Đài Loan : Đảng Dân Tiến tiếp tục cầm quyền chưa hẳn là một tin xấu đối với Bắc Kinh
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 15/01/2024 - 14:28
Tại Đài Loan, ông Lại Thanh Đức, ứng viên đảng Dân Tiến, chủ trương giữ nguyên trạng đôi bờ eo biển Đài Loan, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 13/01/2024. Theo giới phân tích, Bắc Kinh có thể « hài lòng » với kết quả bầu cử lần này, không đến nỗi « mất ăn mất ngủ » !
VIDEO : https://youtu.be/4SAyCjhEztY
Cuộc mít tinh sau chiến thắng của tổng thống tân cử của Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tại Đài Bắc, ngày 13/01/2024. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS
Làm thế nào giải thích nghịch lý đó ? Trên site atlantico.fr, chuyên gia về chính sách công Pierre Clairé, thuộc Millénaire, nêu ra ba điều rút ra được từ cuộc bầu cử lần này ở Đài Loan.
Thứ nhất, việc ông Lại Thanh Đức về đầu cuộc đua khi giành được hơn 40% số phiếu bầu cho thấy thái độ ngờ vực của người dân Đài Loan đối với Trung Quốc vẫn tồn tại. Việc vài tuần trước cuộc bầu cử, cựu tổng thống Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng tuyên bố ủng hộ hợp nhất đôi bờ eo biển, làm dấy lên nhiều bất bình, thúc đẩy nhiều cử tri còn do dự dồn phiếu cho Lại Thanh Đức.
Thứ hai, nếu như người dân Đài Loan không muốn nghe nói đến hợp nhất và không muốn chịu chung số phận như Hồng Kông, thì họ cũng không hoàn toàn phản đối việc hợp tác với Trung Quốc (chí ít về kinh tế). Điều này giải thích vì sao, có đến hơn 50% lá phiếu cử tri dồn cho hai đảng là Quốc Dân Đảng (KMT) và đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), vốn dĩ chủ trương hợp tác và thương lượng với Trung Quốc.
Hệ quả là Nghị Viện Đài Loan lần này không có một đa số rõ ràng, nhưng nếu hợp lại, hai đảng đối lập KMT và TPP, sẽ có một đa số tuyệt đối ở Quốc Hội. Theo phân tích của ông Pierre Clairé, tuy rằng hai đảng này đã thất bại trong việc hình thành một liên minh « xanh dương hợp nhất » do những bất đồng quá lớn, nhưng kết quả bầu cử cho thấy thế mạnh rõ nét của những đảng chính trị ủng hộ « nói chuyện » với Bắc Kinh. Đây sẽ là những rào cản lớn cho tân tổng thống thống, buộc phải « xoay xở » với một nghị viện bị chia rẽ, giống như người dân Đài Loan.
Với tân tổng thống "chống Bắc Kinh", quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc sẽ có nhiều bất trắc hơn ?
Bài học sau cùng rút ra được chính là sự xuất hiện gây bất ngờ của đảng TPP. Với 26% phiếu bầu, đảng của cựu đô trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết sẽ có đến 8 ghế trong nghị trường. Một điều chưa từng có trong lịch sử Đài Loan, vốn dĩ chỉ do lưỡng đảng thống lĩnh đời sống chính trị kể từ khi hòn đảo biết đến nền dân chủ.
Vẫn theo chuyên gia Pierre Clairé, kết quả này phản ảnh phần nào sự bất đồng của người dân hòn đảo đối với các chính đảng truyền thống, mà theo họ, là những bên có trách nhiệm cho tình hình hiện nay. Người dân Đài Loan không muốn căng thẳng gia tăng cũng như là không muốn bị « hội nhập » vào Trung Hoa Lục Địa như Hồng Kông.
Nói một cách khác, họ muốn sống yên bình, không từ bỏ nền dân chủ hay các quyền tự do, nhưng cũng không muốn sống với nỗi lo sợ bị Trung Quốc tấn công. Thế nên, việc TPP đưa ra chủ trương vừa hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng đồng thời vẫn duy trì được một chính sách an ninh rõ ràng và cứng rắn đã hấp dẫn không ít cử tri.
Nhìn từ toàn cảnh này, rõ ràng kết quả bầu cử ngày 13/01 vừa qua không hẳn là một tin xấu cho ông Tập Cận Bình. Đương nhiên, Bắc Kinh không muốn thắng lợi của ông Lại Thanh Đức, người mà Trung Quốc cáo buộc là kẻ gây rối, không ủng hộ Trung Quốc cộng sản. Nhưng tương lai chính trị Đài Loan bất định chỉ có thể làm cho Tập Cận Bình hài lòng.
Đối với Bắc Kinh, với hơn 40% lá phiếu ủng hộ, một kết quả tồi, ông Lại Thanh Đức buộc phải có những nhượng bộ và liên kết với một đảng khác, và do vậy, khó thể thông qua một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Những bế tắc chính trị ở Đài Loan sẽ là cơ hội vàng, để đảng Cộng Sản Trung Quốc có thêm thời gian tập trung xử lý các vấn đề nội bộ và chấn hưng nền kinh tế trì trệ của đất nước, và áp đặt các ý muốn của mình.
Chỉ có điều, trong khi chờ đợi sự hợp nhất đôi bờ eo biển theo ý muốn của Bắc Kinh, nghĩa là hoặc theo giải pháp hòa bình, đây là điều Trung Quốc giờ đặt cược nhiều sau cuộc bầu cử, hoặc bằng vũ lực, trong trường hợp này có nhiều nguy cơ xảy ra vào năm 2027, năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc và cũng là năm cuối cùng nhiệm kỳ lãnh đạo của Tập Cận Bình, từ đây đến đó, người dân đảo Đài Loan tiếp tục hứng chịu các áp lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc !
----------------------------
Các nội dung liên quan
ĐÀI LOAN - BẦU CỬ TỔNG THỐNG
Đài Loan kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng kết quả bầu cử tổng thống »
TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN
Bắc Kinh : Thống nhất Đài Loan với Hoa Lục là điều « không thể tránh khỏi »
No comments:
Post a Comment