Khởi
đầu của kết thúc cho Putin?
Liana
Fix và Michael Kimmage - Foreign
Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng,
biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/07/07/khoi-dau-cua-ket-thuc-cho-putin/
Cuộc nổi loạn của Prigozhin đã kết thúc nhanh chóng,
nhưng nó đã mở đường cho những rắc rối của Điện Kremlin.
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã phá hủy hình ảnh huyền bí của Tổng thống
Nga Vladimir Putin như là một nhà độc tài không thể chạm tới. Trước ngày
24/02/2022, Putin có thể giống như một kẻ vô đạo đức và hiếu chiến, nhưng qua
các động thái quân sự ở Syria, Crimea, và xa hơn nữa, ông vẫn là một chiến lược
gia có năng lực. Thế rồi, ông đã huỷ hoại tất cả, thể hiện sự kém cỏi của mình
bằng cách xâm lược một quốc gia không gây ra mối đe dọa nào cho Nga, sau đó thất
bại hết lần này đến lần khác trong việc điều hành quân đội – với ví dụ mới nhất
là cuộc nổi dậy vũ trang ngắn ngủi do thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin
phát động cuối tuần này, vốn đã làm suy yếu nhà độc tài huyền bí Putin.
Putin đã tiếp tay cho sự trỗi dậy của Prigozhin và phớt lờ những dấu hiệu
cảnh báo về Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân của Prigozhin vốn đang nằm ngoài tầm
kiểm soát. Khi quân Nga gặp khó khăn ở Ukraine, vận may của Prigozhin đã xuất
hiện và đạt đến đỉnh điểm khi Wagner chiếm được thành phố Bakhmut cho Nga vào
tháng 5. Prigozhin đã khai thác không gian chính trị không bị kiểm duyệt cuối
cùng còn sót lại ở Nga – mạng xã hội Telegram – để phát biểu trước công chúng
Nga. Suốt nhiều tháng, ông ta đã tiết lộ âm mưu đảo chính của mình: công khai
tranh cãi với lãnh đạo các lực lượng quân sự của Nga, chỉ trích nỗ lực chiến
tranh, và nghi ngờ những lời biện minh chính thức cho cuộc chiến, vốn do đích
thân Putin đưa ra. Tuy nhiên, Moscow vẫn bị bất ngờ khi Prigozhin yêu cầu binh
lính của mình nổi dậy và tham gia vụ binh biến chống lại Bộ Quốc phòng Nga.
Sự ngạo mạn và thiếu quyết đoán của Putin là câu chuyện nổi bật của chiến
tranh Ukraine. Giờ đây, chúng trở thành câu chuyện của chính trị trong nước
Nga. Bất kể động cơ và ý định của Prigozhin là gì, cuộc nổi dậy của ông ta đã vạch
trần một lỗ hổng nghiêm trọng của chế độ Putin: sự khinh miệt của nó đối với
dân thường. Putin đã quá thông minh khi không để chiến tranh ảnh hưởng đến
Moscow và St. Petersburg, hay ảnh hưởng xấu đến tầng lớp tinh hoa ở những thành
phố này. Tuy nhiên, chính sự thông minh của ông đã mang về một cuộc chiến cho
những người dân không thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước. Họ đã bị kéo vào một
cuộc tranh giành thuộc địa khủng khiếp, với mạng sống của họ bị Moscow hoặc
khinh thường hoặc đối xử nhẫn tâm. Nhiều người lính Nga vẫn không biết họ đang
chiến đấu và hy sinh vì điều gì. Prigozhin đã nói thay cho những người đàn ông
này. Ông ta không có phong trào chính trị nào đứng sau mình, và cũng không có ý
thức hệ rõ ràng. Nhưng bằng cách trực tiếp chỉ ra những mâu thuẫn với tuyên
truyền của chính phủ, ông đã nêu bật tình cảnh khốn khổ ở chiến trường và sự xa
cách của Putin, người chỉ thích nghe Bộ Quốc phòng nói về vinh quang quân sự của
Nga.
Nếu sự khinh miệt của Putin và sự tức giận của binh lính Nga hội tụ và trở
thành biểu tượng cho đất nước mà Putin cai trị, thì Điện Kremlin có lẽ đang gặp
rắc rối, ngay cả khi không có một cuộc đảo chính nào được thực hiện. Cuộc binh
biến của Prigozhin có thể là thách thức lớn đầu tiên đối với chế độ Putin,
nhưng nó không phải là thách thức cuối cùng. Cuộc nổi loạn này có thể được theo
sau bởi làn sóng đàn áp gia tăng ở Nga. Một nhà lãnh đạo sợ hãi, người vừa sống
sót sau một cuộc đảo chính trong nước, còn nguy hiểm hơn một nhà độc tài thời
chiến tin rằng mình được an toàn ở nhà.
Đối với phương Tây, chẳng có gì nên làm ngoài việc để vở kịch chính trị
này – vốn có những dấu hiệu của một vở hài kịch – tiếp tục diễn ra ở Nga.
Phương Tây không quan tâm đến việc duy trì nguyên trạng chế độ Putin, nhưng họ
cũng không nên tìm cách lật đổ chế độ Putin một cách đột ngột. Đối với phương
Tây, biến động ở Nga có hàm ý quan trọng nhất đối với Ukraine, nơi bất ổn ở Nga
có thể mở ra các lựa chọn quân sự mới. Ngoài việc khai thác các lựa chọn này
song song với Kyiv, phương Tây không thể làm gì khác hơn là bắt đầu chuẩn bị
tinh thần cho sự bất ổn bên trong và bên ngoài biên giới nước Nga.
TÌNH
THẾ BẤP BÊNH?
Điều trớ trêu trong cuộc nổi dậy của Prigozhin là nó bắt nguồn từ những nỗ
lực của Putin nhằm “ngừa đảo chính” cho chế độ của mình. Nền tảng cho quyền lực
của Putin là dân số Nga ủng hộ ông – hoặc chí ít là giữ im lặng. Trên nền tảng
vững chắc này, luôn tồn tại các phe phái đối địch trong giới tinh hoa và các cơ
quan an ninh, mà Putin luôn tìm cách để họ chống lại nhau.
Để duy trì cấu trúc này, Putin đã phải ngăn chặn sự bất mãn của dân
chúng, và giữ cho giới tinh hoa chính trị tuân phục mình. Ông thích làm việc với
những người mà ông đã biết từ những ngày còn ở KGB vào thập niên 1980, hoặc những
ngày còn ở chính quyền St. Petersburg vào thập niên 1990, vốn là điểm khởi đầu
cho sự nghiệp chính trị của ông. Những người này chịu trung thành bởi họ chỉ có
thể tận hưởng sự giàu có và quyền lực dưới sự lãnh đạo của Putin. Một rủi ro lớn
hơn đối với Putin là các nhân vật có liên hệ với an ninh và quân đội, nhưng lại
không phải là phụ tá lâu năm của ông. Họ phải được giám sát và kiểm soát thông
qua các âm mưu diễn ra liên tục đến mức chúng trở thành một thói quen. Các quốc
gia khác có thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, còn Điện Kremlin có một
thị trường chứng khoán nội bộ, nơi vận may chính trị của các quan chức cũng lên
xuống thất thường.
Thông lệ này vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Các nhà
lãnh đạo quân sự bị xáo trộn vị trí một phần vì cuộc chiến diễn ra không suôn sẻ,
một phần vì Putin phải đảm bảo rằng không “Napoléon” nào có thể nổi lên giữa
các tướng lĩnh và thách thức ông ta. Putin đã để cho Wagner và Bộ Quốc phòng
Nga đọ sức với nhau, xem bên nào có thể đạt được kết quả tốt hơn ở Ukraine, đồng
thời tìm cách kiểm tra quyền lực của quân đội và bộ trưởng quốc phòng.
Prigozhin chính là đối trọng với bộ chỉ huy cấp cao của quân đội, và ông ta đã
làm những gì được yêu cầu – lấy ví dụ là thành phố Bakhmut của Ukraine, cho đến
nay vẫn là thành công chiến trường lớn nhất của Nga trong năm ngoái. Hiệu quả của
binh lính Wagner đã gây áp lực lên quân chính quy Nga kém hơn.
Putin vẫn đang đứng trên tất cả như ông đã làm suốt nhiều năm qua, như một
kỳ thủ cờ vua di chuyển quân cờ một cách thành thạo. Hoặc có vẻ như vậy, cho đến
khi ai đó đến và lật đổ bàn cờ.
CẨN
THẬN CANH CHỪNG NGAI VÀNG
Các sự kiện trong ba ngày qua báo trước một tương lai đen tối cho nước
Nga. Trong vài giờ ngắn ngủi, cuộc nổi dậy vũ trang của Prigozhin đã tạo ra hỗn
loạn khủng khiếp. Chiến tranh đã làm suy yếu khả năng của nhà nước Nga, và cuộc
nổi dậy đã làm kiệt quệ khả năng đó thêm nữa, khiến Moscow phải đối mặt với một
thách thức mới trong nước. Suốt nhiều năm, Điện Kremlin đã tìm đủ mọi cách để
ngăn chặn một cuộc cách mạng tự do. Nhưng hóa ra mối đe dọa lớn hơn lại là một
cuộc cách mạng phi tự do: một cuộc nổi dậy dân túy được quân sự hóa cao độ,
không phải do các nhà cải cách quốc tế, mà do chính những người theo chủ nghĩa
dân tộc Nga thúc đẩy. Chủ nghĩa dân tộc từ trên xuống, được nuôi dưỡng trong
chiến tranh có thể chống lại chế độ Putin, và Prigozhin có thể không phải là
người cuối cùng làm điều đó.
Prigozhin đã chứng minh rằng pháo đài của Putin có thể bị tấn công. Trong
cuộc nổi dậy cực ngắn này, gần như toàn bộ giới tinh hoa đều thể hiện lòng
trung thành với Putin, nhưng chúng chỉ là hành động bề ngoài. Những người khác,
những kẻ can đảm hơn có thể sẽ học hỏi từ Prigozhin, kết hợp chủ nghĩa dân túy
của ông ta với một chương trình chính trị có thể thu hút một nhóm rộng hơn,
ngoài những tên lính đánh thuê nổi loạn, chẳng hạn như những nhân vật trong giới
tinh hoa Nga. Giới tinh hoa ở đây không phải giới trí thức hay giới kinh doanh,
mà là những người có liên hệ với bộ máy an ninh. Động cơ của họ có thể là quyền
lực, nhận thức về sự yếu kém của Putin, hoặc nỗi sợ về một cuộc thanh trừng sắp
xảy ra. Nếu Putin có khả năng bị lật đổ, thì sẽ có động cơ để trở thành người lật
đổ ông ta – hoặc chí ít là người thân cận với người đó. Tương tự, cũng có một động
cơ để tiếp tục chờ đợi, đặc biệt là nếu Putin quyết tâm trả thù. Nếu “Đêm của
những con dao dài” diễn ra trong giới tinh hoa Nga, nó có thể khiến những nhân
vật quyền lực tập hợp lại trong một kế hoạch lật đổ Putin.
Tốc độ nhanh chóng của Prigozhin khi tiến về Moscow có thể truyền cảm hứng
cho các lãnh chúa tiềm năng khác, hoặc cho các chính trị gia mới nổi đang tìm
kiếm lợi thế ở địa phương, không ai trong số này đủ mạnh để lật đổ sa hoàng ở
Moscow, nhưng tất cả đều mong muốn tước đoạt quyền lực và uy tín của nhà nước.
Hậu quả có thể làm tê liệt chính phủ và làm suy yếu vị thế quân sự của Nga ở
Ukraine. Theo thời gian, Prigozhin đã chuyển từ chỉ trích cách tiến hành chiến
tranh sang chỉ trích mục đích của chiến tranh. Những gì đã được công khai – rằng
một cuộc chiến thất bại có thể là mối đe dọa sống còn đối với niềm tự hào của
người Nga, chứ không phải đối với nước Nga – sẽ không thể được thu hồi.
CHUẨN
BỊ CHO TÌNH HUỐNG XẤU NHẤT
Putin và những người thân cận với ông ta có thể cố đổ lỗi rằng cuộc nổi
loạn của Prigozhin là do nước ngoài gây ra. Nhưng ngay cả đối với một chế độ đã
thành thạo nghệ thuật đổ lỗi cho phương Tây, điều này cũng là quá sức.
Washington gần như không có đòn bẩy nào đối với chính trị trong nước của Nga.
Chưa kể, vào năm 1991, khi Tổng thống George H. W. Bush tới Ukraine, trong bài
phát biểu nổi tiếng của mình, ông đã khuyến nghị rằng cuộc cách mạng nên diễn
ra chậm lại. Sự bất ổn bên trong nước Nga không phải là điều mà người Mỹ có thể
bật-tắt dễ dàng. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng để mang lại hiệu quả trên
chiến trường Ukraine. Sau cuộc nổi loạn, sẽ xuất hiện sự phân tâm, đổ lỗi, và bất
định, vì Putin không chỉ phải giải quyết công việc hậu cần để đưa mọi thứ trở lại
bình thường, mà còn giải quyết cả sự sỉ nhục mà ông vừa phải gánh chịu, và đòn
trả thù mà ông có thể sẽ theo đuổi. Không điều nào trong số này sẽ trôi qua
nhanh chóng.
Trong những tuần gần đây, Ukraine đã phát động một cuộc phản công được chờ
đợi từ lâu, nhưng nước này đã không có bước tiến quân sự lớn nào kể từ tháng
11/2022. Ở nhiều nơi, lính Nga đã củng cố lực lượng, và cuộc phản công cho đến
nay vẫn diễn ra chậm chạp. Nhưng Ukraine đã sẵn sàng tấn công các vị trí của
Nga; họ có tinh thần cao, một loạt các quốc gia ủng hộ, và một lộ trình chiến
lược rõ ràng. Nếu không có bất ổn chính trị, vị thế quân sự của Nga ở Ukraine về
cơ bản đã bấp bênh. Với bất ổn chính trị, họ có thể sụp đổ.
Trải nghiệm cận kề cái chết của Putin là một nghịch lý đối với Mỹ và các
đồng minh. Chế độ của Putin đại diện cho một vấn đề an ninh lớn của châu Âu, và
việc ông rời khỏi chính trường quốc tế, bất cứ khi nào điều đó xảy ra, cũng sẽ
không gây tiếc nuối gì. Tuy nhiên, một nước Nga thời hậu Putin – điều mà chỉ một
tuần trước đây tưởng như đã có thể đến sớm hơn nhiều so với dự kiến – sẽ đòi hỏi
sự thận trọng cao độ và lập kế hoạch cẩn thận.
Trong khi hy vọng điều tốt nhất, là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và một
nước Nga bớt độc đoán hơn, thì cũng hợp lý khi chúng ta lên kế hoạch cho điều tồi
tệ nhất: một nhà lãnh đạo Nga cực đoan hơn Putin, cánh hữu hơn và phản động
hơn, một người với nhiều kinh nghiệm quân sự hơn Putin từng có, một người đã được
định hình bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Tháng 2/2022, Putin đã chọn tội ác
chiến tranh. Sẽ là công bằng nếu ông trở thành nạn nhân chính trị của cuộc chiến
này, nhưng người kế nhiệm ông không thể không là “đứa trẻ lớn lên từ cuộc chiến
này,” và chiến tranh luôn sản sinh ra những đứa trẻ rắc rối.
Mỹ và các đồng minh sẽ phải tìm cách quản lý và giảm thiểu hậu quả của sự
bất ổn ở Nga. Trong mọi kịch bản, phương Tây sẽ cần tìm kiếm sự minh bạch về việc
kiểm soát vũ khí hạt nhân và khả năng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của
Nga, báo hiệu rằng họ không có ý định và mong muốn đe dọa sự tồn tại của nhà nước
Nga. Đồng thời, phương Tây phải phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ, tập trung
vào việc bảo vệ NATO và các đối tác. Bất ổn ở Nga khó có thể chỉ ở yên trong nước
Nga. Nó có thể lan rộng khắp khu vực, từ Armenia đến Belarus.
Cuộc binh biến của Prigozhin đã truyền cảm hứng cho một loạt các phép so
sánh lịch sử. Có lẽ đây là nước Nga năm 1905, cách mạng nhỏ trước cách mạng lớn.
Hoặc có lẽ là nước Nga tháng 2/1917, gồng mình dưới sức ép chính trị vì chiến
tranh, như chính Putin đã ám chỉ. Cũng có thể nó là Liên Xô năm 1991, theo đó
biến Putin thành một phiên bản của Gorbachev, người đã đánh mất cả một đế chế.
Một phép so sánh chính xác hơn sẽ đặt Prigozhin vào vai Stenka Razin, kẻ
nổi dậy chống lại quyền lực sa hoàng, người đã tập hợp một đội quân nông dân và
cố gắng hành quân đến Moscow từ miền nam nước Nga vào năm 1670-1671. Razin cuối
cùng đã bị bắt và bị phanh thây trên Quảng trường Đỏ. Nhưng ông đã trở thành một
nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian chính trị Nga. Ông đã vạch trần sự yếu
kém trong chính phủ sa hoàng vào thời của mình, và trong những thế kỷ tiếp
theo, những người khác đã được truyền cảm hứng từ câu chuyện của ông. Đối với
nhà độc tài ở Nga, đây rõ ràng là một bài học: ngay cả một cuộc nổi loạn bất
thành cũng gieo mầm cho những nỗ lực tương tự trong tương lai.
--------------------
Liana Fix là Nghiên cứu
viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Michael Kimmage là Giáo sư
Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên cấp cao thuộc Chương
trình Châu Âu, Nga, và Âu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế
(CSIS). Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Ban Hoạch định Chính sách tại
Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên về Nga-Ukraine.
Nguồn: Liana Fix
và Michael Kimmage, “The
Beginning of the End for Putin?,” Foreign Affairs, 27/06/2023
No comments:
Post a Comment