Việt
Nam cần tránh tư duy vĩ cuồng kiểu Trung Quốc
RFA
2023.07.17
Trong chuyến thăm của ông Phạm Minh
Chính sang Trung Quốc, 26-29/6/2023, Việt Nam công bố một bản tuyên bố chung. Bản tuyên bố chung cho biết Thủ
tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát Khu đô thị mới Hùng An ở Hà Bắc, cách Bắc
Kinh khoảng 100 km, hôm 28/6. Báo Nhân Dân tường thuật lời ông Chính
nói "Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng,
phát triển đất nước".
Thủ
tướng VN Phạm Minh Chính thăm Khu đô thị mới Hùng An, Trung Quốc. (TTXVN)
Chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính đến Khu đô thị mới Hùng An (Xiongan)
được một số chuyên gia quan tâm đến tình hình phát triển của Việt Nam chú ý. Bởi
lẽ khu đô thị này được Trung Quốc biết đến như một “đứa con cưng” Chủ tịch Tập
Cận Bình. Hôm 10/5/2023, ông Tập Cận Bình cũng đã đến thăm thành phố này. Ông Tập
nhấn mạnh rằng kế hoạch xây dựng thành phố này là “hoàn toàn đúng đắn”. Ông ca
ngợi những tiến độ xây dựng đã đạt được cho đến nay là “kỳ diệu”. Ông cũng kêu
gọi các quan chức “hãy củng cố niềm tin và duy trì quyết tâm”, và ông kéo theo
ba thành viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị quyền lực nhất Trung Quốc đi
cùng.
Lý do thứ hai khiến các nhà quan sát quan tâm đến chuyến thăm khu Hùng An
của ông Phạm Minh Chính là chính phủ của ông đã ký Quyết định Số: 700/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch
Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065. Quyết định này được ký 10 ngày trước khi
ông Chính đi thăm Trung Quốc, trong đó nhiều lần nhắc đến mục tiêu xây dựng thủ
đô Hà Nội thành “đô thị thông minh”.
Cần
tránh tư duy vĩ cuồng kiểu Trung Quốc
Một nhà quan sát chính sách phát triển của Việt Nam (không muốn nêu tên
vì lí do an ninh) chia sẻ với RFA từ Hà Nội rằng Trung Quốc vốn có truyền thống
tư duy vĩ cuồng trong các chính sách phát triển thể hiện qua những dự án như Đập
Tam Hiệp ,.... Thời Mao Trạch Đông, “đại nhảy vọt” là một kế hoạch vĩ cuồng khá
nổi tiếng. Trong kế hoạch năm năm 1958 - 1962, Mao đã quyết định biến Trung Quốc
nông nghiệp trở thành một nước cộng sản công nghiệp, bằng cách phải tạo một sản
lượng thép vượt nước Anh. Để thực hiện mục tiêu này, nông thôn, nông dân Trung
Quốc được huy động toàn bộ vật lực, nhân lực mình có vào việc sản xuất thép. Sản
lượng thép của họ quả thực đã vượt nước Anh, nhưng hoàn toàn vô dụng, không
dùng được vào việc gì, đồng thời khiến hàng triệu người chết vì nạn đói .
Theo nhà quan sát này, Khu đô thị Hùng An (Xiongan) của Tập Cận Bình có đầy
đủ tính chất của một đại dự án vĩ cuồng như vậy. Tính chất cơ bản của những dự
án vĩ cuồng ở Trung Quốc là tính chất duy ý chí, tính phi thị trường, nhắm đến
mục đích tạo hình ảnh hoành tráng về mặt tuyên truyền, và luôn gắn với ý đồ về
"di sản" và "sự nghiệp" của cá nhân lãnh tụ. Ông dẫn lời TS. Chen Ly ở Brookings Institution, một think tank ở
Washington DC, về đại dự án Hùng An của Tập Cận Bình. Tính
chất phi thị trường, duy ý chí là tính chất nổi bật của dự án này. TS. Chen Ly
còn so sánh dự án này với Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông thời kinh tế cộng sản. Đối
với dự án Hùng An ở Trung Quốc và quy hoạch Hà Nội của Việt Nam, nhà quan sát
này chỉ ra ở đây có một xu hướng chung giữa của các nước độc tài. Khu vực thủ
đô và xung quanh thủ đô thường được ưu tiên tập trung rất nhiều nguồn lực. Tại
Việt Nam, hàng ngàn km đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh biên giới, còn miền
Nam thì thiếu hụt hạ tầng nghiêm trọng.
Thẩm Quyến của Đặng Tiểu Bình được xây dựng trên một làng chài, nhưng nó
không duy ý chí vì đặt ngay bên cạnh Hong Kong. Đặng chỉ xây dựng hạ tầng, tạo
cơ chế tốt nhất cho tư nhân và nước ngoài đầu tư, giúp cho các nguồn lực từ
Hong Kong và các nơi khác chảy vào. Ngược lại, đối với dự án Hùng An của Tập
Cận Bình, TS. Chen Ly ở Brookings Institution chỉ ra là nhà nước Trung Quốc
đã lấn án mạnh mẽ vai trò của thị trường. Đổi mới công nghệ — ngành công nghiệp
mục tiêu của thành phố — có thể sẽ phải chùn bước trước các quy định quá mức và
cứng nhắc của chính quyền. TS. Chen Ly nói:
“Nếu chính phủ tiếp tục chi phối quá trình phân bổ
nguồn lực, thì nó sẽ bóp méo thị trường và bóp nghẹt các động lực đổi mới.”
Theo nhà quan sát đến từ Hà Nội nói trên, Trung Quốc có nguồn lực lớn nên
tuy bị ảnh hưởng lớn bởi các dự án vĩ cuồng nhưng họ vẫn đủ nguồn lực trong dân
để tiếp tục phát triển. Ngược lại, Việt Nam không đủ nguồn lực để có thể thất bại
hết lần này đến lần khác ở các mục tiêu phát triển.
TS. Nguyễn Lê Tiến ở
California cũng cho rằng Việt Nam cần tránh tư duy vĩ cuồng kiểu Trung Quốc, một
căn bệnh mà người Việt vốn bị lây nhiễm khá nặng. Những công ty như FPT vốn
không có nguồn lực căn bản trong ngành chip điện tử nhưng đã vội vã tuyên bố sẽ
đứng hạng này hạng kia trên thế giới, hoặc như VinFast vốn không có know-how
(tri thức chuyên ngành) trong lĩnh vực xe hơi nhưng lại đặt ra mục tiêu lật đổ
các ông lớn có nguồn lực về con người, tài chính, tri thức hùng hậu.
Một thanh niên địa phương (giữa) nói chuyện với
phóng viên Reuters về khu kinh tế đặc biệt thuộc khu đô thị Hùng An, tỉnh Hồ Bắc,
Trung Quốc hôm 6/4/2017. Reuters
Còn
nguy hiểm hơn cả vĩ cuồng
Trao đổi với RFA, một cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)
không muốn nêu tên cho rằng cái đáng lo ngại của Việt Nam không chỉ là nước này
lây nhiễm bệnh vĩ cuồng của Trung Quốc mà là vĩ cuồng nhưng
không làm gì được. Trung Quốc tuy duy ý chí nhưng từ khi học tập được tư duy
khoa học và cách tổ chức công việc cũng như văn hóa chuyên nghiệp của Phương
Tây thì họ có đủ năng lực để thực hiện những đại kế hoạch của mình. Điểm
mấu chốt trong các đại dự án duy ý chí của Trung Quốc là nói được, làm được.
Còn vấn đề lớn nhất của Việt Nam không phải là duy ý chí học theo Trung Quốc mà
là Việt Nam không làm được những gì mình nói.
Cựu quan chức IMF chỉ ra là trước khi có đại dự án Hùng An (Xiongan) của
Tập Cận Bình thì thời Đặng Tiểu Bình cũng đã có đại dự án Thâm Quyến. Dự án này
ban đầu cũng bị phê phán là duy ý chí. Nó nằm ngay bên cạnh Hong Kong, một
thành phố đã phát triển vượt bậc về tài chính, công nghệ, nó có thể nhận nguồn
lực từ Hong Kong nhưng cũng có thể bị Hong Kong cạnh tranh. Nhưng cuối cùng
Thâm Quyến từ chỗ là một làng chài còn hoang sơ chỉ trong một thời gian ngắn đã
phát triển thành một đại đô thị, với nhiều mặt còn vượt cả Hong Kong. Đó là nhờ
quyết tâm của Đặng Tiểu Bình không chỉ trong việc xây dựng hạ tầng cơ bản cho
đô thị này mà còn phá bỏ cơ chế và tư duy cũ, xây dựng một chính sách cởi mở rất
lớn cho nó.
"Đặng Tiểu Bình đã nói “mở” là ông ta “mở” thật." - Cựu
quan chức IMF nhận xét.
Trung Quốc duy ý chí nhưng cũng hoàn thành nhiều dự án lớn khác. Ví dụ
như đại dự án xây dựng mạng lưới đường bộ và đường sắt cao tốc. Ban đầu, đại dự
án này bị phê phán là duy ý chí, vì đổ một số tiền lớn xây dựng đường sắt cao tốc
đến những nơi chưa phát triển, dân thưa, không có hành khách, như vậy dự án
không theo nhu cầu thị trường. Nhưng Trung Quốc vẫn quyết tâm làm, và họ làm được
một mạng lưới đường sắt như vậy trong một thời gian ngắn. Đúng là về mặt thị
trường, mạng lưới này vẫn cần nhà nước bù lỗ vì những đoạn đường không có đủ
khách đi. Nhưng ngược lại, mạng lưới này đã giúp tăng cường sự thống nhất của
Trung Quốc, giúp kết nối các địa phương trên toàn quốc trong một mạng lưới giao
thông thống nhất, tức là họ nhắm đến mục đích chiến lược về chính trị và xã hội.
Vị cựu quan chức IMF nhấn mạnh:
“Một lần nữa, điều quan trọng nhất là Trung Quốc duy
ý chí, nhưng “nói được, làm được.”
Trở lại với Việt Nam, vị cựu quan chức IMF cho rằng vấn đề của nước này
không phải là học tập Trung Quốc. Học tập Trung Quốc trong những mục tiêu phát
triển kinh tế, khoa học công nghệ như họ đã làm được từ khi quyết định hội nhập
với Phương Tây về tri thức, kĩ năng, văn hóa và thị trường vậy là đúng. Vấn đề
của Việt Nam là không thể học hỏi được những mặt tích cực của Trung Quốc, không
thể làm được dù chỉ là một phần những gì họ đã làm.
Đúng là những mục tiêu Việt Nam đặt ra là phi thị trường và duy ý chí,
phi thị trường, nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn nhất. Vấn đề lớn nhất của nước
này là bộ máy không thể làm được những điều đó. Ngay cả việc hoàn thành dự án họ
cũng không làm nổi.
Có
sửa chữa được bệnh “đại khái” không?
Nguyên nhân của vấn nạn trên thì có nhiều, nhưng theo vị cựu quan chức
IMF, chưa bàn đến nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gần nhất nằm ở vấn đề tổ chức
bộ máy nhà nước và văn hóa công việc. Các bộ ngành của Việt Nam tổ chức chồng
chéo lên nhau, cơ quan nào cũng có thể can thiệp vào việc của bên kia hoặc đẩy
việc cho bên khác. Cách tổ chức bộ máy như vậy khiến cho bộ máy không thể tự vận
hành được, mà phải luôn chờ đợi mệnh lệnh của cấp cao. Trong khi đó, không có một
lãnh đạo cấp cao nào có thể theo sát công việc cụ thể của từng cơ quan cụ thể cả.
Bên cạnh đó là sự chồng chéo các lực lượng khác nhau trong cùng một cơ quan, đặc
biệt là chồng chéo giữa cơ quan Đảng và chính quyền. Về lý thuyết thì cách tổ
chức chồng chéo giữa Đảng và chính quyền để làm cho Đảng và chính quyền là một.
Tuy vậy, các mâu thuẫn quyền lực luôn tồn tại trong mọi tổ chức, cho nên trên
thực tế, không bao giờ hai cơ quan này có thể hoàn toàn là "một" do bị
sử dụng như những công cụ giải quyết các vướng mắc nội bộ. Ngoài ra, nguyên
nhân thứ hai là văn hóa làm việc. Vị cựu quan chức IMF chia sẻ kinh nghiệm cá
nhân:
“Khi tôi đi công tác Trung Quốc và Việt Nam, làm việc
với các cơ quan trung ương, tôi thấy cán bộ nhà nước của Trung Quốc quân tử nhất
ngôn. Họ đã hứa sẽ đưa tài liệu cho tôi thì chắc chắn họ sẽ đưa trước thời điểm
họ đã hẹn. Còn cán bộ Việt Nam thì hên xui, có khi thực hiện đúng lời hứa hoặc
có khi không làm. Khi hỏi lại thì mới "dạ dạ dạ, cháu quên", rồi xin
gửi lại sau.
Có nhiều nguyên nhân khiến bộ máy nhà nước của Việt
Nam không thể làm được dự án nào thành công, nhưng chỉ cần hai nguyên nhân nói
trên đã đủ để nước này thất bại trong mọi kế hoạch lớn rồi.”
Việt Nam có sửa chữa được cách tổ chức bộ máy nhà nước không? Các nhà
quan sát đều khẳng định rằng về tiềm năng thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng
làm được. Tổ chức lại bộ máy nhà nước cho khoa học hơn, không còn sự chồng chéo
về chức năng, là việc hoàn toàn do lãnh đạo nhà nước quyết định, nếu họ muốn và
nếu họ hiểu được vấn đề. Còn về văn hóa công việc, vị cựu quan chức IMF nói:
“Chúng ta thấy vẫn là con người Việt Nam đó nhưng
khi đi ra nước ngoài hoặc làm việc trong các công ty, tổ chức nước ngoài ở Việt
Nam thì đều trở nên chuyên nghiệp, còn đi vào cơ quan nhà nước thì dù ở trung
ương hay địa phương đều rất lề mề, đại khái. Câu hỏi đặt ra là tại sao con người
ta chỉ trở nên lề mề, dễ dãi trong công việc khi vào bộ máy nhà nước như vậy.
Đó mới chỉ là câu hỏi về khả năng tổ chức và văn hóa công việc, chưa bàn đến
tình trạng tham nhũng, hủ bại trong bộ máy.”
--------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI SỰ
Ngoại
giao Việt Nam với Trung, Mỹ, Nhật, những tín hiệu ‘ngược xuôi’ gửi ra và nhận dạng
thế nào
Thủ
tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư
Tàu
khảo sát Trung Quốc bám tại EEZ Việt Nam: Bắc Kinh muốn gì?
No comments:
Post a Comment