Friday, July 28, 2023

VỀ MỘT NGÀY (Nguyễn Thông)

 



Về một ngày

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

26-7-2023  21:32   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02Y9RAeok73p7KjMf5ZXn96h8Rgw6EuKK15bwcr2QnxeRD1xm9sKGJLmBrkBN6Yk93l&id=100024722048900

 

Căn theo lịch hằng năm và lịch sử thời nay, cứ vào cữ tháng 7 tây, xã hội này lại gợi mở những ký ức thời chiến tranh. Dù chỉ có ngày 27.7 được gọi là ngày Thương binh liệt sĩ nhưng dường như suốt cả tháng người ta chộn rộn về sự kỷ niệm. Đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ người đã khuất, gợi những nỗi đau, thậm chí cả những tủi hờn…, đủ cả.

 

Mỗi cuộc chiến tranh, dù từng bên tự nhận mình là gỉ gì gì đi chăng nữa, cũng không thoát khỏi cái kết cục “được làm vua, thua làm giặc”, bên thắng cuộc và bên thua cuộc. Nhẽ ra đánh nhau xong thì thôi, nhất là với những cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, cần quên đau thương bi kịch đi để mà hòa hợp, xoa tay làm lành, nhưng thể chế này có vẻ không thích vậy. Mỗi năm vẫn rầm rĩ kỷ niệm Mậu Thân 68, ngày 30.4, trận này trận nọ, tạc bia dựng tượng, hội nghị hội thảo, cờ đèn kèn trống, khẩu hiệu băng rôn. Thương binh, liệt sĩ là những người có công, dĩ nhiên phải được chăm chút, báo ơn, nhưng rầm rĩ quá lại thành sự khoét sâu nỗi đau của nhiều triệu người, cả triệu gia đình bên thua cuộc. Họ cũng bị đẩy vào cuộc chiến tranh như bên thắng vậy, chỉ có điều họ bị thua. Chỉ khi nào sự phân định công tội rạch ròi tới mức tàn nhẫn như hiện nay, sự đối xử “ta, địch” nhạt đi, thậm chí chấm dứt, thì mới mong hàn gắn hẳn vết thương lòng, cùng nhau đi tới tương lai.

 

Nói như thế không có nghĩa phủ nhận quá khứ và những điều tốt đẹp. Một nước chiến tranh ròng rã mấy chục năm trời, lính chết trận nhiều vô kể. Chỉ riêng bên thắng cuộc, nghĩa trang liệt sĩ bạt ngàn. Hầu như xã nào cũng có. Xã quê tôi bé tí, vài ngàn dân, mà liệt sĩ vài trăm. Chính ông đương kim thủ tướng hồi tháng 7 năm ngoái cũng “thừa nhận” không đâu nhiều nghĩa trang liệt sĩ như quân khu 4, như đất nước ta. Tôi nghĩ có thể ông hơi bị nhầm bởi nơi nào cũng nhiều, nhất là miền Nam. Chiến tranh ác liệt chủ yếu diễn ra ở miền Nam, bộ đội miền Bắc "lớp cha trước lớp con" sau lũ lượt kéo vào Nam để “giải phóng”. Tỉnh thành, huyện thị nào ở miền Nam cũng có nghĩa trang để bộ đội bắc gửi thân, ngược lại ở miền Bắc không có nghĩa trang nào chôn lính cộng hòa cả. Lại nhớ chuyện một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Khi có ông lớn tứ trụ vào làm việc với tỉnh, quen mồm yêu cầu tỉnh phải phát huy tiềm năng, thế mạnh (đi tới bất cứ tỉnh thành nào, ông ấy đều đòi vậy), nghe thế, vị lãnh đạo tỉnh bèn ôn tồn mà rằng, thưa trung ương, Quảng Trị lâu nay là tỉnh nghèo, nghèo bền vững, ít được trung ương chú ý quan tâm. Tỉnh cũng có tiềm năng thế mạnh, nhưng tiềm năng của địa phương này là hài cốt liệt sĩ, thế mạnh là nghĩa trang liệt sĩ. Nghĩ mà buồn.

 

Hôm nay đã 27.7 rồi, theo quán tính nghĩ ngay là ngày Thương binh liệt sĩ. Tôi từng có vệt bài về nghĩa trang liệt sĩ (để coi xem, nếu lâu quá rồi thì đưa lên lại), anh ruột tôi là thương binh, chú ruột tôi là liệt sĩ, người trong họ là liệt sĩ, thương binh quá nhiều. Tôi không ca ngợi cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, dứt khoát không, nhưng luôn thương tiếc, cảm phục những người đã cống hiến, hy sinh, đã "gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao"; luôn trân trọng những người thời hậu chiến đã sống có nghĩa có tình.

 

Nguyễn Thông

======================

 

Lịch sử hiện đại: Chiến tranh và cách mạng

15-11-2021   20:21   

https://www.facebook.com/Lichsuhiendai/posts/pfbid02QuPupafzNvv2QW2svR1nyEsH8kcXiwwSUHPaptKVEh2VNxLDYvKoKojea99y7DWCl

 

Nước Mỹ sau nội chiến và bài học hòa hợp dân tộc

 

Năm 1860, Abraham Lincoln đắc cử trong cuộc bầu Tổng thống Mỹ thứ 16. Lập tức 11 tiểu bang ở miền Nam còn giữ chế độ nô lệ tuyên bố ly khai và lập lên “Liên minh các tiểu bang Mỹ” (Confederate States of America) và cử Jefferson Davis làm Tổng thống của miền nam. Ở miền Bắc, 25 tiểu bang còn lại ủng hộ chính phủ Liên bang (Union) do Tổng thống Abraham Lincoln lãnh đạo. Cuộc nội chiến Nam Bắc coi như không thể cứu vãn, mặc dù ông đã cố công tìm cách hàn gắn. Tiếng súng đầu tiên bắt đầu nổ vào ngày 12/4/1861, khi quân miền Nam tấn công vào đồn Sumter ở Nam Carolina do quân miền Bắc trấn giữ.

XEM TIẾP >>>>>  

 





No comments: