Tuesday, July 18, 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 17/07/2023 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 17/07/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

17/07/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/07/17/the-gioi-hom-nay-17-07-2023/

 

HÌNH : https://www.levernews.com/content/images/2023/04/No-Labels-Rally.png

 

EUTunisia hoàn tất một thỏa thuận trị giá 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD), trong đó có 105 triệu euro dành cho hợp tác chống nạn buôn người. Hiện ngày càng có nhiều người di cư đến từ hoặc quá cảnh quốc gia Bắc Phi này để đến châu Âu. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người trực tiếp tham dự đàm phán ở Tunisia, đã ca ngợi thỏa thuận như một “mô hình” cho quan hệ EU-Bắc Phi. Thoả thuận cũng bao gồm các khoản vay cho nền kinh tế đang khủng hoảng của Tunisia.

 

Sóng nhiệt bất thường tiếp tục được ghi nhận trên khắp thế giới. Có khoảng một phần ba dân số Mỹ đã được cảnh báo về nhiệt độ nguy hiểm. Các nhà khí tượng học dự đoán nhiệt độ vào tuần tới ở Ý có thể tăng lên 49°C, mức nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. Nhật Bản và Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo nắng nóng, trong khi Hàn Quốc nỗ lực giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt sau mưa lớn.

 

Thuế xăng dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp ba lần, khiến giá tại cây xăng tăng 20%. Đây là một nỗ lực của chính phủ nhằm bổ sung ngân quỹ vốn đã cạn kiệt do những chính sách trợ cấp hào phóng của tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong lúc tái tranh cử, và trận động đất thảm khốc hồi tháng 2. Ví tiền của người Thổ Nhĩ Kỳ bị tác động nặng bởi lạm phát do chính sách tiền tệ nới lỏng – một chiến lược mà chính phủ mới từ bỏ gần đây.

 

Thủ tướng Iraq bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Syria — lần đầu tiên trong hơn một thập niên qua. Mohammed Al-Sudani sẽ hội kiến với Bashar al-Assad, tổng thống Syria, về các nỗ lực ngăn chặn ma túy và các chiến binh Nhà nước Hồi giáo di chuyển qua biên giới chung. Từng bị các lãnh đạo Ả Rập khác xa lánh kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, ông Assad hiện đang năng nổ hoạt động ngoại giao trở lại: hồi đầu năm, Syria đã được mời tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập.

 

Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen nói “điều tốt nhất cho kinh tế toàn cầu” là giúp Ukraine chấm dứt cuộc chiến với Nga. Bà Yellen đưa ra nhận xét này ngay trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 sẽ khai mạc ở Ấn Độ vào thứ Hai. Bà Yellen cũng khuyến nghị cơ cấu lại nợ của các nước nghèo.

 

Hàng ngàn người xuống đường ở Israel để phản đối kế hoạch đại tu lại ngành tư pháp của chính phủ. Biểu tình bùng nổ vài ngày sau khi quốc hội Israel thông qua sơ bộ dự luật hạn chế quyền hạn của Tòa án Tối cao. Trước đó, thủ tướng Binyamin Netanyahu đã nói trong một video rằng ông “cảm thấy rất khỏe” sau khi được đưa đến bệnh viện kiểm tra y tế.

Con số trong ngày: 6 tỷ đô la, là số tiền mà The Economist ước tính các cơ quan hành chính trên khắp thế giới chi tiêu cho giấy tờ và in ấn hàng năm.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại

 

Khi bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đến thăm Bắc Kinh trong tháng này, bà đã ít nhiều đóng góp cho ngành khách sạn địa phương. Cụ thể, bà đã ăn tối với nhóm của mình tại một nhà hàng, nơi sau đó công bố thực đơn mới mượn tên bà; và ăn trưa với một nhóm các nhà kinh tế nữ. Nhưng trong khi ngành dịch vụ ăn uống là một điểm sáng kể từ khi Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế đại dịch vào cuối năm 2022, những khu vực khác của nền kinh tế đang chững lại.

 

Các số liệu được công bố vào thứ Hai nhiều khả năng cho thấy GDP của Trung Quốc tăng trưởng rất ít từ quý 1 đến quý 2 năm 2023. (Tăng trưởng vẫn tốt hơn nhiều so với giai đoạn phong tỏa tháng 4-6 năm 2022). Nhiều người đang khao khát một gói kích thích cơ sở hạ tầng từ chính phủ, với kỳ vọng có một kế hoạch chi tiết sau cuộc họp cuối tháng 7 của Bộ Chính trị. Nhưng chính phủ, như thường lệ, đang tỏ ra thận trọng.

 

 

Thoả thuận ngũ cốc Nga-Ukraine sắp đáo hạn

 

Hồi tháng 7 năm 2022, Nga đã đồng ý cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen. Thỏa thuận không được thực thi tốt lắm, với các báo cáo lặp đi lặp lại về các hành vi phong tỏa của Nga. Dù vậy, hàng triệu tấn lương thực vẫn được chuyển đi, giúp kiểm soát giá lương thực toàn cầu. Nhưng thỏa thuận sẽ hết hạn vào thứ Hai.

 

Vladimir Putin đã từ chối cam kết gia hạn và cáo buộc trừng phạt của phương Tây làm hạn chế các lô hàng ngũ cốc và phân bón của Nga. Liên Hợp Quốc – bên cùng với Thổ Nhĩ Kỳ là trung gian đàm phán – đã đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Nga, nhưng không có kết quả. Do đó, hầu hết mọi con mắt đều đổ dồn vào tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã thuyết phục được ông Putin ký thỏa thuận ban đầu nhờ mối quan hệ cá nhân. Nhưng ông Erdogan, sau khi mới tái đắc cử gần đây, đã nghiêng về phía các đồng minh phương Tây, nhất là cái gật đầu cho phép Thụy Điển gia nhập NATO. Hôm thứ Sáu, ông tuyên bố “đồng quan điểm” với ông Putin về thỏa thuận ngũ cốc. Nhưng Điện Kremlin đã không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào như vậy.

 

 

G20 họp cấp bộ trưởng

 

Vào thứ Hai, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương G20 sẽ họp ở Gandhinagar, một thành phố Ấn Độ được đặt theo tên của người cha lập quốc Gandhi. Chương trình nghị sự do Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch G20, đặt ra là rất tham vọng. Hai ngày đàm phán nhắm đến mọi chủ đề, từ các quy định xuyên biên giới đối với tiền điện tử đến một thỏa thuận toàn cầu về thuế doanh nghiệp.

 

Nhưng có một vấn đề lớn nhất: làm thế nào để giúp các nền kinh tế đang phát triển chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Một nhóm các nhà kinh tế học — do cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Lawrence Summers dẫn đầu — sẽ thảo các đề xuất để giúp các tổ chức cho vay quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới trở nên xanh và hiệu quả hơn. Nhưng chỉ tinh giản là không đủ đối với các nước nghèo, những người yêu cầu có thêm hỗ trợ tài chính. Rủi ro là việc cuộc họp sẽ phơi bày các khác biệt giữa thế giới giàu và nghèo về cách tài trợ cho chuyển đổi khí hậu.

 

 

Lựa chọn thứ ba cho các cử tri Mỹ?

 

Mỹ không phải là một nơi vui vẻ lắm cho những nhân vật ôn hòa chính trị. Tổng thống Joe Biden có thể không tỏ ra là một chiến binh đảng phái, nhưng các chính sách của ông và của Đảng Dân chủ đang nghiêng về phía tả. Còn Đảng Cộng hòa, dẫn đầu bởi Donald Trump, đang trở nên ngày càng cực đoan. Trong bối cảnh đó, hơn một nửa người Mỹ muốn có một lựa chọn thứ ba đáng tin cậy.

 

Giữa lúc ấy xuất hiện No Labels, một nhóm lưỡng đảng được thành lập từ năm 2010. Vào thứ Hai, tổ chức này sẽ tổ chức một sự kiện ở New Hampshire với sự góp mặt của thượng nghị sĩ Dân chủ trung dung Joe Manchin và Jon Huntsman, một đảng viên Cộng hòa ôn hòa là cựu thống đốc bang Utah. Điều này có thể báo trước một liên danh tranh cử tổng thống gồm một đảng viên Dân chủ và một đảng viên Cộng hòa, sẽ được công bố vào mùa xuân tới.

 

Phần lớn các đề xuất chính sách của No Labels có vẻ hợp lý, chẳng hạn như cắt giảm các chương trình trợ cấp (nhiều trong số đó sắp mất khả năng thanh toán) hay quyền công dân cho những người nhập cư được đưa đến Mỹ khi còn nhỏ. Nhưng nếu No Labels thu hút được những cử tri ôn hòa, những người có xu hướng bỏ phiếu cho Biden, người hưởng lợi nhất rõ ràng sẽ là Trump.

 





No comments: