Xử án vụ “Chuyến bay giải
cứu”: phân chia lại tiền xương máu của người “Việt Kẹt”
Thứ Tư, 07/19/2023 - 18:11 — Gió Bấc
https://www.rfavietnam.com/node/7705
Đại án “chuyến bay giải cứu” thực chất là vụ
tham nhũng táng tận lương tâm, lợi dụng tình thế nguy khốn của người “Việt Kẹt”
(người Việt kẹt ở nước ngoài trong mùa dịch) theo hệ thống. Quan chức bốn bộ và
cả Văn phòng Chính phủ, cùng với lãnh đạo địa phương “tạo điều kiện” cho các
doanh nghiệp tổ chức hàng ngàn chuyến bay combo với giá cao ngất trời xanh.
Hơn 200.000 người “Việt Kẹt” phải chắt bóp,
vay mượn tiền để được bay giải cứu. Họ chính là nạn nhân, chủ nhân của những
khoản tiền hối lộ, tiền lừa đảo kếch xù mà các bị cáo đã chia nhau. Họ là chủ
thể quan trọng nhất, người bị hại vĩ đại nhất của đại án, thế nhưng họ không hề
được các cơ quan tố tụng nhắc đến. Công lý của nhà nước đã gạt họ ra ngoài và
pháp luật được sử dụng để “thu hồi” số tiền họ bị cưỡng đoạt vào tay nhà nước.
Điều đáng thương tâm là, phần lớn những người
“Việt Kẹt” ấy không phải là đại gia, người giàu có sống ổn định, có chế độ bảo
hiểm y tế ở nước ngoài. Những thành phần có yêu cầu bức thiết phải về Việt Nam
trong thời dịch bệnh, đa số là công nhân xuất khẩu lao động, du học sinh, thậm
chí có cả gần 2000 tù nhân ở Malaysia.
Siết cổ người “Việt Kẹt” trên 2000 tỷ đồng
Là những công dân yếu thế như vậy, lẽ ra họ phải
được hưởng sự bảo hộ, phúc lợi quốc gia, được ưu tiên hồi hương miễn phí trong
thiên tai dịch bệnh. Đó là cách ứng xử phổ biến của các chính phủ, ngay cả những
nước đang phát triển như Campuchia. Thế nhưng, chỉ riêng công dân xứ thiên đường
được tự hào “ngạo nghễ” đi trên các “chuyến bay giải cứu”.
Núp dưới danh nghĩa cao đẹp “chuyến bay giải cứu”,
các doanh nghiệp câu kết với quan chức nhà nước, đã tạo ra hệ thống liên hoàn
xét duyệt thủ tục, cấp phép, bán vé máy bay, tổ chức cách ly mà những người “Việt
Kẹt” vì sự sống chết phải liều mình chấp nhận với giá cắt cổ. Thực chất “chuyến
bay giải cứu” là cuộc cưỡng đoạt tài sản kinh hoàng với hơn 200.000 người “Việt
Kẹt”.
Trong giai đoạn điều tra, tướng Tô Ân Xô, người
phát ngôn Bộ Công an, nhấn mạnh, “theo các cán bộ điều tra, mỗi chuyến bay
combo, khi trừ chi phí ra, có những chuyến có thể lợi nhuận 2 tỷ đồng/chuyến,
mà có gần 2.000 chuyến bay” (1).
Lẽ ra 200.000 con người ấy với danh sách, hồ
sơ, cụ thể phải là người bị hại trong vụ án và phải được tòa án nhân danh công
lý hoàn trả lại cho họ những thiệt hại phải chi trả cho các khoản đưa hối lộ
cho quan chức, phần lợi nhuận không tương xứng của các doanh nghiệp. Thế nhưng,
thật bất ngờ khi đại án khai đao thì tòa chỉ xét xử 54 bị cáo về 5 tội danh
khác nhau. Trong đó, 21 người nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng; 23 người đưa hối lộ
gần 227 tỷ đồng; 4 người môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng; 4 người lợi dụng chức
vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 24
tỷ đồng (2).
Hành vi cưỡng đoạt tài sản công dân bị bỏ lọt
và 200.000 người bị hại của vụ án bị loại trừ.
Chỉ xem xét lợi ích nhà nước và doanh nghiệp
Tại sao lạ lùng bất công như vậy? Tiền các
doanh nghiệp đưa hối lộ, môi giới hối lộ… đều được hạch toán vào vé bay giải cứu,
đều là từ túi của những người “Việt Kẹt” chảy ra, vì sao không được xem xét?
Một luật sư đã giải thích thủ thuật pháp lý được
dùng trong vụ án này là: Tòa án đang xét xử các Bị cáo về các tội danh Đưa hối
lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành
công vụ, có khách thể bị xâm phạm là trật tự quản lý đúng đắn của nhà nước. Còn
tội danh Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, có khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu
của Công dân, nhưng Người bị lừa đảo trong trường hợp này là Chủ các doanh nghiệp
(Bị lừa đưa tiền cho Người không có khả năng chạy án, để mong được chạy án). Do
đó, tài sản của Công dân “Việt Kẹt” là khoản tiền chênh lệch đã bỏ ra – Không
phải là khách thể bị xâm phạm trong vụ án, nên không có căn cứ pháp luật để được
trả lại tiền ngay trong vụ án này. Đó là điều chắc chắn!
Ôi trời! Chỉ bằng cái mẹo nhỏ ấy, công lý đã
phủi tay với số phận của 200.000 “khúc ruột ngàn dặm” hồi hương, bỏ lọt tội phạm
“Cưỡng đoạt tài sản công dân” và số tiền lợi nhuận bất chính khổng lồ mà theo ước
tính của ông Tô Ân Xô lên đến hàng ngàn tỉ!
Như vậy, tội phạm tày trời với nhân dân và lợi
nhuận khủng ngàn tỷ của tập đoàn tội phạm quan chức, doanh nghiệp này được cho
qua, tòa chỉ xem xét số tiền vài trăm tỷ hối lộ, môi giới hối lộ.
Nhà nước chia lại, doanh nghiệp lãi to
Số tiền các bị cáo nộp lại sẽ được giải quyết
như thế nào? Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp,
cho rằng: “Tất cả số tiền đưa hối lộ, số tiền gây thiệt hại cho tổ chức,
cá nhân, tiền do phạm tội mà có, thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước
theo quy định về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự” (3).
Theo tinh thần xét xử “nhân văn” hiện nay, nếu
các bị cáo chịu ói ra tiền đã ngậm, gọi là “tích cực khắc phục hậu quả” thì sẽ
được giảm nhẹ hình phạt. Điểm mới của phiên tòa là hầu hết các bị cáo đều nhanh
nhẩu nộp lại tiền để mua tội ngay từ giai đoạn điều tra cho đến khi xét xử. Mặt
khác, tòa cũng ưu ái mở rộng vòng tay tiếp nhận. Chính vì vậy đã xảy ra sự kiện
vui chưa có tiền lệ là, hoãn phiên tòa cho các bị cáo nộp tiền, tương tự như cuối
năm doanh nghiệp giảm giá, xả hàng tồn kho.
Sáng 17-7, theo dự kiến, Viện Kiểm sát Nhân
dân TP Hà Nội sẽ đưa ra bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với cựu thứ
trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cùng 53 bị cáo. Thế nhưng, để “tạo điều kiện”
cho luật sư và các bị cáo thực hiện việc “cập nhật” tiền khắc phục hậu quả, Hội
đồng xét xử “chuyến bay giải cứu” tạm dừng phiên tòa (4).
Thủ thuật xử án cắt khúc và “nhân văn” lấy tiền
chuộc tội này, có công minh, thượng tôn pháp luật hay không, là chuyện đáng
bàn, nhưng ngân sách nhà nước sẽ thu được trên dưới trăm tỉ trong số tiền lẽ ra
phải thu hồi hoàn trả cho người bị hại.
Đáng lo ngại rằng, với nền pháp luật lỏng lẻo
mà ngay trong giai đoạn điều tra cả tướng lãnh, trưởng phòng điều tra, đều chạy
án hàng chục tỉ đồng, có bị cáo tố ngay tại tòa là sót người, lọt tội, thì liệu
giai đoạn xét xử lượng hình bỏ tiền mua tội tỉ tỉ đồng này, có phát sinh chuyện
ân tình?
Với các doanh nghiệp vi phạm thì đây là thương
vụ lãi đơn, lãi kép. Số tiền khắc phục hậu quả chỉ là phần nhỏ trong số tiền họ
đã cưỡng đoạt từ những khách hàng “Việt Kẹt”.
Giống như chuyện ngụ ngôn cáo và chồn tranh
nhau miếng thịt sư tử, phân xử bằng cách xơi trọn miếng mồi. Loại trừ quan hệ
dân sự giữa khách hàng “Việt Kẹt” và doanh nghiệp, phiên tòa chỉ phân chia lại
một phần số tiền mà các bị cáo đã cưỡng đoạt của người dân.
Trên Facebook cá nhân, Luật sư Đặng Bá Kỹ đã
nhận xét, “vụ án hình sự xảy ra, với những khoản tiền chung chi, với những
lời khai của các Bị cáo – Hoàn toàn có căn cứ để khẳng định rằng: Đã có việc đẩy
giá vé lên cao một cách bất thường, nhằm để Doanh nghiệp có những khoản tiền
chung chi. Hay nói cách khác, là các Bị cáo đã có hành vi biến tài sản hợp pháp
của Người dân trở thành ‘Công cụ phương tiện phạm tội’ trọng Vụ án hình sự đang
xét xử nêu trên. Hiểu na ná như: A trộm xe của B, sau đó dùng xe này đi cướp giật
tài sản của C, thì A phạm cùng lúc hai tội trộm cắp và cướp giật tài sản, riêng
chiếc xe là công cụ phương tiện phạm tội, nhưng vì là xe của B, B là bị hại
trong vụ án trộm cắp, nên phải trả lại xe cho B (Giả dụ lúc đầu xe là của A thì
xe này sẽ bị tịch thu)”.
Khởi tố vụ án cưỡng đoạt tiền của người “Việt Kẹt”?
Từ đó, Luật sư Đặng Bá Kỹ đưa ra 2 phương án
giải quyết tình huống này như sau:
“1. Khởi tố, điều tra thêm một Vụ án về lừa
đảo chiếm đoạt tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, mà trong đó Bị hại chính là những
Hành khách đã sử dụng dịch vụ: Để áp dụng được phương án này, phải có căn cứ để
chứng minh các Bị cáo đã đưa ra những thông tin gian dối, như kê khống các dịch
vụ không có, hoặc nâng khống giá lên nhằm dụ dỗ Khách hàng, rằng giá vé đó là hợp
lý (Hành vi khách quan của tội danh lừa đảo) hoặc có căn cứ để chứng minh các Bị
cáo đã có hành vi đe dọa, uy hiếp về tinh thần, khiến cho Khách hàng cảm thấy sợ
hãi, hoang mang mà miễn cưỡng chấp nhận mua giá vé cao (Hành vi khách quan của
tội cưỡng đoạt tài sản). Lưu ý là, ở đây chúng ta mới xác định phương hướng,
còn để vận dụng được, thì phải dựa trên các chứng cứ để chứng minh. Và khi những
Hành khách được xác định là Bị hại, và khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu
tài sản, thì việc trả lại tiền chênh lệch là điều hiển nhiên.
2. Khởi kiện vụ án dân sự, đề nghị Tòa án tuyên giao
dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội và bị cưỡng ép, đe dọa. Việc chứng minh
giao dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội trong trường hợp này, có lẽ không hề
khó trong tình huống này, với câu nói cửa miệng bình dân “Ăn trên xương máu đồng
bào trong dịch bệnh”, và chỉ cần nhiêu đó cũng đủ căn cứ pháp lý tuyên hợp đồng
vô hiệu, còn việc chứng minh có hành vi cưỡng ép, đe dọa chỉ tăng thêm phần
“sinh động” mà thôi. Khi Hợp đồng bị vô hiệu, hai bên phải hoàn trả lại cho nhau
những gì đã nhận, tất nhiên Khách hàng vẫn phải trả khoản tiền tương ứng với phần
dịch vụ đã sử dụng. Tức sẽ chỉ được nhận lại phần tiền chênh lệch, chứ không phải
nhận lại toàn bộ tiền.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, ngay cả khi áp dụng
được một trong những phương án trên, thì việc thực tế có nhận lại được tiền hay
không là một vấn đề bỏ ngỏ – Vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng thi hành án
của các Bị cáo, tức liệu còn tiền để hoàn trả hay không. Vì về nguyên tắc, những
khoản tiền các Bị cáo đã nộp lại trong Vụ án đang xét xử, là công cụ phương tiện
phạm tội trong vụ án này, sẽ bị tịch thu, sung vào ngân sách, mà không có chuyện
dùng để hoàn lại trong một Vụ án khác. Bởi tiền là vật cùng loại, không phải vật
đặc định như ví dụ về chiếc xe nêu trên (Có số khung, số máy, biển kiểm soát,
giấy đăng ký riêng), để khẳng định đó có phải là tiền mà các Bị hại trong vụ án
khác đã bị chiếm đoạt hay không – Dù có niềm tin nội tâm ‘Rằng tiền này là tiền
đó’! Tất nhiên về mặt chính sách, chủ trương, Nhà nước có thể xem xét, cân nhắc
về việc điều này – Tức không dựa trên quan điểm pháp luật, mà chỉ tính đến sự
nhân văn” (5).
Kiến giải của Luật sư Đặng Bá Kỹ có cơ sở pháp
luật, phù hợp lòng người. Có lẽ sự sáng suốt của Ban Chỉ Đạo phòng chống tham
nhũng của cụ Tổng thừa sức hiểu, thừa sức làm. Nếu đã có ý bảo vệ dân, bảo vệ sự
công minh của pháp luật, không cần phải tách ra thêm vụ án thứ hai mà phải đưa
hành vi cưỡng đoạt tài sản của người “Việt Kẹt” vào ngay trong vụ án này, bởi
chính nó mới là bản chất của hành vi phạm tội. Mong ước đúng đắn này không bao
giờ xảy ra.
Chỉ xét xử 5 tội danh trên cho thấy sự lựa chọn, quan điểm của đảng là:
Mặc xác dân đen!
________
Chú thích:
5- https://tinyurl.com/bd7nhca8
No comments:
Post a Comment