

 

Trước các diễn biến đó, văn nghệ sĩ thế giới đã có phản ứng gì ?

 

Phản ứng sớm nhất có thể là từ tờ báo nghệ thuật uy tín của Mỹ, Artforum, vào 19/10. Sau khi đăng bức thư ngỏ kêu gọi đình chiến, ký bởi hơn 8000 nghệ sĩ, chủ biên David Velsco bị sa thải. Bức thư ghi : “ Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, phản đối mọi hành động bạo lực nhắm vào thường dân, bất kể gốc gác của họ, và kêu chấm dứt những hành vi dẫn đến bạo lực : sự đàn áp và chiếm đóng. ” Trong các nghệ sĩ ký tên có Kara Walker, Tania Bruguera [xem bài tôi giới thiệu trên FB về cô này, người Cuba chống chế độ độc tài Castro], Rirkrit Tiravanija, Issy Wood, Ali Cherri và Emily Jacir. Bênh vực cho tờ báo, hai chủ nhiệm McConnell and Kate Koza giải thích : “ Nếu các cấp trên đã được tham vấn thì bức thư trên có thể được đăng dưới dạng tin tức, kèm theo bối cảnh vụ việc.”

 

Lời giải thích của họ đã không xoa dịu được nhân viên. Ngày 27/10 bốn phó biên tập viên của Artforum, Kate Sutton, Zack Hatfied, Chloe Wyma và Emily LaBarge từ chức để phản đối việc cách chức chủ biên David Velasco. Wyma biên trên MXH (Mạng Xã Hội) : “ Việc cách chức David Velasco đã phủ nhận tất cả những gì tôi trân quý ở tờ Artforum, và khiến sự đóng góp của tôi trở thành vô giá trị.”

 

Không dừng ở chỗ ký tên vào bức thư ngỏ, hai nghệ sĩ danh tiếng gốc Do Thái Nan Goldin và Nicole Eisenman thông báo họ không còn có thể cộng tác với tờ Artforum trong một môi trường “siết chặt”, mặc dù họ bị một số gallery và nhà sưu tập tẩy chay.

 

Căng thẳng nhất là tình trạng tại Đức, một nước từng gây ra cuộc diệt chủng người Do Thái Holocaust vào Thế chiến thứ hai, và do đó có những đạo luật chống bài Do Thái (anti-semitism) rất khắt khe. Nhưng một mặt khác, họ tự đề cao là một nước dân chủ, tôn trọng quyền tự do phát biểu. Cuộc xung đột Israel-Hamas, và các phát biểu của văn nghệ sĩ, đã đặt họ trước tình thế chưa bao giờ khó khăn hơn.

 

Vào tháng 10, bảo tàng Đức Saarland Museum’s Modern Gallery  ra lệnh hủy trình chiếu một video của nữ nghệ sĩ Nam Phi gốc Do Thái Candice Breitz. Cô ấy có tội gì ? Tội viết nhũng dòng sau đây trên MXH : “ Chắc chắn không có sự mâu thuẫn khi vừa xót thương cho các thường dân Israel bị thảm sát và hiếp dâm đồng thời vừa khinh bỉ Bibi [tên lóng đương kim thủ tướng Israel Benjamin Neteyahu] và bọn tiếp tay ông (mà một số tự nhận mình kỳ thị chủng tộc và ghét đồng tính) và bọn chính trị gia vi phạm luật nhân đạo, ủng hộ sự chiếm đóng bất hợp pháp và bây giờ đang tiến hành ném bom tàn nhẫn và đáng ghê tởm tại Gaza.” Bà cũng lên án thẳng cái mà bà gọi là sự trơ trẽn của chính phủ Đức : “...Người Đức tự đặt mình vào vị trí phán xét người Do Thái có quyền được nói hay nghĩ gì !...Theo tôi đó mới chính là tinh thần bài Do Thái.”

 

Cùng tháng 10, buổi nói chuyện của nghệ sĩ Palestine Emily Jacir tại Hamburger Bahnof, một viện bảo tàng tại Berlin, về đề tài “ Hình ảnh lịch sử trong nghệ thuật đương đại ” cũng bị hủy. Cô Jacir, một nghệ sĩ phim, sắp đặt, trình diễn, về đề tại cuộc sống người Palestine tại Bờ Đông và Bethlehem, từng nhận được giải Sư tử vàng tại Venice Biennale 2007.

 

Đến tháng 11, vào ngày 10/11/23, Anais Duplan, nhà văn, giáo sư và giám tuyển, được giám đốc Viện bảo tàng Musuem Folkwang ở Essen, Đức thông báo rút lại lời mời cộng tác vì ông kêu gọi ủng hộ phong trào Tẩy chay, đầu tư và trừng phạt (kinh tế) (Boycott, Divestment, Sanction gọi tắt BDS) nhắm vào Israel mà Quốc hội Đức đã cấm. Trước đó ông được mời giám tuyển chuyên mục Afrofuturism (Phong trào Vị lai châu Phi) và có khuynh hướng ủng hộ người Palestine. Để phản đối, ông biên trên MXH : “ Rõ ràng, trong không khí nhiễm độc này, không còn chỗ để trao đổi về một vấn đề đầy khúc mắc.”

 

Quan trọng nhất là khủng hoảng xảy ra với ban tổ chức cuộc triển lãm nghệ thuật Documenta do chính phủ Đức tài trợ, từng được xem là uy tín nhất nhì thế giới. Ranjit Hosykote, một nhà thơ, nhà phê bình Ấn Độ sống ở Mỹ, và là một thành viên của Hội đồng tuyển chọn giám đốc nghệ thuật cho cuộc triển lãm sắp đến Documenta 16 (2027) đã nộp đơn xin rút lui sau khi ông bị chỉ trích đã từng ủng hộ 4 năm trước đó phong trào BDS.

 

Tiếp theo đó bà Bracha L. Ettinger, một nghệ sĩ, triết gia và chuyên gia tâm lý, và là người Israel, cũng là thành viên của hội đồng nói trên, đã từ chức, viện dẫn lý do, “ thời kỳ tăm tối trên đất nước tôi ” đã khiến bà không còn tâm trí để hoàn thành trách nhiệm đối với hội đồng. Bà thố lộ, “ mỗi ngày bao nhiêu kẻ vô tội đau đớn và chết, khiến tim tối nhức nhối cho mỗi cái chết từ đôi bên. Mọi kiếp sống đều đáng trân quý.”

 

Chỉ vài ngày sau đó 4 người còn lại trong hội đồng đồng loạt rút lui, Simon Njami, Gong Yan, Kathrin Rhomberg, and María Inés Rodríguez. Trong bức tâm thư chung họ ghi : “ Trong môi trường tình cảm và phán đoán có phần đơn giản hóa một số vấn đề phức tạp, đưa đến tình trạng o ép... khiến chúng tôi không thể nào tạo được một chương trình triển lãm xứng đáng.” Với sự ra đi của họ, ban tổ chức chưa cho biết có còn thực hiện Documenta 16 nữa hay không.

 

Tại Anh quốc nhiều sự cố cũng xảy ra khi nghệ sĩ lên tiếng. Ngày 14/11/23, Galleri Lisson đột nhiên dừng triển lãm Ai weiwei (Ngải vị vị) sau khi nghệ sĩ này đăng trên MXH về cuộc trả đũa quân sự đẫm máu vào Gaza và kêu gọi ngừng bắn. Ông viết : “ Nếu tự do phát biểu bị ràng buộc bởi phát biểu cùng ý kiến thì đó là sự cầm tù ý kiến. Tự do phát biểu nằm ở nhiều tiếng nói, kể cả những tiếng nói khác biệt với tiếng nói của chúng ta.”

 

Vào tháng 12, hơn 1000 nghệ sĩ trong đó có Ben Rivers, Brian Eno, Adham Faramawy, and Tai Shani đã ký tên vào một thư ngỏ tố cáo và kêu gọi tẩy chay Trung tâm nghệ thuật đương đại Arnolfini  của thành phố Bristol, Anh quốc, đã “ kiểm duyệt văn hóa Palestine ” sau khi họ hủy hai sự kiện trong dịp Liên hoan phim Palestine. Một trong hai phim mang tên Farha (2021) nói về lớn lên trong biến cố lịch sử Nakba, tức sự mất nước của hàng trăm ngàn người Palestine sau cuộc  chiến 1948. Arnolfini giải thích họ không được phép tổ chức sự kiện nào “ dính dáng đến chính trị ”, thế nhưng trước đó họ đã tổ chức nhiều sự kiện ủng hộ nhân đạo Ucraina, hay phong trào Black Lives Matter, phong trào nữ quyền, v.v... Văn nghệ sĩ nêu lên mối quan tâm sâu sắc về “ dấu hiệu đáng ngại của xu hướng kiểm duyệt và đàn áp văn nghệ sĩ ” chỉ vì họ kêu gọi ngừng bắn hay chỉ trích chính phủ Israel.

 

Còn thái độ của các nghệ sĩ Việt Nam, trong và ngoài nước ? Tôi không kỳ vọng gì nhiều.

 

Trần Đán

 

 




No comments: