Ấn
Độ - Thái Bình Dương : Những thách thức quốc phòng cho Trung Quốc
Minh
Anh - RFI
Đăng
ngày: 11/01/2024 - 21:55
Thế
giới những năm gần đây nói nhiều về khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng
thuật ngữ này dường như chưa bao giờ được Trung Quốc đề cập đến. Tại một khu
vực từ lâu do Mỹ thống trị, đâu là vị thế của Trung Quốc ? Liệu Bắc Kinh
có một tầm nhìn và một chiến lược đặc biệt cho vùng Ấn Độ - Thái Bình
Dương ?
https://s.rfi.fr/media/display/4f46ec02-ee21-11ec-80e0-005056a90284/w:980/p:16x9/000_32CN2QV.webp
Lễ
hạ thủy tầu sân bay Phúc Kiến của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ngày
17/06/2022. AFP - -
Đối
với nhiều nhà quan sát đây là một điểm thú vị. Nghiên cứu các phiên bản Sách
Trắng Quốc phòng của các năm 2017 và 2019, người ta nhận thấy không một lần nào
Bắc Kinh đề cập đến « Ấn Độ - Thái Bình Dương »1.
Không những thế, Bắc Kinh thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ khái niệm này, cho
rằng đây là một hình thức phương Tây, đi đầu là Mỹ, vây hãm Trung Quốc.
Ấn Độ -
Thái Bình Dương…
Nhưng
điều đó không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không có chính sách Ấn Độ – Thái
Bình Dương. Theo Tanguy Struye de Swielande2, giáo sư ngành
Quan hệ Quốc tế, trường đại học Công giáo Louvain (Bỉ), trên thực tế, Trung
Quốc đã dùng lại lô-gic của khái niệm này qua việc xây dựng một tầm nhìn chiến
lược, kết nối hai vùng Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực ưu tiên, vùng ảnh
hưởng tự nhiên và Ấn Độ Dương, khu vực Trung Quốc tìm cách gia tăng sự hiện
diện như tại Maldives, Seychelles, Sri Lanka.
Vùng
châu Á – Thái Bình Dương, xuất phát từ Hoàng Hải, băng qua biển Hoa Đông và eo
biển Đài Loan, để rồi đi xuống Biển Đông, là khu vực mà Bắc Kinh có yêu sách
chủ quyền nhiều nhất. Từ góc nhìn quân sự, khu vực này tạo thành tuyến phòng
thủ đầu tiên. Chính sách này của Trung Quốc được thể hiện rõ qua việc xây dựng
và quân sự hóa nhiều đảo nhân tạo hay tự nhiên (như tại quần đảo Trường Sa, bãi
cạn Scarborough, Hoàng Sa).
Trong
một mục tiêu dài hạn đến năm 2049, từ tuyến phòng thủ đầu tiên này, Trung Quốc
có thể triển khai đến chuỗi đảo thứ hai (quần đảo Ogasawara, Saipan và Guam) và
thậm chí có thể thiết lập tuyến phòng thủ thứ ba gần Hawai. Trong khuôn khổ
tham vọng này, Bắc Kinh phát triển một chiến lược chống xâm nhập và vô hiệu hóa
các căn cứ quân sự tiền tuyến của Mỹ nhằm ngăn chặn mọi ý đồ triển khai sức
mạnh của quân đội Mỹ.
… Và chiếc
cầu nối Đông Nam Á
Liên
quan đến Ấn Độ Dương, ở Trung Quốc, những người theo trường phái Alfred Mahan –
một sĩ quan hải quân, nhà sử học và chiến lược gia hải quân người Mỹ thế kỷ XIX
– tỏ lập trường rất rõ ràng : « Ai kiểm soát được Ấn Độ Dương sẽ
làm chủ được châu Á. Ấn Độ Dương là lối thông ra bảy vùng biển trên thế giới.
Vận mệnh của thế giới trong thế kỷ XXI sẽ do Ấn Độ Dương định đoạt ».
Thế
nên, đối với Trung Quốc, việc hiện diện tại Ấn Độ Dương trở nên thiết yếu, do
đó là những tuyến hàng hải đến châu Phi và Trung Đông để nhập khẩu nguyên nhiên
liệu, và đi đến châu Âu để xuất khẩu hàng gia công. Hệ quả là Trung Quốc tăng
cường hiện diện quân sự, như mở căn cứ quân sự ở Djibouti, hay hiện diện quân
sự ở cảng Gwadar, Pakistan.
Trong
chiến lược này, khu vực Đông Nam Á giữ vai trò địa chính trị quan trọng đối với
Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ qua việc phát triển chính sách Những Con
Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Kiểm soát được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Một
điểm khác cho thấy tầm quan trọng của khu vực là eo biển Malacca. Nút thắt
« yết hầu » này có thể đẩy Trung Quốc rơi vào thế yếu nếu hạm đội Mỹ
phong tỏa vùng biển chặn đường tiếp nhiên liệu cho Bắc Kinh, trong trường hợp
xảy ra xung đột với Washington.
Để
giảm thiểu nguy cơ này, Trung Quốc phải tăng cường hiện diện trong khu vực và
nhắm đến việc hộ tống các tầu hàng. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ dẫn đến phản
ứng quân sự từ một số nước Đông Nam Á, xem chính sách này của Bắc Kinh như là
một mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Khủng
hoảng eo biển Đài Loan 1995-1996 : Cột mốc!
Nhưng
ngoài việc tìm cách mở rộng ảnh hưởng, bảo đảm an toàn giao thương hàng hải,
mục tiêu sau cùng của Trung Quốc là làm thế nào « xua đuổi » được Hoa
Kỳ ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp để có thể áp đặt các ý muốn của mình tại
khu vực.
Trả
lời phỏng vấn tạp chí DSI, số đặc biệt tháng 10-11/2023, nhà địa chính trị
Valérie Niquet, chuyên gia về Trung Quốc và Đông Nam Á, từng nhận định đây sẽ
là một thắng lợi cho Trung Quốc nếu nước này « thuyết phục được các
quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ không có chỗ trong vùng, và làm cho Mỹ nhận
thấy rằng việc quyết định phiêu lưu xung đột với Trung Quốc sẽ trả một cái giá
rất đắt. »
Do
đó, mọi nỗ lực của Trung Quốc là tập trung cho cuộc chiến thông tin, cuộc chiến
gây ảnh hưởng và nhất là phát triển một đội quân hùng mạnh nhất thế giới từ đây
đến năm 2049, theo như mục tiêu mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra.
Chuyên gia quân sự Mathieu Duchatel3, giám đốc chương trình
châu Á, Viện Montaigne, cho rằng, để hiểu rõ những tham vọng quân sự này của
Trung Quốc, cần phải lồng sự việc trong vấn đề Đài Loan.
Cuộc
khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba năm 1995-1996 là động lực thúc đẩy
chương trình hiện đại hóa Quân Đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trong nhiều lĩnh
vực. Mục tiêu là nhằm có được khả năng đánh gục Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời
có thể ngăn chặn Mỹ can thiệp, tiếp cận các chuỗi đảo đầu tiên.
Trong
một kịch bản tốt nhất, khả năng chống xâm nhập của Bắc Kinh đủ ngăn cản Hoa Kỳ
can thiệp. Nhưng trong kịch bản tồi tệ, đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc
có thể xảy ra. Do vậy, Tập Cận Bình nhân kỳ đại hội đảng lần thứ 19 đã tuyên bố
rằng Trung Quốc phải có một « đội quân tầm cỡ thế giới từ đây đến năm
2050 ». Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải có một quân
đội chiến lược « ngang vai, ngang vế » với Hoa Kỳ.
Năm
2023, Trung Quốc dành đến 225 tỷ đô la cho quốc phòng, tăng hơn 7%, một mức
tăng cao nhất tính từ năm 2019. Đương nhiên, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc quân sự
hàng đầu thế giới với mức ngân sách quốc phòng hàng năm dành ra là gần 800 tỷ
đô la, chiếm đến 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.
Lột
xác !
Nhưng
từ năm 2010, Trung Quốc đã có mức ngân sách quốc phòng đứng hàng thứ hai trên
thế giới. Theo nhà địa chính trị Fabrice Ravel4, điều thật sự
thú vị là « từ 26 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng đều
đặn. Đây là điều không thể tưởng. Chưa có một nước nào trên thế giới có một sự
tăng trưởng trong một quãng thời gian dài như thế. Nhất là mức tăng này chiếm
đến gần 500% ngân sách. Đây thật sự là điều đáng quan tâm. »
Trong
quá trình hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc dành ưu tiên cho hai thành tố
chính. Thứ nhất là lực lượng hải quân. Từ một lực lượng bảo vệ bờ biển, phòng
thủ, hải quân Trung Quốc biến thành một lực lượng hải dương có thể triển khai
xa bờ và làm chủ nhiều loại tầu chiến tân tiến, mang tính biểu tượng cao.
Chuyên gia Fabrice Ravel nhận định tiếp :
« Lần
đầu tiên hải quân Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang qua mặt Mỹ về số lượng. Họ
ước tính rằng Trung Quốc có hơn 360 tầu chiến so với con số 297 của hải quân
Mỹ. Đáng chú ý hơn nữa là khả năng sản xuất và lắp ráp các loại tầu chiến lớn
có tính biểu tượng cao. Đầu tiên là tầu ngầm hạt nhân.
Người
ta ước tính Trung Quốc có khả năng cho xuất xưởng một chiếc mỗi 15 tháng. Nếu
tiếp tục lắp ráp theo nhịp độ này, từ đây đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có 13
chiếc tầu ngầm hạt nhân. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ có nhiều tầu ngầm hạt
nhân trong vùng hơn Mỹ.
Thứ
đến là hàng không mẫu hạm. Trung Quốc đã mua một chiếc từ Ukraina năm 1998 và
đã cho cải tạo, trang bị lại. Tiếp đến Trung Quốc cho hạ thủy hai chiếc khác,
trong đó chiếc Sơn Đông đã chính thức đi vào hoạt động. Cùng lúc Bắc Kinh gia
tăng số hàng không mẫu hạm, trang bị thêm chiến đấu cơ (…)
Điều
thú vị là Trung Quốc dành đến 5,5 tỷ đô la cho việc thiết kế và lắp ráp hàng
không mẫu hạm. Trong triển vọng này, Trung Quốc sẽ có thêm bốn chiếc trong thời
gian sắp tới. Giới chuyên gia Canada cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là có
khoảng một chục chiếc hàng không mẫu hạm. »
Lĩnh
vực thứ hai được Trung Quốc ưu tiên đầu tư nhiều là hạt nhân. Trung Quốc xây
dựng 250 xi-lô để cất trữ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo ước tính, lực
lượng hạt nhân Trung Quốc có khoảng từ 300-400 đầu đạn nguyên tử. Con số này có
thể sẽ tăng lên vào khoảng 1000 trong thời gian sắp tới.
Emmanuel
Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, trên đài France Culture ngày
29/12/2023, giải thích thêm rằng cùng với Nga và Mỹ, Trung Quốc là quốc gia duy
nhất sở hữu bộ ba hạt nhân chiến thuật.
« Thứ
nhất là bộ phận không quân với các loại máy bay ném bom chiến lược, vốn đã trải
qua quá trình hiện đại hóa rất đáng kể, từ 15 - 20 năm qua với các chương trình
trang bị vũ khí, có khả năng mang bom hạt nhân. Đặc biệt là loại máy bay ném
bom chiến lược H6 nổi tiếng có tầm hoạt động xa, từ Biển Đông và vượt ra ngoài
Đài Loan. Đây thật sự là một vấn đề chiến thuật, đòi hỏi sự kết hợp các chiến
lược ở Châu Á Thái Bình Dương với thành phần này.
Thứ
hai là thành phần trên bộ thông qua các xi-lô nằm ở vùng phía Tây rộng lớn của
Trung Quốc, rồi ở nhiều địa điểm khác được “xếp diện bí mật”.
Cuối
cùng, có lẽ phức tạp hơn, khó khăn hơn, là răn đe hạt nhân trên biển, tức là
bằng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân, tương đương với SSBN của Pháp đóng
tại căn cứ Long Island ở Brest. Thành phần này phức tạp hơn, tinh vi hơn, bởi
vì nó đòi hỏi cả khả năng chuyên chở, khả năng tàng hình của tàu ngầm và do
vậy, đòi hỏi các công nghệ đặc biệt tiên tiến, cũng như khả năng trang bị một
tên lửa trên tàu có hiệu quả, độ chính xác cao và có tất cả sự tinh tế, của một
tên lửa hạt nhân có thể mang nhiều đầu đạn, v.v. Đây là một trong những vật thể
phức tạp nhất trong hệ thống vũ khí.
Ngoài
ra, Trung Quốc đang nghiên cứu sâu rộng vấn đề này cùng với các hệ thống tàu
ngầm AIP động cơ đẩy kỵ khí khác, vốn dĩ nằm trong mục tiêu chiến lược về Đài
Loan và ở Thái Bình Dương. »
Những hạn
chế
Một
điểm khác cũng gây ngạc nhiên cho giới quan sát : Trung Quốc là quốc gia
duy nhất trên thế giới có một nền công nghiệp vũ khí có thể sản xuất tất cả các
loại hệ thống vũ khí cùng một lúc. Rõ ràng Bắc Kinh đang trong lô-gic tăng
cường năng lực quân sự trong tất cả các lĩnh vực. Mục tiêu là nhằm có được thế
ưu tuyệt đối ngay trong lòng chuỗi đảo phòng thủ đầu tiên. Nhưng đồng thời
Trung Quốc cũng phát triển các khả năng triển khai bên ngoài nhằm bảo vệ các
lợi ích ngoài vùng Đông Á.
Nhìn
chung, Bắc Kinh đã thiết lập một số điểm « thiện chiến », có thể gây
khó khăn cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Mathieu Duchatel,dẫn ví dụ
năng lực chống tầu chiến tầm xa của Bắc Kinh. Đây thực sự là một mối đe dọa
nghiêm trọng cho các chiến dịch quân sự của hải quân Mỹ trong vùng. Ngoài ra,
nếu nhìn trên một không gian rộng, toàn vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, với sự
hợp tác của các đồng minh và đối tác khu vực, hiện tại Hoa Kỳ đã xây dựng được
một không gian thống lĩnh đối phó với các năng lực quân sự của Trung Quốc.
Dù
vậy, giới chuyên gia cũng có chung một nhận định: một trong số các điểm yếu
quan trọng của quân đội Trung Quốc hiện nay là thiếu kinh nghiệm chiến đấu.
Cuộc chiến sau cùng Trung Quốc tham gia là cuộc chiến biên giới Việt Nam năm
1979. Giới quan sát đặt nhiều nghi vấn về khả năng phối hợp tác chiến liên quân
của Trung Quốc. Và nhất là việc đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung kiểm soát
chính trị có thể là một rào cản lớn gây trở ngại cho quá trình ra quyết định,
do ai cũng sợ phạm phải sai lầm và gánh lấy nhiều rủi ro !
----------
********** ----------
Ghi
chú :
1.
Khái niệm « Ấn Độ - Thái Bình Dương » được nhà địa chính trị
học người Đức Haushofer dùng lần đầu tiên vào năm 1920. Nhưng thủ tướng Nhật
Bản Shinzo Abe là người đầu tiên dùng thuật ngữ này vào mục đích chính trị năm
2007 trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Bốn bên (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ).
2.
Tạp chí Les Grands Dossiers de Diplomatie n°53, « La démographie : un enjeu
géopolitique majeur », số ra tháng 6-7/2019.
3.
Tạp chí Les Grands Dossiers de Diplomatie n°73, « Géopolitique de la
Chine », số ra tháng 4-5/2023.
4.
L'Armée chinoise, quels objectifs ? – ESCE – International Business School,
ngày 18/10/2023.
No comments:
Post a Comment