NỘI
DUNG :
Tổng
thống Ukraina tuyên bố cần ‘‘vô hiệu hóa’’ cầu Crimée
Trọng
Thành - RFI
Nga
tập trận bắn tên lửa chống hạm ở Biển Đen : LHQ báo động nguy cơ leo thang
chiến tranh
Thanh Hà - RFI
Rút
khỏi thỏa thuận ngũ cốc chỉ là chiến lược đàm phán của Nga ?
Chi Phương
- RFI
=======================================================
.
Tổng
thống Ukraina tuyên bố cần ‘‘vô hiệu hóa’’ cầu Crimée
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 22/07/2023 - 11:37
Trong bài phát biểu trực tuyến tại một
diễn đàn về an ninh, hôm qua 21/07/2023, tổng thống Ukraina khẳng định cầu
Kerch bắc từ Nga qua bán đảo Crimée, cũng thường được gọi là ‘‘cầu Crimée’’, là
một mục tiêu tấn công hợp pháp, bởi đây là cây cầu phục vụ cho cuộc xâm lăng của
Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nhắc lại mục tiêu ‘‘thu hồi lại toàn bộ
bán đảo Crimée’’, bị Nga sát nhập từ năm 2014.
Trực thăng chữa cháy sau vụ nổ trên cầu nối đất Nga
với bán đảo Crimée ngày 08/10/2022. AP
Theo Le Monde, phát biểu tại Aspen Security Forum, diễn đàn an ninh và
chính trị quốc tế tổ chức hàng năm vào mùa hè tại Colorado (Hoa Kỳ), tổng
thống Ukraina khẳng định:
‘‘Cầu Crimée không chỉ là một tuyến đường
vận tải thông thường. Đây là con đường được sử dụng hàng ngày để cung cấp đạn
dược phục vụ cho chiến tranh, và quân sự hóa bán đảo Crimée. Đây là một cơ sở
mà kẻ thù xây dựng bất chấp luật pháp quốc tế, vì vậy rõ ràng đó có thể là một
mục tiêu (tấn công)’’. Lãnh đạo Ukraina nhấn mạnh: ‘‘Mọi phương tiện
phục vụ cho chiến tranh đều cần phải được vô hiệu hóa’’.
Cầu Crimée dài hơn 18 km, được khánh thành năm 2018, 4 năm sau khi Nga
sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Cầu gồm hai phần, phần đường sắt và phần
đường cho xe cộ. Cầu được thiết kế cho khoảng 40.000 xe qua lại mỗi ngày. Ngày
17/07 vừa qua, một dầm cầu đường bộ bị sập, sau một vụ tấn công bằng drone.
Theo AFP, tình báo (SBU) và Hải quân Ukraina khẳng định đứng sau cuộc tấn công,
theo một thông tin từ cơ quan tình báo Ukraina SBU.
Đây là lần thứ hai cầu Crimée bị tấn công. Cuộc tấn công đầu tiên vào
tháng 10/2022, bằng xe chứa thuốc nổ, đã khiến cả hai cầu đường bộ và đường sắt
bị hư hại. Vào thời điểm đó, chính quyền Ukraina không chính thức thừa nhận là
tác giả vụ tấn công. Nga phải mất nhiều tháng để khôi phục lại giao thông trên
tuyến đường huyết mạch này.
Bulgarie
lần đầu tiên viện trợ xe bọc thép cho Ukraina
Khoảng một trăm xe bọc thép sẽ được Sophia viện trợ cho Kiev. Quốc Hội
Bulgarie hôm qua, 21/07/2023, thông qua quyết định này với đa số áp đảo (148
phiếu thuận, 52 phiếu chống). Đây là các xe bọc thép chuyển quân BTR, do Liên
Xô chế tạo, được Bulgarie mua từ những năm 1980, nhưng chưa bao giờ sử dụng.
Đảng Xã Hội đối lập (PSB), hậu thân của đảng Cộng Sản cầm quyền thời Chiến
tranh Lạnh và đảng cực hữu thân Nga Vazrajdane, phản đối quyết định này. Đảng
Vazrajdane gọi đây là một sự ‘‘phản bội’’ và ‘‘nỗi ô
nhục’’.
Tổng thống Ukraina đã đến Sophia hồi đầu tháng 7/2023 để vận động chính
quyền Bulgarie tăng tốc hỗ trợ vũ khí. Sau chuyến đi của ông Zelensky, chính phủ
Bulgarie đã thông báo một gói viện trợ chưa từng có. Theo AFP, tại quốc gia thuộc
khối cộng sản cũ này, việc cung cấp vũ khí cho Kiev gây chia rẽ trong xã hội.
Chính quyền tiền nhiệm không muốn can dự vào cuộc xung đột tại Ukraina.
-------------------------------------------
.
Nga
tập trận bắn tên lửa chống hạm ở Biển Đen : LHQ báo động nguy cơ leo thang
chiến tranh
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 22/07/2023 - 11:15
Matxcơva thông báo huy động tên lửa chống
hạm tập trận tại khu vực tây bắc Biển Đen và đe dọa mọi tàu bè cập cảng Ukraina
trong vùng biển này, kể cả tàu dân sự. Phát biểu trước Hội Đồng Bảo An,
hôm 21/07/2023, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ chiến tranh lan
rộng vì một « sự cố quân sự ».
Cuộc tập trận tại Biển Đen hôm 21/07/2023. Ảnh do bộ
Quốc Phòng Nga cung cấp (Russian Defense Ministry Press Service via AP) AP
Theo AFP, phó tổng thư lý Liên Hiệp Quốc, bà Rosemary DiCarlo, nhấn mạnh « đe
dọa nhắm cả vào tàu dân sự ở Biển Đen là điều không thể chấp nhận được (…)
bằng mọi giá cần tránh để xảy ra nguy cơ xung đột lan rộng vì đáp trả một sự cố
quân sự ở Biển Đen, sự cố đó có thể do cố ý hay vô tình », bởi vì kịch
bản chiến tranh leo thang sẽ là « một tai họa đối với tất cả chúng
ta ». Lời lẽ cứng rắn này được đưa ra vào lúc bộ Quốc Phòng Nga
thông báo bắt đầu tập trận tại Biển Đen và huy động « tên lửa chống
hạm » trong các bài tập phá hủy một mục tiêu.
Thỏa
thuận ngũ cốc Ukraina : Kiev trông cậy nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng chung quanh vùng biển này đã dấy lên từ đầu tuần khi Matxcơva
tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraina, rồi dọa xem tất cả các tàu bè cập
các bến cảng Ukraina là những mục tiêu tiềm tàng, xem đó có thể là những tàu chở
trang thiết bị quân sự. Để đáp trả, Kiev cũng đã đưa ra lời đe dọa « tương
tự » nhắm vào tàu thuyền giao dịch với Nga ở Biển Đen.
Cũng liên quan đến hành lang ngũ cốc Ukraina, tổng thống Volodymyr
Zelensky tối 21/07 đã có cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Recep
Tayyip Erdogan là người đỡ đầu thỏa thuận cho phép Ukraina xuất khẩu nông phẩm
từ tháng 07/2022 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, tránh để nổ ra một cuộc khủng
hoảng lương thực cho thế giới. Kiev cho biết đã kêu gọi Ankara « phối
hợp nỗ lực để tiếp tục thực thi các điều khoản trong thỏa thuận ngũ cốc ».
-----------------------------
.
Chiến
tranh Ukraina: Biển Đen lại trở thành điểm nóng của cuộc xung đột
Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 21/07/2023 - 15:16
Kể từ hôm nay, 21/07/2023, mọi con tàu
trên Biển Đen hướng đến các cảng tại Nga hay các vùng lãnh thổ Ukraina bị Nga
chiếm đóng đều bị Kiev coi là có khả năng chuyên chở hàng quân sự và có thể bị
tấn công. Hôm qua, Matxcơva cũng ra một cảnh báo tương tự, nhưng nhắm vào tàu
thuyền hướng đến các cảng Ukraina. Các quyết định nói trên là dấu hiệu mới nhất
về nguy cơ Biển Đen biến thành một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh Ukraina.
Tàu chiến của Nga tại Biển Đen. Ảnh do bộ Quốc Phòng
Nga cung cấp ngày 21/07/2023. via REUTERS - RUSSIAN DEFENCE MINISTRY
Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga hôm 19/07 đã đồng hóa mọi tàu thuyền
đi đến các cảng Ukraina với các tàu quân sự và xem các nước chủ tàu là bên tham
chiến bên cạnh Ukraina. Hàm ý của quyết định trên là kể từ nay mọi loại tàu
thuyền của Ukraina và những nước khác khi tới các cảng Ukraina ở Biển Đen đều
có thể bị Nga tấn công.
Đối với Hoa Kỳ, quyết định của Nga rất nguy hiểm vì cho phép Matxcơva mở
rộng “mục tiêu (tấn công) nhắm luôn cả vào tàu dân sự” để rồi “đổ lỗi cho
Ukraina”. Khi tố cáo như trên, Adam Hodge, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh
Quốc Gia Mỹ, dựa vào các thông tin tình báo vừa được giải mật, theo đó Nga đã
cài thêm thủy lôi ở lối ra vào các cảng Ukraina.
Để trả đũa, Ukraina cũng tuyên bố sẽ coi các tàu ở Biển Đen đi tới Nga là
“tàu quân sự”, đồng thời yêu cầu thành lập “các đội tuần tra quân sự” trên biển
đặt dưới quyền bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là với sự tham gia của Thổ
Nhĩ Kỳ, để tiếp tục công việc xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Ngành
bảo hiểm rút lui
Tuy nhiên tình hình căng thẳng đã bắt đầu phát sinh tác hại. Theo hãng
tin Pháp AFP, ông Frédéric Denefle, tổng giám đốc tập đoàn Garex, chuyên bảo hiểm
các rủi ro liên quan đến các cuộc xung đột, hiện thời “không còn chủ tàu nào sẵn
sàng đến Biển Đen”.
Trong bối cảnh hiện nay, tương tự như các công ty bảo hiểm khác, Garex đã
đình chỉ các hợp đồng bảo hiểm rủi ro cho vùng Biển Đen, cụ thể là đến ba cảng
vốn nằm trong hành lang an toàn của thỏa thuận trước đây là Odessa, Chornomorsk
và Yuzni.
Các
cảng Ukraina quanh Biển Đen bị đánh phá
Nga không chỉ nhằm vào tàu thuyền trên biển mà còn liên tục đánh phá các
hải cảng chính của Ukraina nhìn ra Biển Đen, đặc biệt là Odessa, cảng quan trọng
của Ukraina.
Theo chính quyền Kiev, chỉ riêng tại Chornomorsk, đã có hơn 60.000 tấn
ngũ cốc đã bị tên lửa Nga phá hủy, trong lúc phải cần đến “ít nhất một năm để sửa
chữa hoàn toàn các cơ sở hạ tầng bị hư hại”. Odessa cũng bị tấn công dữ dội bốn
đêm liên tiếp
Nếu Ukraina cáo buộc Nga tấn công và phá hủy các “kho chứa ngũ cốc và cơ
sở hạ tầng cảng”, cũng như các khu dân cư, thì ngược lại, Matxcơva khẳng định
chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự, các kho nhiên liệu và đạn dược…
Dẫu sao thì hậu quả của các cuộc tấn công vào các hải cảng Ukraina và các
mối đe dọa xung đột bùng lên ngay trên Biển Đen đang đẩy giá lúa mì lên cao.
Theo ghi nhận của AFP, hôm 19/07, giá lúa mì đã tăng thêm 8% trên thị trường
châu Âu. Hai ngày trước đó, thị trường vẫn bình ổn, bất chấp sự kiện Nga rút ra
khỏi thỏa thuận Biển Đen. Thế nhưng, các vụ tấn công vào Odessa và Chornomorsk
đã làm thay đổi tình hình.
No comments:
Post a Comment