Tiếng Việt đang bị làm hỏng
đi như thế nào?
Thứ Hai, 07/10/2023 - 15:46 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/7697
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo
viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả, từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên
cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế
dưới chế độ VNCH, từ miền Nam.
*Thưa nhà thơ Hoàng Hưng, thưa nhà nghiên cứu Lê
Nguyễn, bây giờ phải nói là hiện tượng sai chính tả hay “nói ngọng” từ những biểu
ngữ, bảng hiệu ngoài đường, trong sách giáo khoa dạy vỡ lòng, cấp 1, cấp 2 cho
tới báo chí truyền thông chính thức… không phải ít; tệ hơn nữa, ngay một số từ
điển chính tả mà cũng bị sai chính tả-đã từng có những trường hợp cuốn sách bị
thu hồi vì bị dư luận lên tiếng. Có những người bào chữa cho rằng “cũng chưa có
quy định nào về chuẩn chính tả do Nhà nước ban hành”.
Hai ông nghĩ thế nào về chuyện này? Có phải là do
chưa có chuẩn? Nhưng so với các thế hệ trước, tại sao bây giờ chuyện “nói ngọng”
lại nhiều như vậy?
Nhà thơ Hoàng Hưng:
Phải nói ngay là nguyên nhân chủ yếu của mọi
hiện tượng yếu kém về ngôn ngữ có gốc chung là chất lượng giáo dục, đặc biệt là
môn Ngữ Văn. Hệ thống giáo dục ở Việt Nam ngày càng mở rộng đến mọi thôn xóm
vùng sâu vùng xa tất yếu làm suy giảm chất lượng giáo dục. Thêm nữa, ở Việt Nam
lâu nay không có một thiết chế đủ thẩm quyền và uy tín để san định, thống nhất
ngôn ngữ. Viện Ngôn ngữ, Viện Từ điển và Bách khoa thư của Việt Nam không làm
được công việc của Viện Hàn lâm Pháp ngữ (Academie Française) thế kỷ 17 dưới sự
chỉ huy trực tiếp của Hồng y Richelieu (trong vai trò như Thủ tướng nước Pháp).
Cho nên những sai sót đáng kể về ngôn ngữ ngay trong giới trí thức, quan chức cấp
cao, trong các sách công cụ như từ điển, sách giáo khoa là điều dễ hiểu!
Viết sai chính tả là vấn nạn chung của mọi người
cầm bút Việt Nam, không chỉ bây giờ hay chỉ ở một vùng nào. Khi làm hồ sơ “Văn
học miền Nam 1954-1975” tôi phát hiện không ít trường hợp viết sai chính tả ở
những tác phẩm thời đó. Bản thân tôi khi viết cũng không đảm bảo đúng chính tả,
nhất là những trường hợp s/x, d/gi/r… Các biên tập viên, nhân viên sửa morasse
của những nhà xuất bản, những tờ báo nghiêm túc luôn phải tra cứu từ điển tiếng
Việt khi sửa bài! Và chắc không chỉ ở Việt Nam đâu! Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump
hay bị chỉ trích vì những câu viết sai chính tả trên Twitter mà! Nước Pháp chắc
cũng có vấn đề không nhỏ về chính tả, nên vừa mới đây đã tổ chức một ngày hội
viết chính tả hoành tráng có hàng ngàn người lớn và trẻ em tham gia ở trung tâm
thủ đô Paris!
Riêng hiện tượng “nói ngọng” (lẫn lộn l/n)
thì… là vấn đề chỉ có ở Việt Nam! Những năm 1990, bản thân tôi đã sững sờ khi
nghe trên tivi một ông Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nói ngọng, và khi dự một hội
thảo văn hoá nghe một ông vụ trưởng của Bộ Văn hoá nói ngọng! Đến những năm gần
đây, ông Bộ trưởng Giáo dục nói ngọng líu ngọng lô đã là hồi chuông cảnh báo một
“quốc nạn”, cứ nghe các quan chức nói trên tivi thì biết!
Hiện tượng “ngọng l/n” vốn khá phổ biến ở nhiều
vùng quê miền Bắc. Tôi nhớ lại những năm dạy học cho sĩ quan quân đội và học
sinh xuất thân nông thôn (1960-1973), tôi thường xuyên phải sửa ngọng cho học
viên! Thời đó, “nói ngọng” đồng nghĩa với “ít học”. Nhưng thời đó, số trường cấp
hai, cấp ba không nhiều lắm, và giáo viên cấp ba thường xuất thân từ thành phố
(không nói ngọng) nên việc chỉnh sửa cho học trò là khả thi! Sau này, có lẽ vì
chính số không ít giáo viên xuất thân nông thôn cũng nói ngọng, nên việc sửa ngọng
thành bất khả thi!
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn:
Lập luận cho rằng “chưa có quy định nào về chuẩn
chính tả do Nhà nước ban hành” nhằm biện bạch cho những sai sót nghiêm trọng về
chính tả Việt ngữ đã bộc lộ một thái độ thiếu trách nhiệm đối với ngôn ngữ nước
nhà. Dù Việt Nam chưa có một Hàn Lâm viện đúng nghĩa để có thể nghiên cứu và
ban hành những chuẩn mực về ngôn ngữ áp dụng cho cả nước, nhưng sau hàng trăm
năm tiến hóa, tiếng Việt vẫn có những “chuẩn mực bất thành văn” được cả xã hội
công nhận.
Khi cả xã hội viết là bàng hoàng, ta không thể
viết là bàn hoàn; khi cả xã hội viết là con trai (một loại hải sản), ta không
thể viết là con chai; trầy trật không thể viết là chầy chật, tréo ngoe không thể
viết là chéo ngoe, thành ngữ xuôi chèo mát mái không thể viết là xuôi chiều mát
mái; sung công không thể viết là xung công; giở trò không thể viết là dở trò; rục
rịch không thể viết là dục dịch; ma trơi không thể viết là ma chơi; trìu mến
không thể viết là trừu mến; sa trường không thể viết là xa trường; xét xử không
thể viết là xét sử; xuýt xoa không thể viết là xít xoa; sừng sộ không thể viết
là xừng xộ ...
Thế mà ngần ấy lỗi sơ đẳng về chính tả có đủ
trong một quyển sách gọi là “Từ điển chính tả tiếng Việt”, được soạn thảo bởi
những người có bằng cấp và chức danh thuộc vào hàng bậc nhất trong ngành giáo dục
Việt Nam! Đó chỉ mới là những lỗi tiêu biểu được công luận vạch ra, nếu xem kỹ
từng trang, không biết sẽ còn bao nhiêu những “thảm họa” như thế nữa.
Từ điển vốn dĩ là loại hình văn hóa phẩm mẫu mực
về ngôn ngữ của một nước mà có những sai sót nghiêm trọng như vậy thì đây là điều
rất đáng báo động. Mặt khác, đây là trách nhiệm không chỉ của người soạn thảo từ
điển, mà của cả một hệ thống điều hành tại nhà xuất bản, từ người biên tập, người
đọc bản thảo hoàn chỉnh, người ký duyệt trước khi đưa đến nhà in.
*
*Thứ hai, phải nói là đọc báo chí VN bây giờ nhiều
khi câu cú rất lủng củng, gây hiểu nhầm, hoặc sơ xuất một cách tắc trách, hoặc
đưa vào bài viết ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ lai căng nửa
Anh nửa Việt v.v…
Nguyên nhân nào đưa đến những tình trạng này? Và tại
sao đã có hàng bao nhiêu cuộc hội thảo về vấn đề "Giữ gìn sự trong sáng của
tiếng Việt” với sự tham gia của các nhà báo, nhà giáo, nhà ngôn ngữ học…nhưng
tình trạng sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí,
truyền thông cho tới sách vở vẫn diễn ra?
Nhà thơ Hoàng Hưng:
Riêng ở lĩnh vực truyền thông đại chúng, thì
việc phát triển ồ ạt báo chí, kênh truyền hình… thuộc các tổ chức chính quyền
và đoàn thể đủ các cấp, nặng tính tuyên truyền, không mang tính chuyên nghiệp
như ở các nước không thuộc hệ thống “xã hội chủ nghĩa”, dẫn đến không đảm bảo
chất lượng cần thiết về văn hoá, ngôn ngữ, nghiệp vụ của người viết, người biên
tập, người xướng ngôn…
Riêng việc đưa ngôn ngữ đường phố, tuổi teen…
vào báo hàng ngày lại là chuyện khác. Hiện tượng này không chỉ thấy ở báo Việt
Nam. Có lẽ vì báo ngày có xu hướng dùng “khẩu ngữ” để tăng tính sinh động, tiếp
cận đông đảo người đọc và cập nhật đời sống, lôi kéo bạn đọc trẻ. Theo tôi, khẩu
ngữ, trong đó có việc lai ghép tiếng nước ngoài trong xu thế hội nhập toàn cầu
về kinh tế, văn hoá… chính là tài nguyên tốt để phát triển, làm phong phú ngôn
ngữ của một dân tộc, không nên bài bác quá! Tiếng Việt hiện đại có vô số từ vốn
lấy từ tiếng Pháp, tiếng Anh, lâu ngày được Việt hoá! Tôi nhớ những năm 1990,
khi dẫn một bạn người Đức đi thăm vườn đào Nhật Tân Hà Nội, khi tôi hỏi anh chủ
vườn còn trẻ: “chỗ đi tiểu ở đâu?” anh ấy ngớ ra, rồi hỏi lại tôi: “toa let hả
bác?”. Nay thì chắc chắn “nơi tiểu tiện, đại tiện”, “nhà vệ sinh” đã bị thay thế
bằng “W.C”, “toa lét” trong ngôn ngữ hàng ngày! Đó là xu thế của đời sống, khó
cưỡng!
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn:
Sự xuống cấp của ngôn ngữ báo chí hiện nay là
điều có thật, tất nhiên trách nhiệm này thuộc về đội ngũ các nhà báo chuyên
nghiệp, không ít trong số đó là những người tốt nghiệp khoa Báo chí bậc Đại học.
Một trong những hậu quả trước mắt của tình trạng
này là trong ngôn ngữ báo chí thường xuất hiện nhiều câu cú lủng củng, mù mờ, sự
kết hợp chủ từ, động từ, túc từ trong các mệnh đề để lộ nhiều sơ hở đáng chê
trách.
Theo thiển ý của tôi, tình trạng này xuất phát
từ mấy nguyên nhân sau:
- Nhà báo hay ban biên tập báo chủ trương đặt
những tựa cho thật kêu để thu hút độc giả mà không quan tâm đến sự chính xác của
cú pháp Việt ngữ.
- Nhan đề bài báo bị rút gọn tối đa hay sắp xếp
luộm thuộm khiến người viết nghĩ một đàng mà người đọc hiểu theo một nẻo khác.
Một bài báo gần đây có cái tựa về việc một người bị xe tông chết rồi mà vẫn còn
đủ sức lực để rời khỏi hiện trường là một ví dụ (!!!). (“TP.HCM: Người đàn
ông đi sinh nhật về bị xe tải cán tử vong rồi rời khỏi hiện trường”, báo
Công An TP.HCM). Đó là lỗi cú pháp nghiêm trọng, nhà báo muốn nói rằng chiếc xe
đụng người xong rồi rời khỏi hiện trường nhưng cách đặt câu lại khiến người đọc
hiểu rằng nạn nhân dù chết rồi vẫn rời khỏi hiện trường!
- Chương trình đào tạo khoa Báo chí bậc đại học
còn nặng nề về chính trị (Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ
nghĩa xã hội khoa học...) khiến nhiều sinh viên ra trường và trở thành nhà báo
vẫn chưa vận dụng nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ, vốn ngoại ngữ yếu kém, không dịch
chính xác tên nhiều cơ quan, tổ chức thông thường trên thế giới, xướng ngôn
viên (phát thanh viên) truyền thanh và truyền hình không đọc đúng tên của nhiều
nhân vật quen thuộc với khán thính giả của đài. Chỉ cái tên Troussier của huấn
luyện viên người Pháp dẫn dắt đội tuyển quốc gia mà cũng được nhiều người đọc
theo nhiều cách khác nhau, không biết đâu mà lần.
*
*Một hiện tượng nữa cũng hay gặp ngay trên báo chí
truyền thông chính thống là viết sai từ Hán Việt do không hiểu nghĩa. Chữ Nôm
và chữ Hán hiện nay không được giảng dạy đại trà trong hệ thống giáo dục phổ
thông Việt Nam, mà chỉ được giảng dạy và nghiên cứu trong các chuyên ngành về
Hán-Nôm tại bậc đại học.m Hai ông nghĩ sao về chuyện nên cho giảng dạy lại một
số giờ chữ Hán, chữ Nôm ở bậc phổ thông? Hay là do những vấn đề về chính trị
trong mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc nên sợ rằng có nhiều người sẽ đả
kích chuyện này?
Nhà thơ Hoàng Hưng:
Đúng là những thế hệ sau 1975 ngày càng ít biết
về các từ Hán-Việt, từ gốc Hán. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chất lượng môn Ngữ
Văn trong nhà trường phổ thông! Cũng có lý do ở “tâm lý dân tộc” không muốn thừa
nhận gốc Hán của số lớn từ tiếng Việt (có người thống kê lên đến 70-75%!!!). Cho
nên mới có việc dùng sai những từ như “cứu cánh” (nghĩa đúng là “mục đích cuối
cùng” giờ đây được hiểu rất phổ biến là “biện pháp giải cứu”), “yếu điểm”
(nghĩa đúng là “điểm trọng yếu”, giờ được hiểu là “điểm yếu”)…
Một số chuyên gia ngữ-văn đã đề xuất dạy chữ
Hán (và cả chữ Nôm) trong nhà trường phổ thông để khắc phục tình trạng trên!
Tôi nghĩ, cũng không nhất thiết, nhất là trong khi chương trình học vẫn bị coi
là quá tải, mà nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong thực tế vẫn đòi hỏi nhà trường nỗ
lực nhiều hơn! Bản thân tôi, đã học Trung Văn ở Đại học Sư phạm Văn trong 3
năm, mà giờ đây cũng quên gần hết! Tuy nhiên, vẫn có thể nắm được các từ Hán Việt
viết bằng chữ quốc ngữ nếu như chương trình Ngữ Văn phổ thông lưu ý đầy đủ việc
dạy từ gốc Hán và kết cấu Hán (tính-danh) tồn tại trong tiếng Việt! Biết rõ kết
cấu tính-danh của từ gốc Hán thì không thể nhầm “yếu điểm” (hoàn toàn gốc Hán)
với “điểm yếu” là từ kết hợp Hán (điểm) + Việt (yếu) theo kết cấu danh-tính của
tiếng thuần Việt.
Việc hiểu sai những từ gốc Hán đã tồn tại khiến
cho ngôn ngữ bị nhiễu loạn, không lợi cho sự phát triển khoa học, văn hoá, giáo
dục. Nó khác với cách tạo từ mới không quá phụ thuộc vào từ gốc Hán (thường kết
hợp từ thuần Việt với từ gốc Hán đã quen thuộc), là điều có thể chấp nhận, như
“cát tặc”, “phượt thủ”…
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn:
Về mặt văn tự, chữ Hán - Nôm và từ Hán -Việt
khác nhau hoàn toàn, song hình như hiện nay có không ít ngộ nhận về hai thứ
ngôn ngữ này. Chữ Hán là văn tự của người Trung Hoa, chữ Nôm là thứ chữ mà từ
thời Trần, cha ông ta đã cải biên từ chữ Hán để phát âm đúng theo tiếng nói của
người Việt, song hình thức vẫn như cách viết chữ Hán. Đó là trường hợp các tác
phẩm văn học cổ điển: truyện Phan Trần, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm (bản
dịch), truyện Hoa Tiên, truyện Kiều ...
Trái lại, từ Hán-Việt là những từ Việt có xuất
xứ từ âm chữ Hán, nhưng viết theo dạng chữ La-tinh, mà nay ta thường gọi là chữ
quốc ngữ, ví dụ, những từ sau đây là từ Hán-Việt: xuất phát, xuất khẩu, nhập khẩu,
nguyên nhân, tranh đấu, tiến hóa, văn minh, tiếp kiến, yết kiến, sử dụng, thông
dụng…
Tại miền Nam trước 1975, ở bậc Tiểu học và
Trung học đệ nhất cấp (cấp 1 và cấp 2 ngày nay), học sinh không được dạy chữ
Hán. Lên đến bậc Trung học đệ nhị cấp (cấp 3), họ được chọn một trong 4 bốn
ban:
- Ban A (môn chủ yếu là Lý Hóa, Vạn vật [nay
là Sinh vật])
- Ban B (môn chủ yếu là Toán, Lý Hóa)
- Ban C (còn gọi là Ban Văn chương, Sinh ngữ,
gồm các môn Việt ngữ, Triết học, Sử Địa, Anh ngữ, Pháp ngữ)
- Ban D (còn gọi là Ban Cổ ngữ, gồm chủ yếu
Triết học, Việt ngữ, Hán ngữ hay La (tinh) ngữ).
Ở bậc Đại học, các trường Đại học Văn khoa và
Đại học Sư phạm có hẳn ban Việt-Hán dành cho các sinh viên theo học chữ Hán.
Ngày nay, ngành giáo dục xem nhẹ việc rèn luyện
từ Hán-Việt cho học sinh và cả sinh viên ở bậc Đại học, khiến cho không it người,
kể cả những người thường xuyên sử dụng chữ Việt trên sách báo, không phân biệt
được nghĩa của từ yếu điểm khác với điểm yếu như thế nào, không phân biệt được
yết kiến và tiếp kiến khác nhau ra sao.
Tình trạng này dẫn đến một hệ lụy khá phổ biến
hiện nay là người ta ghép từ một cách vô tội vạ, chẳng hạn như vịt nuôi có khả
năng tăng trọng cao thì gọi là “vịt siêu thịt”, bọn lấy trộm cát ở sông là “cát
tặc”, bọn rải đinh trên đường là “đinh tặc”, xe hơi (ô tô) đẹp, sang là “siêu
xe” .... Cách ghép chữ bừa bãi đó đã vi phạm một nguyên tắc bất thành văn đã tồn
tại trong xã hội từ rất lâu đời, được cha ông ta tuân thủ chặt chẽ, đó là chỉ
được ghép một từ Hán-Việt với một từ Hán-Việt khác, không được ghép một từ
Hán-Việt với một từ Việt thuần túy. Trong các ví dụ trên, “siêu” là từ Hán-Việt,
còn “thịt”, “xe”là từ Việt thuần túy; “tặc” là từ Hán-Việt, còn “cát”, “đinh”
là từ Việt thuần túy..., chúng không thể ghép chung với nhau được.
Hiện tượng yếu kém về từ Hán-Việt trong tiếng
Việt ngày nay không chỉ xuất phát từ sự thiếu sót trong giảng dạy ở học đường,
mà gần đây còn xuất phát từ ý thức chính trị nữa. Tinh thần yêu nước, chống lại
thái độ kẻ cả của người bạn láng giềng phương Bắc trong những năm qua ảnh hưởng
đến cả sự nhận biết về ngôn ngữ, nhiều người ngộ nhận giữa chữ Hán của người
Trung Hoa với từ Hán-Việt được người dân ta sử dụng hàng ngày, coi việc phải học
và sử dụng đúng từ Hán-Việt là một hành vi “lệ thuộc Tàu”, mà không biết rằng từ
Hán-Việt là di sản ngôn ngữ đã được cha ông ta tạo ra và sử dụng từ nhiều thế kỷ
trước.
*
*Kể từ sau khi Việt Nam thống nhất, ngôn ngữ của Miền
Bắc dần dần được xem là “chuẩn” và lấn át trong cuộc sống của người dân cả nước.
Có những chữ người Miền Nam dùng bị thay thế, bị biến mất, sách giáo khoa dạy
trẻ em cũng rất nhiều phương ngữ miền Bắc mà trẻ con miền Nam không hiểu. Có rất
nhiều ví dụ về chuyện này. Trong khi người thời xưa mà soạn sách còn cẩn thận
chú thích những cách gọi khác nhau tùy theo vùng miền thì bây giờ lại không làm
như vậy, và nhiều khi cũng do tâm lý coi ngôn ngữ của miền Bắc là chuẩn mực của
ngôn ngữ cả nước. Hai ông nghĩ sao về việc bảo vệ tính địa phương, vùng miền
trong ngôn ngữ?
Nhà thơ Hoàng Hưng:
Sau khi thống nhất đất nước, có 2 trào lưu ngược
nhau:
Trong đời sống hàng ngày, phương ngữ miền Nam
rất hấp dẫn người miền Bắc! Và nhiều từ ngữ đã thành phổ biến khắp nước: “Bao
ăn”, “bao ngon”, “bao xa”… , “trà” (thay cho “chè Tàu”), “xe hơi” (thay cho “ô
tô”), “trục xe” (thay cho “moay ơ”), “sên” (thay cho “xích”), “thắng” (thay cho
“phanh”), “rau ngò” (thay cho “rau mùi”)… Ngược lại, sau khi người Bắc vào Nam
sinh sống ồ ạt, thì phương ngữ Bắc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người Nam, nhất
là ở những thế hệ sinh sau 1975.
Nhưng trong văn bản hành chính và sách giáo
khoa, vì được soạn thống nhất từ Hà Nội, và đông đảo quan chức gốc Bắc vào
“lãnh đạo” miền Nam, rõ ràng có chiều hướng coi ngôn ngữ miền Bắc (Hà Nội) là
chuẩn mực!
Tôi nghĩ việc thống nhất thuật ngữ trong các
văn bản hành chính có hiệu lực toàn quốc là đúng! Nhưng những từ ngữ đặc thù của
mỗi địa phương lại cần tôn trọng. Ví dụ: không việc gì phải đổi “Tân Sơn Nhứt”
thành “Tân Sơn Nhất”!
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn:
Cách đây gần 370 năm, giáo sĩ Alexandre de
Rhodes là một trong những người đầu tiên nghĩ ra cách diễn đạt ngôn ngữ Việt bằng
chữ la tinh, và thứ văn tự này được cải tiến dần thành chữ quốc ngữ chúng ta sử
dụng ngày nay. Khi làm công việc quan trọng này, De Rhodes đã ở Đàng Ngoài 3
năm và Đàng Trong 8 năm (nhiều đợt), nhờ vậy, ông nắm hiểu được nhiều phương ngữ
khác nhau. Dù cách ký âm trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) của Alexandre de
Rhodes còn phôi thai, song nhờ sự trải nghiệm qua nhiều vùng miền, ông viết “ma
trơi” hay “(lá) trầu” theo cách đọc của người Đàng Trong, chứ không viết “ma
chơi” hay “lá giầu” theo cách đọc của người Đàng Ngoài. Soạn từ điển, De Rhodes
đã ý thức được tính đa dạng của ngôn ngữ Việt và áp dụng nhận thức đó trong
biên soạn.
Gần chúng ta hơn, song cũng đã hàng trăm năm
trước, khi soạn sách giáo khoa cho học sinh, các thế hệ đi trước đã biết quan
tâm đến sự khác biệt về ngôn ngữ các vùng miền. Trong bộ sách Quốc văn Giáo
khoa Thư được xuất bản lần đầu vào thập niên 1920, các nhà biên soạn sách giáo
khoa sinh sống, làm việc tại miền Bắc (Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng
Đình Phúc, Đỗ Thận), đã soạn thảo sách với một tinh thần trách nhiệm rất cao.
Trong các bài đọc, khi viết từ “lợn”, các cụ chú thích ở cuối trang là “heo”;
khi viết từ “bẩn”, các cụ chú thích thêm là “dơ”. Sự cẩn trọng của các cụ còn
lên đến mức có hẳn một ghi chú chung như sau: “Trong sách này những tiếng đứng
giữa ngoặc đơn là tiếng Trung kỳ của tiếng Bắc kỳ đứng trước, những tiếng có số
ở dưới bài là tiếng Nam kỳ của tiếng Bắc kỳ có số viết lên trên (superscript)
tương ứng”.
Người xưa tinh thần trách nhiệm là thế, ngày
nay sách giáo khoa cùng nhiều văn hóa phẩm khác được soạn thảo ra sao? Nhiều
tác phẩm biên soạn hay dịch thuật xuất phát từ miền Bắc đã tùy tiện sử dụng
cách gọi của miền này làm chuẩn mực cho cả nước, nhiều khi làm thay đổi hẳn tên
gốc của địa phương hay nhân vật ở các vùng miền khác. Có thể viện dẫn nhiều ví
dụ của việc làm này: tên gốc Huỳnh Tịnh Của được đổi thành Hoàng Tịnh Của; Châu
Văn Tiếp thành Chu Văn Tiếp, Ngô Tùng Châu thành Ngô Tòng Chu, Đỗ Thành Nhơn
thành Đỗ Thanh Nhân ...
Về biên soạn sách giáo khoa, có lúc dư luận mạng
xã hội rộ lên về sự cẩu thả của người biên soạn, giống lạc đà được liệt vào
loài ... chim, viết cho học sinh cấp một mà “ăn” viết là “chén”, “nhai” viết là
“nhá”, “uống” viết là “tợp”…, thì tính nghiêm túc của nhà soạn sách giáo khoa cần
phải được xem lại, nếu không, sẽ phương hại đến tương lai của lớp người trẻ sau
này.
*
*Hồi năm 2022 có chuyện ồn ào đòi đổi tên hàng trăm
tên đường ở Sài Gòn với lý do trùng hoặc tên không chính xác nhân vật lịch sử,
địa danh, tên không ý nghĩa và cần sửa đổi. Nhưng trong đó cũng có lý do đưa ra
là tên đặt không chuẩn ví dụ như Lê Thánh Tôn (được cho rằng chính xác phải là
Lê Thánh Tông), Ngô Thời Nhiệm (được cho là chính xác phải là Ngô Thì Nhậm).
Nhưng thật ra với người miền Nam thì tên đường Lê
Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Ngô Thời Nhiệm không hề sai. Đổi thành Trần Nhân
Tông, Lê Thánh Tông, Tông Đản, Ngô Thì Nhậm mới là sai chánh tả đối với người
miền Nam. Cũng giống như người miền Nam có họ Võ, người miền Bắc có họ Vũ, người
miền Nam có họ Huỳnh, người Bắc có họ Hoàng…không lẽ cũng thay đổi?
Thưa các ông nghĩ sao?
Nhà thơ Hoàng Hưng:
Như ở trên tôi đã nói, những gì thuộc một địa
phương, không có hiệu lực toàn quốc thì cần tôn trọng phương ngữ! Tên đường phố
lưu hành ở đâu thì nên theo phương ngữ vùng đó! Việc bắt buộc thay đổi theo
“chuẩn quốc gia” ở đây là máy móc, không cần thiết, lại dễ gây phản cảm của người
dân địa phương, và gây phiền nhiễu về nhiều mặt thực tế!
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn:
Trong câu hỏi này, có hai ý khác nhau, xin được
trả lời riêng từ ý một:
a) Về việc tên các vì vua Việt Nam được đặt
tên đường, đúng là có sự khác biệt giữa miền Nam và miền Bắc. Miền Bắc viết Lê
Thánh Tông thì miền Nam trước 1975 viết là Lê Thánh Tôn ...
Đây là sự khác biệt không quan trọng về tập
quán ngôn ngữ của hai miền, trong một phạm vi thật nhỏ hẹp; theo tôi, ngày nay,
nên đồng nhất hóa việc viết và đặt tên đường các vì vua Việt Nam dưới hình thức
có chữ “Tông” ở cuối, thay vì “tôn”, điều này phù hợp với các bộ sử chính thống
của nước ta.
b) Riêng với việc “Bắc hóa” một cách tùy tiện
các nhân danh và địa danh xuất phát từ nhiều địa phương trong cả nước, điều này
cần được bài bác, vì nó làm sai lạc tên gốc của các nhân vật lịch sử hay vùng
miền. Các ví dụ tiêu biểu đã được nêu ra trong phần trả lời câu hỏi số 4.
*
*Xin hai ông cho vài ý kiến, quan điểm riêng về việc
làm thế nào để khắc phục tất cả những điều này?
Nhà thơ Hoàng Hưng:
Giáo dục, truyền thông đại chúng và hành chính
là 3 hệ thống có ảnh hưởng lớn nhất đến ngôn ngữ dân tộc. Trong đó giáo dục Ngữ
Văn trong nhà trường phổ thông là nền tảng. Gần đây, vẫn có những ý kiến tranh
cãi về chức năng của môn Ngữ Văn: coi trọng dạy tiếng (ngữ) là liệu có làm mờ
nhạt việc dạy văn chương? Tôi cho rằng ở bậc phổ thông, chức năng dạy sử dụng
đúng và thành thạo tiếng Việt vẫn là điều cần cải thiện rất nhiều, vì sự bất cập
của nó chính là gốc sinh ra những yếu kém về ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày
cũng như trong các sinh hoạt văn hoá cao mà ta đang chứng kiến. Dạy văn chương
trước nhất cũng là dạy tiếng Việt, “tiếng Việt đẹp”!
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn:
Xin nêu mấy việc cần làm.
1) Phải cải thiện tình trạng yếu kém về từ
Hán-Việt trong hiểu và viết tiếng Việt của công chúng nói chung, của học sinh,
sinh viên nói riêng, bằng cách tăng cường việc giảng dạy loại ngôn ngữ này
trong học đường. Ngay cả thành phần giáo viên dạy tiếng Việt cũng cần được tu
nghiệp, rèn luyện thêm. Khi một Phó giáo sư, tiến sĩ còn phạm những lỗi sơ đẳng
về chính tả Việt ngữ thì chuyện rèn luyện thêm cho đội ngũ giáo viên văn không
phải là điều vô ích.
Về chữ Hán-Nôm, có thể khuyến khích nhiều sinh
viên bậc Đại học chọn môn học này để sau khi ra trường, họ sẽ góp phần nghiên cứu,
dịch thuật và phổ biến nhiều tác phẩm Hán Nôm do cha ông để lại nhưng đến nay vẫn
còn nằm yên trong các văn khố.
2) Trong lúc Việt Nam chưa có Hàn lâm viện để
có thể đưa ra những chuẩn mực cần thiết trong việc sử dụng tiếng Việt, nhà nước
cần huy động chất xám của các nhà ngôn ngữ học có tài năng, giàu tâm huyết để
góp phần làm trong sáng tiếng Việt, mặt khác, cần ngăn chặn sớm những hành vi
“cải tiến ngôn ngữ” mà không có căn cứ xác đáng, làm xáo trộn môi trường xã hội
đang cần sự ổn định và lành mạnh.
3) Triệt để bài bác việc “cải tiến ngôn ngữ” bằng
cách lấy cách nói của người miền Bắc làm chuẩn mực cho cả nước, ví dụ “con
trâu” viết thành “con châu”, “rục rịch” thành “dục dịch”, “tréo ngoe” thành
“chéo ngoe” ....
4) Sách giáo khoa dù được biên soạn hay xuất bản
ở đâu, cũng phải tránh tối đa những từ ngữ chỉ phổ biến ở một vùng miền nhất định,
trong trường hợp chẳng thể làm khác hơn thì phải có chú thích thêm về cách gọi ở
những vùng miền khác. Đội ngũ biên soạn sách giáo khoa phải được tuyển chọn kỹ
trong số những người có kiến thức rộng về ngôn ngữ các vùng miền khác nhau.
5) Trong dịch thuật các tài liệu văn hóa-lịch
sử, cần tôn trọng triệt để tính chính xác về nhân danh và địa danh, không “Bắc
hóa” theo kiểu họ Huỳnh đổi thành họ Hoàng, núi Châu Thới (thuộc tỉnh Bình
Dương) đổi thành núi Chu Thái, tên Ngô Tùng Châu đổi thành Ngô Tòng Chu ....
*Xin cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng và nhà nghiên cứu lịch
sử Lê Nguyễn.
Song Chi (thực hiện)
No comments:
Post a Comment