Tuesday, January 16, 2024

BẮC HÀN TIẾP TỤC BẮN THỬ HỎA TIỄN TẦM TRUNG CÓ ĐẦU ĐẠN SIÊU THANH (Người Việt)

 



Bắc Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa bội siêu thanh nhiên liệu rắn

Trần Công  -  RFI

Đăng ngày: 15/01/2024 - 12:03

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240115-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-tuy%C3%AAn.....BB%87u-r%E1%BA%AFn

 

Bắc Triều Tiên hôm nay, 15/01/2024, thông báo bắn thử thành công một loại tên lửa mới. Theo Quân đội Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng trắc nghiệm tên lửa đạn đạo bội siêu thanh - gấp 10 tốc độ âm thanh - tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này có thể ‘‘thay đổi toàn bộ tương quan lực lượng’’ trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc cảnh báo sẽ ‘‘giáng trả quyết liệt’’, nếu Bắc Triều Tiên ‘‘khiêu khích trực tiếp’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/88d1567e-b38c-11ee-ab05-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2024-01-14T215345Z_406705032_RC2XH5AYF9J1_RTRMADP_3_NORTHKOREA-MISSILES.webp

Tên lửa đạn đạo được cho có sử dụng nhiên liệu rắn và siêu thanh, phóng tại một địa điểm không xác định ở Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 14/01/2024. via REUTERS - KCNA

 

Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul :

 

Theo thông tấn xã Nhà nước Bắc Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa đạn đạo được Bình Nhưỡng phóng hôm 14/01/2024 đã đạt tới tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh, cho thấy Bình Nhưỡng đang phát triển các loại vũ khí có thể thay đổi toàn bộ tương quan lực lượng trên bán đảo Triều Tiên. Việc sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp Bắc Triều Tiên chủ động hơn trong việc phóng tên lửa ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.

 

Phía Hàn Quốc cho rằng tên lửa đã bay khoảng 1000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đánh giá tên lửa bay được trên 500 km và đạt độ cao tối đa khoảng 50 km. Từ tháng 12/2023, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã chia sẻ “thông tin cảnh báo tên lửa của Bắc Triều Tiên” theo thời gian thực, nhưng do mỗi quốc gia tự tiến hành “phân tích” độc lập nên có thể có những khác biệt trong nhận định ban đầu.

 

Tên lửa gắn đầu đạn bội siêu thanh được coi là kẻ "thay đổi cuộc chơi" vì chúng có thể bay được tới tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên, vì vậy rất khó theo dõi và đánh chặn. Hiện tại, tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE của Mỹ chỉ có thể đánh chặn được tên lửa ở tốc độ Mach 4 đến 5, cho nên rất khó để đánh chặn tên lửa ở tốc độ Mach 10. Ngoài ra, tầm bắn của IRBM là từ 3000 - 5500 km, cho phép tấn công đảo Guam, nơi triển khai các khí tài quân sự quan trọng của Mỹ.

 

Người phát ngôn của hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Lee Sung-joon lên án mạnh mẽ vụ phóng của Bắc Triều Tiên là hành vi khiêu khích trắng trợn, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của Hàn Quốc. Shin Jong-woo, chuyên gia nghiên cứu tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết : “Bình Nhưỡng dường như đã chứng tỏ được khả năng tấn công bằng cách sử dụng các đặc tính của tên lửa bội siêu thanh để xuyên thủng mạng lưới đánh chặn THAAD và Patriot”.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

BẮC TRIỀU TIÊN - TÊN LỬA

Bắc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa dùng nhiên liệu rắn

 

BẮC TRIỀU TIÊN - TÊN LỬA

Hàn Quốc : Bắc Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung ra biển Nhật Bản

 

BẮC TRIỀU TIÊN - VŨ KHÍ

Kim Jong Un gọi Hàn Quốc là "kẻ thù chính", tuyên bố sẽ "không né tránh chiến tranh"

 

========================================

.

.

Bắc Hàn tiếp tục bắn thử hỏa tiễn tầm trung có đầu đạn siêu thanh

Người Việt

January 15, 2024

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/bac-han-tiep-tuc-ban-thu-hoa-tien-tam-trung-co-dau-dan-sieu-thanh/

 

SEOUL, Nam Hàn (NV) – Bắc Hàn hôm Thứ Hai, 15 Tháng Giêng loan báo thử nghiệm một loại hỏa tiễn tầm trung nhiên liệu rắn tân tiến, có đầu đạn siêu thanh khi quốc gia này theo đuổi các loại võ khí tối tân hơn, khó bị dò tìm hơn, được chế tạo nhằm tấn công các mục tiêu xa xăm của Hoa Kỳ từ bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin AP.

 

Tin tức từ truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa ra một ngày sau khi quân đội Nam Hàn và Nhật Bản phát giác vụ phóng hỏa tiễn từ một địa điểm gần thủ đô Bình Nhưỡng, trong vụ thử hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên của Bắc Hàn trong năm 2024.

 

Vụ phóng hỏa tiễn diễn ra hai tháng từ lúc Bắc Hàn cho biết họ thử thành công động cơ cho hỏa tiễn đạn đạo tầm trung dùng nhiên liệu rắn tân tiến, phản ảnh nỗ lực phát triển kho khí tài nhắm vào các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Guam và Nhật Bản.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1925917892-1536x1024.jpg

Nhật Bản mở đợt tập luyện cách đối phó khi có trường hợp khẩn cấp như bị tấn công bằng hỏa tiễn ở Tokyo hôm 15 Tháng Giêng, 2024 (Hình: TAKASHI AOYAMA/POOL/AFP/Getty Images)

 

Hãng thông tấn trung ương chính thức của Bắc Hàn KCNA cho biết vụ phóng hỏa tiễn hôm Chủ Nhật nhằm kiểm chứng mức độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn và khả năng vận hành linh hoạt của đầu đạn siêu thanh, mà nguồn tin ngụ ý là phiên bản nâng cấp của các loại võ khí trước đó được thiết kế để thực hiện oanh kích tầm trung.

 

Bản tin mô tả cuộc thử nghiệm thành công nhưng không đưa ra chi tiết. Bản tin không nói tới việc lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un có tham dự cuộc thử nghiệm hay không, mà họ nói là một phần trong hoạt động phát triển võ khí thường xuyên của quốc gia này và không ảnh hưởng tới an ninh của các nước láng giềng.

 

Tham Mưu Trưởng Liên Quân Nam Hàn cho biết hỏa tiễn bay khoảng 1,000 kilometer (620 dặm) trước khi rơi xuống hải phận giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Hỏa tiễn đạn đạo tầm trung hoặc IRBM hiện có của Bắc Hàn, gồm có cả Hwasong-12, có thể vươn tới cứ điểm quân sự Guam của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, được lắp ráp động cơ nhiên liệu lỏng, được bơm nhiên liệu trước khi phóng và không thể giữ nhiên liệu lâu dài.

 

Hỏa tiễn được trang bị động cơ đẩy rắn có thể sẵn sàng phóng nhanh hơn, dễ bay và che giấu hơn, về mặt lý thuyết có thể làm cho địch thủ khó dò tìm và ngăn chặn hơn.

 

Bắc Hàn tính từ năm 2021 cũng thử nghiệm võ khí siêu thanh được chế tạo có tốc độ vượt gấp năm lần tốc độ âm thanh. Nếu hoàn tất, những hệ thống quân sự như vậy có thể đề ra thách thức với các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn trong khu vực vì tốc độ và sự linh hoạt.

 

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu kho khí tài siêu thanh của Bắc Hàn có liên tục giữ tốc độ như mong muốn là vượt ngưỡng Mach 5 trong các cuộc thử nghiệm năm 2021 và 2022 hay không.

 

Cuộc thử nghiệm mới nhất của Bắc Hàn cho thấy quốc gia này đang đồng thời nỗ lực phát triển võ khí siêu thanh và phát triển hỏa tiễn IRBM nhiên liệu rắn làm hệ thống phóng hỏa tiễn tiềm năng, dầu cho vụ phóng hỏa tiễn hôm Chủ Nhật tập trung chính yếu vào việc đánh giá bước đầu áp dụng nhiên liệu rắn của hỏa tiễn, Chang Young-keun, chuyên gia hỏa tiễn tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia Nam Hàn tại Seoul cho biết.

 

Nhiều đợt phóng hỏa tiễn thử nghiệm tiếp theo có thể sẽ sớm diễn ra, làm lân bang phải dè chừng.

 

Bắc Hàn phóng hỏa tiễn IRBM Hwasong-12 qua Nhật Bản ba lần tính từ năm 2017.

 

Lee Sung Joon, phát ngôn viên Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Nam Hàn, cho biết quân đội Nam Hàn đang phân tích vụ thử nghiệm hỏa tiễn mới nhất của Bắc Hàn nhưng từ chối nêu ra chi tiết.

 

Bộ Quốc Phòng Nam Hàn yêu cầu Bắc Hàn dừng các hoạt động thử nghiệm đạn đạo vi phạm các quyết nghị của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Họ cho biết quân đội Nam Hàn đang giữ vững thế trận phòng thủ chung kiên cố với các đồng minh của Hoa Kỳ và sẵn sàng đáp trả “quyết liệt” trong trường hợp Bắc Hàn khiêu khích trực tiếp.

 

Võ khí siêu thanh là một phần trong danh sách khí tài quân sự tinh vi mà Kim Jong Un muốn có, được công bố năm 2021, cùng với hỏa tiễn nhiều đầu đạn, vệ tinh do thám, hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và hỏa tiễn nguyên tử phóng từ tàu ngầm.

 

Các khoa học gia và kỹ sư quân sự Bắc Hàn kiểm tra danh sách các thành tựu cần đạt được của họ Kim, trong đó có thử nghiệm hỏa tiễn ICBM nhiên liệu rắn Hwasong-18 lần đầu tiên vào năm ngoái, bổ túc vào kho khí tài của Bắc Hàn nhắm tới lục địa Hoa Kỳ.

 

Bắc Hàn cũng phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên hồi Tháng Mười Một 2023 và đặt mục tiêu phóng thêm ba vệ tinh trong năm 2024, được họ Kim mô tả là tối quan trọng nhằm giám sát nhất cử nhất động quân sự của Hoa Kỳ và Nam Hàn cũng như gia tăng mối đe dọa từ các hỏa tiễn có khả năng chứa đầu đạn nguyên tử của Bắc Hàn.

 

Chính quyền Tổng Thống Joe Biden cho biết họ có bằng chứng cho thấy hỏa tiễn do Bắc Hàn cung cấp cho Nga được dùng trong cuộc chiến tại Ukraine. Trong một tuyên bố chung hồi tuần trước, Mỹ, Nam Hàn và các đồng minh cho biết hành động yểm trợ hỏa tiễn của Bắc Hàn góp phần hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga và giúp Bắc Hàn thu về những hiểu biết đầy giá trị về kỹ thuật và quân sự.

 

Bắc Hàn hồi đầu tháng này bắn hàng loạt trái đạn pháo gần vùng hải phận phía Tây đang tranh chấp với Nam Hàn, làm cho Nam Hàn phải tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật tương tự trong khu vực. Họ Kim cũng tận dụng một nghị hội chính trị vào tuần trước để điểm mặt Nam Hàn Quốc là “kẻ thù lớn nhất” của Bắc Hàn và đe dọa sẽ kết liễu Nam Hàn nếu bị khiêu khích. (TTHN)

 

 

 



No comments: