Quan
hệ của Trung Quốc với Đài Loan và Phương Tây nhìn từ quần đảo Mã Tổ
Katsuji
Nakazawa - Nikkei
Asia
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Những chiếc kệ cửa hàng tiện lợi ở Quần đảo Mã Tổ đã
phản ánh căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc.
Khoảng 10 cửa hàng tiện lợi đang hỗ trợ cuộc sống của người dân địa
phương trên Quần đảo Mã Tổ của Đài Loan chính là mô hình thu nhỏ của địa chính
trị.
Nhiều loại bia bán ở các cửa hàng này đến từ Litva, một quốc gia nhỏ ở
vùng Baltic đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi cho phép đặt Văn phòng Đại diện Đài
Loan ở thủ đô Vilnius.
Trên kệ hàng, các loại bia Litva đang được xếp ở những vị trí đẹp hơn các
loại bia do Đài Loan sản xuất.
“Dạo này tôi thấy bia Litva nhiều hơn,” một nam cư dân khoảng 40 tuổi sống
trên đảo nói. “Chúng có hương vị đậm đà và rất ngon.”
Mã Tổ, nằm cách bờ biển phía đông nam Trung Quốc đại lục khoảng 20 km, hiện
nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan.
Nhưng quần đảo xa xôi này của Đài Loan lại nằm rất gần
thành phố Ninh Đức và thủ phủ Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm quan chức cấp cao tại tỉnh này trong gần 17 năm
kể từ năm 1985.
Mã Tổ nằm xa hơn một chút so với đảo chính của Đài Loan. Nếu đi bằng tàu
cao tốc, bạn sẽ đến được quần đảo sau khoảng ba giờ. Quần đảo có dưới 14.000 cư
dân này được tạo thành từ các đảo Nam Can, Bắc Can, và một số đảo khác. Nó có
hai sân bay.
Bia Helles Burg Lager và Blindo Tradicinis đến từ
Litva, quốc gia đang tăng cường quan hệ với Đài Loan. (Ảnh của Katsuji
Nakazawa)
Trong khi đó, trên đảo chính của Đài Loan có hai cửa hàng chuyên về
chocolate do Litva sản xuất. Loại chocolate này có lịch sử hơn 100 năm và cũng
được bán tại các trung tâm mua sắm.
Gần đây, trong một lần thăm đảo, tôi vẫn thấy một cửa hàng ở Đài Bắc bán
các sản phẩm kỷ niệm 100 năm của một hãng chocolate Litva được thành lập vào
năm 1913, tức 110 năm trước.
Thời bấy giờ, Litva nằm dưới sự kiểm soát của đế quốc Nga, trước khi trở
thành một nước cộng hòa độc lập vào năm 1918. Sau đó, họ bị Liên Xô và Đức Quốc
Xã xâm chiếm trong Thế chiến II. Ba quốc gia vùng Baltic, trong đó có Litva, cuối
cùng bị Liên Xô chiếm đóng và sáp nhập vào năm 1940. Phải đến năm 1991 họ mới
giành lại được độc lập cho mình.
Lịch sử bị các cường quốc xâu xé của Litva cũng
tương tự như của Ukraine.
Litva có dân số 2,8 triệu người và thủ đô Vilnius của nước này là nơi tổ
chức thượng đỉnh NATO ngày 11 và 12 tháng 7 vừa qua.
Dù đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một nội dung nghị sự
chính tại thượng đỉnh, nhưng vấn đề thu hút sự chú ý đằng sau hậu trường là
cách đối phó với Trung Quốc, nước đang tăng cường hợp tác quân sự với Nga.
Cửa hàng chuyên về chocolate Litva ở Đài Bắc. (Ảnh của
Katsuji Nakazawa)
Một tuyên bố chung được thông qua tại thượng đỉnh NATO khẳng định rằng
tham vọng và các chính sách cưỡng chế của Trung Quốc “thách thức các lợi ích,
an ninh, và giá trị của chúng tôi.”
Tuyên bố của NATO cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã sử dụng một loạt các công
cụ chính trị, kinh tế, và quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu và phô diễn
sức mạnh của mình, theo đó bày tỏ lo ngại rằng nước này “đang cố gắng phá vỡ trật
tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Tuyên bố lên án Trung Quốc cũng nhiều như lên án Nga.
Trung Quốc đã phản ứng mạnh trước động thái của liên minh quân sự phương
Tây. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu, “Những gì được nói
trong thông cáo của NATO hoàn toàn trái ngược với sự thật và là sản phẩm của
tâm lý Chiến tranh Lạnh và thiên kiến ý thức hệ.”
Một tiêu điểm khác tại thượng đỉnh Vilnius là kế hoạch đề xuất mở văn
phòng liên lạc của NATO tại Tokyo. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được đồng
thuận về vấn đề này do sự phản đối của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trung Quốc đã tạm thoát được gánh nặng. Sự kiện NATO lập văn phòng ở
Tokyo có thể dẫn đến một chiến lược răn đe toàn diện hơn đối với Trung Quốc về
vấn đề Đài Loan.
Nhưng một nguồn tin ngoại giao từ một nước thành viên NATO cũng đóng vai
trò trung tâm trong Liên minh châu Âu cho biết, lập trường của NATO về hợp tác
với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, là
rất rõ ràng và sẽ không thay đổi.
Do lịch sử của mình, Litva, nước tình nguyện tổ chức hội nghị thượng đỉnh
NATO năm nay, đã trở nên thận trọng đối với các quốc gia độc tài như Nga và
Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Litva đã tăng cường trao đổi với Đài Loan, đặc
biệt là về kinh tế, đồng thời tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại
Litva.
Quần đảo Mã Tổ từng là một địa điểm nổi tiếng với
khách du lịch Trung Quốc đến từ tỉnh Phúc Kiến. Vì người dân trên quần đảo và
người dân sống xung quanh Phúc Châu có thể giao tiếp với nhau bằng phương ngữ
Mân Đông, nên Mã Tổ đã trở thành một địa điểm tự nhiên cho các hoạt động giao
lưu giữa hai bờ eo biển.
Bia và chocolate Litva ở Đài Loan là sản phẩm của một thực tế chính trị
quốc tế mới: hai bên đã nhanh chóng xích lại gần nhau.
Bắc Kinh đã dẫn đầu khuôn khổ hợp tác “17+1” – giữa Trung Quốc với 17 quốc
gia Trung và Đông Âu, đồng thời thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, kêu gọi
tạo ra một khu kinh tế lớn nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển.
Tuy nhiên, vào năm 2021, Litva đã tuyên bố rút khỏi
khuôn khổ này. Ngoài ra, họ đã cho Đài Loan mở Văn phòng Đại diện Đài Loan, sử
dụng tên gọi Đài Loan thay vì Đài Bắc, vốn là tên gọi tiêu chuẩn cho các văn
phòng kiểu này. Litva cũng đã mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan.
Trung Quốc đã phản ứng gay gắt và thực hiện các biện pháp đối phó với
Litva, nhưng chúng không cản trở mối quan hệ đang ấm lên nhanh chóng giữa quốc
gia Baltic và Đài Loan.
Năm 2022, hai quốc gia vùng Baltic
khác là Latvia và Estonia cũng tuyên bố rời khuôn khổ 17+1, khiến mô hình này
chỉ còn là 14+1.
Các tàu quân sự Đài Loan được đặt tại bãi biển để bảo
vệ quần đảo Mã Tổ. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Ba nước vùng Baltic hiện đang ở tuyến đầu của những
biến động chính trị quốc tế liên quan đến Trung Quốc và NATO, và điều này cũng
đang tác động đáng kể đến quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Căng thẳng quân sự gần đây giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng có thể được cảm
nhận tại một bãi biển ở quần đảo Mã Tổ, cách một cửa hàng tiện lợi bán bia
Litva khoảng 100 mét.
Một con tàu hải quân đã được đặt trên bãi biển như thể bị mắc cạn. Nó phục
vụ như một trung tâm giám sát, chuyên theo dõi Trung Quốc đại lục. Một số tàu
thuyền khác cũng được bố trí ở bãi biển này, gần con tàu hải quân, để ngăn quân
đội Trung Quốc xâm nhập hoặc đổ bộ.
Hòn đảo cũng có một đường hầm phòng thủ nằm trên một vách đá gần bãi biển,
vốn đã được đào trong thời gian xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Nó
hiện là một điểm thu hút khách du lịch và được mở cửa cho công chúng.
Ngọn đồi với bức tượng Mẫu
Tổ khổng lồ từng là biểu tượng của sự giao lưu giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Trước đại dịch coronavirus, nó đã thu hút nhiều khách du lịch từ Trung Quốc đại
lục. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Quần đảo Mã Tổ còn là một địa điểm tín ngưỡng. Trên một ngọn đồi nhìn ra
con tàu hải quân là một bức tượng khổng lồ của nữ thần biển Mẫu Tổ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tổ bắt nguồn từ câu chuyện về một người phụ nữ sinh
năm 960 dưới thời nhà Tống. Tương truyền rằng bà đã có phép thần kể từ khi còn
nhỏ, và trong lúc đi tìm người cha bị mất tích của mình, bà bị lạc trên biển.
Thi thể của bà sau đó dạt vào bờ biển đảo Nam Can.
Quần đảo Mã Tổ được đặt theo tên Mẫu Tổ. Trước khi xảy ra đại dịch
COVID-19, bức tượng Mẫu Tổ trên đảo đã thu hút rất nhiều khách du lịch từ Trung
Quốc đại lục đến quần đảo bằng tàu.
Mã Tổ vốn dĩ được coi là một quần đảo của hòa bình và tín ngưỡng, xa lánh
với xung đột hoặc chiến tranh. Nhưng giờ đây, nó đang trôi dạt giữa những làn
sóng thay đổi lớn trong chính trị quốc tế, liên quan đến căng thẳng quân sự giữa
Trung Quốc và Đài Loan, ba nước vùng Baltic, và thậm chí cả NATO.
-------------------------
Katsuji Nakazawa là nhà báo
và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy
năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng
Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn: Katsuji
Nakazawa, “On
Taiwan’s remote islands, Lithuanian beer is the star,” Nikkei Asia,
20/07/2023
===============================
Có thể
bạn quan tâm:
1.
Đằng sau việc
Trung Quốc phóng tên lửa vào EEZ của Nhật Bản
2.
Tập
giao Vương Hỗ Ninh thiết kế chiến lược mới để thu hồi Đài Loan
3.
Trung Quốc
dập tắt luận điệu kêu gọi chiến tranh với Đài Loan
4.
Mối quan hệ đặc biệt
của Tập Cận Bình với Đài Loan
5.
Michael
Beckley: Trung Quốc sẽ hung hăng hơn trước khi đạt đỉnh
6.
Trung Quốc có
chút ngần ngại khi cùng Nga đe dọa Nhật Bản
7.
Tại
Đài Loan, bạn bè đang bắt đầu mâu thuẫn với nhau vì Trung Quốc
8.
Tại
sao đại sứ Trung Quốc tại Pháp gây tranh cãi về các nước thuộc Liên Xô cũ?
No comments:
Post a Comment