Friday, July 7, 2023

VÌ SAO TRUNG QUỐC TỪ CHỐI NỐI LẠI ĐƯỜNG DÂY LIÊN LẠC QUÂN SỰ VỚI HOA KỲ? (Minh ANh / RFI)

 



Vì sao Trung Quốc từ chối nối lại đường dây liên lạc quân sự với Mỹ ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 06/07/2023 - 16:40

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20230706-trung-quoc-tu-choi-noi-lai-duong-day-lien-lac-quan-su-voi-my

 

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày 18 và 19/06/2023, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tại Đại Lễ Đường Nhân Dân. Trong cuộc trao đổi ngắn này, lãnh đạo Trung Quốc và ngoại trưởng Mỹ đồng ý nối lại các kênh liên lạc cấp cao nhằm bình ổn mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ đã không thuyết phục được Bắc Kinh nối lại đối thoại quân sự cấp cao.

 

https://s.rfi.fr/media/display/121f556a-0209-11ee-835b-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23153452868250.webp

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề diễn đàn an ninh Shangri-La, Singapore, ngày 02/06/2023. AP - Vincent Thian

 

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết đã « nhiều lần » nêu vấn đề này nhưng đều bị từ chối. Những tháng gần đây, tổng thống Mỹ Joe Biden và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin cũng thường xuyên kêu gọi Trung Quốc tái lập các kênh liên lạc quân sự, nhưng không được đáp ứng.

 

Theo giải thích của hãng tin Mỹ AP, Trung Quốc biện minh cho việc từ chối khởi động lại các đường dây liên lạc quân sự là do những biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt năm 2018 chống lại Nga. Ông Lý Thượng Phúc bị chỉ trích có tham gia vào việc thúc đẩy Trung Quốc mua máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không của Nga.

 

Hoa Kỳ khẳng định các biện pháp trừng phạt không ngăn cản ông Lý tổ chức các cuộc đàm phán với quan chức Mỹ. Nhưng theo nhận định của ông Li Nan, chuyên gia cao cấp về chính sách quân sự Trung Quốc, đại học Quốc gia Singapore, Bắc Kinh chỉ đồng ý tham gia lại đối thoại nếu Washington có một hình thức khắc phục công khai dỡ bỏ trừng phạt.

 

Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi của RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS cho rằng đó còn là do những cách nhìn khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc kiểm soát khủng hoảng. Từ chối nối lại đối thoại còn là cách để Bắc Kinh gây áp lực với Washington trong nhiều hồ sơ.

 

                                                    ***

 

RFI Tiếng Việt : Trước hết, xin ông cho biết Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập những kênh liên lạc từ bao giờ và trong những lĩnh vực nào ?

 

Antoine Bondaz : Về mặt lịch sử, giữa Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều kênh liên lạc, thậm chí trước cả khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào cuối những năm 1970. Nhưng đến những năm 1980, 1990 và 2000, những kênh liên lạc này đã dần dần được thể chế hóa, cả ở cấp độ ngoại giao, quân sự và rồi đương nhiên rộng hơn nữa ở cấp độ cơ quan tình báo.

Những kênh liên lạc này, những đường dây điện thoại như người ta thường gọi, là cực kỳ quan trọng khi có khủng hoảng, bởi vì những kênh này cho phép tránh được một cuộc leo thang, nhất là do không hiểu nhau, hay do hiểu lầm giữa hai bên. Mục tiêu là cùng nhau xử lý thành công các cuộc khủng hoảng và tránh leo thang dẫn đến, chẳng hạn, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, thậm chí là một cuộc xung đột.

 

.

Trung Quốc đã ngưng những đường dây liên lạc quân sự vì những lý do gì ?

 

Antoine Bondaz : Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là mới, mà đã tăng vọt lên rất nhiều. Xin nhắc lại là vào tháng 8/2022, bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ lúc bấy giờ, đến thăm Đài Loan. Để đáp trả, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp làm gián đoạn một số đối thoại song phương với Mỹ. Đó là những gì xảy ra cho các cơ chế liên lạc quân sự, cũng như là các cơ chế đối thoại và hợp tác về chống biến đổi khí hậu.

 

.

Vì sao Hoa Kỳ tuyệt đối mong muốn tái lập các đường liên lạc quân sự ? Và tại sao Trung Quốc vẫn luôn từ chối đề nghị này của Mỹ ?

 

Antoine Bondaz : Tôi cho rằng có hai quan điểm, từ phía Washington và từ Bắc Kinh, về việc xử lý khủng hoảng. Washington muốn tái lập những kênh liên lạc này để có thể quản lý các cuộc khủng hoảng.

Về phía Bắc Kinh, cách nhìn hơi khác một chút. Họ tự nhủ rằng Mỹ chỉ muốn quản lý chứ không phải là để ngăn chặn khủng hoảng, và sự hiện hữu của những kênh liên lạc này có nguy cơ khuyến khích Mỹ đi xa hơn một chút, chẳng hạn như quan điểm của Mỹ về hồ sơ Đài Loan, bởi vì Mỹ biết rằng sau cùng đã có những cơ chế mà họ gọi là "giảm xung đột", những cơ chế xử lý khủng hoảng. Do vậy, mục tiêu của Trung Quốc, chính là gây áp lực lên Hoa Kỳ nhằm tránh bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Trong mọi trường hợp, đây là cái nhìn của Trung Quốc, và là để đề phòng những biến động.

Tóm lại, ở đây có hai quan điểm : Hoa Kỳ muốn trên hết là quản lý khủng hoảng, còn Trung Quốc thì muốn phòng ngừa, và do vậy, chiến lược của bên này đối với bên kia là hoàn toàn khác nhau.

 

.

Phải chăng Mỹ cũng muốn tránh những sự cố như năm 2001, vụ va chạm giữa hai máy bay quân sự đã làm thiệt mạng một phi công Trung Quốc ?

 

Antoine Bondaz : Từ đầu những năm 2000 nhiều sự cố giữa Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra. Người ta nhớ đến vụ va chạm giữa một máy bay trinh thám của Mỹ và chiếc tiêm kích Trung Quốc năm 2001, làm thiệt mạng một phi công Trung Quốc. Cuối năm 2000, hai tầu chiến của Mỹ và Trung Quốc suýt đâm nhau. Rõ ràng, nguy cơ xảy ra sự cố vẫn tồn tại và thậm chí ngày càng nhiều, bởi vì căng thẳng trên bình diện chính trị không ngừng gia tăng.

Do vậy, mục tiêu, trong trường hợp xảy ra những sự cố mà không thể lúc nào cũng ngăn chặn được, là quản lý, không chỉ tránh để xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc, mà còn tránh được một sự leo thang. Đó là lý do vì sao các kênh liên lạc ở cấp độ quân sự có một tầm quan trọng, bởi vì khi xảy ra khủng hoảng, điều cần thiết là phải có phản ứng cực kỳ tích cực, có khả năng bắt liên lạc nhanh chóng với bên kia, không những để hiểu chuyện gì đã xảy ra, mà còn có thể dự đoán tốt hơn các phản ứng, chiến lược và kỳ vọng của bên kia, và một lần nữa là tránh một cuộc khủng hoảng không cần thiết.

 

.

Nếu các tùy viên quân sự đại sứ quán tiếp tục trao đổi với nhau về hoạt động gián điệp, Trung Quốc dường như không sẵn sàng thảo luận về không phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc chiến tranh trong không gian. Liệu lập trường này có thể thay đổi trong trường hợp Mỹ có những nhượng bộ (đối với Đài Loan, về lệnh trừng phạt… chẳng hạn) ?

 

Antoine Bondaz : Ở đây liên quan đến nhiều điểm. Thứ nhất, các tùy viên quân sự Trung Quốc ở nước ngoài nói chung đều xuất thân từ tình báo quân sự. Công việc của họ không chỉ về mặt chính thức tạo thuận lợi cho đối thoại và trao đổi quân sự giữa Trung Quốc và một nước khác, mà còn là thu thập thông tin. Bản thân việc này cũng không hẳn đáng chỉ trích, vì mỗi bên, Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước khác đều tìm cách thu thập thông tin. Tuy nhiên, các chiến lược thu thập thông tin tình báo có thể sẽ khác nhau.

Ở đây còn có vấn đề thứ hai liên quan đến những chủ đề thảo luận có thể xử lý được giữa Washington và Bắc Kinh. Phía Mỹ lo lắng về đà hiện đại hóa quân sự và nhất là việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Từ nhiều năm qua, Washington đã tìm cách đề cập trực tiếp vấn đề này, nhưng đều bị Bắc Kinh từ chối. Ví dụ như Bắc Kinh đã từ chối đối thoại ba bên về kiểm soát vũ khí.

Chúng ta đã từng thấy một cuộc đối thoại lịch sử giữa Washington và Matxcơva, mặc dù rõ ràng là trong những năm gần đây, cuộc đối thoại này đã bị ảnh hưởng đáng kể do việc chấm dứt hiệp ước New Start, chấm dứt hiệp ước Open Sky v.v… Thế nên, trong vài năm gần đây, Trung Quốc luôn từ chối cuộc thảo luận ba bên này.

Rồi rộng hơn nữa, còn có sự từ chối của Trung Quốc trên bình diện song phương, đề cập đến vấn đề này với một lập luận rằng tầm mức kho vũ khí của Bắc Kinh không bằng của Washington, rằng kho vũ khí của Mỹ nhiều hơn gấp 20 lần kho vũ khí được cho là của Trung Quốc. Do vậy, không có lý do gì để có một cuộc đối thoại nhằm hạn chế năng lực của Trung Quốc, vốn dĩ yếu hơn năng lực của Mỹ rất nhiều.

 

.

Rộng hơn nữa, ông nhận định như thế nào về chuyến công du Bắc Kinh của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ? Liệu chúng ta có thể so sánh sự kiện này so với những gì đã xảy ra vào năm 1972, thời điểm Hoa Kỳ bắt đầu chìa tay hòa dịu với Trung Quốc để chống Liên Xô ?

 

Antoine Bondaz : Tôi nghĩ rằng thời đại nay đã khác hoàn toàn so với đầu những năm 1970. Ngày nay, giữa Washington và Bắc Kinh đã có quan hệ ngoại giao. Đôi bên có những căng thẳng mang tính cấu trúc và không ngừng phát triển. Vì vậy, điều cần thiết là phải xử lý thế đối kháng, kình địch và sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa hai đại cường.

Liệu việc nối lại đối thoại qua chuyến thăm này của ông Blinken được tiến hành để nhắm vào một nước chăng ? Tôi nghĩ là không. Sự kiện này không giống như những gì diễn ra trong những năm 1970 nhắm vào một nước thứ ba khi ấy là Liên Xô. Một lần nữa, chuyến đi này của ông Blinken thật sự là để giải quyết mối quan hệ song phương, giải quyết những bất đồng và những căng thẳng mang tính cơ cấu và ngày càng lớn giữa hai nước.

Tiếp đến, chuyến thăm rõ ràng là được hoan nghênh, đối thoại và gặp nhau là điều tốt, nhưng kết quả là có hạn và kỳ vọng cũng bị hạn chế. Do vậy, việc nối lại đối thoại là đáng mừng, và hữu ích. Liệu rằng điều đó có sẽ làm thay đổi một cách cơ bản mối quan hệ song phương hay không ? Xin thưa là « Không ». Mặt khác, điều đó có khả năng giúp cải thiện việc xử lý những tranh chấp và xử lý hàng ngày mối quan hệ song phương.

 

.

Một mặt hai bên kêu gọi ổn định quan hệ, nhưng mặt khác, Bắc Kinh và Washington không ngừng có những phát biểu và biện pháp khiến căng thẳng gia tăng. Ông giải thích như thế nào về tình trạng này ?

 

Antoine Bondaz : Điều quan trọng đối với hai nước không phải là không có cạnh tranh hay không có đối đầu. Cả hai nước này đều ý thức rằng, về mặt cấu trúc, họ sẽ ngày càng đối lập nhau hơn, và cuộc cạnh tranh, thái độ kình địch và thậm chí đối đầu sẽ gia tăng. Điều cần thiết là phải quản lý cuộc đối đầu này và vấn đề đặt ra ở đây không phải là những căng thẳng, mà là kiểm soát những căng thẳng.

Tôi nghĩ rằng có một sự quan tâm của hai bên ngay cả khi không có sự tin tưởng lẫn nhau, rằng vẫn có những khả năng để quản lý những căng thẳng, tránh được một cuộc leo thang, vì cả hai quốc gia này chẳng có bất kỳ lợi ích nào trong đó.  

 

.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

MỸ - TRUNG - QUÂN SỰ

Trung Quốc bác đề nghị của Mỹ về cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước

 

QUAN HỆ MỸ - TRUNG

Mỹ tỏ thiện chí tái lập các kênh thông tin ở cấp cao với Trung Quốc

 

 




No comments: