Những
ngõ cụt của Tập Cận Bình
05/07/2023
https://www.voatiengviet.com/a/nhung-ngo-cut-cua-tap-can-binh-/7167877.html
Tập Cận
Bình đang đứng trước những ngõ cụt. Dân số giảm nhưng giới trẻ không muốn lập
gia đình. Người đã kết hôn không muốn sanh đẻ. Vì họ lo kiếm việc khó khăn,
tương lai bất định.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-77d0-08db72c8b0d6_cx0_cy6_cw0_w1023_r1_s.jpg
Tập Cận Bình mới lên tiếng kêu gọi thanh niên hãy rời
các thành phố đi làm việc ở miền quê để giúp nông thôn “sống lại.”
Đài Á Châu Tự Do mới kể chuyện coi mấy đoạn phim ngắn được truyền trên
Twitter ở Trung Quốc rất nhiều lần, tả cảnh một tài xế xe tải phải nộp tiền mãi
lộ, giống như trả tiền “toll” ở Mỹ.
Trên “video clip,” chiếc xe bị chặn lại trên xa lộ từ Đường San
(Tangshan) đi Mã Lan Trang (Malanzhuang) tỉnh Hà Bắc (Hebei). Một ông già cầm
điện thoại ra hiệu phải đưa tiền mới được đi qua. “Cái gì vậy? Bao nhiêu? Một
nguyên?” Một bà già đưa cái điện thoại cầm tay lên, trên máy có hình một dấu hiệu
QR. Bác tài hỏi: “Trả tiền qua mạng WeChat, phải không?” QR là những dấu hiệu
hình vuông trên các máy vi tính hoặc điện thoại, vẽ nhằng nhịt trong đó mỗi cái
một khác, có thể dùng để trả tiền trên mạng, như dùng “PayPal” ở Mỹ hoặc
“WeChat” ở bên Trung Quốc.
Lái xe thêm một quãng đường nữa, bác tài lại gặp một bà lão mặc cái áo rộng
thùng thình màu đỏ. “Cái chi vậy? Trả tiền hả?” Bà cụ gật đầu. “Bao nhiêu? Năm
nguyên?”
Cứ như thế, thêm hai lần ông tài xế gặp hai bà lão vẫy chào bằng điện thoại
cầm tay; một bà đòi 10 nguyên, một bà đòi 5 nguyên.
Năm 2020, trước ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, Cộng sản Trung Quốc
tuyên bố đã xóa bỏ hết nạn nghèo đói. Nhưng bản tin Tân Hoa Xã công nhận trong
hai chục năm qua tỷ lệ người già ở thôn quê tự tử đã tăng gấp năm lần.
Trên đài ti vi của tỉnh Giang Tô (Jiangsu), một nhà bình luận cho biết hiện
tượng các “trạm thu tiền” xuất hiện gần đây ở các tỉnh nằm ở giữa và phía Tây
Trung Quốc, là nơi dân nghèo hơn cả. “Một nông dân kiếm được 107 đồng nguyên một
tháng (Hiện hơn 7 đồng nguyên đổi một đô la Mỹ) trong khi một quan chức về hưu
lãnh mỗi tháng hàng chục ngàn, nằm trong bệnh viện tốn hàng triệu đồng nguyên.
Giới trẻ cũng không khá gì hơn người già. Ngày 16 tháng 5, Sở Thống Kê Quốc
gia ở Bắc Kinh cho biết trong lớp tuổi từ 16 đến 24, tỷ lệ thất nghiệp là 19.6
phần trăm trong tháng Ba, qua tháng Tư đã tăng lên 20.4%. Tỷ số đó sẽ còn tăng
nữa; trong năm nay sẽ có thêm 11.58 triệu sinh viên tốt nghiệp đi kiếm việc
làm. Trong lớp tuổi từ 25 đến 59, tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 4.2%.
Các công ty mạng tin học (internet) lớn như Alibaba, Tencent và Baidu thường
tuyển mộ nhiều người nhất, và trả lương cao nhất. Trong ba tháng đầu năm nay, số
nhân viên mới mướn đã giảm bớt 9% so với thời gian trong cơn bệnh dịch
Covid-19. Các công ty địa ốc đang lâm cảnh trì trệ đã cắt giảm bớt số người làm
việc, từ 30% đến 50%, có nơi cắt tới 70% nhân sự, theo báo The New York
Times.
Theo Sở Thống Kê, thị trường nhân lực đã sút giảm nhanh trong những năm
qua. Từ 2019 đến 2022 số người làm việc giảm 40 triệu, một phần vì bệnh dịch,
nhưng nguyên nhân chính là kinh tế chậm hồi phục vì nhu cầu tiêu thụ không
tăng. Ở Mỹ, sau khi bệnh dịch đi qua nhiều người đã đem tiền tiết kiệm được đi
mua sắm; nhu cầu tiêu thụ lên cao giúp kinh tế hoạt động trở lại như cũ. Ở
Trung Quốc thì người ta vẫn lo xa, không muốn xài hết tiền đành dụm! Vì vậy,
kinh tế hồi phục chậm gây nên cảnh sinh viên ra trường khó kiếm việc.
Vương Minh Nguyên (Wang Mingyuan), một kinh tế gia ở Bắc Kinh mới phổ biến
một bài nghiên cứu được nhiều người chuyển, tiên đoán tình trạng này sẽ kéo
dài, trong năm năm nữa sẽ có 50 triệu người trong lớp tuổi từ 16 đến 40 mất việc,
cũng theo The New York Times. Tâm trạng bi quan khiến nhiều người
Trung Hoa trẻ tuổi đã đi ra nước ngoài. Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc cuối
năm 2022 đã có 116,000 người Trung Hoa xin tị nạn, cao gấp 10 lần so với thập
niên trước.
Trên mạng xã hội người ta truyền tụng một từ mới, “Tuổi 35 bạc bẽo!” Họ
than rằng “Tuổi 35 đã già quá khó kiếm việc làm, còn tuổi 60 vẫn trẻ quá không
được nghỉ!” Các công ty Trung Quốc không muốn tuyển nhân viên trên 35 tuổi. Nhiều
thông báo tuyển người nói rõ trên 35 tuổi đừng nạp đơn. Ngay cả khi tuyển công
chức mới chính phủ Trung Quốc cũng đặt giới hạn phải dưới 35 tuổi! Sinh viên mới
ra trường trẻ hơn, có những kiến thức cập nhật hơn, chưa lập gia đình nên sẵn
sàng làm thêm giờ, và chấp nhận lương bổng thấp.
Trên các mạng xã hội đã truyền đi một bài so sánh số phận của những người
trong lớp tuổi 35 bạc bẽo với nhân vật Khổng Ất Kỷ trong một truyện ngắn của Lỗ
Tấn, đăng trên báo Tân Thanh Niên năm 1919. Khổng Ất Kỷ là một
nho sinh lỡ vận, không đậu bằng cấp cao để được làm quan mà cũng không chịu đi
làm việc tay chân. Lúc nào cũng mặc áo dài cũ rách để giữ nền nếp, mở miệng ra
là dẫn những câu trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, không ai hiểu nổi, Khổng Ất Kỷ có lúc
đi ăn cắp, bị đánh què cẳng.
Bài bình luận so sánh các sinh viên thất nghiệp “không thể bước xuống khỏi
cái bậc thang xã hội mình đã ngoi lên được, như Khổng Ất Kỷ không thể cởi bỏ
cái áo dài.” Có người hỏi, “Thay vì bắt Khổng Ất Kỷ cởi bỏ cái áo dài, tại sao
không bảo ông Hoàng đế cởi cái áo mới của ông ta đi!” Câu này chạm tới Hoàng đế
Tập Cận Bình nên cả bài bình luận bị kiểm duyệt xóa ngay!
Tập Cận Bình mới lên tiếng kêu gọi thanh niên hãy rời các thành phố đi
làm việc ở miền quê để giúp nông thôn “sống lại.” Nhà nước cho phổ biến video
quay cảnh các sinh viên về làm việc trên cánh đồng, vui vẻ hát, cười. Tỉnh Quảng
Đông đã đưa ra kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ gửi 300,000 thanh niên về nông
thôn. Những ý kiến này nhắc dân Trung Hoa nhớ lại khẩu hiệu “hạ phóng” thời Mao
Trạch Đông, khi người Trung Hoa chưa biết kinh tế thị trường là cái gì. Bây giờ,
không biết đảng Cộng sản có ép buộc được người dân như xưa được không! Nhưng nếu
không kiếm được việc làm ở thành phố, nhiều thanh niên cũng tự mình tìm về làng
cũ.
Báo The New York Times kể chuyện một người họ Lương 38
tuổi, thất nghiệp từ 3 năm nay, phải bỏ thành phố Quảng Châu về làng ở vì không
thể trả tiền thuê nhà, mỗi tháng khoảng $100 đô la. Anh ta không thể lấy vợ,
cũng như ba người anh em họ cùng tuổi. Anh nói, chỉ những người có việc làm chắc
chắn như công chức, giáo viên, mới tính chuyện lập gia đình.
Tìm việc khó khăn là một nguyên nhân khiến nhiều người
Trung Hoa không lập gia đình; cản trở cho kế hoạch của nhà nước muốn bảo vệ dân
số cho không đi xuống. Năm ngoái, số thống kê cho thấy chỉ có 12 triệu trẻ ra đời
trong lục địa; số sinh giảm liên tiếp trong bốn năm. Trung Cộng đã xóa bỏ lệnh
cấm sinh 2 con, cho phép các cặp vợ chồng được tự do sanh đến 3 con; nhưng số
trẻ sơ sinh không tăng. Trong khi đó, người già trên 60 tuổi đang chiếm một phần
năm dân số và sẽ dần dần tăng thêm.
Năm ngoái, giáo sư kinh tế Nhiệm Dịch Bình (Ren Zeping, 任泽平), Đại học Tinh Hoa viết trên trang mạng cá nhân
Weibo (Vi Bác), đề nghị chính phủ khuyến khích sanh đẻ bằng cách trợ cấp tiền
cho các đám cưới và các bà mẹ sanh con. Ông yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc
Kinh mỗi năm in thêm 3 ngàn tỷ đồng nguyên, khoảng $314 tỷ mỹ kim, dùng trong kế
hoạch này. Theo ông, trong mười năm nữa sẽ có thêm 50 triệu trẻ sơ sinh ra đời!
Lời kêu gọi của ông được đưa lên mạng WeChat gây nên những cuộc bàn cãi sôi nổi,
đầu năm 2022 đã bị kiểm duyệt bỏ.
Tập Cận Bình đang đứng trước những ngõ
cụt. Dân số giảm nhưng giới trẻ không muốn lập gia đình. Người đã kết hôn
không muốn sanh đẻ. Vì họ lo kiếm việc khó khăn, tương lai bất định. Việc làm
khó kiếm vì kinh tế chưa hồi phục, dù bệnh dịch đã đi qua. Kinh tế trì trệ vì
người dân chưa dám tiêu tiền. Giữ tiền đã dành dụm không xài trong mùa bệnh dịch
vì ai cũng lo tương lai bất định. Những người già lo cho chính mình, tự động ra
đường cái quan đặt những trạm thâu tiền mãi lộ; chẳng ai nghĩ rằng mình đang
làm một việc phi pháp. Đến mấy ông tài xế xe tải chạy đường trường cũng chấp nhận
nạp tiền, “trước cho xong việc, sau làm việc từ thiện!” Tất cả những người trên
đều được khuyến khích “Học tập Tư tưởng Tập Cận Bình!”
--------------------------------
Tập
Cận Bình có độc tài không?
.
Đề
phỏng rủi ro kinh tế vì Trung Quốc
No comments:
Post a Comment