Phiên tòa bi hài nhất lịch sử tư pháp Việt Nam cho đến thời điểm này, vẫn đang diễn ra. Loại bỏ các âm thanh chối tai, gây nên bởi những kẻ vừa thất đức vừa thất học mà thực tế là những kẻ đầu đường xó chợ khoác áo quan chức, tôi thấy nhiều tiếng nói bi thương, ai oán vọng ra từ đó mang âm điệu kêu cứu, cần được cả xã hội lắng nghe.
Nó khiến chúng ta không thể không suy nghĩ một cách nghiêm túc, không chỉ về những gì đang chứng kiến.
Chúng ta thấy hầu hết đối tượng nhận hối lộ trong vụ án là quan chức, đại diện cho chính quyền nhà nước.
Nếu ông ta hay bà ta không nắm trong tay chút quyền lực nhà nước, sẽ không có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Vì vậy, với những trường hợp này, việc ĐƯA HỐI LỘ, về bản chất là MUA quyền lực, MUA luật pháp. Người đại diện cho nhà nước không có gì khác để ngã giá, đổi chác, mua bán ngoài quyền lực mà nhà nước trao cho ông hay bà ta.
Trong khi đó, như những gì chúng ta vẫn nói, mọi quyền lực thuộc về nhân dân.
Vậy là việc đưa hối lộ ở đây có thêm mầu sắc bi hài bởi người dân phải bỏ tiền mua lại thứ của chính mình một cách lén lút và luôn bị ép giá.
Không ai tự nhiên lại bỏ tiền để biến cả chính mình cũng thành phi pháp khi chạm vào tài sản của mình, nếu không vì bị bức bách.
Trừ ra một số ít trường hợp người đưa hối lộ nhằm tới việc chủ động thao túng lợi ích và do đó CHỦ ĐỘNG PHẠM TỘI, còn lại trong đa số trường hợp, việc đưa hối lộ (không chỉ trong vụ án này) mang tính chất của một hành động MƯU CẦU THỤ ĐỘNG: Mưu cầu sự thuận lợi trong công việc (cho mình và cho người thân), mưu cầu lợi ích (để không bị ngăn cản làm ăn, nhiều khi bằng những hành vi phi pháp của người thi hành công vụ nằm ngoài khả năng phòng trừ của mình), mưu cầu sự bình an (không bị làm phiền), thậm chí là mưu cầu sự sống còn (trong trường hợp hối lộ để được bảo vệ khỏi kẻ ác tấn công, để được bảo đảm mạng sống, được cứu chữa bệnh kịp thời mà nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong…)
Và thế là trong một số trường hợp, việc đưa hối lộ, bi hài thay, lại đồng nghĩa với hành vi đạo đức, sự hiếu thảo? Chẳng hạn, nhờ làm thế mà cứu được người thân khỏi hiểm nghèo.
Hãy xét đến trường hợp người muốn thực thi pháp luật không còn con đường nào khác, con đường đáng lẽ họ luôn phải có, thì hành vi đưa hối lộ của họ là hành vi của người cùng đường tìm cách giảm thiểu rủi ro. Một kiểu phòng vệ chính đáng. Họ có quyền không thể tranh cãi khi làm việc đó.
Nhưng vì làm thế mà họ phạm tội, xét theo tiêu chuẩn và những quy định pháp lý hiện hành. Vấn đề rút lại chỉ là: Tại sao tồn tại một môi trường xã hội không thể rạch ròi về hành vi mang tính đối nghịch rõ ràng? Việc biến quyền lực thành thứ có thể thoả thuận, mua bán, đổi chác ngay ngoài đường ngoài chợ…là lỗi của cơ quan nhà nước, của những người nắm giữ quyền lực nhà nước (họ không bán thì chẳng ai có thể mua được), chứ không phải từ phía người dân bình thường. Nói khác đi hành vi nhận hối lộ là hành vi bán đứng quyền lực nhà nước, bán đứng nhân dân mà mình là đại diện.
Người nhận hối lộ do đó đã phạm hai tội một lúc: Bán thứ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP, và bán thứ KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH. Tức là cùng lúc những người đó tham nhũng cả tiền bạc, luật lệ và đạo đức.
Không công dân nào có thể sống ngay thẳng, minh bạch trong một môi trường mà những kẻ đại diện cho mình lại vô liêm sỉ như vậy. Và cách mà họ dùng tiền để loại bớt rủi ro do những kẻ đó gây ra, vẫn chưa phải là cách tiêu cực nhất.
Pháp luật là những nguyên tắc, mang tính khuôn phép, nhưng trước hết nó cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự khôn ngoan, công bằng của cộng đồng.
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10227389756147210&set=pcb.10227389757307239
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10227389756987231&set=pcb.10227389757307239
.
No comments:
Post a Comment