50
năm mất Hoàng Sa: Việt Nam không dễ kiện Trung Quốc
RFA
2024.01.18
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc tấn công quần
đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc đó, quần đảo này do Việt Nam Cộng Hòa quản lý.
Ngày 19 tháng 1 năm 2024 là tròn 50 năm Trung Quốc xâm lược và đánh chiếm quần
đảo Hoàng Sa. Nhân dịp này, RFA có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Việt
ở Trường Đại học Luật Tp. HCM về các khả năng kiện Trung Quốc ra các tòa án
quốc tế. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, do một số đặc điểm riêng của tòa án
quốc tế, việc đưa được Trung Quốc ra tòa là điều vô cùng khó khăn.
Các
thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), 2021. (Ảnh minh họa)
RFA. Hiện có bảy toà án
quốc tế. Trong đó, loại trừ một số tòa có tính khu vực, không liên quan đến
Việt Nam và Biển Đông, chúng ta còn có các tòa án có thể liên quan đến Hoàng Sa
là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa án
Hình sự Quốc tế (ICC). Trong các tòa án quốc tế này, Việt Nam có thể kiện Trung
Quốc ra toà án nào để đòi lại Hoàng Sa? Tại sao?
Nhà
nghiên cứu Hoàng Việt
Thứ nhất là chúng ta sẽ loại trừ Tòa án Quốc tế về
Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea). Tòa án này chỉ giải
quyết các vấn đề liên quan đến Luật biển Quốc tế. Mà trong Luật biển Quốc tế
thì không có vấn đề nào liên quan đến chủ quyền đối với các thực thể địa lý mà
chỉ liên quan đến các vấn đề về biển như lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền
kinh tế… Tòa án này cũng yêu cầu phải có tất cả các bên cùng chấp nhận ra
tòa.
Tòa án thứ hai là Tòa án Hình sự Quốc tế
(International Court of Criminal). Đây là tòa đã truy tố tổng thống Nga Putin
năm 2022 vì cuộc xâm lược Ukraine, dựa trên đơn đề nghị của khoảng 40 quốc gia.
Tòa này không giải quyết các vấn đề biên giới và lãnh thổ.
Cơ bản nhất có hai tòa giải quyết các vấn đề về
tranh chấp lãnh thổ. Tòa thứ nhất là tòa PCA, tức “The Permanent Court of
Arbitration” (Tòa Trọng tài Thường trực). Tòa này là tòa lâu đời nhất, ra đời
từ 1911 đến nay. Tòa PCA đã mở văn phòng ở Hà Nội. Đây không phải là tòa thông
thường mà là tòa trọng tài.
Tòa thứ hai là Tòa án Công lý Quốc tế (International
Court of Justice.) Đây là một cơ quan tư pháp của Liên Hiệp Quốc. Nó là được
quy định trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, là một cơ quan chính thống của Liên
Hiệp Quốc.
Tòa này đã giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp lãnh
thổ, biên giới gữa các quốc gia. Nó là một những tòa quốc tế quan trọng nhất
hiện nay. Nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa thì cũng sẽ
đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật biển hoặc Tòa Trọng
tài Thường trực.
Nhưng điều quan trọng nhất là các tòa án quốc tế này
đòi hỏi tất cả các quốc gia liên quan đều phải cùng đưa ra tòa. Một trong những
vấn đề quan trọng nhất của quan hệ quốc tế theo LHQ là chủ quyền quốc
gia.
Tòa không thể vượt quá chủ quyền quốc gia. Khi mà
một quốc gia nào đó không chấp thuận thì tòa không được đem vụ kiện đó ra xét
xử. Liên Hiệp quốc thiết kế cơ chế như vậy để yêu cầu tất cả các bên tranh chấp
một thực thể địa lý nào đó phải cùng đồng thuận ra tòa giải quyết.
RFA. Có phải vì Liên Hiệp
Quốc muốn tránh trường hợp một quốc gia bị một quốc gia khác đơn phương đưa ra
tòa án quốc tế, trái với ý chí của quốc gia đó?
Nhà
nghiên cứu Hoàng Việt : Cũng có thể là như vậy. Điều
quan trọng nhất là nguyên tắc của Liên Hiệp quốc tôn trọng chủ quyền quốc gia.
Đây là nguyên tắc tối thượng. Không ai có thể áp đặt một quốc gia ở một tòa án
quốc tế khi mà quốc gia đó không chấp nhận giải quyết bằng phương án đó.
Điều khó khăn nhất khi muốn kiện Trung Quốc ra tòa
án quốc tế về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chính là phải có sự
chấp thuận của Trung Quốc đối với việc ra tòa.
RFA.
Tòa
Trọng tài thì khác gì với các tòa khác? Nếu Việt Nam sử dụng tòa trọng tài thì
vụ việc có thể tiến triển như thế nào?
Nhà
nghiên cứu Hoàng Việt : Ví dụ trong vụ
Philippines kiện TQ, người ta sẽ lập một hội đồng trọng tài. Các trọng tài phân
xử sẽ được tuyển chọn từ các trọng tài viên của tòa ITLOS (Tòa án Quốc tế về
Luật biển.) Tức đó là một cơ chế mềm dẻo.
Tòa trọng tài (Tribunal) là tòa chỉ lập ra khi có
một vụ án, chỉ để xét xử vụ kiện đó. Khi xét xử xong thì nó giải tán. Còn
tòa án (Court) là luôn luôn có sẵn, luôn tồn tại.
Trong quá khứ, có một số vụ kiện để chúng ta hiểu
nếu áp dụng kiểu tòa án này thì vụ kiện có thể xảy ra như thế nào.
Ví dụ như vụ án Yukos của Nga. Khi chính phủ Nga
quốc hữu hóa tập đoàn Yukos thì đã quốc hữu hóa cả số vốn đầu tư của một số chủ
đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư nước ngoài này đã kiện chính phủ Nga ra tòa
án quốc tế. Đó sẽ là một tòa trọng tài để phân xử đúng sai giữa hai bên.
Trong vụ án này, chính phủ Nga đã phản đòn bằng một
bước đi hoàn toàn hợp pháp và hiệu quả.
Hội đồng tòa trọng tài phán quyết Nga thua cuộc,
phải đền bù hơn 50 tỷ USD. Phía Nga đã tìm kiếm một tòa thường trực tại Hà Lan
nằm ở nơi có trụ sở của PCA. Tòa này có quyền xét lại phán quyết của PCA. Trong
khi đó, PCA không được xem xét phán quyết đó.
RFA.
Nếu
Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì đã đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ
lực chứ không phải bằng thương thuyết và thỏa ước thì có thể kiện như thế nào?
Diễn biến có thể ra sao?
Nhà
nghiên cứu Hoàng Việt : Việc Trung Quốc dùng vũ lực
chiếm Hoàng Sa năm 1974 thì đã trái Hiến chương Liên Hiệp quốc. Điều 2 của Hiến
chương đã quy định rằng tất cả các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng
biện pháp hòa bình.
Năm 1970, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ra Nghị quyết
2625, khẳng định rằng kể từ đó về sau, mọi vùng lãnh thổ được thụ đắc bằng vũ
lực sẽ không được công nhận.
Chính vì vậy, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực
năm 1974, khi Nghị quyết 2625 đã có hiệu lực, nên quốc tế vẫn chưa công nhận
chủ quyền của Trung Quốc đối quần đảo Hoàng Sa.
Vấn đề khó khăn nhất của Việt Nam khi muốn kiện
Trung Quốc ra tòa án quốc tế là Trung Quốc cũng phải đồng ý ra tòa. Nhưng Trung
Quốc không bao giờ đồng ý ra tòa. Họ khẳng định chỉ đàm phán song phương, không
chấp nhận giải quyết với một bên thứ ba, bao gồm cả tòa án. Vì vậy, việc kiện
Trung Quốc ra tòa án quốc tế là bất khả thi.
RFA
xin
cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Ở phần tiếp theo, nhà nghiên cứu Hoàng Việt sẽ trao đổi những
điều Việt Nam có thể làm ngay cả khi Trung Quốc không chấp nhận ra tòa án quốc
tế.
VIDEO :
Tóm tắt
nhanh: Lịch sử tranh chấp quần đảo Hoàng
Sa
https://www.youtube.com/watch?v=Y-RkC-8gBAI
-------------------------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI
SỰ
Những
điều có thể làm ngay cả khi không thể kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa
Quần
đảo Hoàng Sa tròn 50 năm bị Trung Quốc cưỡng chiếm và ý kiến chuyên gia
Kết
quả bầu cử Đài Loan sẽ ảnh hưởng ra sao đến Biển Đông và Biển Hoa Đông?
Nếu
Đảng Dân Tiến thắng cử, chính sách Biển Đông của Đài Loan sẽ không đổi
Trung
Quốc muốn kéo dài đàm phán COC vô thời hạn để gây sức ép lên các nước láng
giềng
*****
Những
điều có thể làm ngay cả khi không thể kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa
RFA
2024.01.18
Năm
1996, Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa, một yêu sách bất hợp
pháp. (Ảnh minh họa) - Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ
Ở phần trước nhà nghiên
cứu Hoàng Việt trao đổi với RFA về những trở ngại về cơ chế và luật pháp quốc
tế khiến cho việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề Hoàng Sa trở nên
vô cùng khó khăn. Ở phần này, ông chia sẻ với RFA về những điều có thể làm ngay
cả khi Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với Hoàng Sa ngày
nay cần được đặt trong khung cảnh quan hệ quốc tế rộng lớn hơn.
*
RFA.
Tòa
ICJ (Tòa án Công lý Quốc tế) có cơ chế tham vấn. Nếu Việt Nam không kiện được
vì Trung Quốc không chịu ra tòa thì liệu có thể xin tòa cho ý kiến tư vấn hay
không? Ý kiến tư vấn thì không có giá trị pháp lý, nhưng nếu Việt Nam tự tin
vào bằng chứng lịch sử của mình, nếu tòa đưa ra một ý kiến tư vấn có lợi cho
Việt Nam thì điều đó cũng có ý nghĩa về mặt khẳng định chính nghĩa của mình?
Nhà
nghiên cứu Hoàng Việt :
Tòa ICJ có thẩm quyền tư vấn. Tòa này đã đưa ra
nhiều ý kiến tư vấn cho nhiều vụ tranh chấp. Mặc dù những tư vấn đó không có
tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó rất quan trọng vì có thể tạo ra tính chính
danh, chính nghĩa cho bên được tòa xác nhận là đúng.
Nhưng trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, ở điều 95 có
nhắc, và trong quy chế về Tòa ICJ thì từ điều 65 đến 68 thì có quy định về chức
năng tư vấn của tòa.
Chức năng tư vấn này được thiết kế cho các tổ chức
quốc tế. Liên Hiệp quốc nhận thấy là các tổ chức quốc tế cũng có quyền và có
nhu cầu được tư vấn về tranh chấp.
Chính vì vậy, thủ tục để yêu cầu tòa ICJ tư vấn cũng
khác, tức là phải thông qua một tổ chức quốc tế.
Nếu Việt Nam muốn tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì
phải thông qua một tổ chức quốc tế, trong trường hợp Hoàng Sa thì chính là Đại
hội đồng Liên Hiệp quốc. Ở đây thì chúng ta phải có được hai phần ba thành
viên, trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc đồng ý.
Nếu Việt Nam muốn Tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn thì
trước hết phải thuyết phục được một số lượng lớn quốc gia như vậy đứng về phía
mình, chống lại Trung Quốc. Trung Quốc đã một cường quốc, có tầm ảnh hưởng lớn
toàn cầu. Cho nên tôi nghĩ đó là điều không phải dễ.
RFA.
Như
phân tích của ông, việc đòi loại Hoàng Sa là điều vô cùng khó khăn. Dùng lực
lượng quân sự thì đương nhiên không được, mà dùng biện pháp pháp lý là kiện
Trung Quốc ra tòa cũng chưa làm được. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiện Trung
Quốc ở những khía cạnh khác liên quan đến Hoàng Sa không? Ví dụ như đường cơ sở
thẳng Trung Quốc vẽ quanh quần đảo này năm 1996. Đường cơ sở thẳng này rõ ràng
bất hợp pháp, trở thành “căn cứ” để Trung Quốc đòi hỏi một cách bất hợp pháp
200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh Hoàng Sa.
Nhà
nghiên cứu Hoàng Việt :
Nói chung là việc kiện Trung Quốc để lấy lại chủ
quyền đối với Hoàng Sa là vấn đề khó. Nhưng với các vấn đề khác có liên quan
thì không phải là không làm được.
Ví dụ như câu chuyện Philippines kiện Trung Quốc ra
một tòa trọng tài theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật biển.
Đối với tòa này, việc Trung Quốc chấp nhận tham gia
hay không thì không phải là yếu tố quyết định để mở phiên tòa.
Trong phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, chúng
ta thấy là Trung Quốc đã không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ. Thậm
chí, Trung Quốc còn quay sang tấn công lại phán quyết này. Nhưng phán quyết này
vẫn là một chiến thắng của người Philippines. Phán quyết này sau đó đã đóng vai
trò quan trọng trong luật biển quốc tế nói chung.
Như vậy, Việt Nam có thể xem xét sử dụng một công cụ
tương tự như vậy. Tức là mang vấn đề ra một tòa trọng tài.
Việt Nam có thể yêu cầu tòa giải thích một số vấn đề
của quần đảo Hoàng Sa mà liên quan đến vấn đề biển.
Trung Quốc vẽ một đường cơ sở xung quanh quần đảo
Hoàng Sa vào năm 1996. Theo Luật biển, đường cơ sở thẳng vẽ xung quanh các đảo
thì chỉ áp dụng cho quốc gia quần đảo. Trung Quốc là một quốc gia lục địa,
không phải là quốc gia quần đảo.
Vậy đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tuyên bố xung
quanh quần đảo Hoàng Sa có hợp pháp hay bất hợp pháp. Đó là một vấn đề Việt Nam
có thể đưa ra.
Điều thứ hai mà Việt Nam có thể đưa ra là trong phán
quyết năm 2016, trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, tòa đã phán
quyết về Trường Sa. Theo phán quyết này, quần đảo Trường Sa không có đảo mà chỉ
là đá hoặc bãi ngầm lúc chìm lúc nổi. Như vậy nó thu hẹp tranh chấp rất
nhiều.
Việt Nam có thể kiện theo hướng yêu cầu một phán
quyết như vậy đối với Hoàng Sa. Các thực thể địa lý ở Hoàng Sa là đảo, đá, hay
lúc chìm lúc nổi?
Ngoài ra, đối với Trường Sa, tòa PCA năm 2016 đã đề
cập đến vấn đề cấu trúc mang tính tập thể thì sẽ tạo thành cấu trúc toàn bộ như
thế nào. Vậy Hoàng Sa có gì tương tự hay không?
Đương nhiên, Việt Nam phải cân nhắc nhiều vấn đề
khác khi đưa Trung Quốc ra tòa. Biện pháp pháp lý là một khía cạnh, nhưng chính
trị là khía cạnh khác quan trọng không kém.
Nếu Việt Nam thắng kiện Trung Quốc nhưng phán quyết
đó không thực thi được trong thực tế thì sao?
Chúng ta biết cái yếu nhất của luật pháp quốc tế là
không có biện pháp cưỡng chế nếu bên thua kiện không tuân thủ. Điều này đặc
biệt đúng với trường hợp Trung Quốc. Vụ kiện Philippines cho thấy rõ điều
này.
Cho nên Việt Nam phải cân nhắc điều sau đây: Chúng
ta có nên chấp nhận lấy một chiến thắng tại tòa nhưng không có giá trị thực thi
trong thực tế, để đổi lấy những sức ép kinh tế rất mạnh trên thực tế từ phía
Trung Quốc?
Năm nào lãnh đạo Việt Nam khi gặp Trung Quốc thì
cũng phải yêu cầu họ mở cửa nông sản để bà con nông dân Việt Nam thu được lợi
ích.
Sau khi Philippines thắng cuộc trong vụ kiện Trung
Quốc năm 2016 thì Trung Quốc đã trả đũa bằng cách ngay lập tức chặn Philippines
xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Chuối là mặt hàng nông sản lớn mà Philippines
xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là chưa kể Trung Quốc còn gây sức ép lớn lên
Philippines về mặt ngoại giao ở khác mặt trận khác nữa.
RFA.
Như
vậy việc Việt Nam kiện Trung Quốc không thể chỉ xem xét vấn đề pháp lý. Việt
Nam sẽ phải đặt nó trong một bản đồ lớn hơn?
Nhà
nghiên cứu Hoàng Việt
Đúng vậy. Đặc biệt, ngày nay, thế giới đang trở nên
hỗn loạn. Chiến tranh nổ ra khắp nơi, luật pháp quốc tế đôi khi không giữ được.
Mặc dù Mỹ và Phương Tây đang tìm cách duy trì một trật tự thế giới dựa trên
luật lệ. Nhưng luật lệ đó đang bị một số quốc gia khác vươn lên để thay đổi nó.
Chúng ta đã thấy điều đó ở cuộc chiến Ukraine, cuộc chiến ở Trung Đông. Những
điều đó cho thấy ranh giới luật pháp quốc tế rất mong manh.
Cho nên lãnh đạo các nước đều có khó khăn của họ.
Mục tiêu quan trọng nhất của họ bây giờ là giữ được đất nước không bị cuốn vào
chiến tranh, giữ được hòa bình và tạo ra không gian để phát triển. Đó mới là
cái khó.
RFA
xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
-------------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI
SỰ
50
năm mất Hoàng Sa: Việt Nam không dễ kiện Trung Quốc
Quần
đảo Hoàng Sa tròn 50 năm bị Trung Quốc cưỡng chiếm và ý kiến chuyên gia
Kết
quả bầu cử Đài Loan sẽ ảnh hưởng ra sao đến Biển Đông và Biển Hoa Đông?
Nếu
Đảng Dân Tiến thắng cử, chính sách Biển Đông của Đài Loan sẽ không đổi
Trung
Quốc muốn kéo dài đàm phán COC vô thời hạn để gây sức ép lên các nước láng
giềng
No comments:
Post a Comment