Monday, July 10, 2023

KHÓ KHĂN ĐẾN BAO GIỜ? (Hồ Quốc Tuấn / VnExpress)

 



Khó khăn đến bao giờ?    

Hồ Quốc Tuấn

Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol

Thứ hai, 10/7/2023, 05:51 (GMT+7)

https://vnexpress.net/kho-khan-den-bao-gio-4627080.html

 

Bước ra từ một nhà hàng trên đường Lý Tự Trọng ở trung tâm TP HCM, đập vào mắt tôi là một chuỗi cửa hàng, khách sạn nhỏ đăng bảng cho thuê chi chít.

 

Một số vị trí đắc địa trên mặt tiền trục đường Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn, từng là niềm mơ ước của nhiều người kinh doanh suốt mấy thập kỷ qua, giờ đang bỏ trống chờ khách thuê. Lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP HCM vỗ vai tôi: "Thước đo sức khỏe nền kinh tế hả?".

 

Tôi bật cười. Có lẽ vậy. Nếu kinh tế khá, du lịch tăng trưởng tốt thì những nhà hàng, khách sạn, tiệm bán đồ cao cấp trên con đường đắc địa này đã không bỏ trống nhiều đến vậy. Mà không chỉ nền kinh tế du lịch và kinh doanh đồ xa xỉ ở trung tâm. Bạn tôi chuyên xây phòng trọ cho công nhân thuê ở các khu công nghiệp cũng kể, sáu tháng rồi khó khăn lắm, nhiều công nhân bỏ về quê, một số ở lại thì thiếu tiền trọ.

 

Đây cũng là chuyện không lạ. VietinBank mới đây rao bán hơn 350 khách sạn, bất động sản để thu nợ, trong số này có nhiều homestay, biệt thự tại Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa). Lãnh đạo một ngân hàng còn nói với tôi, trào lưu bỏ phố về rừng cũng sẽ để lại nhiều hệ lụy tương tự vì sắp... hết tiền".

 

Những con số về tăng trưởng kinh tế và sản xuất cũng chỉ ra điều đó. GDP sáu tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của sáu tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Nghĩa là so với giai đoạn suốt hơn một thập kỷ qua, chúng ta đang tăng trưởng rất chậm, chỉ nhanh hơn giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu. Sáu tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, làm thủ tục giải thể.

 

Nếu nhìn như vậy, thì dường như khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, góc nhìn khác cho thấy bắt đầu có những tín hiệu lạc quan.

 

Đầu tiên là từ phía thị trường quốc tế. Một trong những nguyên nhân khó khăn lớn của Việt Nam nhiều tháng qua là do thiếu đơn hàng từ nước ngoài. Mà thiếu đơn hàng một phần do tình hình khó khăn ở những nền kinh tế lớn như châu Âu, Trung Quốc; phần khác do nhiều nơi nhập hàng tồn kho quá nhiều vì sợ đứt gãy chuỗi cung ứng như ở Mỹ, dẫn đến hàng tồn kho đầy ắp, và vẫn đang phải bán dần. Do đó họ không có nhu cầu gia tăng đơn hàng mới. Theo báo cáo đầu tháng 7 của JP Morgan, chỉ số đơn hàng sản xuất toàn cầu đang ở trạng thái thu hẹp, trong đó Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật và Hàn Quốc sụt giảm, còn Trung Quốc chỉ có tín hiệu hồi phục rất nhẹ. Người bi quan thì sẽ thấy tình hình còn khó khăn lắm.

 

Nhưng nếu nhìn kỹ, thì tốc độ sụt giảm sản xuất đang chậm dần, nghĩa là không xấu hơn nữa. Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp Mỹ theo dữ liệu của FRED đạt đỉnh vào tháng 4 và đang giảm xuống. Hàng tồn kho giảm, có thể họ sẽ phải gia tăng nhập hàng mới, nếu nhu cầu tiêu dùng không giảm mạnh. Sự hồi phục nhẹ của đơn hàng cho Trung Quốc có thể là một tín hiệu rằng xu hướng cải thiện đơn hàng mới có thể đang bắt đầu, tất nhiên với giả định quan trọng là Mỹ không đi vào suy thoái sáu tháng cuối năm.

 

Lý do thứ hai để có chút hy vọng là việc giải quyết nợ xấu của khu vực bất động sản bằng cách rao bán tài sản. Nếu bán được, dù ở mức giá "cắt lỗ", sẽ giải phóng được một dòng tiền cho nền kinh tế, đồng thời tạo lại thanh khoản cho thị trường. Bên cạnh đó là những nỗ lực của chính phủ trong việc gỡ khó thị trường bất động sản, để một số dự án được hoàn thiện, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng, đồng thời góp phần tạo lại niềm tin và thanh khoản cho một số phân khúc bất động sản.

 

Lý do thứ ba, là giải ngân đầu tư công có dấu hiệu khởi sắc hơn năm 2022. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân sáu tháng so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt 30,49%, tăng khá hơn nhiều so với cùng kỳ 2022 (25,68%). Đặc biệt là so với tốc độ giải ngân của tháng 4/2023 thì đây là một bước tiến khá nhanh trong quý hai. Trong bối cảnh kinh tế bên ngoài khó khăn, doanh nghiệp chật vật với mặt bằng lãi suất cao, khó tăng đầu tư tư nhân, thì nguồn vốn đầu tư công có vai trò cực kỳ quan trọng ở thời điểm này.

 

Bên lề kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc xác nhận ngân quỹ của Chính phủ còn hơn một triệu tỷ đồng gửi ở Ngân hàng Nhà nước. Đây là số tiền dành cho đầu tư công, nhưng giải ngân không được nên bị tích tụ lại qua nhiều năm. Một triệu tỷ đồng đó là tiềm năng, vì đó chính là những cơ hội việc làm, sức mua và sức đầu tư của nền kinh tế bị ách tắc. Nó là nguyên nhân khiến kinh tế trì trệ, nhưng gỡ được nó cũng chính là cơ hội tăng trưởng.

 

Nói vậy để thấy có một số tín hiệu để lạc quan cho giai đoạn cuối 2023. Nhưng một vài câu chuyện gần đây cảnh báo chúng ta là lạc quan thôi, đừng lạc quan quá.

 

Đầu tiên là chuyện xử lý, bán bất động sản thu nợ. Ở Trung Quốc vừa xảy ra chuyện tập đoàn Shimao Group giảm giá một mảnh đất tới 1,5 tỷ USD để bán đấu giá nhằm lấy tiền về trả nợ mà vẫn "ế khách". Người ta từng rất kỳ vọng vào việc giảm lãi suất, giảm điều kiện cho vay, tăng cung tín dụng cho bất động sản, mở ra các cơ chế hoãn nợ trái phiếu, cho bán đất dễ dàng hơn để thu hồi nợ. Nhưng sau những thành công dễ dàng những tháng đầu (song song với việc bỏ các giới hạn do chính sách Zero Covid), các nhà đầu tư đổ tiền vào Trung Quốc mấy tháng qua đang vỡ mộng. Sau khi những mảnh ghép dễ nhất được giải phóng, thì các mảnh ghép "xương xẩu" như mảnh đất của Shimao bắt đầu khó xử lý dù giảm giá bán mạnh đến gần 50%. Mà bán đất không được thì tiền để trả lãi trái phiếu không biết ở đâu ra. Giá trái phiếu đáo hạn vào tháng tới và năm 2024 giảm như một chiếc thang máy bị đứt cáp, phải tạm dừng giao dịch.

 

Câu chuyện thứ hai là một cảnh báo đến từ IMF. Mặc dù họ nâng dự báo tăng trưởng của chúng ta lên 4,7% cho năm 2023, con số này vẫn khá thấp so với mục tiêu 6,5% của Quốc hội. Họ nhận xét: "Trong ngắn hạn, rủi ro đối với tăng trưởng vẫn lớn. Tăng trưởng có thể không được như kỳ vọng nếu cầu bên ngoài vẫn tiếp tục yếu hoặc đầu tư vẫn kém". Nhấn mạnh đầu tư vẫn kém hàm ý về đầu tư công.

 

Những cải thiện trong vài tháng của quý hai năm nay là một tin vui, nhưng có duy trì được tiến độ như vậy qua mấy tháng cuối năm hay không là một câu hỏi.

 

Nửa cuối 2023 sẽ tốt hơn nửa đầu là dự báo của đa số tổ chức lúc này. Không cần quá bi quan nhưng chưa thể chủ quan được. Hy vọng ít sẽ bớt thất vọng đi.

 

Hồ Quốc Tuấn





No comments: