Tưởng
Năng Tiến -
Saigon Nhỏ
25 tháng 7, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/s-t-t-d-so-tay-thuong-dan/hun-sen/
Nhà báo Huỳnh
Ngọc Chênh vừa có nhận định ngắn, về một
vị quan chức cao cấp của xứ sở láng giềng (“Hunxen là nhà cai trị
hiểu biết và bản lĩnh”) và đã nhận được không ít những lời lẽ tán
đồng nồng nhiệt:
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1258451315.jpg
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (ảnh:
Sovannara/Xinhua via Getty Images)
Đình Ấm Nguyễn: Chính xác. Một thời
tôi đã hiểu sai về anh này.
Phuong Lam: Nếu không
bản lĩnh thì ông ấy không tồn tại đến hôm nay ạ.
Nguyễn Ngoc
Anh: Ông ấy là kẻ thức thời.
Tran Trong
Duc: Campuchia là một nước nhỏ nhưng có một nhà lãnh đạo mang tầm vóc thời đại
làm rạng rỡ dân tộc.
Tất cả quí vị thức giả thượng dẫn – tiếc thay – đều rất kiệm
lời, không ai chịu nói thêm (đôi câu) về “bản lĩnh” của ông Samdech Hun
Sen để người đọc được dịp mở mang tầm mắt. Tôi chưa bao giờ có dịp
đặt chân đến London, Moscow, New York, Paris, Varsovie… (và cũng không cảm
thấy hào hứng lắm, khi nghĩ đến những nơi xa xôi như thế) duy Campuchia
thì tôi có dịp lui tới rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ nhận ra được
cái “tầm vóc thời đại làm rạng rỡ dân tộc” của vị thủ tướng của đất
nước này.
Lần gần nhất tôi ghé qua Campuchia là hồi đầu tháng trước,
trước khi khai mạc Hội Nghị Cấp Cao Asean – kỳ thứ 40 và 41, tại Phnom
Penh – chừng độ vài hôm. Bộ mặt thủ đô của xứ sở này, giờ đây, đã
hoàn toàn đổi khác. Phố xá ngăn nắp và sạch sẽ hơn thấy rõ, nhất
là con đường Preah Sisowath Quay và khu công viên (Riverside Park) nằm ngay
mé sông Tonle Sap. Lũ trẻ con trần truồng, đen đủi, nhếch nhác (vẫn
thường lê la chơi đùa trước Hoàng Cung) đều đã… đi chỗ khác chơi.
Những kẻ vô gia cư hay nằm vật vã trên ghế đá cũng không còn nữa.
Đám hành khất cũng thế, cũng biến mất tiêu. Cứ như thể là họ chưa
bao giờ có mặt trên đất nước này, dù chỉ một ngày.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1247075939.jpg
Trong suốt thời gian cai trị Campuchia, Hun Sen đã
biến đất nước mình thành chư hầu Trung Quốc với những lệ thuộc nghiêm trọng từ
kinh tế, chính trị đến cả chính sách đối ngoại (ảnh: Huang Jingwen/Xinhua via
Getty Images)
Sự đổi thay không chỉ diễn ra ở Phnom Penh. Dọc Quốc Lộ 1, hằng
trăm bức ảnh của Hun Sen (khi ngồi, lúc đứng) đã được gỡ bớt và thay
bằng chân dung của hoàng gia: Quốc vương Norodom Sihamoni, phụ vương
Norodom Sihanouk, và hoàng thái hậu Norodom Monineath. Dù chậm – cuối
cùng – Hun Sen cũng đã hiểu ra rằng ngoài giới tăng lữ, ông còn cần
thêm một liên minh chính danh (một ông vua làm cảnh kề bên) để bộ mặt
của chế độ quân phiệt trông bớt phần tệ hại!
Cả ngàn bảng hiệu Cambodian
People’s Party (Đảng Nhân Dân Cam Bốt) của Hun Sen cũng thế,
cũng không còn xuất hiện trên từng cây số nữa. Xen vào đó là tên
hiệu của dăm bẩy cái đảng dấm dớ nào đó: Candlelight Party, Youth
Party, Liberty Party… Tuy không ai tin rằng Campuchia đang thực thi chính
sách đa nguyên hay đa đảng nhưng cái mớ hoa giả (cầy) này cũng giúp
cho không khí toàn trị ở Phnom Penh đỡ khó thở hơn – chút xíu!
Quốc lộ 5, dài hơn 400 km – nối liền Nam Vang với Thái Lan – kể
như đã hoàn tất. Không còn những đoạn lởm chởm ổ gà, và mịt mù
bụi đỏ, như những năm trước nữa. Chạy suốt một mạch từ thủ đô cho đến
tỉnh Pursat, gần cả dặm trăm đường (êm ru bà rù) nhưng tuyệt nhiên
không có một cái BOT nào ráo trọi, và cũng chả thấy bóng dáng của
một anh cảnh sát giao thông nào sất. Ngay cả đến hương lộ (ngã rẽ
vào làng nổi, Kampong Luong Floating Village, ở cuối Biển Hồ) cũng đã
được sửa sang. Dù chỉ “tân trang” chút đỉnh thôi nhưng vẫn đỡ “gập
ghềnh” thấy rõ.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/Picture1-10.png
Công Viên Cạnh Sông, Riversidw Park, ảnh (TNT) chụp
năm 2016, 2017 & 2020
Tôi hớn hở khoe những thành tích mà mình vừa chứng kiến với
dăm ba tân hữu nhưng không nhận được chút đồng tình nào (ráo) mà còn
bị chọc quê:
-Mày còn ở đây bao lâu nữa?
-Vài bữa nữa.
-Sao không ở luôn cho qua ngày hội nghị rồi hãy đi.
-Ở chi lâu dữ vậy, mấy cha?
-Để thấy đất Campuchia sẽ trở về… nguyên trạng, sau cái
màn trình diễn rất ngoạn mục và vô cùng tốn kém này của Hun Sen!
Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng
vuông. Những người bạn trẻ trí thức mà tôi quen biết ở Campuchia –
xem ra – chả mấy ai có cảm tình gì với vị thủ tướng (trường trị
muôn năm) của đất nước họ nên mọi “thiện ý” của ông ta, nếu có, cũng
đều bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ hay dè bỉu.
Giới bình dân thì khác. Hun Sen, xem chừng, được họ dành cho
nhiều thiện cảm hơn vì không chỉ hứa hẹn (suông) mà còn thực hiện
được – đôi điều – thiết thực. Ông tuyên bố: Kể từ năm 2016, người lái
xe grab, xe tuk-tuk, xe công nông, và ghe thuyền sẽ không phải đóng thuế nữa.
Kẻ buôn thúng bán mẹt cũng thế, cũng được miễn thuế luôn. (Kang Sothear, “Hun Sen
Announces Broad Cuts of Petty Taxes,” Cambodia Daily, October 23, 2015).
Khi có dịp tiếp xúc với vài vị đồng hương đang lênh đênh trên Hồ
Tonlé Sap, tôi còn được nghe nhiều lời tán thưởng về sự nới lỏng
trong luật lệ di trú (vốn rất khắt khe) dành cho thân phận nổi trôi
của họ. Có người còn bắt đầu nhen nhúm chút hy vọng là sẽ có lúc
được sống (và chết) trên bờ, như đa phần nhân loại. Chưa hết, gần
triệu dân Việt ở Campuchia đều tin chắc chắn rằng cuộc sống tha phương
cầu thực của họ sẽ khốn khổ và khốn nạn hơn nhiều, nếu Sam Rainsy (đối thủ chính trị của Hun Sen) có cơ hội
cầm quyền.
Trong thời gian qua, Hun Sen còn nhận được hàng loạt tràng pháo
tay không ngớt của rất nhiều người (chứ chả riêng chi người Việt) vì
đã công khai lên án Nga xâm lăng Ukraine và ngang nhiên bỏ phiếu chống
lại Putin. Hun Sen, rõ ràng, không chỉ là một tay bản lãnh mà còn là
một kẻ thức thời. Ông có niềm tin vào tương lai (ít nhất thì cũng
là tương lai của gia tộc và phe nhóm) với kỳ vọng là “không
chỉ con mà đến cháu mình cũng sẽ thành thủ tướng Campuchia.” Và
có lẽ vì thế nên đương sự không vơ vét hết ngân quỹ và tài sản quốc
gia như quí vị lãnh đạo (vốn vừa đồng chí, vừa là anh em) bên nước
láng giềng.
Ngoài những điểm son vừa kể, hồ sơ của Hun Sen – tất nhiên –
không ít những điểm đen:
Chính phủ của Hun Sen đã chịu
trách nhiệm việc cho thuê 45% tổng diện tích đất ở Campuchia, chủ yếu cho các
nhà đầu tư nước ngoài, trong những năm 2007- 2008, làm hơn 150,000 người
Campuchia bị đe dọa trục xuất.
Hun Sen có liên
quan đến tham nhũng tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản của Campuchia, trong báo cáo Global Witness 2009.
Còn theo ước tính của Global Witness 2016 thì
Hun Sen và gia đình đã thâu tóm khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ Mỹ kim,
và bọn thủ hạ thì cũng hốt làm của riêng một mớ không phải ít. (Hun Sen and his family were estimated
to have amassed between US$500 million and US$1 billion by Global Witness in 2016,
and a number of allies have also accumulated considerable personal wealth
during his tenure.)
Bằng cách nào mà gia tộc Hun Sen có thể hốt được tiền tỷ (U.S.
dollar) một cách dễ dàng, gọn gàng như thế? Câu trả lời có thể
tìm được qua hai dữ kiện sau:
Hun Sen và đảng chính trị của ông, CPP, đã nắm giữ quyền thống trị gần
như toàn bộ trên các phương tiện truyền thông chính thống trong phần lớn thời
gian cai trị. Tất cả 125 dân biểu Quốc hội đều là người của Đảng Nhân
Dân Campuchia, 58 trong 62 thượng nghị sỹ cũng vậy, cũng đều nằm trong
túi áo của Hun Sen tuốt luốt.
Khó mà phủ nhận được rằng Hun Sen là một tay bản lĩnh (có
thừa) nhưng bản lĩnh của ông – tiếc thay – đã không giúp được cho dân
tộc Khmer có đủ áo cơm, dù đã phải cầm cố gần nửa phần (45%) đất đai của Campuchia!
No comments:
Post a Comment