Sunday, July 9, 2023

RA MẮT SÁCH 'LƯỢC SỬ TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM' TẠI LITTLE SAIGON (Văn Lan / Người Việt)

 


Ra mắt sách ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ tại Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

July 8, 2023

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/ra-mat-sach-luoc-su-truong-vo-bi-quoc-gia-viet-nam-tai-little-saigon/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam vừa ra mắt sách “Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam” tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/CCB-Sach-truong-vo-bi-quoc-gia-1-1536x982.jpg

Sách “Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Cựu SVSQ Nguyễn Phước Ái Đỉnh, Khóa 26, tổng hội trưởng Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, trình bày: “Cuốn ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ là một biên khảo nói về một quân trường đã góp phần xây dựng quân đội quốc gia hùng mạnh dưới nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Nội dung cuốn lược sử này chủ yếu trình bày về một quân trường lớn của VNCH, có thể nói rằng đó là quân trường lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, là nơi đào tạo những sĩ quan hiện dịch can trường và mưu lược, ôm ấp lý tưởng quốc gia dân tộc, thực hiện mục tiêu đem lại tự do dân chủ cho người dân, và họ được đào tạo để trở thành những cán bộ nòng cốt cho cả thời chiến lẫn thời bình.”

 

“Trong nhiệm vụ bảo quốc an dân, nhiều sĩ quan xuất thân từ trường đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, bất khuất trong các trại tù Cộng Sản và ngay những sĩ quan Khóa 28, 29 vừa tốt nghiệp chưa có được một ngày phép, đã xông vào cuộc chiến theo các bậc đàn anh và đã dũng mãnh hy sinh nơi trận mạc dưới lá quốc kỳ quốc gia Việt Nam,” ông tiếp.

 

Chấp hành nghị quyết của Đại Hội Đồng XXII Tháng Bảy, 2022, tu bổ hoàn chỉnh và phát hành sách “Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam” trong vòng sáu tháng, Tổng Hội đã phân công cựu SVSQ Võ Ý, Khóa 17, làm trưởng Ban Biên Soạn. Cựu SVSQ Tôn Thất Dziên, Khóa 10, cũng là giáo sư Văn Hóa Vụ của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam là trưởng Ban Hiệu Đính, cựu SVSQ Trần Trí Quốc, Khóa 27, là trưởng ban trị sự và phát hành.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/CCB-Sach-truong-vo-bi-quoc-gia-2-1536x1050.jpg

Cựu SVSQ Võ Ý, trưởng Ban Biên Soạn, nói về quyển Lược Sử. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Ban hợp ca cùng hát bài “Võ Bị Hành Khúc” để nhớ lại một thời tân khóa sinh và SVSQ thuở xưa, do nhạc sĩ Lê Như Hùng, cựu SVSQ Khóa 14, sáng tác.

 

Cựu SVSQ Võ Ý cho hay: “Sách ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ được khởi soạn từ Đại Hội Thứ XVIII năm 2012 tại Washington, phải ‘Trăm cay nghìn đắng mới nên một nụ cười’ (Cung Trầm Tưởng). Hôm nay tác phẩm được ra mắt cộng đồng sau 11 năm tu bổ chỉnh sửa. Tên gọi ban đầu của sách là ‘Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Theo Dòng Lịch Sử.’”

 

Ban Biên Soạn gồm 10 thành viên, trong đó có bốn hậu duệ như là sự kế thừa. Trưởng ban là ông Võ Ý, phó ban là ông Trương Thanh Sương, Khóa 19, trình bày trách nhiệm biên soạn cuốn ‘Lược Sử Trường Võ Bị’ từ năm 2016 đến 2023.

 

Ông Võ Ý chia sẻ: “…Vì đại dịch, nhiệm kỳ thứ tư kéo dài từ hai năm thành bốn năm. Theo quyết định của Tổng Hội, Đại Hội Đồng Võ Bị lần thứ XXI năm 2018 tại Nam California có trách vụ tu bổ chỉnh sửa bản thảo đã có từ 2016, và phát hành trong nội bộ tổng hội. Sách được in mang tên ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ với đầy đủ mã số ISBN 978-0-578-66419-4, và mã số của Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ là 2020905984.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/CCB-Sach-truong-vo-bi-quoc-gia-3-1536x1076.jpg

Giáo Sư Văn Hóa Vụ Tôn Thất Dziên, Ban Hiệu Đính, nói về việc hiệu đính cuốn sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

“Đại Hội Đồng XXII quyết định ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ ấn hành năm 2020 tái bản trong vòng sáu tháng và phát hành rộng rãi.’ Sách được hiệu đính và tái bản lần thứ nhất hiện đang có ở đây,” ông tiếp.

 

Theo ông Trương Thanh Sương, thi hành quyết định năm 2021 và 2022, dựa trên bốn nguyên tắc làm việc và qua sự duyệt xét của Ban Hiệu Đính: “1/Dựa vào tài liệu của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam phổ biến năm 1972, tóm lược lịch sử của trường, trong đó có danh sách sĩ quan tốt nghiệp các khóa từ Khóa 1 cho đến Khóa 23 năm 1972, đầy đủ quân vụ của từng cá nhân. Ngoài ra chúng tôi cũng gom góp tài liệu từ các nhân chứng sống trong và ngoài Võ Bị, cả trên Internet. 2/Tôn trọng mọi sự góp ý phải được đa số chấp thuận. 3/Chọn cách viết cho lược sử là ngắn gọn, rõ ràng và đủ nghĩa. 4/Tránh không đưa cảm xúc cá nhân vào các câu văn.”

 

Cuốn sách mới, tái bản lần thứ nhất này có 406 trang, gồm 10 chương: I/Tổng Quát. II/Sinh Viên Sĩ Quan. III/Đào Tạo. IV/Thành Quả. V/Lược Sử Các Khóa. VI/Chấm Dứt Nhiệm Vụ. VII/Vị Quốc Vong Thân. VIII/Sinh Hoạt Tại Hải Ngoại. IX/Gương Trung Nghĩa. X/Bài Viết Liên Quan.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/CCB-Sach-truong-vo-bi-quoc-gia-4-1536x1102.jpg

Giáo Sư Văn Hóa Vụ Trần Huy Bích, thành viên Ban Hiệu Đính, nói về sự quan trọng của quyển sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Riêng bốn chương rất quan trọng mà các sách khác viết về Trường Võ Bị khác không có, gồm các chương VI/Chấm Dứt Nhiệm Vụ, VII/Vị Quốc Vong Thân, VIII/Sinh Hoạt Tại Hải Ngoại, và IX/Gương Trung Nghĩa.

 

Sách “Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam” là tài sản của Tổng Hội, kể cả các thế hệ tiếp nối. Với quan điểm đó, Ban Biên Soạn gồm các hậu duệ Võ Bị tham gia như một sự kế thừa qua các chương “Phụ Nữ Lâm Viên,” mục “Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu,” và đặc biệt là mục “Thay Lời Kết.”

 

Ông Trần Văn Hiền, cựu SVSQ Khóa 29, từ Úc về dự buổi ra mắt sách, cho hay ông rất hãnh diện khi là một phần tử của ngôi trường mẹ đã sản sinh ra bao nhiêu người con yêu, những chiến binh anh hùng chiến đấu cho miền Nam tự do, và nay đã đúc kết lại thành một quyển lược sử giá trị về Trường Võ Bị này.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/CCB-Sach-truong-vo-bi-quoc-gia-5-1536x1148.jpg

Ông Nguyễn Phước Ái Đỉnh, tổng hội trưởng Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, nói về quyển sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Bà quả phụ cựu SVSQ Nguyễn Trọng Mạc, Khóa 15/1, chia sẻ: “Riêng cá nhân tôi rất hãnh diện, nếu không có cuốn sách ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ này thì con cháu chúng tôi tuy vẫn biết quý trọng tôn kính ông cha của mình nhưng chưa hiểu hết giá trị thực sự của các sĩ quan Quân Lực VNCH được đào tạo từ ngôi trường này, từ nhân cách đến tinh thần trách nhiệm của một vị chỉ huy.”

 

Giáo Sư Văn Hóa Vụ Tôn Thất Dziên, xuất thân Khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, trưởng Ban Hiệu Đính, nói về nhiệm vụ của ban, khi bản thảo của Ban Biên Soạn cần trau chuốt cho đầy đủ hơn, nhờ công lao của Ban Hiệu Đính, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Nguyễn Phúc Vĩnh Đương rất nhiều, và cá nhân ông. Ban Biên Soạn đã hoàn tất được quyển sách này trong tinh thần thông hiểu và rất thương mến nhau.

 

Giáo Sư Văn Hóa Vụ Trần Huy Bích, giáo sư tiến sĩ Đại Học Austin, Texas, thành viên Ban Hiệu Đính, chia sẻ tại sao cuốn sách “Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam” nên có, cần có, và được có. “Lịch sử thường được kẻ chiến thắng viết, vì nhiều lý do trong đó có sự chủ quan, tinh thần tự tôn, tự đề cao, muốn được coi mình là người nắm giữ chính nghĩa. Sau chiến tranh, kẻ chiến thắng thường tự vơ hết những gì tốt đẹp về cho mình, và gán hết những gì xấu xa tệ hại nhất cho người thất trận,” Giáo Sư Bích nói.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/CCB-Sach-truong-vo-bi-quoc-gia-6-1536x1041.jpg

Ban tổ chức trao tặng sách “Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam” đến cô Kim Ngân (phải), giám đốc Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Giáo Sư Bích chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 48 kể từ 1975, ra mắt quyển sách ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ là một việc cần làm và nên làm, vì người trước có câu ‘Việc chưa tới 50 năm, chưa thuộc về lịch sử.’ Nhưng rất nguy hiểm khi đợi đến 50 năm sau thì những tài liệu giá trị tốt đẹp liên quan đến bên thất trận đã bị kẻ chiến thắng thủ tiêu hết, rất khó cho người đời sau thấy được sự công bằng và chính xác. Với người Cộng Sản hiện nay, tình trạng còn tệ hại hơn nhiều khi một sử gia chỉ nghiên cứu lịch sử để phục vụ chế độ chứ không phải để chép sử một cách trung thực.”

 

Giáo Sư Trần Huy Bích cũng dẫn chứng bằng một slideshow rất nhiều sách của các nhà nghiên cứu trên thế giới về chiến tranh Việt Nam, cho thấy giá trị của Quân Lực VNCH chiến đấu vì chính nghĩa, vừa tự vệ vừa chăm lo đời sống của dân.

 

“Mong các thế hệ Việt Nam kế tiếp, trong cũng như ngoài nước, nhận thức được rằng trong công cuộc bảo vệ miền Nam chống lại tham vọng xâm lăng của chủ nghĩa Cộng Sản vô thần, đã có một quân trường thành công đáng kể trong nhiệm vụ đào tạo những sĩ quan phục vụ quốc gia dân tộc, kiên cường chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng tự do dân chủ,” ông nói.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/CCB-Sach-truong-vo-bi-quoc-gia-7-1536x878.jpg

Quang cảnh buổi ra mắt sách “Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

“Ngoài ra cuốn ‘Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam’ còn là bằng chứng để loại bỏ những xuyên tạc của Việt Cộng, chủ trương bóp méo lịch sử theo sử quan duy vật vô thần và quan điểm một chiều,” Giáo Sư Trần Huy Bích khẳng định.

 

Độc giả cần tham khảo sách, xin liên lạc: Quốc Trần, 1475 Highpoint St., Upland, CA 91784, điện thoại (949) 212-0261, email: tran27147@yahoo.com. (Văn Lan) [qd]

 






No comments: