RFA
2023.06.29
Chương trình Đông
Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế
và Chiến lược (CSIS) ở Washington DC đã tổ chức Hội nghị thường niên về Biển
Đông lần thứ 13 vào ngày 28 tháng 6 năm 2023.
Trợ
lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink tại hội nghị Biển Đông ở DC hôm
28/6/2023 (RFA)
Hội nghị đã thảo luận và phân tích về những diễn biến
ở Biển Đông trong năm qua và những diễn tiến tiềm năng trong tương lai. Các diễn
giả đã đề cập đến tình hình ở Biển Đông, các diễn biến pháp lý và tranh chấp, mạng
lưới liên minh đang phát triển trong khu vực và vai trò của những quốc gia bên
ngoài Biển Đông như nhóm Bộ Tứ Quad (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc), nhóm phát triển dự án
tàu ngầm hạt nhân AUKUS (Mỹ, Anh, ÚC) và Châu Âu.
Sự bất đối xứng lực
lượng Mỹ - Trung ở Biển Đông
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Dân biểu Hạ
viện Jennifer Kiggans, thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ hiện
có 300 chiến hạm, trong đó chỉ có một phần ba, tức khoảng 100 chiến hạm đang ở
trạng thường trực sẵn sàng được điều động khắp thế giới.
Trong khi đó, nếu như đầu những năm 2000, Trung Quốc
có khoảng 37 tàu chiến thì hiện nay đã có 350 tàu chiến.
Dân biểu Jennifer nhấn mạnh Trung Quốc đã phát triển
hạ tầng kỹ thuật cho ngành công nghiệp sản xuất và sửa chữa tàu chiến và tàu thương
mại. Cùng với sự phát triển năng lực về kinh tế và công nghệ, Trung Quốc ngày
càng hung hăng hơn, và mở rộng bành trướng, trước hết ở các vùng lân cận trong
đó có Biển Đông và sau đó ở các vùng xa hơn như Nam Mỹ và Châu Phi.
Tại hội thảo, một thính giả đặt câu hỏi với Dân biểu
Jennifer Kiggans về chiến lược của Hoa Kỳ để xử lý vấn đề bất đối xứng lực lượng
giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ có ít chiến hạm hơn, lại phải điều
phối chiến hạm khắp thế giới, trong khi Trung Quốc vừa có nhiều chiến hạm hơn
Hoa Kỳ lại có thể tập trung chủ yếu vào khu vực Biển Đông.
Dân biểu Jennifer cho biết Hoa Kỳ phải vừa phát triển
năng lực hải quân mới vừa phải thực thi chiến lược liên kết với các đồng minh để
có thể bảo đảm hòa bình ở Biển Đông và khu vực châu Á.
Quốc Hội Hoa Kỳ đang thảo luận về vấn đề Hoa Kỳ có
nhiều tàu chiến về hưu hơn là số tàu được đóng mới, và ngày càng có nhiều chiến
hạm phải phục vụ lâu hơn thời gian tiêu chuẩn phục vụ của chúng. Mặt khác, nếu
nhìn vào bản đồ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho ngành đóng tàu chiến của
Trung Quốc thì rõ ràng cơ sở hạ tầng này của họ đã lớn hơn Hoa Kỳ. Cho nên Hoa
Kỳ không thể chạy đua với Trung Quốc mà phải liên kết với các đồng minh và những
quốc gia cùng chí hướng, giống như đã làm trong Thế chiến thứ hai. Hoa Kỳ sẽ đầu
tư tài chính theo hướng đó, tìm ra các giải pháp để đóng được nhiều tàu hơn,
giúp đỡ các đồng minh và tìm kiếm thêm các nguồn cung ứng cho ngành công nghiệp
này.
Việt Nam mở rộng đảo
và phối trí lực lượng các bên ở Biển Đông
Ông Harrison Prétat, nhà nghiên cứu của Sáng kiến
Minh bạch Hàng hải Châu Á, CSIS, cho biết Philippines và Việt Nam đều đang cố gắng
tăng cường sức mạnh ở Biển Đông. Philippines phát triển lực lượng cảnh sát biển
và một số căn cứ quân sự ở vùng duyên hải, nhìn ra Biển Đông. Trong khi đó, Việt
Nam có những bước đi quyết đoán về mở rộng đảo nhân tạo và lực lượng quân sự.
“Phía bên kia Biển Đông, khác với Philippines, Việt
nam có những bước đi khác. Việt Nam đã cải tạo đảo nhân tạo mình đang kiểm soát
ở quy mô lớn hơn những gì họ đã làm cả 10 năm nay cộng lại. Tổng diện tích Việt
Nam bồi đắp mới trong năm nay khoảng 180 hectares. Đây là một con số rất đáng
chú ý.
Nếu chúng ta đặt hoạt động này của Việt Nam trong bối
cảnh Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 1200 hectares đảo nhân tạo từ 2013 đến 2016,
ta thấy diện tích phía Việt Nam bồi đắp nhỏ hơn, những vẫn rất ấn tượng.
Một số thực thể mà họ đang mở rộng nhìn dường như
trở nên lớn hơn đảo Trường Sa Lớn, là thực thể lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát
thực tế từ trước tới nay và là thực thể duy nhất Việt Nam xây dựng đường
băng.
Rất thú vị nếu chúng ta quan sát xem trong tương
lai, Việt Nam sẽ bố trí những cơ sở thiết bị gì trên những thực thể mới được bồi
đắp này. Chúng ta có thể tiên đoán là tàu Việt Nam sẽ hiện diện nhiều hơn ở Trường
Sa. Tàu Trung Quốc đã hiện diện nhiều hơn ở Trường Sa sau khi họ mở rộng các đảo
nhân tạo ở đó.”
Trả lời câu hỏi của RFA về tình hình phối trí lực
lượng của các bên tại Biển Đông, ông Harrison cho biết:
“Những gì chúng ta thấy là Trung Quốc đã bố trí lực
lượng quân sự khắp nơi trên Biển Đông. Xét về số lượng tàu trên biển thì Trung
Quốc chiếm ưu thế hoàn toàn. Trung Quốc tung tàu hải cảnh đến hầu hết các góc
quan trọng bên trong đường lưỡi bò của họ gần như mỗi ngày.”
Về Việt Nam thì theo ông Harrison, số lượng tàu và
kích cỡ tàu thì Trung Quốc cũng chiếm ưu thế hơn Việt Nam. Còn về so sánh
lực lượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực thì Trung Quốc cũng chiếm ưu
thế. Hoa Kỳ phối trí lực lượng khắp toàn cầu. Tuy nhiên, so sánh về sức mạnh tổng
hợp cuối cùng của Hoa Kỳ và Trung Quốc ở xung quanh Biển Đông thì không phải vấn
đề tôi năm rõ. Tôi không có dữ liệu chính xác. Hoa Kỳ có lực lượng ở Nhật Bản,
Guam, khá gần với Biển Đông. Các căn cứ đang xây dựng của Hoa Kỳ ở Philippines
sẽ giúp lực lượng Hoa Kỳ lại gần Biển Đông hơn và có thể phản ứng tốt hơn nếu
có xảy ra khủng hoảng.
Việt Nam hưởng lợi
từ chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông
Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ
trách Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trình bày về những thách
thức mới nhất về an ninh trên Biển Đông và khu vực.
Theo ông Daniel Kritenbrink, Hoa Kỳ đặt vấn đề Biển
Đông trong chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương Mở và Tự do nói chung, trên cơ sở
tuân thủ luật pháp quốc tế. Sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông là vô cùng quan
trọng cho toàn cầu, bao gồm cho nền kinh tế giới.
Ngoài lượng tàu thuyền lưu thông hằng năm qua Biển
Đông, ông Daniel Kritenbrink cũng cho biết Biển Đông cung cấp 12% sản lượng cá
hằng năm của thế giới và là nguồn sống của khoảng 3,7 triệu người.
Ông Trợ lý Ngoại trưởng nhắc lại lập trường của Hoa
Kỳ về việc thực hành quyền lưu thông tự do trên biển. Ông cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ
không có lập trường nào đối với các tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể địa
lý nằm ở khu vực “biển cả” trên Biển Đông (RFA chú thích: tức là nằm ngoài 200
hải lý tính từ đường cơ sở của các nước xung quanh Biển Đông).
Để đạt được mục tiêu làm chủ toàn bộ Biển Đông
trong phạm vi đường lưỡi bò, Trung Quốc đã xác định rõ chiến lược và chiến thuật
của mình. Chiến thuật tổng quát của Trung Quốc là chiến thuật vùng xám (không
dùng chiến tranh nóng, chiến tranh tổng lực, mà chỉ kết hợp lực lượng quân sự
và phi quân sự cũng như bán quân sự để từng bước kiểm soát khu vực). Họ cũng có
những chiến thuật cụ thể để thực thi chiến lược vùng xám như chiến thuật cưỡng
bách về kinh tế, chiến thuật gửi tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế
các nước trong vùng. RFA đặt câu hỏi với ông Daniel Kritenbrink là liệu đúng
hay sai nếu nói rằng Trung Quốc có mục tiêu, chiến lược, chiến thuật còn Hoa Kỳ
chưa có chiến lược nào cả, ngoại trừ thực hành quyền tự do hàng hải? Và nếu Hoa
Kỳ còn chưa có chiến lược nào thì các nước xung quanh Biển Đông sẽ đối diện với
tham vọng của Trung Quốc bằng cách nào? Ông Daniel Kritenbrink trả lời:
“Tôi đã nghe những phàn nàn tương tự từ các đồng
nghiệp ở Đông Nam Á. Họ cũng nói rằng Hoa Kỳ không đối diện những vấn đề của một
Châu Á - Thái Bình Dương Mở và Tự do, rằng thực hành quyền tự do hàng hải là
duy nhất những gì Hoa Kỳ làm và tại sao các bạn chưa làm tốt hơn nữa.
Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã thực hiện một loạt
chiến lược ở Biển Đông chứ không chỉ thực hành quyền tự do hàng hải.
Chiến lược thứ nhất mà Hoa Kỳ thực hiện là các hoạt
động ngoại giao của chúng tôi với các quốc gia ASEAN và bên ngoài như với EU để
bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực, bảo vệ việc áp dụng trong thực tế
những phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực về Biển Đông. Theo đó,
các quốc gia trong khu vực để đòi hỏi chủ quyền và quyền chủ quyền của mình
trên Biển Đông dựa trên Luật biển Quốc tế. Và chúng tôi muốn bảo đảm tất cả
chúng ta thực hiện những điều đó một cách hòa bình.
Thứ hai là Hoa Kỳ thực thi chiến lược xây dựng và
phát triển năng lực biển cho các quốc gia trong khu vực. Trong 5 năm qua, chúng
tôi đã chi 1,6 tỷ USD để xây dựng và phát triển các lực lượng thực thi pháp luật
trên biển cho các quốc gia Đông Nam Á. Trong 5 năm 2012 - 2017, Hoa Kỳ đã cung
cấp riêng cho Việt Nam 450 triệu USD trong chương trình phát triển năng lực chấp
pháp trên biển.
Thứ ba, chúng tôi tin rằng cách thức tốt nhất để
duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nâng cao năng lực chấp pháp trên biển
của các nước Đông Nam Á để họ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Các nước Đông
Nam Á đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông và các nước đối tác chưa đạt được mức đầu
tư ấn tượng cho việc nâng cao năng lực chấp pháp trên biển nhưng nó chắc chắn
giúp cho mục đích đó. Chúng tôi tin rằng thực hiện việc hiện diện thường xuyên
trong khu vực với chiến lược thực hành quyền tự do hàng hải, cũng như nâng cao
năng lực chấp pháp trên biển và thực hành việc chấp pháp đó cho các quốc gia
này không phải là quân sự hóa vấn đề, không làm bất ổn hóa vấn đề, mà là giúp
làm ổn định khu vực.
Chúng tôi không chỉ thực hành quyền tự do hàng hải
trên Biển Đông mà đã làm nhiều hơn thế.”
No comments:
Post a Comment