Sunday, July 16, 2023

THƯỢNG ĐỈNH VILNIUS : NATO SẴN SÀNG CHỐNG XÂM LƯỢC NGA, CỬA MỞ RỘNG CHO UKRAINE (Trọng Thành / RFI)

 



Thượng đỉnh Vilnius: NATO sẵn sàng chống xâm lược Nga, cửa mở rộng với Ukraina

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 15/07/2023 - 21:00

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20230715-nato-san-sang-chong-nga-mo-rong-cua-voi-nato

 

Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO họp thượng đỉnh hai ngày (11 và 12/08/2023) tại Vilnius, Litva. NATO siết chặt đoàn kết đối phó với nguy cơ xâm lăng của Nga, mở rộng cửa với Ukraina, đồng thời tỏ rõ thái độ nghiêm khắc với Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ ủng hộ NATO kết nạp Kiev, chấp nhận bật đèn xanh cho Thụy Điển.

 

https://s.rfi.fr/media/display/582e21f4-2341-11ee-880e-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-07-12T103823Z_846221265_RC2M12APNVXK_RTRMADP_3_NATO-SUMMIT.webp

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, ngày 12/07/2023. REUTERS - INTS KALNINS

 

Ngoại trưởng Thái Lan cho biết được phép gặp cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, đang bị tập đoàn quân sự cầm tù. Nếu điều này này xảy ra, đây là lần đầu tiên giải Nobel hòa bình được tiếp xúc với một lãnh đạo nước ngoài kể từ cuộc đảo chính đầu 2021. Nước Pháp đón Quốc Khánh trong không khí an ninh siết chặt. Trên đây là một số chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

 

                                                         ***

 

Chủ đề chính sách của NATO với Ukraina và việc gia nhập của Thụy Điển dường như che khuất phần nào một thay đổi lớn khác của thượng đỉnh thường niên của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Vilnius. Ngày 11/07, các thành viên NATO đã thông qua kế hoạch phòng thủ mới, được ghi nhận là ‘‘thay đổi lớn nhất’’ kể từ thời kết thúc Chiến tranh Lạnh, theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Hãng tin AP cho biết ‘‘việc sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga vào lãnh thổ của khối’’ là mục tiêu chính của kế hoạch này.

 

 

Kế hoạch phòng thủ mới: ‘‘Thay đổi lớn nhất từ cuối Chiến tranh Lạnh’’

 

Hiện tại, khoảng 40.000 binh sĩ đang trực chiến, từ Estonia dọc theo sườn phía đông của NATO với Nga và xuống tận Rumani trên Biển Đen. Khoảng 100 máy bay tuần tiễu hàng ngày tại vùng biên giới, và tổng cộng 27 tàu chiến đang hoạt động ở biển Baltic và Địa Trung Hải. Theo kế hoạch mới, một lực lượng trực chiến với khoảng 300.000 quân sẽ phải sẵn sàng di chuyển đến sườn đông NATO trong vòng 30 ngày. Hồi cuối tháng 6, 31 quốc gia thành viên NATO đã tổ chức một hội nghị để xem xét khả năng huy động lực lượng để sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

 

Theo ‘‘các kế hoạch phòng thủ tối mật’’,  31 quốc gia thành viên sẽ được huy động để đáp trả. Theo nhật báo Tây Ban Nha El Pais, NATO lưu hành một tài liệu mật khoảng 4.000 trang mô tả nhiệm vụ mà mỗi quốc gia đồng minh sẽ chịu trách nhiệm thực thi. Lãnh đạo các nước NATO “cam kết cung cấp đầy đủ nguồn lực và thường xuyên diễn tập các kế hoạch này để sẵn sàng cho hoạt động phòng thủ tập thể cường độ cao và đa lĩnh vực.”

 

·        Đọc thêm : Khối NATO bị chia rẽ về vấn đề thâu nhận Ukraina

 

Sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược Nga và hậu thuẫn Ukraina, được coi quốc gia tuyến đầu của châu Âu đang đối mặt với cuộc tấn công của Nga từ hơn 500 ngày nay, là hai chủ đề trọng tâm của thượng đỉnh Vilnius. Trước thềm thượng đỉnh, các nước NATO vẫn rất chia rẽ trong vấn đề kết nạp NATO. Một số thành viên Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, muốn một lộ trình kết nạp Ukraina công bố ngay tại thượng đỉnh, trong khi Mỹ và Đức sợ rằng quyết định như vậy sẽ đẩy NATO đến một cuộc chiến tranh với Nga.

 

NATO thỏa hiệp vào phút chót, Ukraina được miễn thủ tục ‘‘MAP’’

Một đột phá dường như đã đạt được ngay hôm trước thượng đỉnh. Ngày 11/07, trước lúc thượng đỉnh khai mạc, theo Reuters, tổng thư ký Jens Stoltenberg báo trước là Ukraina sẽ nhận được một ‘‘thông điệp tích cực và mạnh mẽ’’ về lộ trình gia nhập NATO, cụ thể là Kiev sẽ không phải trải qua giai đoạn “Kế hoạch Hành động để trở thành Thành viên” (Membership Action Plan - MAP).

 

Việc bỏ qua giai đoạn ‘‘Kế hoạch Hành động để trở thành Thành viên’’ là điều đặc biệt quan trọng. ‘‘MAP’’ vốn là một thể thức gần như bắt buộc đối với các ứng cử viên vào NATO (sau 1999). Theo trang mạng thông tin độc lập Ukraine Crisis Media Center (UCMC), có trụ sở tại Kiev, trong một cuộc họp báo ngày 10/07, một ngày trước thượng đỉnh, ông Gitanas Nauseda, tổng thống Litva, quốc gia Baltic hậu thuẫn mạnh mẽ Ukraina, đã thông báo ‘‘đây là một bước tiến rất tích cực, cho phép đơn giản hóa lộ trình gia nhập NATO của Ukraina’’.  Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba ghi nhận: ‘‘Sau nhiều thảo luận căng thẳng, các đồng minh NATO đã đạt được đồng thuận về hủy bỏ MAP với Ukraina’’.

 

Ukraina có thể được kết nạp nhanh như Phần Lan

Hiển nhiên là việc NATO trong thượng đỉnh lần này không đưa ra một ‘‘lộ trình’’ cụ thể, rõ ràng về việc gia nhập với Ukraina, có thể gây thất vọng cho không ít người, đặc biệt là đối với các nước NATO, thành viên khối Liên Xô cũ. Nhưng NATO buộc phải chọn con đường thực tế, bởi ‘‘Hoa Kỳ và hầu hết các nước Tây Âu không muốn kết nạp một quốc gia vẫn có thể đang còn trong chiến tranh với Nga trong nhiều năm vào liên minh Bắc Đại Tây Dương, vì điều đó sẽ buộc NATO kích hoạt Điều 5 về phòng thủ tập thể’’, như nhận xét của nhà nghiên cứu Ý Alessandro Marrone. Như vậy cũng có nghĩa là một cuộc đại chiến toàn cầu, điều mà NATO kiên quyết tránh.

 

Chúng ta cũng biết, Phần Lan và Thụy Điển đã được mời gia nhập Liên minh, mà không cần trải qua giai đoạn MAP, và thời gian hoàn tất thủ tục với Phần Lan chỉ kéo dài chưa đầy một năm. Việc NATO miễn thể thức MAP cho Ukraina rõ ràng chính là một thứ lộ trình cho phép Ukraina tiến sát cánh cửa gia nhập.

 

Điều 11 của Thông cáo chung khẳng định ‘‘Tương lai của Ukraina là ở trong NATO… quốc gia này đã đạt được đủ tiến bộ trên con đường hội nhập hoàn toàn với Liên minh Bắc Đại Tây Dương (…).Ukraina đã tăng cường khả năng tương tác (về phương tiện quân sự) và hợp tác mật thiết về chính trị với Liên minh, và đã đạt được những bước tiến lớn trên con đường cải cách…’’. Vấn đề căn bản giờ đây là Ukraina phải giành chiến thắng. Theo Euronews, khi được hỏi về nhữnglo ngại của tổn thống Zelensky, tổng thư ký NATO cho biết điều quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo rằng Ukraina chiến thắng, bởi vì ‘‘trừ khi Ukraina thắng thế, sẽ không có chuyện tư cách thành viên nào được thảo luận cả’’.

 

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột ngả hơn về phương Tây ?

 

Việc NATO siết chặt hàng ngũ đối phó với Nga và Trung Quốc dường như đã làm cho quốc gia có lập trường đi dây như Thổ Nhĩ Kỳ phải xét lại hành xử. Trước thềm thượng đỉnh NATO, chính quyền Erdogan có một loạt hành động gây ngạc nhiên. Cụ thể như việc Ankara quyết định để 5 cựu chỉ huy lực lượng Azov – mà người Ukraina coi như anh hùng - trở về Ukraina, có thể là bất chấp một thỏa thuận trước đó với Nga, cũng như ủng hộ Kiev gia nhập NATO, điều mà điện Kremlin luôn luôn cực lực phản đối. Và đặc biệt là chấp nhận để Thụy Điển vào NATO với điều kiện có thể khởi động lại đàm phán gia nhập Liên Âu.

 

Về thay đổi lớn trong thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiều cách nhìn nhận. Có nhà quan sát cho rằng, Ankara tận dụng tình thế Nga có phần suy yếu để hành xử như trên, có người khẳng định Erdogan đã rất khôn khéo để khai thác các điểm yếu của phương Tây để giành lợi thế về phần mình.

 

·        Đọc thêm : Vì sao tổng thống Erdogan bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO ?

 

Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Bayram Balci, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Trung Á, hiện làm việc tại CERI Học Viện - Sciences Po, đưa ra một nhận xét rất khác. Ông Balci nguyên là giám đốc Viện Institut français d’études anatoliennes ở Istanbul (2017  - 2022). Chuyên gia Bayram Balci nhận định :

 

‘‘Tôi cho rằng trong cách hành xử đi dây mà Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, dù sao Ankara vẫn có khuynh hướng thân phương Tây hơn là thân Nga.Và từ khi Erdogan thắng cử, ông ấy biết rằng cần phương Tây cho nền kinh tế của mình, cho tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc cho phép các tù nhân Ukraina trở về nước thể hiện điều này. Erdogan nhận ra rằng ông ta đã hơi xa rời khỏi phương Tây và cho dù bất kể điều gì xảy ra, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như ông ấy muốn có một nước Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn, hùng mạnh hơn nhiều, thì theo tôi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đi với phương Tây, chứ không phải với Nga”.

 

Kêu gọi Trung Quốc ngừng tiếp tay cho ‘‘tuyên truyền lừa dối’’ của Nga

 

Một chủ đề lớn khác của thượng đỉnh NATO ở Vilnius là Trung Quốc. Một số nhà quan sát như nhà báo Shannon Tiezzi, tổng biên tập báo The Diplomat của Nhật, đặc biệt chú ý đến thay đổi lớn trong cách nhìn về Trung Quốc tại thượng đỉnh lần này so với năm ngoái. NATO tố cáo Trung Quốc về ‘‘các hoạt động chiến tranh lưỡng hợp hay tin tặc, tuyên truyền thù địch và các hoạt động tung tin giả chống lại các quốc gia NATO, làm tổn hại an ninh của Liên minh’’. Trong 14 lần trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc trong thông cáo chung, thì hai lần liên quan đến tin giả, tuyên truyền lừa dối. NATO kêu gọi Bắc Kinh ‘‘ngừng ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga, ngừng tiếp tay cho tuyên truyền lừa dối của Nga, quy cho Ukraina và NATO trách nhiệm để bùng lên cuộc chiến xâm lăng của Nga chống lại Ukraina’’.

 

·        Đọc thêm : Quan hệ Nga – NATO : Đã đến điểm « bất khả khứ hồi » ?

 

Chống tin giả, và tuyên truyền lừa dối là một mặt trận chính của NATO, bởi thông tin tác động đến quan điểm của người trong cuộc. Trong cuộc bỏ phiếu hồi giữa tháng 6 của Nghị Viện Châu Âu về nghị quyết yêu cầu NATO nhanh chóng kết nạp Ukraina một khi chiến tranh chấm dứt, 425 dân biểu ủng hộ, 38 chống, 42 vắng mặt. Sở dĩ tỷ lệ ủng hộ cao như vậy vì chính sách đoàn kết với Ukraina cũng được đông đảo dân châu Âu ủng hộ. Theo các thăm dò dư luận Eurobaromètre, tỉ lệ người coi cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đe dọa châu Âu, và tỉ lệ ủng hộ Ukraina ở mức rất cao, và gần như ổn định vào đầu năm nay so với mùa thu năm ngoái (với các số trung bình toàn khối tương đương là 81% và 74%).

 

Tuy nhiên, các chiến dịch tung tin giả, tuyên truyền lừa dối có thể gây mất niềm tin. NATO đặc biệt chú ý đến 5 luận điệu lừa dối chính. Một là cho rằng ‘‘NATO đang tham chiến chống Nga tại Ukraina’’. Hai là, ‘‘sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã từng cam kết với Nga sẽ không mở rộng khối’’. Ba là  ‘‘NATO là một mối đe dọa với Nga’’. Bốn là ‘‘NATO bao vây và khống chế Nga’’. Và năm là ‘‘các can thiệp quân sự của NATO tại Nam Tư cũ, tại Kosovo và Libya cho thấy đây không phải là liên minh phòng vệ’’.

 

Chuyên gia Cyrille Bret, viện Delors, trong một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Diplomatie Magazine khuyến nghị cần làm rõ các vấn đề này để đẩy lùi các chiến dịch bóp méo thông tin. Cụ thể là hai cuộc can thiệp để bảo vệ thường dân tại Bosnia (Nam Tư cũ) năm 1995, và tại Libya năm 2011 đều được tiến hành theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga không phủ quyết. Xung đột tại Bosnia (1992 – 1995), trước can thiệp của LHQ, đã khiến khoảng 100.000 người chết.

 

Tuy nhiên, trường hợp Kosovo có khác. Theo NATO, cuộc can thiệp tại Kosovo (Nam Tư cũ) năm 1999 diễn ra ‘‘sau hơn một năm nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc và Nhóm Liên lạc, trong đó Nga là một thành viên, nhằm chấm dứt cuộc xung đột’’. Hội Đồng Bảo An ‘‘đã nhiều lần xác định việc thanh trừng sắc tộc ở Kosovo và số lượng người tị nạn ngày càng tăng là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế’’. Quyết định hành động không thông qua Hội Đồng Bảo An của NATO, cho dù với lý do ‘‘can thiệp nhân đạo’’ khẩn cấp, tránh tổn thất cho dân thường, rõ ràng đã đi ra ngoài tính chính danh, để ngỏ cơ hội cho các chỉ trích (‘‘Belgrade 1999, l’alibi de Vladimir Poutine / Belgrade 1999, điều giúp Putin bào chữa’’, Le Point, 19/03/2022).

 

Theo nhiều nhà quan sát, ‘‘tiền lệ Kosovo’’ đã được Matxcơva thường xuyên sử dụng để biện minh cho các can thiệp quân sự bên ngoài biên giới. Để không tạo đất cho tin giả, các luận điệu tuyên truyền lừa dối, các sự kiện lịch sử phức tạp như cuộc can thiệp của NATO tại Kosovo rất cần được soi sáng đầy đủ, thay vì thông tin phiến diện, một chiều.

 

 

Bà Aung San Suu Kyi ‘‘gặp’’ lãnh đạo nước ngoài: Thủ đoạn của tập đoàn quân sự ?

 

Về tình hình Đông Nam Á, thông tin về việc cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi – đang bị tập đoàn quân sự cầm tù – bất ngờ có cuộc gặp đầu tiên với một nhà ngoại giao nước ngoài đang đặt ra nhiều câu hỏi. AP cho hay, theo ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, hôm 12/07, ông đã được gặp giải Nobel Hòa bình hồi cuối tuần trước. Trả lời báo giới, ngoại trưởng Thái Lan cho biết bà Suu Kyi sức khỏe tốt, và bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán nhằm giải quyết khủng hoảng.

 

Trong những tháng gần đây, chính quyền quân sự Thái Lan tổ chức nhiều tiếp xúc không chính thức giữa một số nước ASEAN với đại diện tập đoàn quân sự Miến Điện với chủ trương tìm lối thoát cho khủng hoảng. Tuy nhiên nỗ lực ngoại giao riêng rẽ này của Bangkok bị một bộ phận ASEAN chỉ trích, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Singapore, do đi ngược lại với chủ trương chung của khối với ‘‘Đồng thuận 5 điểm’’, nhằm gây áp lực buộc tập đoàn quân sự Miến Điện đối thoại với đối lập.

 

Hãng tin Mỹ dẫn lời của Nay Phone Latt, phát ngôn viên của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG), tổ chức đối lập chính của Miến Điện, tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của cuộc gặp này. Phát ngôn viên chính phủ kháng chiến chống tập đoàn quân sự cũng nói thêm rằng, thông tin này cho thấy tập đoàn quân sự cố gắng sử dụng ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi vào thời điểm này là ‘‘gián tiếp thừa nhận rằng họ không còn ở trong một tình thế tốt trong cuộc khủng hoảng chính trị’’ ở Miến Điện.

 

Báo mạng Miến Điện độc lập Irrawady có cuộc phỏng vấn bộ trưởng Ngoại Giao của chính phủ kháng chiến chống tập đoàn quân sự, bà Daw Zin Mar Aung. Theo vị lãnh đạo này, cuộc gặp nói trên của ngoại trưởng mãn nhiệm Thái Lan ngay trước thềm hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, là hoàn toàn không có tính chính đáng, và chỉ khiến vấn đề Miến Điện trở nên ‘‘phức tạp hơn’’, gây mất đoàn kết trong nội bộ ASEAN.

 

Cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, 78 tuổi, hiện đang bị giới tướng lãnh kết án tổng cộng 33 năm tù. Yêu cầu của khối ASEAN để chấm dứt khủng hoảng tại Miến Điện là tập đoàn quân sự chấm dứt đàn áp, đối thoại với đối lập. Điều mà tập đoàn quân sự trì hoãn thực hiện cho đến nay.

 

An ninh siết chặt tại Pháp trước 14/07: Quốc Khánh an bình

An ninh được siết chặt hiếm thấy tại Pháp trước dịp Quốc Khánh, sau đợt bạo loạn cuối tháng 6, bùng lên sau vụ một thanh niên bị cảnh sát bắn chết. 45.000 cảnh sát và hiến binh để đảm bảo an ninh, trong đó có 10.000 cảnh sát và hiến binh riêng ở Paris.

 

Lần đầu tiên trong dịp 14/07, các lực lượng đặc biệt của cảnh sát và hiến binh, cũng như máy bay trực thăng và xe bọc thép của hiến binh túc trực tại các thành phố có nguy cơ cao nhất. Các lễ hội của ngày Quốc khánh kỷ niệm 14 tháng 7, sự kiện chiếm ngục Bastille trong Cách mạng Pháp năm 1789, bắt đầu như mọi năm với cuộc duyệt binh trên đại lộ Champs-Elysées, ở trung tâm thủ đô. Cuộc duyệt binh với sự hiện diện của tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, khách mời danh dự tại buổi lễ, đã diễn ra suôn sẻ.

 

Theo bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin hôm nay, các buổi lễ hội, trình diễn ca nhạc hay các màn bắn pháo hoa đã diễn ra bình thường trên khắp nước Pháp và con số các vụ đốt phá đã giảm đáng kể so với năm ngoái. Theo tòa thị chính Paris, khu vực an toàn của quảng trường Champ-de-Mars, đối diện với tháp Eiffel, việc đón mừng Quốc Khánh diễn ra tương tự năm ngoái, với khoảng 70.000 người tham dự buổi hòa nhạc cổ điển lớn và sau đó là màn trình diễn pháo hoa trên nền nhạc kéo dài khoảng 20 phút trước nửa đêm. Hàng ngàn người khác theo cuộc bắn pháo hoa mừng Quốc Khánh trên các đường phố, trên những cây cầu bắc qua sông Seine. 

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

NATO “chĩa mũi dùi” vào Trung Quốc

 

Tổng thống Ukraina hài lòng về bảo đảm an ninh của G7 và NATO

 

Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối NATO xem Trung Quốc là một « thách thức » an ninh

 





No comments: