Tuesday, July 25, 2023

VẤN NẠN TRẺ EM CHẾT ĐUỐI KHÁ NGHIÊM TRỌNG HẰNG NĂM Ở VIỆT NAM (Người Việt)

 


Vấn nạn trẻ em chết đuối khá nghiêm trọng hằng năm ở Việt Nam

Người Việt

July 24, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/van-nan-tre-em-chet-duoi-kha-nghiem-trong-hang-nam-o-viet-nam/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chết đuối trên sông trên hồ mỗi năm gần 2,000 người được coi như là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu làm trẻ em thiệt mạng tại Việt Nam.

 

Ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ Em của Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam, cho hay như vậy nhân dịp “Ngày hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em” tổ chức ở Hà Nội diễn ra cuối tuần qua, từ 22 đến 23 Tháng Bảy.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/VN-chet-duoi-3-ong-chau-TraBong-NNLD-061623.jpg

Dân địa phương và nhóm thợ lặn tìm kiếm ba ông cháu chết đuối ở sông Trà Bồng, Quảng Ngãi. (Hình: Người Lao Động)

 

Con số trẻ em chết đuối hằng năm mới được ông Nam đưa ra thấp hơn so với con số được nêu ra cuối năm ngoái cũng từ các bản báo cáo của chức sắc nhà nước, chứng tỏ chẳng có gì hoàn toàn đáng tin cậy.

 

Báo VOV ngày 15 Tháng Mười Hai, 2022, tường thuật buổi hội thảo do Ban Tuyên Giáo Trung Ương phối hợp với Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội tổ chức đề tài “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em” cho biết: “Tại Việt Nam, trên 2,000 tử vong do đuối nước mỗi năm.” VOV còn thuật thêm, Việt Nam là nước có tỉ lệ trẻ em chết đuối “cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.”

 

Dù sao, thảm kịch trẻ em chết đuối trên sông trên hồ, thậm chí ở cả những vũng nước nhỏ, cũng rất nghiêm trọng tại Việt Nam. Không ngày nào là không thấy tin trẻ em bị chết đuối đâu đó tại Việt Nam.

 

Khi báo chí nhà nước dẫn lại lời phát biểu của ông Đặng Hoa Nam ở bàn hội nghị do nhà nước tổ chức thì báo VietNamNet hôm Thứ Hai, 24 Tháng Bảy, cho hay, trưa cùng ngày, một nhóm trẻ em vui chơi tắm mát trên sông Kinh, đoạn chảy qua khu vực cầu Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, Sài Gòn, thì có “hai bé trai (9 tuổi và 14 tuổi) bất ngờ bị đuối nước, mất tích.” Sau hơn một giờ tìm kiếm, thợ lặn mới vớt được thi thể các nạn nhân.

 

Trước đó, hôm16 Tháng Bảy, ba ông cháu dắt nhau đi tắm sông Dâu, một nhánh của sông Trà Bồng, Quảng Ngãi, “lúc chạng vạng tối” thì không may đều bị chết đuối. Thống kê của huyện Trà Bồng cho hay từ đầu năm đến nay đã xảy ra sáu vụ chết đuối với 10 nạn nhân.

Ngày 12 Tháng Bảy, một bé trai 5 tuổi chết đuối tại nhà hàng tiệc cưới ở xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trước đó, ngày 29 Tháng Năm, hai anh em sinh đôi 14 tuổi đi bắt cá ven sông Cổ Chiên, Vĩnh Long, bị chết đuối, trong khi ba chị em gái ở tỉnh Đồng Tháp đi tắm sông cũng chết đuối, theo tin VietNamNet.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/VN-chet-duoi-2-be-trai-Saigon-VNN-072423.jpg

Khu vực sông Kinh ở huyện Nhà Bè, Sài Gòn, nơi xảy ra vụ hai trẻ em chết đuối. (Hình: VietNamNet)

 

Cuối Tháng Bảy năm ngoái, khi 10 bộ ngành của nhà cầm quyền họp hành ký kết với nhau “kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030,” người ta thấy báo cáo rằng chỉ trong một tháng Hè có 100 vụ chết duối với 142 nạn nhân trẻ em.

 

Nhà cầm quyền ngày 22 Tháng Bảy năm ngoái đã gửi “công điện khẩn” tới chính quyền các địa phương thúc giục tăng cường các biện pháp “phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em.” Các báo mạng địa phương theo nhau lập lại những lời kêu gọi đó nhưng tin tức tai nạn chết đuối vẫn thấy rất thường trên báo mạng. (TN) [qd]

 






No comments: