Wednesday, January 17, 2024

50 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA : HÀNH TRÌNH ĐI TÌM TỬ SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA (Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt)

 



50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Hành trình đi tìm tử sĩ VNCH

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1ey18yl7wyo

 

Sự thay đổi thể chế chính trị khiến cho Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 được nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. Chính quyền hiện nay tại Việt Nam đang tỏ ra bối rối trong việc ứng xử với di sản của sự kiện này.

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Hải chiến Hoàng Sa 1974, sự kiện mà Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng đoạt nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Trong cuộc giao tranh chỉ kéo dài hơn 30 phút ấy, 74 lính hải quân VNCH đã tử trận và tới nay, nhiều gương mặt vẫn còn khuyết trong danh sách mà các nhà nghiên cứu dày công tìm kiếm.

 

Cũng từ đó đến nay, Trung Quốc kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/764b/live/11165670-b292-11ee-8465-8986deccd127.jpg

Nhà nghiên cứu, kỹ sư Đỗ Thái Bình với công cuộc tìm kiếm chân dung những tử sĩ VNCH còn thiếu sót

 

Là một nhà nghiên cứu hàng hải, từ năm 1997, kỹ sư Đỗ Thái Bình đã khởi sự xây dựng một cuốn bách khoa về đóng tàu và hàng hải Việt Nam. Trong đó, mục về Hoàng Sa và Hải chiến Hoàng Sa vẫn chưa đủ thông tin. Do vậy, ông Bình đã bắt đầu hành trình tập hợp thông tin các tử sĩ cũng như tìm kiếm thân nhân của họ.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'

 

Công cuộc soi đuốc tìm người thầm lặng của nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình tính đến nay đã gần 30 năm. Nhờ vào nhiều cơ duyên, ông đã tìm được thêm một vài gia đình của những quân nhân đã tử trận. Dù thời điểm đó, theo ông, sách vở và thông tin vẫn còn mù mờ, phải dựa nhiều vào nguồn tư liệu hải ngoại.

 

Một buổi sáng cuối năm 2023 tại Sài Gòn, ông Bình đã kể cho chúng tôi nghe hành trình tìm kiếm các gia đình tử sĩ VNCH, về quan hệ của ông với cựu hạm trưởng HQ-4, trung tá Vũ Hữu San, một nhân chứng của Hải chiến Hoàng Sa.

 

 

Lần đầu ‘Ngụy Văn Thà’ xuất hiện

 

Hải chiến Hoàng Sa nổ ra vào ngày 19/1/1974 giữa Trung Quốc và VNCH. KHi đó, phía VNCH có bốn tàu. Tuần dương hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt có mặt tại Hoàng Sa từ ngày 15/1, do hải quân trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng.

 

Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, do hải quân trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng, đến Hoàng Sa vào ngày 17/1.

 

Tiếp đó, tuần dương hạm HQ-5 Trần Bình Trọng, do hải quân trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng, đến Hoàng Sa vào trưa 18/1. Hộ tống hạm HQ-10 Nhựt Tảo, do hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đến nơi vào tối cùng ngày.

 

Đại tá Hà Văn Ngạc với chức vụ Chỉ huy trưởng Hải đội đặc nhiệm Hoàng Sa là sĩ quan cấp cao nhất của VNCH tại thực địa. Ông có mặt trên tàu HQ-5.

 

Khi trận hải chiến nổ ra trưa ngày 19/1, tàu HQ-10, chiếc có hỏa lực yếu nhất và nhỏ nhất của phía VNCH, đã bị chìm vào ngày 19/1. Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà tử trận ở tuổi 30, mất xác cùng con tàu mà ông chỉ huy. Cùng với ông, 73 quân nhân khác của VNCH cũng đã hy sinh trong sự kiện này.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam

 

Bởi những biến động lịch sử và chính trị, sau ngày 30/4/1975, chính thể VNCH không còn, gia đình của các cựu sĩ quan, quân nhân VNCH phải sống trong lặng lẽ, với nỗi đắng cay về mất mát của người thân mình.

 

Trong suốt gần 40 năm, câu chuyện về Hải chiến Hoàng Sa hầu như chỉ có người Việt ở hải ngoại thuật lại cho nhau nghe, người trong nước ít biết đến và thậm chí từng bị coi là điều cấm kỵ. Biết bao éo le, nghiệt ngã phủ lên gia đình của những người lính VNCH. Cũng là người Việt Nam đã đổ máu trong một nỗ lực bảo vệ bờ cõi trước sự xâm lấn của ngoại bang, nhưng sự ngăn trở của một quá khứ đầy định kiến đã khiến các tử sĩ trong cuộc hải chiến năm 1974 không được thể chế hiện nay chính thức ghi nhận.

 

Đến tận tháng 6/2013, tức gần 40 năm sau đó, bà Huỳnh Thị Sinh, vợ cố hạm trưởng Ngụy Văn Thà, người được truy phong hải quân trung tá sau khi tử trận, mới lần đầu xuất hiện công khai trong một sự kiện tưởng niệm Hoàng Sa tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở TP HCM.

 

Trước đó, nhà nghiên cứu Đỗ Thái Bình đã cố công tìm kiếm tin tức của vợ con cố hạm trưởng Ngụy Văn Thà trong nhiều năm trời để phục vụ cho cuốn sách của mình. Tới năm 2005, ông tìm gặp bà quả phụ Ngụy Văn Thà tại nơi bà sống gần chợ Hòa Hảo, quận 11, TP HCM.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bc46/live/9d3dfb90-b2af-11ee-bc2f-cb5579b90709.png

Chân dung cố Trung úy Ngụy Văn Thà (trái) và hình ảnh bà Huỳnh Thị Sinh trong lễ tang của chồng năm 1974 (phải)

 

Theo ông Bình, có một số nhân viên an ninh văn hóa hiện diện trong sự kiện tại câu lạc bộ tôn giáo nói trên.

 

Khi bà quả phụ Ngụy Văn Thà được giới thiệu, “tất cả đều ngạc nhiên và chào đón bằng tràng pháo tay. Vì chưa bao giờ phu nhân Ngụy Văn Thà xuất hiện trước công chúng một cách công khai và nói rằng mình là vợ của cố hạm trưởng tàu HQ-10 như vậy. Công an cũng không có hành động gì vì hôm đó là sự kiện của một tổ chức tôn giáo, kỷ niệm một ngày cực kỳ quan trọng của đất nước,” ông Đỗ Thái Bình thuật lại.

 

Từ đó, câu chuyện của các gia đình tử sĩ Hải chiến Hoàng Sa 1974 bắt đầu lan tỏa. Lúc bấy giờ, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu thuộc Ban Dân vận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tọa đàm về Hoàng Sa tại Hà Nội.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/68dc/live/12f69e70-b2ae-11ee-beb5-e1400df560f2.png

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, giáo sư Nguyễn Khắc Mai hồi tưởng, khoảng đầu năm 2014, Trung tâm của ông đã tổ chức một lễ kỷ niệm về cuộc chiến Hoàng Sa.

 

“Trong hội thảo ấy, chúng tôi có đọc bài văn tế những chiến sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974. Sự kiện có sự góp mặt của nhiều trí thức, nhà báo, người trẻ, họ đều rất quan tâm. Tôi có nhờ anh Đỗ Thái Bình mời chị Huỳnh Thị Sinh, là phu nhân của cố trung tá Ngụy Văn Thà, ra Hà Nội và ở ngay nhà tôi cho tiện việc đi lại.

 

“Trong cuộc họp, chúng tôi đã quyên góp được 12 triệu đồng và trao tặng cho gia đình cố trung tá Thà như chút quà mọn, bày tỏ lòng hoan nghênh và cảm ơn. Chị Sinh rất cảm động khi thấy người miền Bắc chúng tôi đã hiểu được sự hy sinh lớn lao của chồng mình,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.

 

Tới khoảng tháng 7/2014, chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa đã giúp mua được cho gia đình bà Sinh một căn hộ. Đó là lần đầu tiên sau hơn 40 năm bà có chỗ để lập bàn thờ chồng, người được truy phong hải quân trung tá dưới thời VNCH nhưng bị quên lãng dưới chế độ mới.

 

Ông Đỗ Thái Bình, cũng là thành viên của Nhịp cầu Hoàng Sa, nói với BBC rằng có những người như chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, một sĩ quan cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp mặt trong buổi lễ trao nhà là một trong những hình ảnh đẹp về hòa hợp, hòa giải, khi tiếng súng đã ngưng bặt, lòng người cùng gác lại những oán hận, rẽ chia.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/600/cpsprodpb/22df/live/c2161db0-b293-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm thắp nhang trước di ảnh của cố trung tá Ngụy Văn Thà trong buổi lễ trao nhà do Nhịp cầu Hoàng Sa tổ chức

 

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng nói thêm rằng, tiếp sau sự kiện do ông chủ trì tại Hà Nội, Thành ủy Đà Nẵng đã cùng trung tâm của ông tổ chức một số sự kiện về Hoàng Sa và công khai rộng rãi về sự kiện Hải quân VNCH chiến đấu chống Trung Quốc.

 

Trên thực tế, Hải chiến Hoàng Sa kết thúc với việc quân VNCH rút lui và Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa là một bằng chứng nữa nhấn mạnh chính nghĩa của Việt Nam, ông Mai chia sẻ.

 

“Chúng tôi tôn vinh sự kiện này cũng như những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Điều này rất được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhớ lại.

 

VIDEO : https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1ey18yl7wyo

 "50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột", Thời lượng 8,20

 

 

Trăm mối nhọc nhằn

 

Vào những năm 1997-1998, việc tìm kiếm thông tin cựu quân nhân hải quân VNCH cũng như thân nhân của tử sĩ không hề đơn giản. Thông tin lúc bấy giờ rất tản mát, mạng internet chưa phổ biến và nhiều hồ sơ của quân nhân VNCH không thể tiếp cận, nhưng với quyết tâm, ông Đỗ Thái Bình đã lần tìm từng manh mối, chắp nối từng mảnh ghép nhỏ để dần có một bức tranh hoàn chỉnh hơn.

 

Vào năm 2022, ông Đỗ Thái Bình đã tìm được con trai của cựu binh Đinh Văn Thục, là thủy thủ nhất điện tử của tàu HQ-10. Số là khi thủy thủ Đinh Văn Thục tử trận thì không có thông tin ông đã lập gia đình, nhưng thực tế lại có một người con trai. Theo lời ông Bình, những tử sĩ trong trận Hoàng Sa năm đó còn rất trẻ, có khi có con nhưng chưa kịp cưới hoặc làm hôn thú vì vậy mà bỏ sót.

 

Ông Bình bộc bạch, là một nhà nghiên cứu, khi trang viết Hoàng Sa vẫn còn trống thì lòng ông không yên:

 

“Tôi viết một cuốn sách có tính chất từ điển tra cứu, nếu không cố gắng làm đầy đủ thì đến thế hệ sau, họ sẽ nói việc này mình không làm đến nơi đến chốn. Sống trên đất nước mình mà không tìm ra được đồng bào của mình thì điều đó là không hay, nên tôi cũng cố gắng, túc tắc tìm,” ông Bình lý giải.

 

Với mong ước có kho dữ liệu đầy đủ nhất có thể về Hoàng Sa, ông Bình luôn cố gắng ghi chép và đi khắp những tỉnh thành Việt Nam, cứ có thông tin là ông lại lên đường.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5cbf/live/3d1c41b0-b294-11ee-900d-2520cff574be.jpg

Ông Bình nói rằng dù thể chế có thể thay đổi, nhưng về mặt lịch sử, Hải chiến Hoàng Sa luôn là một phần của lịch sử đất nước.

 

“Mình cố gắng ghi chép, nghiên cứu để đóng góp vào lịch sử đất nước. Điều khó khăn nhất là phải chạy đua với thời gian, không gì nguy hiểm bằng thời gian vì thời gian làm cho người ta quên đi hết.”

 

Danh sách tử sĩ Hoàng Sa 1974

Ấn vào ảnh để xem thêm thông tin

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1ey18yl7wyo

 

 

Thời gian lặng lẽ trôi, nhiều gia đình hải quân VNCH ly tán, tư liệu bị đốt vì Bộ Tư lệnh hải quân VNCH đã không còn, nhiều người sợ nên tránh tiếp xúc hoặc không muốn nối kết lại với quá khứ, với bất cứ ai hay bất kì điều gì liên quan đến chế độ cũ khi họ đang sống trong một thể chế mới.

 

Từ thực tế ấy, nhà nghiên cứu này mong rằng báo đài trong nước nên kêu gọi để các gia đình Hoàng Sa có thể lên tiếng.

 

“Để mất đi những cứ liệu lịch sử là điều rất tệ của một chế độ. Nguyên tắc là khi thay đổi thể chế, cái gì của chế độ cũ thì cũng cần phải lưu lại. Chúng ta không có chế độ lưu trữ như vậy dù nó rất cần cho thể chế hiện nay.

 

Ông Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lưu trữ: “Nhưng đáng tiếc là ta làm còn kém. Nghề hàng hải của tôi có những sự kiện diễn ra cách đây vài năm nhưng tra cứu thì không có. Tôi cũng đi tìm ở các trung tâm rồi nhưng không có mà những tài liệu này về sau là vô giá,” ông Bình chia sẻ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/578/cpsprodpb/af35/live/e7d4c1b0-b297-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Tấm bưu thiếp có hình con tàu HQ-10 mà cố Trung úy Ngụy Văn Thà gửi về cho vợ trước khi đi làm nhiệm vụ và rồi hy sinh ngày 19/1/1974

 

 

‘Phải giữ phẩm giá dân tộc’

 

Kỷ niệm 50 năm trận Hải chiến Hoàng Sa, nhiều nhà nghiên cứu, học giả, trí thức, người dân Việt Nam trong và ngoài nước lại đau đáu nỗi niềm mất mát - Hoàng Sa.

 

Mỗi ngày, xem ti vi, người dân Việt Nam vẫn thấy tin dự báo thời tiết tại quần đảo Hoàng Sa nhưng phần lãnh thổ ấy đã rơi vào tay Trung Quốc từ 50 năm trước.

 

Vùng biển xung quanh cũng trở nên sóng gió hơn, với hiểm nguy rình rập các ngư dân Việt Nam khi Trung Quốc không ngừng gia tăng kiểm soát.

 

Ông Đỗ Thái Bình cho rằng, việc để mất một thước đất là nỗi đau của cả quốc gia. Ông cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn có thể kể câu chuyện Hoàng Sa với toàn dân một cách hòa bình.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Chuyện từ một quán cà phê

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?

 

Vài năm sau sự kiện Hoàng Sa 1974, Bắc Kinh đã phát hành đĩa phim Trận phản kích tự vệ Tây Sa, tuyên truyền với người dân của họ rằng đó là trận tự vệ để thu hồi lại quần đảo này. Ông Bình đã mua được đĩa phim vào năm 1997 tại một tiệm tạp hóa ở Quảng Châu.

 

“Từ 30 năm trước, dân của họ đã biết đến sự kiện Hoàng Sa này một cách công khai, đến một người ở tiệm tạp hóa be bé cũng biết. Trung Quốc đã giáo dục cho toàn dân chuyện Hoàng Sa, coi đấy là bài học yêu nước. Suốt trong mấy chục năm nay, họ đã lập công viên, đã xây tượng, viết bao nhiêu sách về sự kiện ấy. Những con tàu đánh chiếm Hoàng Sa được đưa vào bảo tàng hải quân. Như vậy, câu chuyện Hoàng Sa từ phía Trung Quốc đã được nói đến và giáo dục một cách công khai.

 

“Vậy thì chúng ta, là một đất nước, dù có nhẫn nhịn đến mấy thì tôi nghĩ nên việc nào ra việc đó. Tức là cần nghiên cứu, cần thông tin rộng rãi, cần tổ chức kỷ niệm chứ đừng để một khoảng trống. Nói thật, nếu coi đó là cái giá để đổi lấy hòa bình thì như vậy là quá đắt,” ông Bình nhìn nhận.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/300/cpsprodpb/4a85/live/7c7ec210-b294-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Đĩa phim Trận phản kích tự vệ Tây Sa của Trung Quốc nói tuyên truyền về cuộc Hải chiến Hoàng Sa 1974

 

Ông Bình nói thêm: “Tạo ra khoảng trống lịch sử sẽ ảnh hưởng lớn đến phẩm giá dân tộc. Không thể để dân tộc hèn được, mà cái hèn là điều rất nguy hiểm. Nhiều sự kiện của đất nước mà hiện nay chính quyền chưa giải thích, chưa công nhận nhưng vẫn nên có những nghiên cứu khoa học hoặc những hình thức khác nhau, cần làm từ từ nhưng không thể không làm.”

 

Tính tới hiện tại, Việt Nam đã có các hội nghị, hội thảo và các bài viết về Hải chiến Hoàng Sa; có các tổ chức dân sự như Nhịp cầu Hoàng Sa hay các địa điểm do nhà nước quản lý như Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng. Tại những dịp ấy và nhưng nơi ấy, trận hải chiến năm 1974 cũng được đề cập, xen giữa các thông tin lịch sử, bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói rằng, sự kiện tọa đàm và lễ kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa hồi 2014 là điều đặc biệt khi nhiều người dám công khai ghi nhận sự hy sinh của hải quân VNCH, những người đã bỏ mình khi bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, câu chuyện về Hải chiến Hoàng Sa không còn được đề cập nhiều như trước. Báo chí chính thống trở nên dè dặt hơn khi nói về di sản của VNCH liên quan đến chủ quyền biển đảo.

 

Năm 2014, báo Thanh Niên từng phỏng vấn trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Trong đó, ông Thước cho rằng cần tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm trong Hải chiến Hoàng Sa.

 

Bài báo sau đó đã bị gỡ khỏi website của báo Thanh Niên và ông Thước cũng có lần lên tiếng phủ nhận mình từng phát biểu như vậy, nhưng trang Archive.org vẫn còn lưu trữ bài báo này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5be2/live/3c5f6f70-b296-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg

Những người biểu tình chống Trung Quốc cầm những băng rôn có chân dung của Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, trong một cuộc biểu tình trước tượng vua Lý Công Uẩn vào ngày 19/01/2014 ở trung tâm thành phố Hà Nội

 

Với sự xoay vần của kiểm duyệt, nóng lạnh tùy thuộc vào mối quan hệ với Bắc Kinh, dường như Hà Nội có những chủ trương khác nhau về tuyên truyền đối với trận Hải chiến Hoàng Sa.

 

“Cần thúc đẩy chính quyền đưa vấn đề Hoàng Sa ra trước công chúng, bởi người ta lo rằng, thời điểm 50 năm, nếu không lên tiếng phản đối thì coi như mặc nhiên thừa nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc. Cần tạo ra dư luận quốc tế phê phán hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm vùng đảo có chủ quyền,” giáo sư Khắc Mai tâm sự.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/83f8/live/77fee070-b2ae-11ee-beb5-e1400df560f2.png

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, ông Đỗ Thái Bình đánh giá 50 Năm Hải chiến Hoàng Sa là một sự kiện quan trọng, cần được đánh giá đúng đắn.

 

“Phải công nhận những người chiến đấu ở Hoàng Sa là phe ta, đó là một bước trong hòa hợp hòa giải. Bây giờ chỉ cần cho các cháu, người thân của những tử sĩ công khai trả lời, xuất hiện trên truyền hình. Nếu ngày kỷ niệm 50 năm tới đây mà có thể làm được vậy là rất đẹp.

 

“Hoàng Sa, 50 năm Hải chiến Hoàng Sa theo tôi là phải vang lên trên các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước, như vậy thì mới giữ được phẩm giá dân tộc, để không quá hèn,” ông Bình gửi gắm nỗi lòng.

 

----------------------------------------------------------------------------------

XEM THÊM

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Chuyện từ một quán cà phê

Nguyễn Anh Tuấn

Gửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Tonronto, Canada

17 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c51znl90yrzo

 

.

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột   

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 1 2024, 17:20 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn490p39l96o

 

 .

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cmmd3rzdd5no

 

 

 



No comments: