Wednesday, January 17, 2024

50 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA : CÂU CHUYỆN ỨNG XỬ VỚI 74 TỬ SĨ & CÁC DI SẢN VIỆT NAM CỘNG HÒA (Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt)

 



50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Câu chuyện ứng xử với 74 tử sĩ và các di sản VNCH

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4nydnw8myeo

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/522b/live/aa7f9100-b459-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

Một người tham gia tưởng niệm tại Hà Nội vào năm 2014, trong dịp kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa

 

Một số nhà trí thức trong nước đề nghị nhà nước vinh danh 74 quân nhân VNCH tử trận trong Hải chiến Hoàng Sa 1974.

 

Chúng tôi gặp tiến sĩ Nguyễn Nhã, năm nay đã 85 tuổi, tại nhà riêng của ông trong một con hẻm ở quận Phú Nhuận, TP HCM. Chỉ cần đóng lại cánh cổng chính, đặt chân vào khoảnh sân nhà ông là như được bước vào một không gian khác, tách biệt hoàn toàn với xe cộ ồn ào ngoài kia.

 

Gian bên phải ngôi nhà của vị tiến sĩ có một nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh và mô hình về Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Phòng khách nhà ông cũng có thêm góc Vọng gác Trường Sa cùng bức ảnh chụp cụm tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

 

Trong giai đoạn năm 1966 - 1975, tiến sĩ Nguyễn Nhã là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn. Vào năm 1975, tập san này đã xuất bản cuốn “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” dày 350 trang, phát hành 5.000 cuốn, giá 980 đồng, giá cao kỷ lục của tạp chí hồi đó.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/194/cpsprodpb/7bca/live/fc2accf0-b390-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

Tập san Sử địa về Hoàng Sa và Trường Sa số 29 dày 350 trang, phát hành 5.000 cuốn, giá 980 đồng

 

 

Sự chia rẽ ‘phe nọ, phe kia’

 

Lời đề tựa cuốn Tập san Sử địa số 29 về Hoàng Sa và Trường Sa có đoạn trích từ bài “Đúng ba trăm năm trước” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn:

 

“Ngày nay, vụ quần đảo Hoàng-sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể của những thiệt hại gây nên bởi sự bất hòa giữa dân ta. Hoàng-sa là đất Việt Nam, là đất của nước Việt Nam thống nhất. Khi nước Việt-Nam còn chia đôi thì khó lòng điều-đình đề Hoàng-sa trở lại đất ta, tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt.”

 

Tiếp theo, tập san mở đầu bằng bài viết nhan đề: “Thử đặt vấn đề Hoàng Sa…”, trong đó nêu rõ việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa “đã, đang gieo vào lòng người Việt Nam những khắc khoải, uất hận về thân phận nhược tiểu trong khi anh em trong nhà thiếu đoàn kết”.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'

 

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Nguyễn Nhã kể lại rằng thời điểm trận chiến xảy ra vào ngày 19/1/1974, lòng yêu nước trong ông cũng như những trí thức khác dâng trào nên ông quyết tâm phản đối những gì, những ai không tôn trọng sự thực lịch sử. Vì lẽ đó, ông quyết định sẽ ra số đặc khảo nghiên cứu về sự thật chủ quyền ở Hoàng Sa nhưng đã có nhiều người “can gián”.

 

Do đó, ông đã đợi đến dịp kỷ niệm một năm hải chiến mới quyết định xuất bản cuốn đặc san này.

 

Trận hải chiến Hoàng Sa nổ vào ngày 19/1/1974 tuy ngắn ngủi nhưng để lại cho người dân Việt Nam nói chung một mất mát lớn: 74 quân nhân VNCH tử trận, Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa từ tay VNCH.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0800/live/df42f8e0-b383-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên bức hình chụp cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn

 

Một năm sau, chính quyền VNCH sụp đổ. Dưới thể chế mới, sự kiện Hoàng Sa dần bị trôi vào quên lãng. Mãi tận gần 40 năm sau, thông tin về cuộc hải chiến mới bắt đầu rục rịch được công khai trên báo đài trong nước.

 

Vào thời điểm cuối năm 2013, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong buổi làm việc, thông tin cho biết ông Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định phải kỷ niệm các sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và chiến tranh biên giới 1979, vốn bị cho là các chủ đề “tế nhị”.

 

Theo phát biểu của ông Dũng được trích dẫn lại thì "Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện biên giới phía Bắc và Hoàng Sa”.

 

“Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này,” ông nói.

 

Vào đầu năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo 24, trong đó nêu rõ: “Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.”

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'

 

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, trận hải chiến Hoàng Sa 1974 vẫn không xuất hiện trong sách giáo khoa lịch sử.

 

Tiến sĩ Nguyễn Nhã lý giải rằng câu chuyện chính trị đã làm cho sự công nhận về sự kiện Hoàng Sa bị ảnh hưởng. Thời gian đầu, vấn đề về Hoàng Sa khá thống nhất trong người dân lẫn chính quyền nhưng dần về sau lại “chia rẽ một cách kỳ cục”.

 

Theo ông, nguyên nhân là bởi “về chính trị thì có sự phân chia người của phe nọ với phe kia và người ta không thống nhất với nữa”.

 

Ông cho rằng sự thực là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, có thể là vì vậy nên có người trong chính quyền hiện nay không muốn nhắc tới.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/cf5b/live/ae819cd0-b44f-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Người biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2014 ở Hà Nội cầm biểu ngữ với chân dung hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, người nằm trong số 74 lính VNCH tử trận trong Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974

 

 

Trong cuộc trò chuyện trước thềm kỷ niệm 50 năm cuộc hải chiến 1974, tiến sĩ Nguyễn Nhã luôn xúc động khi nhắc đến tử sĩ VNCH.

 

“Theo tôi, người chết vì nước nếu được tôn trọng và nói lên cái sự thực đó thì giá trị rất lớn. Chính quyền hiện nay dù là có thân Trung Quốc hay không thân, nếu mà có lòng yêu nước thì phải tôn trọng sự thực.”

 

“Thế còn thái độ của mình đối với đồng chí Trung Quốc đó thì mình vẫn hòa hoãn, đừng để ông ta tức giận. Đừng để tức giận thôi chứ làm sao vừa lòng được,” ông nói.

 

Hồi năm 2012, tại Đại học Harvard, Mỹ, một buổi hội thảo về Biển Đông đã được các nghiên cứu sinh trẻ người Việt tổ chức. Phát biểu tại sự kiện đó, tiến sĩ Nguyễn đã khóc khi nhắc đến Hải chiến Hoàng Sa 1974.

 

Ông giải thích với BBC: “Tại sao cứ nhắc tới là tôi khóc? Là bởi vì tôi là người yêu sự thực lịch sử và khi càng yêu mà cái sự thực lịch sử bị cản trở thì tôi không cầm lòng được.”

 

“Điều tôi luôn quan tâm là làm sao để giới trẻ biết về Hải chiến Hoàng Sa, biết được sự thực lịch sử ấy.”

 

DANH SÁCH TỬ SĨ HOÀNG SA 1974

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4nydnw8myeo

 

 

‘Cần được vinh danh’

 

Năm 2014, báo chí Việt Nam bất ngờ công khai đề cập rầm rộ về Hải chiến Hoàng Sa 1974. Lúc bấy giờ, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, qua trích dẫn của báo chí trong nước, đã nói rằng cần tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính VNCH chống ngoại xâm trong Hải chiến Hoàng Sa.

 

Phát biểu của ông Thước do báo Thanh Niên ghi lại sau đó đã bị gỡ khỏi website của tờ báo này và ông Thước cũng có lần lên tiếng phủ nhận mình từng phát biểu như vậy. Vào thời điểm đầu năm 2024, BBC đã kiểm tra trang Archive.org thì vẫn còn lưu trữ bài báo trên.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/06d8/live/d15ad820-b427-11ee-8f07-bbfdfa890097.png

Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, khi ấy nói rằng cần tôn vinh tinh thần yêu nước của lính VNCH nhưng sau đó ông phủ nhận phát ngôn này

 

Khi được hỏi về cách mà Chính phủ Việt Nam ứng xử với các tử sĩ VNCH, tiến sĩ Nguyễn Nhã nói rằng chính quyền hiện nay mà yêu nước thì cần vinh danh các chiến sĩ chết vì Hoàng Sa, chết vì bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Ông đánh giá sự chậm trễ, cũng như thiếu sót thông tin về trận chiến, về những gì diễn ra vào ngày 19/1/1974 trên quần đảo Hoàng Sa, là một trong những nguyên nhân lớn gây ra sự thiếu hiểu biết và thờ ơ của giới trẻ về vấn đề chủ quyền biển đảo. Ở đây, vị tiến sĩ muốn nói đến sự thiếu vắng thông tin từ báo chí chính thống cũng như từ nguồn chính thức của chính phủ.

 

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai từ Hà Nội nói với BBC rằng 74 chiến sĩ Hải quân VNCH hy sinh trong một nỗ lực bất thành để bảo vệ Hoàng Sa trước quân xâm lược Trung Quốc năm 1974 là sự kiện “rất oai hùng”.

 

“Đó không phải là chuyện riêng của miền Nam hay miền Bắc mà là của người Việt Nam nói chung,” ông nói.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/572a/live/b73441f0-b451-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Người biểu tình chống Trung Quốc tụ họp trước tượng vua Lý Công Uẩn ở trung tâm thành phố Hà Nội để kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa

 

Từ năm 2014, giáo sư Mai đã tổ chức hội thảo công khai nói về vấn đề Hoàng Sa ở Hà Nội và mời bà Huỳnh Thị Sinh, vợ của cố Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà, ra Hà Nội để dự buổi tưởng niệm.

 

“Chúng tôi đã tôn vinh trận hải chiến cũng như những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta. Điều này rất được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.

 

Còn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn nói với BBC rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chấm dứt vào lúc 11:30 giờ ngày 30/04/1975, nhưng di sản của VNCH để lại, nhất là trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là quan trọng.

 

“Nó thuộc về công pháp quốc tế, chứ không chỉ là quan điểm về chính trị hay là ý thức hệ. Những việc làm của VNCH trong việc bảo vệ chủ quyền của mình là nằm trong tiến trình đấu tranh về mặt công pháp quốc tế. Chúng ta nên đặt vấn đề sự thực thi liên tục chủ quyền quốc gia chứ không nên cắt khúc giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay.

 

“Chính vì vậy, bất cứ một công dân Việt Nam nào, bất cứ một người con của Việt Nam nào ngã xuống cho sự độc lập, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ đều phải được trân trọng như nhau,” ông Đinh Kim Phúc nói.

 

-----------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

15 tháng 1 năm 2024

·         

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'

15 tháng 1 năm 2024

·         

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam

16 tháng 1 năm 2024

·         

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'

16 tháng 1 năm 2024

 

 




No comments: